Abramovich - Nhân vật quyền lực bí ẩn của điện Kremlin
Chương 17. Cái giá của sự giàu có
Người ta nói rằng tiền mua được tự do, nhưng khi bạn có nhiều tiền như Abramovich, bạn trở thành tù nhân của nó. Nguy cơ bị bắt cóc hoặc ám sát luôn hiện hữu và các biện pháp phòng ngừa đương nhiên đã hạn chế cuộc sống của ông rất lớn. Ông không thể tự do tản bộ trong công viên hay đi mua sắm bình thường như bao người khác trên đường phố Oxford. Gần như bất kỳ nơi nào muốn đặt chân đến, ông đều phải đi cùng với các vệ sĩ. Người ta nói rằng nơi duy nhất mà ông cảm thấy đủ an toàn để không cần vệ sĩ đi kèm là Chukotka. Ngay cả khi hai vợ chồng ông bay bằng trực thăng riêng sang khu trượt tuyết Courchevel ở Pháp để tìm mua nhà, thì họ cũng phải có thêm ba vệ sĩ đi kèm. Ở Anh, những vệ sĩ được săn lùng nhiều nhất chính là các "cựu Hereford", tức là các cựu thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm không quân (SAS) cừ khôi của Anh đóng quân ở Herfordshire. Theo một nguồn tin, Abramovich có một vệ sĩ trụ cột là "cựu Heroford", nhưng đa số nhân viên bảo vệ của ông đều là cựu đặc vụ của KGB. Nhiều khả năng đây là các cựu thành viên của đơn vị Alpha và Zenith của KGB trước kia. Các đặc vụ làm việc cho Alpha, chuyên trách địa bàn trong nước và Zenith, chuyên trách địa bàn nước ngoài đều là các đơn vị tinh nhuệ trong KGB – một tổ chức được cải tổ thành FSB sau khi chính quyền cộng sản sụp đổ. Abramovich được cho là cư trú ở Anh với hộ chiếu doanh nhân và theo luật di trú, ông được phép đưa "công nhân nội địa" từ nước mình đến. Điều này giúp ông duy trì một đội vệ sĩ lên tới 30 người và có thể cho bạn bè thuê mượn nếu họ cần gấp. Việc đi lại của Abramovich, tức là "ông chủ" theo cách nói của các vệ sĩ, chịu sự điều phối vô cùng cẩn trọng của một trung tâm kiểm soát có trách nhiệm giám sát việc đi lại của Abramovich, việc triển khai các vệ sĩ và bố trí các nhân viên khác. Trung tâm đầu não này cũng chịu trách nhiệm lập kế hoạch chi tiết cho các chuyến đi. Nhiệm vụ của Trung tâm trở nên khó khăn hơn kể từ khi Abramovich tiếp quản Chelsea và người ta dễ đoán định việc đi lại của ông hơn. Chẳng hạn, nếu Câu lạc bộ có lịch thi đấu ở thành phố Birmingham thì bất kỳ kẻ thù nào của Abramovich cũng đều có thể dự đoán rằng ông sẽ bay đến sân bay trực thăng địa phương vào ngày diễn ra trận đấu. Trong những tình huống như thế, một đội vệ sĩ sẽ được cử đi do thám trước. Công việc này đòi hỏi đội tiền trạm phải xác định được thời gian "ông chủ" đáp máy bay phù hợp nhất, lựa chọn tuyến đường di chuyển tốt nhất từ bãi đậu trực thăng đến sân vận động và phòng ngừa được tất cả các mối hiểm nguy rình rập trên đường đi. Họ cũng sẽ phải đánh dấu vị trí các bệnh viện gần nhất và thông báo cho cảnh sát địa phương về kế hoạch của ông. Trong trường hợp Abramovich sử dụng máy bay trực thăng, trung tâm điều phối cũng phải chịu trách nhiệm bảo đảm rằng đoàn xe bọc thép sẵn sàng đón ngay khi ông đặt chân xuống mặt đất. Tuy nhiên, thời gian sau trận đấu lại là lúc Abramovich có nguy cơ bị tấn công nhất. Rời khỏi sân bóng sau trận đấu, đương nhiên là Abramovich sẽ phải chịu cảnh giao thông vô cùng lộn xộn. Thế nhưng, là ông chủ Câu lạc bộ, Abramovich lại không thể tránh đám đông bằng cách lén rời đi khoảng 10 phút trước khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Những nguy hiểm khi ở trong chiếc xe ô tô chạy tốc độ rùa bò là điều hiển nhiên: Kinh nghiệm của Berezovsky, nạn nhân một vụ đánh bom xe điều khiển từ xa ở Moscow năm 1994, là một minh chứng đầy thuyết phục. Những rắc rối đặc biệt khó giải quyết tại sân Stamford Bridge và các mối quan ngại về giao thông có vẻ chính là nguyên nhân khiến Abramovich muốn xây một bãi đỗ trực thăng ngay trên sân thượng khách sạn Village Chelsea để ông có thể rời trận đấu bằng đường không chỉ vài phút sau khi trận đấu kết thúc thay vì phải bỏ ra một giờ đồng hồ đi bằng đường bộ. Thông thường, các vệ sĩ liên lạc với nhau bằng bộ đàm thoại không dây. Tuy nhiên, họ cũng mang theo một điện thoại di động và một máy nhắn tin. Theo luật, họ không được mang mang theo súng cầm tay. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Anh xác nhận: Tất cả các loại súng cầm tay đều bị cấm ở đất nước này. Bất kỳ ai muốn mang súng đều sẽ phải nộp đơn lên Ngoại trưởng để xin giấy phép đặc biệt theo Điều 5 trong Đạo luật Súng cầm tay năm 1968. Tôi sẽ không xác nhận hay phủ nhận việc cá nhân mà quý vị đề cập (Abramovich) có làm đơn trên hay không nhưng hoạt động bảo vệ theo Điều 5 không dành cho một cá nhân cụ thể. Người ta đồn rằng nhiều nhân vật đặc biệt quan trọng ở Anh vẫn sử dụng những đội vệ sĩ có trang bị súng bất chấp luật cấm. Nếu như vậy thì những vệ sĩ này đều khiến mình có nguy cơ phải lãnh án 5 năm tù giam theo Đạo luật Hình sự năm 2003. Sĩ quan cảnh sát là lực lượng an ninh duy nhất mặc nhiên được phép mang súng ở Anh, mặc dù có một số ngoại lệ dành cho những nhân viên an ninh tháp tùng các nguyên thủ quốc gia hoặc các chính trị gia nước ngoài được xem là đang ở trong tình trạng rủi ro cao. Vũ khí sát thương mạnh nhất mà các vệ sĩ có thể mang theo một cách hợp pháp là một chiếc dùi cui nhỏ. Vì vậy, các vệ sĩ phải theo học các khóa chiến đấu tay bo, phải luôn giữ cơ thể cường tráng và đầu óc tỉnh táo. Họ cũng trải qua các khóa huấn luyện kỹ thuật sơ cứu và thực hành sơ cứu khẩn cấp. Do tính chất nguy hiểm của công việc, tiền công của họ rất cao. Các vệ sĩ bảo vệ các nhân vật kiểu như Abramovich có thể nhận được khoảng 300 bảng một ngày. Ngay cả lái xe riêng của Abramovich cũng có mức tiền công cao hơn bình thường. Ngoài ra, đội xe của Abramovich bao gồm toàn xe bọc thép và các lái xe đều có kỹ năng điều khiển xe rất tài tình, đặc biệt trong những tình huống phải tẩu thoát. Nhờ tính hiệu quả của hệ thống an ninh này mà ngay cả những tay chuyên săn ảnh các nhân vật nổi tiếng thế giới cũng chẳng bao giờ chụp được ảnh của Abramovich. Kể từ khi đến sống ở Anh, Abramovich rất hiếm khi chụp ảnh mà không có sự bố trí từ trước, ngoại trừ khi ông đang lẫn trong đám đông xem bóng đá. Thực vậy, khi hòa cùng các người hâm mộ hâm mộ tại các trận đấu và ký tặng trẻ em tức là ông đang chấp nhận những rủi ro đã được dự tính trước. Theo thuật ngữ của ngành an ninh, các vệ sĩ của ông phải kẻ một đường giới hạn giữa "tiếp xúc và bảo vệ". Khi Abramovich trở thành nhân vật nổi tiếng thì không chỉ bản thân ông cần tăng cường sự bảo vệ mà cả gia đình ông cũng có nhu cầu đó. Không còn chuyện bà vợ Irina của ông đi mua sắm ở London mà không bị để ý. Thậm chí, việc bị các tay săn ảnh chụp lén đôi khi cũng diễn ra. Ngay cả các con của ông cũng bị ảnh hưởng. Cô con gái đầu vô cùng nản lòng khi cứ khoảng nửa tháng lại phải thay số điện thoại di động một lần vì bị quấy rầy. Vấn đề an ninh cũng không thể bị coi nhẹ ngay cả khi ông ở ngoài biển khơi. Chẳng hạn, chiếc du thuyền Pelorus được lắp kính chống đạn và hệ thống phát hiện tên lửa. Trong trường hợp xảy ra chuyện, ông có thể trốn thoát bằng một chiếc trực thăng hoặc tàu ngầm. Không còn nghi ngờ gì nữa, an toàn và an ninh là những ưu tiên hàng đầu của Abramovich khi ông đang trên biển và khi xảy ra tình huống xấu nhất trong mọi tình huống thì người của ông đều được chuẩn bị chu đáo. Thủy thủ đoàn của Le Grand Blue, Pelorus đều là khách hàng của Heliriviera, một công ty có trụ sở ở Cannes, Pháp chuyên về dịch vụ hỗ trợ bằng trực thăng cho chủ nhân của những du thuyền cỡ lớn. Chỉ riêng du thuyền Pelorus đã có hẳn có một sĩ quan phụ trách hạ cánh trực thăng và tối thiểu hai nhân viên phụ trách sàn đáp trực thăng trên thuyền và thiết bị cứu hỏa di động được bố trí sẵn sàng bảo đảm đủ năng lực xử lý trong mọi tình huống. Ở Nga, sự thận trọng về mặt an ninh của ông thậm chí còn tỉ mỉ và chi tiết hơn nhiều. Abramovich là ông trùm thuộc thế hệ trẻ và vào thời điểm ông xuất hiện, để có được sự giàu có thường phải lại quả, đút lót và hối lộ các quan chức chính phủ rất nhiều. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Abramovich từng sử dụng một trong những biện pháp trên để trở nên giàu có. Thế nhưng, trong một xã hội mà trung bình người dân chỉ kiếm được một vài trăm đô-la một năm và hơn 40% dân số được xác định là sống trong nghèo đói thì một người giàu có như vậy đương nhiên lúc nào cũng phải cẩn trọng. Về điểm này, giống như những ông trùm khác, Abramovich đã phải thuê một lực lượng vệ sĩ có thể miêu tả như một "tổ chức quân đội cá nhân". Lương các binh lính Nga thuộc hàng thấp nhất Châu Âu và nhiều người lính hết nghĩa vụ hoặc lính gác xuất ngũ thường bị hấp dẫn bởi viễn cảnh kiếm được hàng trăm đô-la mỗi tháng nếu trở thành các tay súng đánh thuê. Ngoài việc phải duy trì một đội ngũ bảo vệ, sự giàu có của Abramovich còn đồng nghĩa với việc tên của ông thường xuyên bị gắn với những hợp đồng mua bán lớn. Đây là điều nhanh chóng làm ông cảm thấy vừa thích thú vừa chán nản. Một lần đã rất khuya, ngay sau khi mua Chelsea, ông gọi điện từ Fyning Hill về nhà một người bạn ở Moscow là phát thanh viên Alexei Venediktov và than phiền: "Alexei này, báo chí ở đây cứ đưa tin về việc tôi mua hết nhà nọ đến nhà kia, cứ như kiểu là tôi muốn sở hữu cả Cung điện Buckingham nữa vậy. Tôi chỉ mới mua một căn hộ tầng trệt trong một tòa nhà ở London (khu chung cư ở phố Lowndes, Knightsbridge). Tức là, ngoài khu điền trang ở nông thôn, chỗ mà tôi tình cờ mua trước khi Berezovsky mua..." Nghe đến đây, Venediktov, một người luôn nghiêm túc và không thích buôn chuyện phiếm, ngắt lời ông: "Tại sao ông lại nói những chuyện này với tôi? Tôi không quan tâm. Giờ đã là quá nửa đêm ở Moscow, tôi muốn ngủ." Abramovich có vẻ buồn và giải thích với người bạn: "Tôi muốn anh là người đầu tiên biết những tin đồn đó không phải là sự thật". Khi nghĩ lại, Venediktov thừa nhận rằng bởi vì Abramovich hiểu rất rõ về sức ảnh hưởng của đài phát thanh Tiếng vọng, nên không thể nói đây là chuyện nhỏ mà thực sự cho thấy rằng Abramovich muốn xóa tan dư luận trước khi chúng lan ra khắp Moscow. Mặc dù Abramovich tuyên bố rằng ông không quan tâm đến dư luận, dù chúng tốt hay xấu, nhưng cũng như nhiều đồng hương, rõ ràng là ông ý thức sâu sắc về sự khó chịu ngày càng tăng ở Moscow về cách ông tiêu xài tiền (của ông, hoặc rất có thể là của họ) ở phương Tây. Thực ra, nguyên nhân dẫn đến việc Abramovich phải quấy rầy giấc ngủ của bạn mình là tin đồn ông đang đàm phán để mua ngôi biệt thự của ông trùm đường đua Công thức 1 Bernie Ecclestone ở Kensington với giá 85 triệu bảng. Nếu mua với mức giá đó, Abramovich hẳn sẽ lập kỷ lục mới về giá của một ngôi nhà tư. Ngôi nhà này được xây dựng ngay chính trên địa điểm của hai tòa đại sứ quán cũ trên đường Kensington Palace Gardens, một con đường nổi tiếng là "con phố của các tỉ phú". Bốn trăm nhân công được thuê mướn để xây ngôi biệt thự với 12 phòng ngủ, một phòng khiêu vũ, một phòng tắm hơi, một phòng triển lãm tranh ốp gỗ sồi, một salon tóc, một bể bơi và một gara cho 20 chiếc xe hơi. Phần lớn trong số chín nghìn feet vuông đá cẩm thạch dùng để nâng cấp ngôi nhà được lấy từ cùng một mỏ đá cung cấp loại đá từng được dùng để xây dựng tòa Taj Mahal. Ngôi nhà này càng thêm phần giá trị vì chỉ cách toàn cung điện của công nương Diana quá cố vài bước chân. Tin đồn Abramovich đang để mắt đến tòa biệt thự này bắt đầu lan ra khi ông trùm mời Ecclestone, người giàu thứ 7 nước Anh với khối tài sản tương đương 2,3 tỉ bảng, đến xem trận Chelsea gặp Newcastle United vào tháng 11 năm 2003. Phát ngôn viên của Abramovich John Mann cho biết: "rắc rối là ở chỗ mọi người gửi đủ các loại quảng cáo cho Abramovich và sau đó lại loan tin rằng ông quan tâm tới chúng để khuấy động sự chú ý của công chúng. Đó là một tình huống rất khó xử. Chúng tôi không thể giải thích được. Nếu chúng tôi có bác bỏ thì những thông tin loại đó vẫn sẽ trở thành những hàng tít trên trang bìa nên chúng tôi hầu như không muốn bận tâm đến chuyện đó nữa." Thực ra, việc Abramovich mời Ecclestone đến xem một trận đấu tại sân Stamford Bridge bản chất chỉ là một lời "cám ơn" lịch sự vì Ecclestone đã tổ chức cho gia đình ông đến xem giải Grand Prix châu Âu tại Nurburgring ở Đức hồi tháng 7 năm 2002. Thế là mọi người liền đồn đoán rằng Abramovich đang dự định đầu tư vào môn thể thao đua ô tô. Chính cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Anh Sven-Goran Eriksson cũng góp phần làm câu chuyện lan truyền đi nhanh chóng. Ngay sau khi xuất hiện bức hình chụp cậu con trai của Abramovich đang ngồi trong một chiếc xe hơi tại trạm tiếp liệu Minardi ở Numburgring, ông ta nói rằng Abramovich có thể sẽ đầu tư vào giải đua Công thức 1. Phát ngôn viên của trạm Minardi, Graham Jones đã phản bác rằng "chưa hề có cuộc trao đổi nào về việc này cả", nhưng tin đồn vẫn được đăng tải trên các tờ báo lá cải với dòng tít: "Abramovich đã sẵn sàng bơm tiền vào Giải đua Công thức 1." Bất chấp những lời phản bác, các phóng viên tỏ ra rất hào hứng theo đuổi chủ đề này. Họ đi đến kết luận rằng đội đua của Eddie Jordan, vốn đang gặp khó khăn về tài chính, sẽ là sự lựa chọn của Abramovich. Abramovich lại một lần nữa gọi điện cho Venediktov lúc đêm khuya, sau khi ông đọc được bài báo đưa tin rằng tỷ phú người Nga Abramovich đang tìm mua nhà ở thị trấn Sevenoaks, hạt Kent. Lần này câu chuyện có vẻ ly kì hơn. Người ta đồn rằng ông đã mua một ngôi nhà ở Đại lộ Wilderness giàu có, tổ chức lễ hội Bonfire Night mời tất cả hàng xóm láng giếng đến dự và rồi gọi điện cho họ vào sáng hôm sau đề nghị trả 2,5 triệu bảng cho mỗi ngôi nhà của họ (cao hơn giá thị trường khoảng 500 nghìn bảng). Theo tờ báo, ông có kế hoạch phá bỏ toàn bộ các ngôi nhà trong khu vực này và xây một dinh thự mới có diện tích khu vườn lên đến 12 mẫu Anh. Ngay cả giới kinh doanh bất động sản trong vùng cũng vô cùng kinh ngạc trước thông tin này. Một đại diện của hãng địa ốc Headland&Weald cho biết: "Chúng tôi không hề biết ông ấy có sở hữu bất động sản nào trong vùng hay không." Một tờ báo địa phương là tờ Sevenoaks Chronicle cũng tìm hiểu câu chuyện, song người phóng viên phụ trách việc này không đưa được câu chuyện đi đến đâu cả. Người này cho biết: "Chúng tôi đã tìm gặp tất cả đối tượng liên quan nhưng chẳng tìm được gì cả. Họ tỏ ra trịnh thượng và không muốn nói chuyện với những người kiểu như chúng tôi." Tờ Sunday Mirror lại tiếp tục kể về một ngôi nhà khác mà Abramovich định mua trong thời gian tới. Tờ báo đưa tin, Abramovich sẽ bỏ ra 29 triệu bảng để biến hai tầng trên cùng của một trường đại học ở Kensington thành một căn hộ áp mái sang trọng với 4 phòng ngủ và một bể bơi; thậm chí, ông còn đặt 5 nghìn bảng ở một quán rượu để "tổ chức tiệc cho 360 công nhân". Sau đó không ai còn nghe thấy gì thêm về chuyện này nữa. Những người Nga nghèo khó hẳn chẳng vui gì khi nghe tin Abramovich có kế hoạch phung phí thêm nhiều triệu bảng (phần lớn trong số bị cho là tiền "cướp bóc" được từ quê hương) vào trung tâm thương mại Fullham Broadway gần sân của Chelsea. Một tuần sau khi Abramovich kiếm được 1,8 tỉ đô-la từ việc bán đi một số cổ phần ở RusAl, người ta đồn rằng ông đang cân nhắc việc trả 95 triệu bảng để mua trung tâm này, nơi có một rạp chiếu bóng, một siêu thị, các cửa hàng, các quán bar và nhà hàng. Ở đây, triết lý "buôn chuyện để kiếm lời" của John Mann có vẻ rất đúng. Tất nhiên là cũng có những lời đồn đại về các khoản chi tiêu liên quan đến chính câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Nhiều bài báo trích "nguồn đáng tin cậy" đã đưa tin rằng Abramovich đang chuẩn bị bỏ ra 50 triệu bảng để đưa về Chelsea tiền đạo Thierry Henry của đội Arsenal, một cầu thủ mà Abramovich từng liệt kê vào danh sách các cầu thủ yêu thích của ông. Tuy nhiên, chuyện này rồi cũng chẳng đi đến đâu. Tiếp theo, người ta lại đồn rằng ông đã bỏ tiền túi để đưa 500 ông bạn người Nga đến xem trận Chelsea so giày với Manchester United tại sân Stamford Bridge vào tháng 11 năm 2003. John Mann cho biết "Giá một chiếc vé cả lượt đi lẫn lượt về là 1.500 bảng. Không phải là Abramovich trả số tiền đó cho 500 người mà chỉ trả cho 100 trong số 500 người đó." Ngay sau khi Chelsea thuê Stuart Higgins, cựu biên tập viên của tờ The Sun về làm cố vấn PR cho Câu lạc bộ, một bài báo của tờ Daily Telegraph đưa tin rằng Abramovich từng muốn thuê Godric Smith, cựu phát ngôn viên của Thủ tướng Anh, đảm nhiệm việc này. Thật chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Higgins phản bác: "Sự thật không phải như vậy." Những lời đồn không có thực về các khoản chi tiêu khổng lồ của Abramovich không chỉ bó hẹp ở trong nước Anh và Nga. Trong những chuyến đi Canada và Mỹ, những tin đồn vẫn không buông tha ông trùm. Sau một thời gian ngắn lưu lại Vancouver, người ta đồn rằng ông đang tìm cách mua đội Khúc côn cầu trên băng Canucks của thành phố này. Tuy nhiên, ngay cả khi Mann chưa kịp thanh minh thì một cổ đông lớn của Canucks tên là John McCaw đã khẳng định rằng ông chỉ muốn bán đội khúc côn cầu cho người trong nước. Những lời đồn đại vô căn cứ trên có thể khiến Abramovich thấy rất phiền hà, nhưng chúng có thể giúp cho một nhóm các nhà cố vấn, tham vấn và các nhà thầu được hưởng lợi. Khi vị tỉ phú nhiều tỉ đô-la này đến với thành phố nào, thì thế nào cũng có một số doanh nhân khôn ngoan ở đó có cơ hội kiếm chác đôi chút. Một trong số những công ty may mắn kiếm được lời lãi theo kiểu này là hãng tư vấn địa ốc Knight Frank. Công ty này đã dàn xếp để ông trùm mua thành công khu nhà ở West Sussex và căn hộ ở Knightsbridge và có tin là tiếp tục được Abramovich thuê để giúp mua một ngôi nhà ở London. Như chúng ta đều đã biết, ông chủ khu thương xá Harrods tên là Mohamed Al Fayed mặc dù đã trở thành bạn của Abramovich nhưng đồng thời cũng vẫn hưởng lợi từ vị tỷ phú này. Không chỉ có lợi từ việc Irina trở thành khách hàng ruột của Harrods kể từ khi đến London, mà với tư cách là ông chủ của bãi đậu trực thăng Battersea và Hãng hàng không thương mại Metro, Al Fayed cũng kiếm được khá nhiều tiền nhờ phong cách đi lại bằng đường không của Abramovich. Bởi thế, Al Fayed tất nhiên là không vui vẻ gì nếu ông chủ Chelsea xây bãi đậu trực thăng trên mái sân vận động Stamford Bridge. Ngoài ra, sân bay Farnborough, chỉ mất 15 phút đi trực thăng từ Battersea, cũng là một sân bay khác được hưởng lợi từ hầu bao của Abramovich. Heathrow và Gatwick cho rằng thị trường máy bay tư nhân đã làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh đường bay thương mại chủ chốt của họ, vì vậy họ thường hét mức giá cắt cổ với các nhà sử dụng cá nhân. Họ chuyển hoạt động kinh doanh này cho Luton và sau này là Farrnborough, một công ty thuộc quyền sở hữu của Hãng hàng không TAG do gia đình Ojjeh (doanh nhân Syria phất lên nhờ các hợp đồng mua bán vũ khí với Ả-rập Xê-út) điều hành. Trong hơn một thập qua, TAG đã biến sân bay quân sự trước đây ở Hampshire, phía đông nam London, thành một hình ảnh hoàn toàn khác. Với kiến trúc hiện đại và các nhà chứa máy bay công nghệ cao, sân bay này không chỉ duy trì tốt vai trò trước đây mà còn thu hút thêm rất nhiều khách hàng sang trọng. Farnborough còn có lợi thế hơn Heathrow và Gatwick nhờ sự kín đáo. Một nhân viên của hãng hàng không này đã quảng bá: "Nếu bạn muốn bay vào Anh mà không bị chú ý, thì Farnborough chính là địa điểm hạ cánh lý tưởng." Vì vậy, nơi này đã trở thành sân bay ưa thích đặc biệt của người Nga, đặc biệt là một người luôn dốc hầu bao một cách hào phóng như Abramovich. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu kim hoàn, văn phòng tuyển người, cửa hàng thủy tinh và đồ sứ đều thích thói quen tiêu pha của Abramovich. Chỉ riêng chi phí tiêu dùng của Abramovich bỏ vào nền kinh tế Anh cũng phải lên tới hàng chục triệu bảng.
Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me