Ngoại truyện - Thơ ấu 1
Trong các dòng cận đế thì hầu như nhà ai cũng hoa sai quả trĩu con cháu đầy đàn, chỉ riêng Hoài Đức vương Bà Liệt là ở cảnh hiếm hoi. Thành ra nếu lấy sách đỏ của hậu thế sau này làm thước đo, thiếu niên anh hùng Hoài Văn hầu có lẽ phải được nêu vào thang nguy cấp. Hoài Văn là đích tôn, cũng là độc tôn của Hoài Đức vương. Khi vừa lên ba, cậu đã theo cha mẹ ly hương sang xứ nhà Tống. Thời thơ ấu của Hoài Văn cứ thế lặng lẽ trôi đi ở phương Bắc, trong sự suy tàn tận gốc rễ của Tống triều, bên cạnh những người Hán bất đắc chí u mê tin vào tứ di. Ngay đến cả lũ trẻ bản xứ còn ngô nghê cũng không chơi cùng Hoài Văn. Vì người Nam và nước Nam xa xôi vẫn là một điều gì đó làm chúng phải dè chừng. Chúng thống nhất gọi Hoài Văn là tên tiểu Nam man mặt trắng, hòng phân biệt với những người Đại Việt có nước da đen xạm hoặc vàng bủng trong cùng đoàn sứ bộ, và thường dùng những ánh mắt chòng chọc nhòm ngó cậu từ phía xa. Thế nhưng trong những tháng ngày tẻ nhạt đến chẳng có gì để kể ấy, bên cạnh cậu hầu gia nhỏ tuổi người Đại Việt vẫn luôn luôn thấp thoáng bóng hình của một vị thanh mai trúc mã. Và người đó không ai khác chính là Triệu Ngọc Hoa, thiên kim tiểu thư con vị đại thần nhà Tống ở khu phủ kế bên. Phan sư phụ từng nói, mỗi người từ khi sinh ra đều đã mang sẵn trong mình một thứ thiên năng trời định. Nếu như ở Hoài Văn là thập bát ban võ nghệ, vậy còn Triệu Ngọc Hoa? - Thiên năng của muội ấy là khóc! Tiểu huynh mau đến đây chơi với muội! Chưa kịp đến: khóc. Mau quỳ xuống, tiểu huynh phải làm ngựa cho muội cưỡi! Không chịu quỳ: khóc. Tiểu huynh, mặt mũi tiểu huynh như vậy là đang trách muội phiền phức có phải không? Mau cười ngay cho muội! Có cười nhưng không tươi: khóc. Dường như bất cứ lý do gì trên đời cũng đều trở thành cái cớ cho Triệu Ngọc Hoa khóc lóc. Bởi vậy nên ban đầu Hoài Văn ghét Triệu Ngọc Hoa lắm. Cậu thường lánh những nơi mà đoán chắc ả họ Triệu có thể cùng đoàn tùy tùng đi qua. Nhưng càng lánh càng không ổn khi mà Triệu Ngọc Hoa có cha làm Khu mật sứ, anh trai lại là đại tướng trấn giữ hiểm thành Phiên Dương. Nên ả nghiễm nhiên là kẻ mà Tống cung cũng không ngán sục xạo thì cái sứ phủ bé nhỏ dùng để tiếp sứ đoàn Đại Việt kia có sá gì. Thế nhưng Hoài Văn càng nhịn thì Triệu Ngọc Hoa lại ngày một quá quắt. Và đỉnh điểm cho sự quấy nhiễu ấy là vào một buổi sáng nọ, khi Hoài Văn hãy còn mơ mơ màng màng đang được mẫu phi đút cho điểm tâm thì Triệu Ngọc Hoa đã ở ngay ngoài cửa phòng, léo nhéo gọi:- Trần công tử, huynh ngủ đã dậy chưa? Hôm nay trời hạ thanh mát, sen Tây Hồ nghe nói đã nở bông lớn lắm nên nương sẽ dẫn muội dạo chơi chốn ấy. Nhưng muội lại muốn chúng ta hãy cùng đi!Mới nghe đến đó thìa cháo trong miệng Hoài Văn nghẹn ứ. Cậu lúng búng đứng dậy toan lánh đi thì Triệu Ngọc Hoa đã xúi tỳ nữ đẩy cửa thản nhiên bước vào rồi.- Trần bá mẫu! Bá mẫu, Trần công tử hôm nay không bận chuyện gì chứ?Sau khi hành lễ với Hoài Võ vương phi một cách rườm rà nhưng vụng về, Triệu Ngọc Hoa ngẩng lên lảnh lót hỏi trong khi đôi mắt ả thì cứ dõi nhìn Hoài Văn ngồi bên mẹ một cách thích thú.- Không bận, không bận. – Vương phi hòa nhã đáp. – Thường ngày tệ nhi chỉ luẩn quẩn nơi sứ phủ học cùng sư phụ. Nếu Triệu đại tiểu thư có nhã ý, ta sẽ đi nói lại với phụ vương y. Nghỉ một buổi cũng không...Thế nhưng không để mẫu phi chưa kịp dứt lời, Hoài Văn đã lớn tiếng cản:- Triệu tiểu thư hãy trở về đi. Ta không đi với ngươi đâu!Lời từ chối thô lỗ ấy lập tức khiến khuôn mặt Triệu Ngọc Hoa trở nên biến dạng. Vẻ hớn hở tươi vui phút trước như bị gió cuốn mây trôi bay đi đâu hết, ả nhăn mày rồi tức thì khóc ré lên.- Triệu tiểu thư hãy khoan, chuyện đâu còn có đó... Hoài Văn, Triệu tiểu thư đã có lòng quý trọng tuyệt đối không được hành xử lỗ mãng.Tình thế chuyển biến khiến Hoài Võ vương phi phải tức tốc dời bàn trà ra bồng Triệu Ngọc Hoa lên, cũng như quay sang quở trách nhi tử của mình.- Nhưng Hoài Văn trước nay chưa từng thích chơi với lũ con gái. Đang nhiên bị mẫu phi quở, Hoài Văn vô cùng ấm ức. Cậu phụng phịu cãi nhưng những lời nói ấy vô hình chung càng làm Triệu Ngọc Hoa khóc to hơn. Cậu tức tối, trỏ vào khuôn mặt trắng mỏng sắp nhão ra vì nước mắt của ả, gắt:- Mẫu phi trông ả xem! Bị trỏ mặt, Triệu Ngọc Hoa nức nở trong tiếng nấc:- Nhưng huynh... huynh đã hứa sẽ thay đại huynh chơi với Ngọc... Ngọc Hoa... Mùa... mùa này đại huynh hay cùng... cùng đi xem hồ... Nên.. nên mới đến tìm huynh! Nghe vậy Hoài Văn tá hỏa cự:- Ta nào có hứa thay thế Triệu Trung? Hoàn toàn không có chuyện đó.- Huynh không tự nói ra nhưng... nhưng khi Ngọc Hoa bị sái chân... huynh... huynh đã nói được! Huynh đã nói được với ta rồi mà!Hoài Võ vương phi chau mày đứng giữa xem hai đứa trẻ đấu lý. Mỗi đứa đều giữ lý lẽ cho riêng mình và đều sẵn sàng giãy lên để bảo vệ lập trường ấy. Kỳ thực việc Hoài Văn từng có lần gặp Triệu Ngọc Hoa đi lạc bên ngoài và cõng cô bé một đoạn dài trả về Triệu phủ thì vương phi biết. Bởi sau đó họ Triệu còn mang lễ vật tới nói là cảm tạ, quan hệ hai nhà nhờ vậy mà có chút khởi sắc. Nay nảy sinh ra chuyện hứa hẹn không phải không có căn nguyên. Đặc biệt lời đáp gọn lỏn mà Triệu Ngọc Hoa nhắc lại thì quả thật đó là kiểu nói năng cộc cằn của con bà thường ngày. Vương phi e lúc ấy Triệu Ngọc Hoa khóc lóc dữ lắm còn Hoài Văn chẳng biết dỗ dành thế nào mới quấy quá hứa sông hứa bể với người ta để rồi quên mất. "Dù sao hai bên đều là con cháu nhà hiển hách một phương. Vả lại Triệu đại nhân đang là người nắm đại quyền, được Tống đế ân sủng. Kết thân với người Triệu phủ lúc này chỉ có lợi chứ không hại gì cho sứ đoàn. Hơn nữa Hoài Văn tính cách mười phần giống hệt phụ vương lại ngày ngày ở bên sư phụ. Hai người họ thì quá ư cứng nhắc, khiến thằng bé không những tối ngày đam mê chuyện vũ biền mà đã sớm tỏ ra cái ý không ưa gần nữ giới. Nếu như cứ thế sợ rằng nhi tử của ta trưởng thành sẽ sinh nhát nhiều chuyện. Vậy nên tận dụng cơ hội này ta phải thu xếp bằng được cho nhi tử kết thân với Triệu tiểu thư. Cốt yếu là để di dưỡng tính tình. Thứ nữa Triệu thị dẫu sao cũng là con nhà trâm anh nơi đất Bắc. Biết đâu đánh bạn với con nhà sang quý ấy con ta sẽ mê văn hơn võ, trở nên một người phong tư cao nhã. Việc này mà thành thì quả đáng thử nghiệm". Nghĩ vậy Hoài Võ vương phi liền nhanh chóng hạ quyết tâm:- Hoài Văn, Triệu đại tiểu thư là người nhà thế gia. Không thể nào có chuyện mang sự không có đi vu cho người khác. Vậy nên nếu từng có hứa hẹn gì thì cũng là do con không nhớ ra mà thôi. - Người nói đến đây dừng lại nhìn hai đứa trẻ đã ngừng tranh cãi và khuôn mặt đang ngây ngô không biết thế thượng sẽ thuộc về ai, nói tiếp. – Chuyện kết nghĩa ăn thề vốn là việc lớn trong đời. Trưởng thành thì tự bản thân còn thủa ấu nhi trước phải qua phụ mẫu hai bên tán đồng, nhiêu khê vô chừng. Cho nên Hoài Văn, dù không có chuyện kết bái nhưng trước mặt mẫu phi vẫn muốn con coi Ngọc Hoa như tiểu muội, yêu chiều nhất mực. Trước là để không sai khác lời hẹn, sau là coi như con chịu nể mặt mẫu phi phen này vậy. Vốn Hoài Văn chịu yên vì cứ nghĩ mẫu phi luôn luôn thuận theo ý mình, người sẽ nói hứa hẹn mà trắng đen nhập nhèm thế cũng chưa biết thế nào, hãy tạm quên đi! Nhưng nay thấy mẫu phi không những không bênh vực mà còn yêu cầu coi Triệu Ngọc Hoa như nghĩa muội, thì việc này đối với Hoài Văn chẳng khác nào họa trời giáng, còn khủng kiếp hơn chuyện phải đi Tây Hồ chơi với ả. Hơn ai hết Hoài Văn hiểu cái danh nghĩa huynh huynh muội muội kia sẽ chỉ khiến Triệu thị quấy phá cậu hơn mà thôi. Vậy nên Hoài Văn ghét, ghét lắm! Cậu vùng vằng với mẫu phi. Ai bảo mẫu phi bênh ả để Hoài Văn phải chịu kia chứ? Cuối cùng Hoài Võ vương phi vừa phải ôm Triệu Ngọc Hoa đang nức nở trong lòng, vừa cố níu lấy bàn tay hờn mát của nhi tử rồi nhìn cậu thống thiết gọi "Quốc Toản". Quả thực từ trước nay đây là lần đầu Hoài Văn thấy mẫu phi kêu cầu cậu một cách khẩn khoản đến thế. Người là hiền mẫu thương yêu cậu nhất trên đời, luôn luôn hậu thuẫn bất kể lý do. Nếu nói ra thì đã có bao lần mẫu phi chắn cho Hoài Văn khỏi những gia hình hà khắc của phụ vương vì nghịch ngợm chứ? Nay chỉ vì người ngoài cậu lại không thể khiến vừa lòng người hay sao? Nghĩ tái nghĩ hồi, Hoài Văn quay lại khó khăn nói:- Hoài Văn sẽ theo lời mẫu phi, từ giờ sẽ... sẽ chiều ý Triệu tiểu thư!Nói xong cậu thở dài."Hứa ta cũng đã hứa. Lát nữa sẽ phải cùng Triệu thị và mẫu thân ả đi trên một con thuyền toàn nữ giới ngoại tộc... nhưng lại chẳng được thấy bóng mẫu phi. Rồi cả ngày chỉ có mỗi việc qua qua lại lại hái sen Tây Hồ!?"Nghĩ đến đây bao nhiêu cay đắng trong lòng Hoài Văn dồn lên. Cậu bé mới lên bảy chạy ngay lại, dụi đầu vào một bên lòng mẫu phi mà không biết nước mắt đã ứa ra từ bao giờ. Cho đến khi bình tĩnh, Hoài Văn mới ngoảnh sang bên. Cậu những tưởng sẽ được thấy vẻ mặt đắc thắng của Triệu thị thì không ngờ ả đang hai má đỏ bừng, cổ họng thổn thức, mắt dưng dưng đau đáu. Thế mới biết ả hóa ra cũng đang chịu nỗi ấm ức không kém mình. Nên chính trong khoảnh khắc đồng cảm ấy, Hoài Văn chợt nghĩ sau này tốt hơn hết là không nên để tiểu muội phải khóc nữa. Với tay gạt nước mắt còn đọng lại trên má cô bé, cậu bỗng nhẹ giọng dỗ: - A Hoa nín đi. Muội nín rồi ta cùng đi. Ở Tây Hồ sẽ hái cho muội bông sen lớn nhất!Vậy là duyên phận huynh muội giữa tiểu hầu tước phương Nam cùng Triệu tiểu thư đã bắt đầu từ sự bất đắc dĩ đó. Sau này Triệu phủ biết chuyện cũng không hề tỏ ý cấm đoán mà còn vui vẻ cùng nhà Trần sứ quân bày lễ kết bái thật linh đình. Vì dẫu sao với họ Hoài Văn từng là ân nhân đã ra tay cứu giúp tiểu nữ. Còn về phần hai đứa trẻ, qua khoảng thời gian sớm tối quấn quýt bên nhau, cái thói đành hanh của Triệu Ngọc Hoa dần tiệt đi. Nó dường như tỷ lệ với sự chấp nhận của Hoài Văn dành cho cô em gái người Hán. Dần dà không cần Triệu Ngọc Hoa phải lùng tìm, Hoài Văn thường chẳng chần chừ mà tự khắc chạy lại mỗi khi thoáng nghe tiếng cười nói hoặc gào khóc của nghĩa muội từ đằng xa.- Tiểu huynh, tiểu huynh!- A Hoa, ta ở đây.- Cả ngày hôm qua tiểu huynh đã đi đâu, sao không thấy tới tìm muội?- À, ta phải học Thiên tự văn.- Thiên tự văn?- Phải. A Hoa à, nhân đây sắp tới có lẽ không thể ngày ngày chơi cùng muội được... Mới nghe nói đến đó mặt mày Triệu Ngọc Hoa đã nhăn nhó, ả i ỉ khóc:- Cái gì? Tiểu huynh nói không còn muốn chơi cùng muội nữa hả? Ư ư...- Không phải đâu. Đừng khóc! A Hoa, muội chịu khó nghe ta giải thích có được không?- Ư ư ư...- A Hoa, không phải, không phải đâu! Muội là tiểu muội ta yêu quý nhất trên đời, vậy nên không có chuyện ta không muốn chơi cùng muội đâu. Đừng khóc nữa!- Ư ư... Có thật không?- Thật. Muội lau nước mắt đã nhé?- Ừm. Rút trong tay áo ra chiếc khăn lụa luôn sẵn sàng, Hoài Văn nhẹ nhàng thấm hết nước mắt trên gương mặt nghĩa muội. Đợi khi Triệu Ngọc Hoa ngừng mếu máo và trông tươi tỉnh hơn cậu mới tiếp:- Vì năm nay ta đã lên tám, phụ vương muốn ta phải dành nhiều thời giờ cho việc luyện võ. Còn mẫu phi, người lại muốn ta học Thiên tự văn. Mà Thiên tự văn rất khó nên e rằng không thể ngày ngày rảnh rỗi sang tìm muội.- Vậy sao? Triệu Ngọc Hoa hỏi lại. Tuy nghe lọt tai những lời lẽ ấy nhưng cứ nghĩ đến chuyện không còn ngày ngày có tiểu huynh bên cạnh là đôi môi nhỏ của ả cứ chực bĩu ra mếu máo.- Tại sao đã luyện võ lại còn phải học chữ? Trước giờ không biết chữ tiểu huynh cũng đâu có sao đâu. Còn muội, nếu không có tiểu huynh chơi cùng muội sẽ buồn chết mất.- Muội đừng lo. Không phải bọn Triệu Thị [1] rất quý muội hay sao? Những lúc không có ta muội hãy tạm đi tìm bọn ấy... Nói đến đây Triệu Ngọc Hoa gạt phắt:- Hừ, muội mà thèm đến tìm mấy con người nhạt nhẽo ấy á? Hoàng đế ca ca tuy rất hay tặng muội quà nhưng huynh ấy lại vừa ngốc vừa yếu. Hôm trước muội rủ huynh ấy cùng đi thả diều, huynh ấy liền than sợ gặp gió sẽ cảm mạo phong hàn. Đúng là nhát chết mà! Còn như Văn công tử, nội nhìn bản mặt hắn muội đã không ưa rồi. Sao hắn có thể khác Văn bá phụ đến thế? Hắn nghĩ cứ đến Triệu phủ lân la thì muội sẽ chịu chơi với hắn sao? Viễn vọng! Còn tên béo xù Trịnh Hác thì khỏi nói. Phụ thân bảo cha hắn vốn là tên bán đậu phụ ở Bắc môn. Còn nói nếu Triệu gia qua lại cùng hạng người này là tự hạ thấp mình. Ầy da, phụ thân chung quy chỉ thích mỗi Tín vương. Còn nói muội chờ xem chừng nào hoàng đế ca ca ốm chết thì hắn sẽ thành chân mệnh thiên tử. Nhưng muội thì chỉ thích tiểu huynh thôi. Nên dù muộn thế nào khi tiểu huynh cũng phải tới tìm muội nhé. Muội sẽ chờ!- Muội chờ ta?- Phải. Dù sao cũng không thể để tiểu huynh trái ý bá phụ bá mẫu được. Nên khi nào học xong, luyện xong lệnh cho tiểu huynh phải tức tốc chạy tới tìm muội, có biết không? Hoài Văn chau mày nhìn gương mặt mới phút trước như chực chảy ra, còn giờ lại đầy vẻ quyết liệt của tiểu muội, ái ngại nói:- Nhưng sẽ muộn lắm. E rằng muội sẽ phải chờ rất lâu.- Không sao mà. Đã nói chờ tiểu huynh thì muội sẽ chờ cho kỳ được mới thôi. Tiểu huynh nhớ đến nhé. Nào, ngoắc tay hứa với muội đi!- ... Được. Vậy ta hứa với muội.- Có thế chứ. – Triệu Ngọc Hoa nhoẻn miệng cười. Dùng ngón út của mình ngoắc lấy ngón tay nhỏ và trắng nõn như một mầm cây của Triệu Ngọc Hoa mới chìa ra, bao nhiêu phân vân trong lòng Hoài Văn tan biến hết và cũng mơ hồ nhận ra cái êm đềm nơi tiếng cười dịu ngọt của tiểu muội.- À phải rồi. Tiểu huynh, chúng ta phải mau đi thôi. Đang ngoắc tay Triệu Ngọc Hoa đột nhiên giật mình, dùng bàn tay còn lại nắm chặt lấy bàn tay tiểu huynh đang ngoắc, ả kéo đi.- Nhưng đi đâu kia?- Tới thủy đình. Hôm nay nương làm dụ đầu cao [2], người nói muội đi mời tiểu huynh tới.Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang.Nhật nguyệt doanh trắc, thần tú liệt trương.Hàn lai thử vãng, thu thâu đông tàng.Nhuận dư thành tuế, luật lữ điệu dương.Vân đằng trí vũ, lộ kết vi sương... Ngồi trên bàn trà lớn giữa thủy đình, Triệu phu nhân vừa ôm Triệu Ngọc Hoa trong lòng vừa hướng về phía Hoài Văn vỗ tay không ngớt lại tỏ ra vô cùng tán dương khiến cậu bé chỉ biết đỏ bừng cả hai má. Ngoài mẫu phi ra, có lẽ Triệu phu nhân là bậc nữ lưu mà Hoài Văn kính trọng hơn cả. Bởi không chỉ vì bà vốn là con cháu dòng dõi Ngạc Vương [3] mà Triệu phu nhân còn sở hữu tính cách rất hào sảng, phóng khoáng.- Chà, nghe nói Trần công tử học Thiên tự văn mới được đầy tháng đã có thể thuộc làu làu chương thiên địa huyền hoàng rồi. Quả thật là một đứa trẻ mẫn tuệ... Kìa Hoa Hoa, đừng có đùa nghịch với đồ ăn nữa! Con xem tiểu huynh con đã đọc đủ mười lần thiên địa huyền hoàng rồi đó, con còn không mau nhắc lại cho nương xem đã nhớ được những gì? Triệu Ngọc Hoa đang nghịch ngợm bằng cách lấy từng miếng cao được cắt vuông vức trong đĩa xếp chồng lên nhau thì bị mẫu thân nạt, ả bĩu môi đáp:- Ngọc Hoa không có nghe, cũng không có nhớ gì hết. Ngọc Hoa ghét Thiên tự văn lắm!- Hồ đồ, sách vở cổ nhân truyền lại là thứ để con nói thích nói ghét hay sao?- Nhưng tại Thiên tự văn mà tiểu huynh không được chơi cùng Ngọc Hoa. Nương, đại huynh có nói nữ nhi không cần biết nhiều. Biết nhiều sẽ đau đầu, mặt mày suốt ngày nhăn nhó, rất xấu xí. Chẳng lẽ những lời đại huynh nói không đúng hay sao? - Đứa trẻ này thật lắm lý sự! – Triệu phu nhân vừa nói vừa cúi xuống túm cái cằm nhỏ nhắn giống hệt mình của con gái lắc lắc rồi mắng yêu: - Thường nhật con là đứa nhất nhất nghe lời của đại huynh con sao? Y hiện đã ở Phiên thành rồi, đừng có lôi ra làm bình phong nữa. Nếu không chịu học chữ thì sau này sẽ chẳng thể gả vào nhà nào đâu. Làm gì có chuyện nam nhân danh môn chịu lấy một người vợ không biết chữ kia chứ?- Hừm, ai nói vậy... vậy... vậy thì nương gả Ngọc Hoa cho tiểu huynh đi. Tiểu huynh nay đã biết chữ rồi. Nếu gả Ngọc Hoa cho tiểu huynh, sau này Ngọc Hoa có gì cần đọc sẽ bảo huynh ấy đọc lại cho nghe là được. Phải nào không? - Nói rồi Triệu Ngọc Hoa quay sang Hoài Văn như chờ đợi một sự ủng hộ. Nhưng chờ mãi vẫn thấy tiểu huynh chỉ cầm miếng cao ngây dại, chẳng có phản ứng gì. Ả nóng nảy hỏi: - Tiểu huynh! Sau này Ngọc Hoa gả cho tiểu huynh nhé?- Ta... ơ... ta...- Hừ, còn ậm ừ gì nữa? Là đang nói muội gả cho tiểu huynh đó. Còn không mau vui vẻ nhận lời? Chẳng lẽ tiểu huynh không phải nam nhân sao? – Nói đoạn ả không quên hừ mũi hăm dọa: - Hừ, dám ko đồng ý với muội xem! Che miệng nín cười trước cuộc đối thoại của hai đứa trẻ, Triệu phu nhân nghĩ trò đùa này đã đến lúc phải dập đi rồi. Bởi cậu bé ở phía đối diện có vẻ đã bị tiểu nha đầu trong lòng bà dồn ép đến khó xử.- Ngọc Hoa không được vô lễ. Hôn nhân đại sự, là chuyện tuyệt đối không thể mang ra đùa giỡn. Hơn nữa Trần công tử vốn không phải người Trung nguyên chúng ta...- Không phải Trung nguyên thì sao?- Thì sớm muộn tiểu huynh con cũng theo sứ đoàn hồi hương. Cậu ấy lại còn là con cháu của vương tộc phương Nam nữa. Nghe nói dòng dõi ấy không phối ngẫu theo lối thông thường, nên biết đâu thân đi sứ nhưng ở Đại Việt tiểu huynh con đã được sắp sẵn một mối lương duyên tốt lành rồi, đâu còn ở đó để con vô duyên bức bách? Vả lại hai con bây giờ đã được coi là nam nhân, nữ nhân để bàn tới hay sao? Nói rồi bà đưa tay xoa đầu Triệu Ngọc Hoa đang cáu kỉnh vì đuối lý. Vốn nghĩ trò đùa đãcó thể kết lại thì bỗng nhiên nhi tử nhà Trần sứ quân bỗng đứng dậy, hướng khuôn mặt bướng bỉnh về phía bà dõng dạc hỏi:- Triệu bá mẫu, nếu Hoài Văn cam tâm tình nguyện... người sẽ gả Ngọc Hoa cho Hoài Văn phải không?
Chú thích:[1] Triệu Thị: tên húy của Tống Đoan Tông (1268 - 1278).[2] Dụ đầu cao: dụ đầu là khoai sọ, cao là bánh.[3] Ngạc Vương: chỉ Nhạc Phi. Tống Ninh Tông sau khi giải oan cho Nhạc Phi đã truy phong ông là Ngạc Vương (1211).
Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me