LoveTruyen.Me

Dia Ly Kinh Te Nghien Cuu Van De Gi Doi Tuong Nhiem Vu Phuong Phap

 Địa lý kinh tế là một chuyên ngành vừa thuộc kinh tế học ứng dụng vừa thuộc địa lý học nhân văn chuyên nghiên cứu về địa điểm, phân bố và tổ chức không gian của các hoạt động kinh tế. Nó áp dụng các phương pháp nghiên cứu cả của kinh tế học lẫn của địa lý học nhân văn.

 A.  Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của Địa lý kinh tế:

Thời gian và không gian là hai hình thức tồn tại cơ bản của vật chất. Mọi quá trình, mọi hiện tượng đều diễn biến theo thời gian và trong một không gian nhất định. Các quá trình, hiện tượng kinh tế xã hội cũng vậy. Chúng hình thành, tồn tại và phát triển dưới hai hình thức cơ bản nói trên.
Các quá trình kinh tế xã hội được biểu diễn dưới hình thức không gian bằng các hệ thống lãnh thổ kinh tế, xã hội rất đa dạng, ngày càng phức tạp. Tuỳ theo chức năng hoạt động phát triển của con người, hình thành và hoạt động các hệ thống lãnh thổ các ngành sản xuất và kinh doanh, các hệ thống lãnh thổ các ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội, các hệ thống quần cư (phân bố dân cư), hệ thống đô thị, hệ thống các trung tâm, đầu mối và vùng công nghiệp, hệ thống các vùng kinh tế.
Mỗi một hệ thống như vậy đều có lịch sử hình thành, tiềm năng và nguồn lực bên trong, cơ cấu tổ chức, các mối liên hệ bên trong và bên ngoài của mình, thường có một hạt nhân (trung tâm) và ranh giới nhất định.
Địa lý kinh tế là một môn khoa học xã hội, nghiên cứu các hệ thống lãnh thổ kinh tế xã hội nhằm rút ra những đặc điểm và quy luật hình thành và hoạt động của chúng để vận dụng vào tổ chức không gian (lãnh thổ) tối ưu các hoạt động kinh tế xã hội trong thực tiễn.

Phân bố các hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: môi trường, xã hội, chính trị, lịch sử, v.v... Địa chất có thể ảnh hưởng tới tính sẵn có của nguồn lực, địa hình, chi phí vận tải, và chất lượng đất từ đó tác động tới các hoạt động kinh tế. Khí hậu có thể ảnh hưởng tới tính sẵn có của nguồn lực (như lâm sản) và quy hoạch vùng nông nghiệp. Các thể chế xã hội và chính trị đặc thù của một khu vực cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới những quyết định kinh tế.

Địa lý kinh tế tập trung nghiên cứu các khía cạnh không gian của những hoạt động kinh tế ở các quy mô khác nhau. Khoảng cách tới một thành phố hay khu trung tâm thương mại (với tư cách là một thị trường có nhu cầu về các sản phẩm) đóng vai trò quan trọng trong quyết định kinh tế của xí nghiệp. Trong khi đó, các nhân tố khác như đường ra biển và nguồn nguyên liệu thô nhưdầu lửa lại ảnh hưởng tới những điều kiện kinh tế của các nước. Chẳng hạn, như vị trí cảng biển đối với kinh tế Singapore hay dầu lửa đối với kinh tế Saudi Arabia.

 + Phân bổ sản xuất: phân bổ sản xuất là đối tượng nghiên cứu chính của địa lý kinh tế. Phân bổ sản xuất (nói một cách đầy đủ là phân bổ các lực lượng sản xuất theo lãnh thổ) là một trạng thái động biểu thị sự phân bổ, sắp xếp các lực lượng sản xuất theo lãnh thổ phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của các vùng riêng biệt và được xác định bới những đặc điểm phân công lao động theo lãnh thổ hiện có trong hệ thống kinh tế -xã hội ấy

 + Tổ chức xã hội theo lãnh thổ: Địa lý kinh tế không dừng lại trong việc nghiên cứu tổ chức lãnh thổ của các hoạt động sản xuất. Trong những điều kiện tiến bộ của hoa học kỹ thuật hiện nay, nhiều lĩnh vực phục vụ đang xâm nhập mạnh mẽ vào các địa bàn sản xuất và ngày càng giữ một vai trò to lớn trong đó. Địa lý kinh tế không thể không nghiên cứu các hoạt động thuộc lĩnh vực này: lưu thông, phân phối, thông tin, liên lạc, nghỉ ngơi, giải trí, du lịch, chữa bệnh, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, chính trị, dân cư.

 + Những điều kiện và đặc điểm phát triển sản xuất:

 - Những điều kiện, phát triển sản xuất của một nước hay một vùng bao gồm những nhân tố khách quan tác động tới các hoạt động sản xuất ở đó, chủ yếu là các điều kiện, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dân cư và các nguồn lao động, các nhân tố kinh tế lịch sử , xã hội chính trị và quân sự

 - Nững đặc điểm phát triển sản xuất của một nước hay một vùng là những điểm khác biệt thể hiện ra trong quá trình phát triển sản xuất của mỗi nước, mỗi vùng qua từng giai đoạn phát triển sản xuất của mỗi nước, mỗi vùng qua từng giai đoạn phát triển lớn. Những đặc điểm ngày có liên quan tới mọi hoạt động sản xuất xã hội trong nước, trong vùng và vì vậy ảnh hưởng tới phân bố sản xuất tổ chức sản xuất lãnh thổ.

  B.  Nhiệm vụ nghiên cứu địa lý kinh tế học:

Địa lý kinh tế là một môn kinh tế mang tính tổng hợp cao, cho nên nghiên cứu địa lý kinh tế có những đóng góp rất quan trọng về mặt lý luận, phương pháp luận, phương pháp cũng như thực tiễn tổ chức không gian kinh tế xã hội.
Trong giai đoạn hiện nay Địa lý kinh tế Việt Nam tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp chiến lược cho các vấn đề chủ yếu sau đây:
1. Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển phân công lao động xã hội theo lãnh thổ của Việt Nam, khả năng hội nhập của Việt Nam vào tiến trình phân công lao động khu vực và quốc tế.
2. Hoạch định chính sách và chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xã hội theo lãnh thổ (theo vùng) nhằm tạo ra những chuyển dịch cơ cấu kinh tế lãnh thổ mạnh mẽ và có hiệu quả theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
3. Những đặc điểm và quy luật hình thành và hoạt động các hoàn toàn lãnh thổ chức năng (các ngành và lĩnh vực kinh tế), các hoàn toàn lãnh thổ tổng hợp, đa năng (các vùng kinh tế, các địa bàn kinh tế trọng điểm, các vùng hành chính kinh tế)
4. Phương pháp luận và phương pháp phân vùng và quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội, phân bố lực lượng sản xuất.
5. Những đặc điểm và quy luật hình thành và hoạt động các hình thức tổ chức không gian các loại hình đô thị, các khu công nghiệp tập trung, các khu công nghệ cao, các khu chế xuất, đặc khu kinh tế, khu mậu dịch tự do.
6. Phương pháp luận và phương pháp lựa chọn vùng, địa điểm cụ thể cho phân bố và đầu tư phát triển các loại hình cơ sở sản xuất và kinh doanh.
7. Mối quan hệ giữa nâng cao hiệu quả và bảo đảm công bằng theo chiều ngang (vùng) trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái.
8. Mối quan hệ giữa kế hoạch hoá và quản lý theo ngành với kế hoạch hoá và quản lý theo lãnh thổ giữa quản lý vĩ mô và quản lý vi mô về mặt lãnh thổ.

C. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để thực hiện có kết quả những nhiệm vụ trên đây, các nhà địa lý kinh tế dụng một tập hợp rộng rãi các quan điểm tiếp cận và phương pháp nghiên cứu truyền thống cũng như hiện đại, các phương pháp nghiên cứu của nhiều môn khoa học liên quan.
1. Quan điểm tiếp cận hệ thống và tổng hợp đối tượng nghiên cứu của địa lý kinh tế khá rộng lớn, liên quan tới nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh có quy mô và bản chất khác nhau nhưng lại tương tác chặt chẽ với nhau. Vì vậy các nhà nghiên cứu Địa lý kinh tế phải sử dụng thường xuyên, nhất quán các quan điểm tiếp cận hệ thống và tổng hợp.
2. Quan điểm động và lịch sử. Quá trình kinh tế và xã hội không ngừng vận động trong không gian và biến thiên theo thời gian. Để định hướng đúng dắn sự phát triển tương lai của chúng, cần phải có quan điểm động và quan điểm lịch sử.
3. Phương pháp phân tích hệ thống, đối tượng nghiên cứu của Địa lý kinh tế là những hệ thống động phức tạp, bao gồm nhiều phần tử có bản chất khác nhau, thường xuyên tác động qua lại mang tính thang cấp rất rõ rệt. Muốn hiểu rõ những đặc điểm và tính quy luật vận động, hành vi của chúng, cần phân tích các mối liên hệ đa dạng, đa chiều bên trong và bên ngoài hệ thống về các mặt số lượng, cường độ, mức độ chặt chẽ.
4. Phương pháp dự báo, giúp cho ta định hướng chiến lược, xác định các mục tiêu và kịch bản phát triển trước mắt và lâu dài của đối tượng nghiên cứu Địa lý kinh tế một cách kết quả, có cơ sở khoa học phù hợp với các điều kiện và xu thế phát triển của hiện thực.
5. Phương pháp cân đối liên ngành, liên vùng được sử dụng rộng rãi trong kế hoạch hoá phát triển vùng nhằm phát hiện ra các mặt yếu và thiếu để tập trung đầu tư các nguồn lực cần thiết, tạo ra các cân đối vĩ mô theo lãnh thổ, bảo đảm sự phát triển bền vững.
6. Phương pháp mô hình hoá toán kinh tế. Cho phép tổng hợp hoá, đơn giản hoá các thông số hoạt động, các mối liên hệ đa dạng phức tạp của các đối tượng nghiên cứu Địa lý kinh tế trong thực tiễn, làm nổi bật các đặc trưng cơ bản, quy luật vận động của đối tượng và điều khiển tối ưu quá trình phát triển của chúng.
7. Hệ thống thông tin Địa lý là một cơ sở dữ liệu trên máy tính hiện đang được sử dụng rộng rãi để lưu giữ, phân tích, xử lý các thông tin về không gian (lãnh thổ)
8. Phương pháp bản đồ là phương pháp truyền thống được sử dụng phổ biến trong địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn, địa lý kinh tế và nhiều môn khoa học khác. Các nghiên cứu Địa lý kinh tế được khởi đầu bằng bản đồ và kết thúc bằng bản đồ.
9. Phương pháp khảo sát thực địa cũng la phương pháp truyền thống, đặc trưng của Địa lý kinh tế, sử dụng phương pháp này giúp cho ta tránh được những kết luận, quyết định chủ quan, thiếu cơ sở thực tiễn.
10. Phương pháp viên thám ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều môn khoa học. Nó cho ta một cách nhìn tổng quát nhanh chóng hiện trạng của đối tượng nghiên cứu, phát hiện những hiện tượng, mối liên hệ khó nhìn thấy trong khảo sát (thực địa)
11. Phương pháp chuyên gia được sử dụng trong trường hợp thiếu thông tin hoặc đối tượng nghiên cứu không thể lượng hoá, nhưng lại cần phải đưa ra các kết luận, các kiến nghị, các quyết định, lựa chọn các phương án.
12. Phương pháp phân tích chi phí, lợi ích giúp cho các nhà ra quyết định ở mọi cấp đưa ra những quyết định hợp lý về sử dụng bền vững và có hiệu quả các nguồn lực, lựa chọn các chương trình, kế hoạch dự án phát triển trên cơ sở so sánh chi phí với lợi ích.

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me