LoveTruyen.Me

Duyen Sinh Duyen Khoi

Khi hai người xuống lầu vào phòng ăn thì các món đã được dọn lên. Người hầu mặc quần áo vải cộc đang đứng chắp tay ở đó, cúi đầu chờ sai bảo.

Bàn ăn hình chữ nhật đặt ở trung tâm phòng, nhìn sang phải là hành lang nối thông với bếp. Đây là bộ có tám ghế ngồi, làm từ đá trắng cẩm thạch nhẵn bóng, mặt bàn sáng đến độ tưởng chừng có thể phản chiếu mặt người. Giữa bàn được bày chân nến cao có ba giá đỡ bằng sắt mạ vàng, bên trên là ba ngọn nến đang cháy rực. Một bình hoa ly đương độ nở rộ được đặt ở đầu còn lại của bàn ăn, toả hương thơm lừng.

Bữa cơm hôm nay có ba món một canh, lượng mỗi dĩa không nhiều không ít, vừa đủ cho hai người, không mang cảm giác xa hoa lãng phí. May mắn đều là các món ăn Việt, Trường Khanh cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Văn Bắc lịch thiệp kéo ghế, mời anh ngồi đối diện mình rồi hắn mới vòng qua phía bàn còn lại, tao nhã ngồi xuống. Người hầu thấy hai người yên vị xong xuôi thì tiến lên sắp chén đũa trên bàn. Sắp xong cũng lui xuống bếp, trả lại không gian yên tĩnh.

Văn Bắc chủ động cầm chén của Trường Khanh bắt đầu xới cơm. Một bát cơm trắng dẻo được đặt ngay ngắn trước mặt.

Trường Khanh còn chưa kịp nói lời cám ơn thì một phần thịt cá chiên còn nguyên lớp da béo giòn đã được gắp vào chén. Văn Bắc gỡ cá rất mau, không bị nát, xương dăm nhỏ cũng được lọc sạch để sang một cái dĩa nhỏ bên cạnh. Hắn gỡ cá không cần lật, chắc theo phong thuỷ tin rằng ăn cá không được trở mình, tránh để bản thân đi thuyền đò bị sóng đánh úp không may.

Văn Bắc gỡ xong một con cá thì chuyển sang múc một chén canh gà nấu cải ngọt với gừng băm nhuyễn, đặt bên phía tay trái của Trường Khanh. Hắn nói: "Húp một chút canh cho ấm bụng."

"Cá này ngon lắm. Cám ơn anh." Trường Khanh gãi nốt ruồi son trên sóng mũi. Anh quả thực thích ăn cá nhưng thường lười gỡ xương, là thói quen từ tấm bé.

"Xương nhỏ nhiều nên phải để ý. Tôi sợ cậu không quen dẻ cá (1)."

"Dạ. Ngày xưa tôi từng bị hóc, nuốt mấy viên cơm nguội, uống mấy ngụm nước tới căng phồng bụng cũng cứ còn đau nhức cổ họng. Thành ra về sau có tâm bệnh, thấy cá nhiều xương sẽ hơi sợ."

Văn Bắc nhìn anh một cái, miệng hơi há ra rồi khép lại. Hắn cười nhẹ, cầm đũa bắt đầu ăn.

Đồ ăn nấu rất ngon, cực kì vừa miệng. Thức ăn trong dĩa nhanh chóng thấy đáy. Cơm nước xong xuôi, Văn Bắc lại mời Trường Khanh ra ban công trên lầu uống trà hóng gió. Anh không tiện từ chối, chậm rãi theo sau.

Ngoài ban công được đặt một bộ bàn ghế nom cực kì thoải mái. Ghế tựa đan bằng tre, lót gối chèn bông bọc lụa gấm. Ghế đặt quay hướng ra ngoài, lưng đối vào trong nhà. Ngồi trên ghế đưa mắt nhìn xuống dưới chính là khoảnh sân vườn tươi tốt thoáng đãng nhà hắn. Bóng cây như ẩn như hiện thành nhiều hình thù kỳ lạ. Đã giữa hè nhưng ở đây lại chẳng quá oi bức, gió thổi khiến từng tầng lá rung lên xào xạc, giống một bản nhạc giao hưởng của đất trời ngày hạ. Anh còn ngửi thấy mùi ẩm của đất và gỗ, mùi của thiên nhiên, mùi của hoa nở đêm muộn.

Lại hướng tầm mắt ra xa, phía đó chính là chóp kiến trúc cao tầng của những con phố lung linh ánh đèn. Ban công không cao nên tầm nhìn không quá xa. Nhìn lên cao nữa là bầu trời rộng cùng vầng trăng tròn vành vạnh. Đêm nay không sao, mây cũng mờ nhạt, lộ hẳn cả quầng trăng mờ mờ dịu dàng.

Trên bàn gỗ nhỏ đã được bày biện sẵn các dụng cụ pha trà và thưởng trà như hỏa lò, siêu đồng nấu nước, hũ đựng trà, ấm trà và bộ đồ trà bằng sứ ký kiểu (2). Ngoài ra còn có cả thìa xúc trà, kẹp gắp bã trà, giỏ than, lò trầm hương nhỏ và một hộp bánh mứt hai tầng. Chúng lẳng lặng nằm đó, nhưng lại có thể bộc bạch trọn vẹn sự chu đáo hiếu khách của chủ nhà.

"Shan tuyết cổ thụ và nõn tôm, cậu thích loại nào?" Văn Bắc tay mở nắp ấm, tay cầm thìa hỏi Trường Khanh.

"Nõn tôm đi ạ" Trường Khanh nhìn hai hũ đựng trà bằng gỗ trên bàn, phân vân giây lát rồi đưa ra quyết định. Shan tuyết vị đậm đắng dễ cồn cào. Trà tôm nõn ngược lại nước pha có màu xanh nõn chuối trong, hương dày sâu thơm mùi cốm nếp. Vị trà tôm nõn ít đắng mà nghiêng về hậu vị ngòn ngọt nên Trường Khanh tất nhiên sẽ thích hơn.

Suy cho cùng, khẩu vị của anh từ nhỏ đã được nuôi dưỡng theo đặc trưng vùng miền thiên ngọt. Khẩu âm của anh vốn cũng đặc sệt kiểu Nam Bộ, những lúc chuyện trò ở nhà anh sẽ theo thói quen dùng phương ngữ. Nhưng sinh sống ở Gia Định lâu, thường ngày anh cũng cố gắng hạn chế, để mọi người ở đây dễ nghe hiểu.

Văn Bắc cười mỉm, giống như biết sẵn câu trả lời, tay đã mở hũ đựng lá tôm nõn sao khô (3) từ lúc Trường Khanh còn mải suy nghĩ chọn lựa. Trái biệt với đôi tay dày rộng có phần thô ráp của mình, Văn Bắc có vẻ rất thành thạo và quen thuộc trong các bước pha trà, vốn là việc cần sự tỉ mẩn chỉn chu.

Hắn xúc trà bỏ vào ấm, đổ nước sôi từ siêu đồng đang nấu trên hỏa lò cho xâm xấp mặt trà. Đợi vài giây thì gạn bỏ nước, bước này gọi là tráng trà. Trà sau khi được tráng thì mới bắt đầu đổ nước vào mà đậy kín nắp, hãm tầm nửa khắc. Lần này trà sẽ trong và thơm hơn rất nhiều.

Chắc là vì Văn Bắc có gốc gác từ miền ngoài, trà cụ của hắn được chuẩn bị có hơi khác với bộ đồ trà của Huế. Bộ trà cụ này có bảy món cả thảy, gồm có bốn chén tốt, một chén tống, một dĩa bàn và một dĩa dầm (4). Thông thường trà sau khi được rót vào chén tống sẽ để cho lắng cặn rồi mới đổ sang các chén tốt để thưởng thức. Còn dĩa dầm và dĩa bàn là hai loại dĩa dùng để lót chén tống và chén tốt, kích thước khác nhau nên không dễ bị nhầm lẫn.

Tiếng than củi cháy bập bùng nổ lách tách. Mùi trầm hương cũng được đốt lên quanh quẩn nơi chóp mũi của Trường Khanh. Đêm tối như càng sâu hơn đặc hơn bởi nguồn sáng ít ỏi trước mặt. Anh liếc nhìn khuôn mặt nửa sáng nửa tối điềm nhiên đang chăm chú pha trà kia, chẳng biết bản thân đang suy nghĩ gì.

Hay thực ra anh cũng chẳng muốn nghĩ ngợi, chỉ muốn tận hưởng chút thời gian thư giãn hiếm có và bầu không khí yên tĩnh hợp ý mà thôi.

Trong lúc chờ trà, Văn Bắc mở hộp bánh mứt ra, vị ngọt quánh đặc trưng của trái cây sênh đường xộc vào khứu giác. Tầng trên có mứt củ sen, mứt gừng thiên về ngọt thanh hay được dùng để khai trà, được đặt trong khay lót giấy dầu hút ẩm. Tầng dưới lại xếp bánh đậu xanh, vị ngọt đậm bùi, thích hợp ăn khi dùng trà.

Mùi trà và bánh mứt phút chốc hòa quyện cùng nhau dần dần tản mác trong không khí. Không như rượu vừa ngửi sẽ say váng vất, trà dịu dàng hơn, lắng đọng hơn nhưng cũng làm cơn mê đến chậm rãi hơn.

Văn Bắc rót trà ra chén, giọt trà không hề bị rơi vãi. Tiếp đến chén trà được đặt trên dĩa bàn rồi mới đưa đến tay của Trường Khanh.

Anh nhận lấy, hơi nóng vừa vặn, không tới mức làm phỏng đầu lưỡi. Anh nhấp thêm một ngụm, đầu ngón tay lướt qua bề mặt sứ trắng sáng bóng mướt mát. Một sự đối lập giữ nóng ấm và lành lạnh làm anh hơi quyến luyến, mân mê không nỡ dời tay.

Chén trà mà Văn Bắc đưa cho anh có miệng rộng, thành thấp và lòng nông, xương sứ mỏng giúp trà mau nguội hơn. Ấm trà mà hắn dùng để pha cũng được làm bằng loại men trắng sứ vẽ lam hình mai hạc, có đề thêm hai dòng thơ chữ Nôm theo thể lục - bát. Đây là bộ trà cụ thường được dùng cho dịp "hạ ẩm", hơi khác biệt với "xuân thu ẩm" và "đông ẩm" (5).

"Người này cũng thực hết lòng hết dạ mà đãi khách." Trường Khanh nghĩ thầm.

"Hôm nay vốn định mời trà, anh lại đảo khách thành chủ mất rồi." Qua một tuần trà, Trường Khanh ngước nhìn bầu trời chẳng một gợn mây, thanh giọng nói.

"Có sao?" Trường Khanh không cần quay đầu cũng biết người này lại đang cười. Chẳng thể hiểu nổi.

"Cơm thực ngon. Trà cũng thực ngon. Cám ơn anh vì đã luôn thịnh tình đối đãi." Trường Khanh nói tiếp. Đối mặt với Văn Bắc, anh cảm giác bản thân cứ nói thẳng những cảm nhận trong lòng sẽ tốt hơn, không cần dùng thơ từ văn vẻ hoa mỹ làm nền làm chi.

"Thôi được rồi. Vậy cậu đây bắt mạch cho tôi nào." Văn Bắc chớp mắt. Kế đó hắn ngửa cổ tay để trên bàn, một bộ chờ anh ra trận, mình thì đã sẵn sàng chịu đựng.

Trường Khanh cười vang hai tiếng. Người đàn ông này trông nghiêm túc là thế, nhưng luôn biết cách giải toả tâm trạng cho người khác, khi ở cạnh cảm giác rất tự nhiên.

Anh vén tay áo, đầu ngón tay chạm vào mạch đập áng chừng, nhận ra thân nhiệt Văn Bắc khá cao: "Anh bị nóng trong người, dạ dày không khoẻ, cần tránh ăn đồ dầu mỡ cay nóng. Anh nên bớt hút thuốc và thức đêm, dùng thêm nghệ trộn mật ong theo tỉ lệ để dưỡng dạ dày." Trường Khanh nói bằng giọng điệu nghiêm túc.

Văn Bắc ngồi một bên chăm chú nghe, khoé môi vểnh cao. Hắn nhìn tay anh một cái, nhấp trà. Ngừng một lát, hắn lại hỏi: "Chuyện nhà cậu..."

"...Má tôi nói gì cũng không chịu chữa, nhất quyết không kể nửa lời. Tôi chỉ đành cho má uống thuốc cầm chừng mà thôi." Trường Khanh thu tay về, rầu rĩ.

Đoạn, anh nhìn người bên cạnh: "Dù tôi biết nói nhiều sẽ thành dư thừa. Nhưng tôi vẫn thực lòng thực dạ cảm tạ anh. Một thời gian nữa có thể tôi sẽ không ở đây được. Trước lúc đó, anh cần gì cứ nói với tôi. Tôi sẽ dốc sức hoàn thành."

"Cậu đi đâu?" Văn Bắc có vẻ bất ngờ, đột nhiên trở nên nóng nảy, giọng nói hơi lớn.

Anh bị giật mình, quay phắt đầu nhìn sang.

Hắn có vẻ cũng biết mình lỡ lời, hắng giọng: "Cậu định đi đâu thế?"

"Tôi định về quê tìm hiểu chút chuyện cũ. Sắp xếp xong việc ở đây, tôi sẽ đi."

Văn Bắc rũ mắt, khoé môi mím lại. Như đã nghĩ xong gì đó, hắn ngước mắt: "Quê cậu ở đâu?"

"Hà Tiên."

"Trùng hợp quá, sắp tới tôi có một chuyến hàng về Hà Tiên. Cậu có muốn cùng đi không?"

"Khéo vậy! Nhưng tôi sợ ảnh hưởng công việc của anh, tôi tự đi vẫn hơn."

"Tôi đang cần một vị thầy lang đi theo. Miền Tây mùa nước nổi nhiều dịch bệnh, tôi sợ đoàn đội từ miền khác đến đó không quen." Văn Bắc lại nói tiếp: "Là người có sức khoẻ, nhanh nhẹn và trung thực, tránh làm trễ nãi hành trình. Vừa lúc cậu cũng đang có dự định, sao không đi cùng tôi? Tôi trả lương hậu hĩnh lắm. Cậu rồi sẽ nhẹ gánh tiền thuốc của má."

Lần này tới phiên anh dao động. Lời đề nghị như miếng bánh từ trên trời rơi xuống này quả nhiên nghe rất hấp dẫn. Đúng là anh về quê cần có lộ phí. Tiền ăn tiền thuốc của má và vú ở nhà đồng thời không thể thiếu. Bỏ lỡ dịp này, việc anh trở về tìm hiểu có thể sẽ bị kéo dài. Anh ngập ngừng.

"Cầm cái này đi." Vừa nói hắn vừa lấy ra một quyển sách mỏng, đưa cho anh.

Thấy anh giương mắt nhìn, hắn giải thích: "Cảnh nói xem chừng má cậu không dễ bị thuyết phục. Nhưng hắn hứng thú muốn làm người đầu tiên ở Đại Nam này chữa cái bệnh đó, nên hắn sẽ còn cho người sang khuyên nhủ. Sách là tôi nhờ hắn sao lại một bản, ghi chép một số triệu chứng độc dịch và các loại bệnh kỳ lạ hiếm gặp, mong là trợ giúp được cậu nhiều hơn."

"Cái này...lại là món quý giá quá..." Anh chần chừ, cảm động không dám nhận lấy ngay. Nhưng lòng không nỡ. Phàm là thầy thuốc, có ai từ chối những kiến thức hữu ích đâu.

"Cậu đã nói việc gì cần cậu giúp, cậu quyết sẽ không từ." Văn Bắc ngước lên bầu trời, khẽ thở dài vu vơ.

Đột nhiên anh hiểu ra hắn lại đang nói khéo, muốn âm thầm giúp đỡ mình. Nhưng hắn không ép buộc anh, chỉ nói tới lui mấy bận làm anh nghĩ suy. Ngừng một chốc, thôi thì quyết định cứ theo lời hắn đi vậy.

"Anh đó...Khi nào thì khởi hành?"

"Mười ngày sau. Mười ngày sau cậu chuẩn bị kịp không?" Hắn nở nụ cười, như thể cá đã cắn câu mà đắc ý. Nhưng khi hắn nghiêng đầu nhìn anh, khuôn mặt đã trông như thể bình thường.

"Vậy được. Tôi sẽ cố gắng." Trường Khanh gật đầu.

Mười ngày này Trường Khanh không hề nhàn rỗi, ngược lại anh vô cùng bận bịu sắp xếp mọi sự từ trên xuống dưới.

Anh xin nghỉ ở quán hát, lòng cũng hơi buồn vì đã gắn bó cùng mọi người được một thời gian. Anh mua thêm một số thang thuốc cảm sốt đau bụng thường gặp, phân loại bằng các tờ giấy màu, dặn má đưa cho thôn dân khi cần. Thuốc của má anh cũng để riêng, dặn đi dặn lại ăn gì uống gì cho đúng.

Lại nói, Văn Bắc chu đáo cho anh ứng trước tiền công tháng đầu, hòng giúp anh chi trả các khoản tiêu trong nhà lúc vắng mặt. Lương bổng quả như lời hắn bảo, hậu hĩnh tới mức Trường Khanh sửng sốt không dám tin. Anh đưa bà vú tiền sinh hoạt. Phần còn lại anh đem mua gạo thịt trữ trong bếp, mua thêm mấy con cá đồng thả trong chum. Anh còn cho thằng bé kế nhà một xâu tiền, nhờ nó hàng ngày sang kéo nước sẵn.

Tối hôm trước khi đi, anh nấu một nồi canh chua tép đồng với cơm gạo tẻ thịnh soạn. Cả nhà ngồi quây quần bên bàn cơm.

Trường Khanh nhấc tay múc canh ra chén, chậm rãi nói: "Mấy ngày nữa con sẽ đi theo đội buôn làm việc. Má và dú ở nhà nhớ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi đúng giờ đúng giấc nghen."

"Con đổi chỗ mần đó đa. Chừng nào con dìa?" Bà ba ngồi bên cạnh, nhẹ nhàng hỏi.

"Con cũng chưa biết. Nhưng con sẽ biên thư cho má."

"Má...xin lỗi con..." Bà Kiều rơm rớm nước mắt.

"Thôi thôi trời đánh tránh bữa ăn. Con hổng hỏi má chi hết. Má yên tâm." Trường Khanh buông đũa, vội vàng vỗ vỗ lưng bà. Đoạn anh quay sang nói với bà vú: "Mọi sự trong nhà xin nhờ dú coi nom."

"Cậu cứ yên chí đặng mần ăn cho mạnh giỏi nghen." Bà vú gật gật đầu.

Câu chuyện đến đó thì dừng. Trường Khanh lại nói sang các vấn đề củi gạo dầu muối trong nhà. Bầu không khí ấm áp hài hòa.

Đêm, Trường Khanh tất bật gói ghém vài bộ quần áo để ngày mai lên đường. Anh còn đem theo mấy quyển y thư gối đầu, soạn lại hòm thuốc, đem theo các hũ đựng cao bôi thuốc giảm đau linh tinh. Nhìn quyển sách mới cáu vừa được nhận cách đây không lâu, anh quyết định cũng để vào túi nốt.

Đương lúc này, má từ ngoài đi vào: "Đồ đạc xong hết chưa con?

"Sắp rồi má. Má còn chưa đi ngủ?"

"Má định dặn con đôi ba câu, đặng cho bớt lo xong mới đi nằm."

"Con lớn rồi mà má!"

Bà ba nghe anh nói vậy thì bật cười: "Lớn cỡ nào thì vẫn quài là thằng nhỏ của má thôi hà." Đoạn bà lại nói: "Sắp tới con đi mần ăn xa nhớ sức khoẻ quan trọng nhứt. Nếu mà cực khổ quá thì con cứ dìa đây. Má con mình có rau ăn rau có cháo ăn cháo."

"Dạ. Con tranh thủ xong thì con về thăm má liền" Trường Khanh nắm lấy tay bà, nghèn nghẹn.

Bà ba kiễng chân, xoa đầu anh. Rồi bà lại lén dùng tay áo lau nước mắt, hít hít cái mũi.

Trường Khanh vờ như không thấy, gắng nở một nụ cười tươi: "Công việc mới khả quan lắm má."

"Con trai má thiệt là giỏi. Cuối cùng con cũng được mần thứ con thích" Bà ba cũng cười. Trong đôi mắt bà đạm chút niềm vui.

Hai má con hàn huyên thêm mấy câu thì bà trở về phòng. Trường Khanh nhanh chóng lên giường nằm. Sớm ngày mai Văn Bắc đã dặn xe lại đây đón. Hắn bận chút việc phải đi trước, sẽ hội họp ở tỉnh Định Tường rồi cùng đi.

Định Tường lúc này đã bị Pháp cho viên chức cai trị, ranh giới vẫn theo lệ cũ không thay đổi. Người dân cũng thường đi lại buôn bán, chỉ cần nộp lệ phí và đóng thuế má đầy đủ là qua. Văn Bắc đưa cho Trường Khanh một túi nhỏ đựng mười quan tiền (6), dặn anh đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Trường Khanh siết túi tiền, gật đầu tỏ ý đã hiểu.

CHÚ THÍCH:
1 dẻ cá: Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên ghi nhận hai động từ "vẽ".
- Vẽ 1: Tạo hoặc gợi ra hình ảnh sự vật trên một mặt phẳng bằng các đường nét, màu sắc như "vẽ tranh", "vẽ bản đồ". Chữ "vẽ" này còn có nghĩa là chỉ cho bày cho, như "vẽ đường cho hươu chạy" hoặc bày đặt thêm cái không cần thiết, như "vẽ chuyện".
- Vẽ 2: Gỡ phần nạc ra khỏi xương. Từ này ít dùng, hầu như chỉ dùng trong "vẽ cá", "vẽ ngô", tức là tách phần hạt ngô ra khỏi cái lõi (có chỗ cũng gọi là "tẽ ngô").
"Đại Nam quấc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của cũng ghi nhận hai chữ "vẽ" tương tự. Chữ "vẽ" thứ hai Paulus Của giảng "lấy đũa mà bẻ ra, xắn ra (nói về cá thịt kho nấu nguyên khúc)".
Trong "Việt Nam tự điển" của Hội Khai trí Tiến Đức cũng ghi nhận hai chữ "vẽ" như trên. Chữ "vẽ" thứ hai được giảng là "tách tỉa ra" và cho ví dụ là "vẽ bắp ngô", "vẽ khúc cá".Do cách phát âm của địa phương, nên "vẽ cá" thường nói thành "dẻ cá", hoặc vài kiểu dẽ, vẻ,... nữa tuỳ nơi.l

2 Bộ đồ sứ ký kiểu: trích từ sách "Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Tác giả Trần Đức Anh Sơn sử dụng thuật ngữ đồ sứ ký kiểu trong cuốn sách "dùng để chỉ những đồ sứ do người Việt gồm cả vua, quan và thường dân đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian nửa sau thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề".
3 sao khô: gọi tắt của "sao vàng hạ thổ", nghĩa là đổ dược liệu lên chảo, rang cho đến khi có mùi thơm ngả vàng, thường được dùng trong y học cổ truyền. Bước hạ thổ sẽ có hoặc không tuỳ nguyên liệu
4 Bộ đồ trà thời Nguyễn: thường có các món: tống, tốt, dầm, bàn. Tống, còn gọi là tướng, là chiếc chén lớn dùng để chứa nước trà rót ra từ ấm, đợi lóng cặn rồi mới chuyển sang các chén tốt. Tốt, còn gọi là quân, là các chén nhỏ để uống trà. Dầm là chiếc dĩa lót chén tống.
Bàn là chiếc dĩa có chức năng như chiếc khay nhỏ chứa các chén tốt. Người Huế uống trà thường chỉ có ba người (trà tam, tửu tứ), nên bộ đồ trà sứ ký kiểu dành cho người Huế thường có năm món, gồm: ba chén tốt, một chén tống và một dĩa bàn, không có dĩa dầm, vì chén tống sẽ được úp chồng lên một chén tốt ở trên dĩa bàn.
Trong khi đó, bộ đồ trà sứ ký kiểu của người Bắc thường gồm bảy món: bốn chén tốt, một chén tống, một dĩa bàn và một dĩa dầm. Trong mỗi bộ đồ trà, chén tốt và chén tống giống nhau về dáng kiểu, chỉ khác nhau về kích thước. Dĩa bàn và dĩa dầm cũng tương tự. Cả bốn thứ này đều có chung đề tài và kiểu thức trang trí.
5 Bộ trà cụ "hạ ẩm": Mỗi bộ đồ trà được sử dụng vào một mùa thích hợp trong năm. Xuân sang, thu về thì dùng đồ trà xuân - thu ẩm. Hạ tới dùng đồ trà hạ ẩm. Đông đến thì có đồ trà đông ẩm. Chén xuân - thu ẩm có miệng đứng, thành cao vừa phải, xương sứ có độ dày trung bình; chén hạ ẩm có miệng loe rộng, thành thấp, nông lòng, xương sứ mỏng để nước nhanh nguội; chén đông ẩm có miệng kín, thành cao, sâu lòng, xương sứ dày để giữ nhiệt lâu hơn.
6 Quan tiền: 1 quan = 1 mạch (hay 10 tiền) = 600 đồng tiền kẽm.
150 đồng tiền lớn (150 x 4 = 600) là 1 quan (theo tỷ giá 1:4)
200 đồng tiền nhỏ (200 x 3 = 600) là 1 quan (theo tỷ giá 1:3)

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me