LoveTruyen.Me

em có nghe?

1

bbicuarenjun

Chớm đông về, từng đợt heo may cuối cùng lả lướt qua tán lá đang rụng dần chỉ còn khẳng khiu những cành gầy xơ xác, hàng cốm với đôi quai gánh quen thuộc cũng mất dần nhường chỗ cho vài bảng hiệu đồ ấm bụng mọc lên. Thành phố yên bình thay áo mới, khoác lên mình một màu ưu tư. Lại một năm nữa sắp trôi qua, lại thêm một ngày dài nơi cõi trần thế. Quay qua quay lại cũng đã vừa vặn hai mươi mấy năm rồi. Thiếu tướng Hoàng năm nay đã ngoài năm mươi cũng chuẩn bị đến độ tuổi nghỉ hưu nhường lại vị trí cho lớp trẻ dẫn dắt, ngần ấy thời gian phục vụ cho quân đội cũng đã mài mòn con người gai góc ngày nào. Người ta thường nói rằng, Hoàng Nhân Tuấn bây giờ không thiếu một cái gì, quyền cao chức vọng, nhà có nếp tẻ đủ cả lại được bốn phương kính trọng, sống một cuộc đời mà hàng ngàn người ao ước. Mỗi lần nghe vậy Nhân Tuấn cũng chỉ cười cho lấy lệ rồi chua chát nhấm miếng trà cho thấm giọng, tôi chưa từng mong mình có thể đứng ở đây, nếu được đổi lại tôi xin được đổi cho những đồng đội đã nằm xuống trên mỗi đoạn đường mà tôi đã đi qua.

Đổi cho họ một cuộc đời mà họ chưa từng được thấy sau này. 

Nghĩ lại khoảng thời gian nhảy vào trong đống lửa đỏ rực như muốn thiêu đốt tất cả Hoàng Nhân Tuấn lại thấy đau đớn vô cùng. Những vết thương ngoài da thịt sẽ lành lặn trở lại nhưng nỗi khắc khoải sâu trong chính tâm hồn lại chẳng thể buông tha. Mỗi sáng hành quân tập dượt Lý Thái Dung luôn kiểm diện quân số đầy đủ rồi mới giao cho Nhân Tuấn, mười lần như một đều vỗ vai đồng đội giọng nói nghiêm lại :

- Giao cho cậu từng này người, khi về phải trả lại đủ cho trung đội của tôi. Tôi thuộc tên từng đứa rồi, Chiến, Thắng, Quân, Dân, An, Toàn dưới kia còn nhiều lắm, đừng có mà khai khống người đấy.

- Rõ thưa đồng chí, tôi hứa đi đủ về đủ.

Gần ba mươi năm trong ngành, Hoàng Nhân Tuấn luôn là người nhảy vào biển lửa trước cũng là người ra ngoài cuối cùng để thực hiện lời hứa mỗi lần làm nhiệm vụ, không ai bị bỏ lại phía sau. Lý Khải Xán đi rồi, Lý Đế Nỗ không còn, La Tại Dân hy sinh nơi chiến trường đầy khói đạn, Hoàng Nhân Tuấn kiên cường chiến đấu một mình suốt ngần ấy năm. Một  nhóm bốn người lính giờ chỉ còn một mình, Nhân Tuấn hiểu rõ hơn thảy tất cả những đau khổ mà mình đã phải chịu đựng nên chẳng dám để vết thương ấy xuất hiện ở trong tim đồng đội thêm một lần nào nữa.

-

- Bố Tuấn ơi, hôm nay bố có muốn đi thăm các chú không ạ? Hôm nay con được nghỉ, anh Tại Tuấn rủ bố con mình đi ạ. - Hoàng Nhân Ái ngồi bệt dưới sàn nhà vừa tranh thủ xỏ giày vừa nói vọng vào trong. 

- Tại Tuấn về lúc nào thế sao bố không biết nhỉ? Thế còn Khải Minh đâu?

- Về sáng nay ạ. Ôi giào bố cứ lo cho Khải Minh làm gì, anh ấy lớn tồng ngồng rồi tự khắc biết đường mà mò về chứ. Bố đi không con đợi này.

- Ờm đợi bố thay áo đã.

Hoàng Nhân Ái năm nay vừa tròn hai mươi tuổi, con gái út ít của Hoàng Nhân Tuấn. Người ta nói con gái giống bố quả không sai chút nào. Nhân Ái càng lớn tính tình lại càng giống bố hồi trẻ, khuôn miệng lúc nào cũng chúm chím và đôi mắt thì sáng như sao trời lại còn khéo tay, thích vẽ vời, từ tầng một đến tầng thượng chỗ nào cũng thấy vài ba bức tranh phong cảnh do con bé tự vẽ. Bức tranh bốn người lính đang đứng quay lưng về phía đồng xa đang được để ngay ngắn trong tủ kính cũng là do Nhân Ái tự tưởng tượng và phối màu. Chú Xán, chú Nỗ, chú Dân và bố Tuấn, mong mọi người đều cảm thấy hạnh phúc.

Ngược lại Hoàng Khải Minh thì lại khác, người ngoài nhìn vào liền cảm thấy dường như giữa Nhân Tuấn và Khải Minh có một đường ranh giới chia đôi hai thế giới. Một điều có lẽ là sợi dây liên kết hai cha con chính là lòng quả cảm, một người là lính cứu hỏa dày dặn kinh nghiệm, một người là đặc công đang công tác ở một thành phố khác. Hoàng Nhân Tuấn không hề ngăn cản con trai đi vào con đường nguy hiểm ấy bởi người cha ấy biết rõ tính con mình hơn ai hết, mặc dù chẳng hề giống nhau nhưng lối suy nghĩ của cả hai vẫn luôn là tổ quốc nhân dân lên hàng đầu. Nhưng chẳng có ai lại muốn con mình chui đầu vào chỗ chết cả. Trong kí ức của Nhân Ái, bố Tuấn là người động viên Khải Minh đi làm nhiệm vụ nhưng cũng là người nửa đêm còn ngồi ngoài ghế đá đợi anh về. 

Vì Hoàng Nhân Tuấn biết rõ cái giá của sự bình yên đắt đến thế nào.

Vùng biên giới có được yên bình như hôm nay phải đánh đổi bằng máu thịt của đồng đội. La Tại Dân và Lý Minh Hưởng trúng bao nhiêu viên đạn súng là bấy nhiêu lần tâm thức người ở lại vỡ tan. Cái giá phải trả đắt đến như vậy nhưng người ta vẫn cố gắng trao đổi để mang về hai chữ bình yên. Người lính sinh ra đâu phải để hy sinh, thế mà trong hoàn cảnh ấy họ vẫn quyết định gửi chính mình lại cho đất mẹ thân thương.

Ngày hôm nay trời trong nắng đẹp, có lẽ cũng là cái nắng cuối cùng của mùa thu rồi. Con đường dẫn vào nghĩa trang bỗng dưng thoáng đãng đến lạ kì. Người ta trồng hải đường hai bên bồn cây, cũng chẳng cao lớn lắm nhưng vẫn mang lại sức sống giữa nơi lạnh lẽo tang thương này. Hoàng Nhân Tuấn ghé thăm nơi này vô số lần nhưng mỗi lần đến lại mang một cảm giác khác, tựu chung lại vẫn là nỗi đau đến xé lòng đang trực trào trong huyết quản. Đúng mười hai tiếng ngắn ngủi, quân đội mất đi ba người lính ưu tú, mẹ mất con, trung đội mất đi người anh, người đồng chí dũng cảm. Tham dự nhiều nhiệm vụ lớn nhỏ, Hoàng Nhân Tuấn có lẽ vẫn chỉ ám ảnh duy nhất vụ cháy ngày hôm ấy. Vì là lần cuối cùng được nghe thấy giọng của Khải Xán, lần cuối cùng được chiến đấu cùng Chí Thịnh, lần cuối cùng nghe tin về nhiệm vụ của Đế Nỗ và cũng là lần cuối cùng trong kiếp sống này được gặp lại La Tại Dân. Trước đây cứ nghĩ phải là duy nhất mới là đặc biệt, nhưng sau này đi làm nhiệm vụ vào sinh ra tử nhiều vô kể thì mới thấu rằng duy nhất còn đáng sợ hơn là một trong số.

Người duy nhất còn sống sau khi làm nhiệm vụ.

Hay,

Một trong số nhiều đồng chí còn an toàn bước ra từ khói lửa.

Cái nào đau đớn hơn?

Nhân Ái đi trước, tay ôm theo đóa hướng dương mới mua ở tiệm hoa cách đó không xa, hoa vừa hái nên bông nào bông nấy vẫn còn vương lại một vài giọt sương mai. Từ hồi còn nhỏ lắm, con bé đã được bố dắt đến đây thành ra nơi này trở nên vô cùng quen thuộc. Trong kí ức của Nhân Ái, bố Tuấn đã từng quỳ rất lâu và khi trở ra mắt mũi của bố đều ửng đỏ, có lẽ vì quá lạnh hoặc cũng có lẽ là vì một lí do gì đó. Ngày nhập học đại học của anh trai, hai đứa em tới đây cùng bố để thăm các chú, bố thắp từng nén nhang rồi dặn dò Khải Minh :

- Bố không muốn con học theo bố, bố muốn con trở thành một người lính kiên cường, tận trung với đất nước và nhân dân. Con học theo gương của các chú, lúc nào cũng phải trong trạng thái sẵn sàng. Chiến đấu cùng đồng đội nhất định phải bảo vệ đồng đội. Hiểu chưa?

- Hiểu rồi ạ.

Rồi bố lẩm bẩm điều gì đó, Nhân Ái chỉ mang máng nhớ là thế này, Khải Minh theo Tại Dân, cháu nó còn nhỏ lắm chưa hiểu chuyện gì đâu chỉ được cái cứng đầu cứng cổ giống bố, các cậu linh thiêng nhớ phù hộ cho Khải Minh bình an vô sự nhé.  Biết là nguy hiểm cận kề nhưng mình không sẵn sàng tiễn con trai đến chỗ các cậu đâu.

- Tại Tuấn này, dạo này bố cháu thế nào rồi? Tim có khỏe không? - Nhân Tuấn đẩy gọng kính, nhìn cậu trai bên cạnh. 

Tại Tuấn gật đầu, gương mặt tươi tỉnh hơn rất nhiều :

- Bố cháu khỏe ạ, mà dạo này bận quá nên chẳng đi đâu được, sáng nay cháu vừa về thì bố đã giục đi thăm các chú rồi, bố bảo tranh thủ không chú bận quá lại không gặp được.

- Bận gì đâu, bố em ở nhà chăm cây suốt ấy mà, có chăng là Khải Minh thôi. - Nhân Ái khoác tay bố, cười hì. Công nhận bình thường đã giống bố rồi cười lên lại còn giống hơn nữa, Chung Thần Lạc mỗi lần thấy hai bố con Nhân Tuấn là lại buột miệng trêu, photo không cần công chứng thế này đi lạc khéo người ta dẫn về tận cửa nhể.

- À Khải Minh dạo này bận lắm hả chú? Nghe em Ái kể chẳng mấy khi về nhà.

- Ừm bận lắm, công văn trên bộ gửi xuống phải phối hợp với đồn biên phòng cửa khẩu dẹp vụ vượt biên. Mấy tháng rồi không thấy tin tức gì, hôm nay nghe cháu về chú cũng định hỏi là bao giờ Khải Minh mới được phép.

- Có chân thì ắt biết về thôi bố, anh Tại nhỉ?

Hoàng Nhân Tuấn lắc đầu, cốc nhẹ vào đầu trán gái, lúc nào cũng nhanh nhảu thế mới tài. Bác sĩ mà mồm mép tép nhảy thế này thì sao mà chuyên tâm khám bệnh đây. 

Điểm dừng chân của ba người là ba tấm bia mộ liền kề nhau, trên di ảnh ai nấy đều nghiêm trang, ánh mắt sáng ngời đầy lí tưởng và khát vọng của tuổi trẻ. Phải rồi những người lính ấy đều mới chỉ hai mươi mấy ba mươi, chưa lập gia đình, vẫn đang trải qua thời gian đẹp nhất của đời người. Phải chăng thời gian đẹp nhất là thời gian đã qua, nơi đẹp nhất là nơi chưa kịp tới nhỉ? Hoàng Nhân Tuấn chăm chú nhìn tấm bia mộ ở bên phải, nhiêu năm trôi qua như thế rồi mà cậu ấy vẫn như ngày hôm nào. Đẹp nhất là tuổi hai mươi quả chẳng sai. Cứ đinh ninh rằng thời gian chẳng đáng sợ chút nào nhưng mới nhắm mắt lại đã qua mấy chục năm, người đã già đi còn người vẫn kẹt lại ở khoảng không ấy chẳng thể thoát ra nổi, khi ấy mới thực là tàn nhẫn.

Hoàng Nhân Tuấn năm nay đã năm mươi bảy tuổi.

La Tại Dân vĩnh viễn hai mươi bảy xuân thì.

Bằng tuổi rồi dần dà trôi đi đã là một phần ba cuộc đời. Chẳng mấy chốc lại là một kiếp người. 

Một làn gió thổi qua vạt áo của người thiếu tướng, chạm lên mái tóc của cô con gái mới hai mươi rồi nhẹ nhàng nằm lên vai người con trai đang thắp nén nhang thơm, lượn một vòng mới trở lại thinh không. Mỗi lần đến nơi này cảm giác như mọi lo toan phiền não đều biến mất có lẽ các chú còn trẻ, còn muốn chơi nên chẳng muốn tiếp nhận bất cứ đau khổ nào cả, Nhân Ái sẽ không muốn bố biết rằng người biết nhiều bí mật của con bé nhất chính là ba người chú chưa hề gặp lần nào.

- Ba cậu có linh thiêng phù hộ cho Khải Minh bình an vô sự, cho Tại Tuấn hoàn thành nhiệm vụ, cho Nhân Ái nên người. Còn về tớ, đồng đội ở đây tớ bảo vệ đừng hòng đòi lấy ai cả, nghe chưa?

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me