Khi Dong Minh Thao Chay
Ngày 24 tháng Bảy 1974 là ngày quan trọng trong lịch sử Hoa kỳ: Tối Cao Pháp Viện phán quyết Tổng thống Nixon phải chuyển cho chánh án Sirica băng ghi 4 cuộc nói chuyện tại văn phòng toà Bạch Ốc. Những băng này có liên quan tới việc xét xử sáu quan chức trong vụ Watergate. Nó có đầy đủ chứng cớ nói lên một tình huống trái ngược hẳn với những lời giải trình trước đó của Nixon. Chỉ sáu ngày sau cuộc đột nhập vào trụ sở đảng Dân chủ, ông Nixon đã tuyên bố là mình không biết gì về vụ này. Thực ra là chính Nixon đã biết hết những hành động che dấu của các nhân viên thừa hành. Và như vậy, ông đã lừa dối nhân dân Mỹ kể từ lúc đó.
Khi có phán quyết như thế thì nếu không từ chức, việc truất phế Tổng thống Nixon cũng chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Phán quyết của chánh án Sirica đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của Tổng thống Nixon. Một cách trực tiếp, nó đã ảnh hưởng sâu xa đến sự tồn tại của Việt nam cộng hoà.
Ngày Song Bát
Trước 10 giờ sáng ngày thứ năm, mồng 8 tháng Tám 1974,
Phó Tổng thống Ford chủ toạ lễ trao Huân Chương Danh Dự Quốc hội cho gia đình của bảy người lính tử trận ở Việt nam tại Blair House, nhà khách của Tổng thống. Lễ nghi vừa xong, ông liền được tướng Alexander Haig, (sau này là Tổng Tư Lệnh NATO và Tổng trưởng ngoại giao Hoa kỳ). Chánh Văn phòng cho biết Tổng thống Nixon muốn gặp ông ngay. Ông vội bước qua đường Pennsylvania sang toà Bạch Ốc. Ford bước vào văn phòng, Nixon đứng lên bắt tay ông rồi ngồi xuống ngả lưng vào ghế. Hai tay nắm chặt vào nhau để trên đùi, Nixon trông vẫn còn căng thẳng nhưng ông tự kiềm chế. "Tôi đã quyết định từ chức", ông nói với một giọng nghiêm nghị. Quyền lợi đất nước đòi như vậy. Tôi không muốn nói tới chi tiết những lý do nên hay không nên làm như vậy, nhưng tôi đã đi tới quyết định rồi" (1). Ngừng một giây lát, ông thêm: Jerry, tôi biết ông sẽ chấp chính tốt".
"Thưa Tổng thống, Ngài biết là tôi hết sức buồn về tình huống này", ông Ford trả lời, "Tôi ước gì nó đã không xảy ra như vậy nhưng tôi sẵn sàng và nghĩ rằng tôi đầy đủ khả năng gánh vác".
"Tôi cũng đã biết ông như vậy".
Nói qua loa về các vấn đề ngoại giao, rồi Nixon bắt sang chuyện Đông Dương. Ông Ford kể rằng ông Nixon đã trối trăn như sau: Tổng thống Nixon đã khuyên tôi nên tiếp tục một chính sách mạnh mẽ về Việt nam và Campuchia và nhấn mạnh vai trò của Henry Kissinger trong việc này" (2).
Nixon nói thêm: "Henry là một thiên tài, tuy nhiên ông cũng phải chấp nhận tất cả mọi việc ông ta đề nghị. Ông ta có thể hữu ích, và trung thành, nhưng ông không thể để cho ông ta hoàn toàn tự do làm theo ý mình".
Đọc kỹ hồi ký của cả hai cựu Tổng thống Nixon và Ford, tôi đã không thấy ông Nixon dặn dò người kế vị mình điều gì liên hệ tới những cam kết của ông đối với Việt nam cộng hoà.
Sau hôm đó, Tổng thống Nixon lên truyền hình tuyên bố phó Tổng thống Ford lên kế vị. Thế là từ một Dân Biểu ở Hạ Nghị Viện, vừa mới được Nixon đưa lên làm Phó Tổng thống thay ông Spiro Agnew (phải từ chức vì bị tố cáo tham nhũng) vài tháng trước, bây giờ nhảy ngay lên ghế Tổng thống, không có bầu bán gì cả.
Tiếp tục khoán trắng cho Kissinger
Kinh nghiệm ông Ford chỉ là kinh nghiệm vận động trong Đảng Cộng hoà và tại Hạ Viện. Ít hiểu biết, ông đã khoán trắng công việc ngoại giao cho Kissinger. Khi Nixon còn làm Tổng thống, ông đã tạm để cho Kissinger sau khi lên chức bộ trưởng, vẫn giữ chức cũ là Cố vấn an ninh. Vì Toà Bạch Ốc đang bốc lửa sau vụ Watergate, Nixon chưa để ý tới vấn đề nhân sự.
Trở về văn phòng, việc đầu tiên ông Ford làm là gọi điện thoại cho ông Kissinger: "Henry, tôi cần ông, đất nước cần tôi, tôi muốn ông tiếp tục ở lại. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để làm việc với ông".
"Thưa Ngài, sẽ không có vấn đề gì. Bổn phận của tôi là làm việc cùng với Ngài chứ không phải là Ngài cùng với tôi", Kissinger trả lời (3).
Vị tân Tổng thống mời Kissinger tiếp tục kiêm nhiệm cả hai chức cùng một lúc: Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh. Và như vậy, tuy đã có lời trối trăng của ông Nixon, ông Ford đã để ông này "hoàn toàn tự do làm theo ý mình".
Tái xác nhận những cam kết
Ngay buổi chiều ngày làm việc đầu tiên tại toà Bạch Ốc, tân Tổng thống đã gặp riêng Đại sứ Việt nam cộng hoà Trần Kim Phượng. Theo Kissinger thì trong buổi họp, "Tổng thống Ford đã đảm bảo với ông Phượng là ông quyết tâm về sự sống còn của Chính phủ Sài gòn và sẽ cố gắng hết sức để tăng viện trợ (cho Việt nam cộng hoà)" (4).
Tuy đã tiên đoán là Tổng thống Nixon sẽ phải từ chức, nhưng khi nghe tin này, Chính phủ Sài gòn hết sức hoang mang. Gặp Tổng thống Thiệu ngay chiều hôm ông Nixon từ chức, tôi thấy ông không giấu nổi lo lắng. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, nhận được công điện do Đại sứ Phượng báo cáo từ Washington về buổi gặp gỡ Tổng thống Ford, ông Thiệu thấy phần nào yên tâm. Thế rồi, lại một dấu hiệu tích cực: hôm sau, Phó Đại sứ Hoa kỳ, ông W.J. Lehman tới dinh Độc Lập trao tận tay ông Thiệu một lá thư mật của tân Tổng thống. Lúc đó Đại sứ Martin còn ở Washinglon vận động viện trợ. Lá thư như sau:Ngày 10 tháng Tám, 1974
Thưa Tổng thống,
"Khi tôi lên đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Hoa kỳ, ý tưởng đầu tiên của tôi là nghĩ tới những cuộc tấn công tàn bạo mà quân đội quí quốc đã đẩy lui một cách can trường và quả cảm. Có lẽ tôi không cần phải thông báo cho Ngài rõ rằng chính sách ngoại giao của Hoa kỳ luôn luôn được dựa trên căn bản liên tục và sự ủng hộ của lưỡng đảng. Lúc này đây những tính chất đó lại càng rõ ràng hơn nữa và tất cả những cam kết mà nước tôi đã hứa hẹn với quí quốc trong quá khứ vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi.
Những cam kết này của tôi lại đặc biệt thích ứng với Việt nam cộng hoà trong điều kiện hiện tại. Chúng ta đã cùng nhau đi trên con đường dài và đầy chông gai. Tôi đã nghe những tường trình của Đại sứ Martin về những tiến bộ đáng ghi nhận của quý quốc dưới sự lãnh đạo của Ngài. Kể từ lúc ký kết Hiệp định Paris, qua bản báo cáo của ông Đại sứ, tôi rất khích lệ sự quyết tâm của Ngài trong công cuộc cải tổ Chính phủ để sư dụng viện trợ Hoa kỳ và các quốc gia bạn khác một cách hữu hiệu hơn, ngõ hầu đem lại nền kinh tế tự túc cho Việt nam cộng hoà trong vài năm tới đây. Quân lực Việt nam cộng hoà với tinh thần cao và chiến đấu hữu hiệu sẽ là một bằng cớ hiển nhiên cho các nhà lãnh đạo Hà Nội phải nhận ra rằng đã đến lúc phải tham dự vào việc duy trì bản Hiệp định Paris và nghiêm chỉnh cộng tác với Ngài trong việc thi hành Hiệp định như ý muốn của Ngài.
Tôi biết rằng Ngài đang lo ngại về những bước đầu của Quốc hội trong việc chuẩn chi viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt nam cộng hoà. Thủ tục của Quốc hội chúng tôi phức tạp, rườm rà nhưng chưa phải là kết thúc. Tuy còn phải đợi một thời gian nữa, nhưng tôi muốn nói để ngài yên tâm rằng cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả về quân sự lẫn kinh tế.
Trước thử thách quan trọng này, tôi nhờ đến sự giúp đỡ của Tiến sĩ Kissinger tham dự Chính phủ mới với tư cách Tổng trưởng ngoại giao như cũ. Cả Tiến sĩ Kissinger và Đại sứ Martin đều được tôi tín nhiệm hoàn toàn.
Trân trọng
Gerald R. FordÔng Thiệu lên tinh thần đôi chút. Ít nhất, tân Tổng thống đã xác nhận lại những cam kết của Hoa kỳ đối với Việt nam cộng hoà. Lúc đó, tôi chưa biết gì đến những cam kết mật của Tổng thống Nixon. Tổng thống Ford vừa nói với Đại sứ Phượng về quyết tâm của ông, bây giờ chính ông Ford lại tái xác định tính chất liên tục của chính sách Hoa kỳ.
Mấy ngày sau khi nhận được thư của ông Ford, sau một buổi họp Hội đồng Tổng trưởng, ông Thiệu bảo tôi ở lại uống ly rượu nói chuyện thêm. Nhấm nháp ly Chivas Regal pha soda, ông hỏi qua loa về cá nhân ông Ford, vì ông này quá mới mẻ đối với Việt nam. Ông hy vọng ông Ford, người được Nixon tiến cử, sẽ tiếp tục chính sách của vị tiền nhiệm. Tôi nói với ông Thiệu về cái thông lệ của Mỹ là một tân Tổng thống thường được Quốc hội dành cho một "tuần trăng mật" dài khoảng 100 ngày; đôi khi lâu hơn. Trong thời gian này, họ dành mọi sự dễ dàng cho vị tân Tổng thống.
Để bắn tin cho Washington biết, trong cùng ngày, ông Thiệu cho bộ Ngoại giao công bố lập trường chính thức của Việt nam cộng hoà về việc ông Nixon từ chức, bình luận rằng vụ Watergate là "Vấn đề nội bộ của Hoa kỳ... Chính phủ Việt nam cộng hoà hoàn toàn tin tưởng vào Chính phủ và nhân dân Hoa kỳ sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao đã được năm vị Tống thống Hoa kỳ theo đuổi và còn được cả lưỡng Đảng chấp thuận. Bởi vậy Việt nam cộng hoà tin tưởng Hoa kỳ sẽ tiếp tục cộng tác với Chính phủ và nhân dân VN để thực hiện hoà bình trên căn bản Hiệp định Paris".
Lời lẽ rất là hợp lý và chặt chẽ, Tổng trưởng ngoại giao Vương Văn Bắc là một luật sư đã có tiếng.
Và bức thư trên, sau này tôi mới phát hiện ra là khi ông Ford ký để gửi cho ông Thiệu, thực sự chính ông cũng đã không biết tầm quan trọng của nó. Khi ông viết "những cam kết mà nước tôi đã hứa hẹn với quí quốc trong quá khứ nó vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi", ông đâu biết tới thực chất những cam kết đó. Kissinger đã giấu đi hết (xem Chương sau). Ông Ford chắc chỉ nghĩ là mình chỉ nói tới hứa hẹn chung chung như tuyên bố ủng hộ Việt nam cộng hoà của các Tổng thống tiền nhiệm như Eisenhower, Johnson, Kennedy và Nixon.
Tại sao như vậy? Nhìn lại lịch sử để nhận xét những diễn biến hậu trường bang giao Việt-Mỹ từ lúc đó, tôi chỉ có thể kết luận rằng ông Kissinger đã muốn ông Ford trấn an phía Việt nam cộng hoà để khỏi kêu ca oán trách khi bị Quốc hội cắt xén viện trợ. Nếu ông Thiệu khiếu nại trên căn bản những mật ước thì sẽ gây nhiều tranh luận, đưa chính ông Kissinger vào chỗ kẹt. Điều hay nhất cho Chính phủ Ford là làm sao giữ cho Sài gòn cứ yên lặng, làm sao cho mọi chuyện được êm ả cho tới lúc Mỹ tháo chạy.
Sau khi cuốn Hồ sơ mật Dinh Độc Lập do tôi và J. Schecter viết, xuất bản năm 1986, ông Kissinger hết sức bất bình vì đã lộ ra hết. Vì có lẽ vì bức thư của ông Ford cũng đã được tiết lộ nên trong cuốn sách vừa viết năm 2003, "Ending the Vietnam war" Kissinger nói qua loa tới mật thư này, nhưng cũng chỉ nhắc tới đoạn nói về trấn an phía Việt nam cộng hoà về vấn đề quân viện. Ông viết là cùng một ngày, sau khi gặp Đại sứ Phượng, Tổng thống Ford đã gửi một thư cho Tổng thống Thiệu, trong đó có một câu do chính ông Ford viết thêm vào bản thảo như sau:
Thủ tục của Quốc hội chúng tôi phức tạp, rườm rà nhưng chưa phải là kết thúc. Tuy còn phải đợi một thời gian nữa, nhưng tôi muốn nói để ngài yên tâm rằng cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả về quân sự lẫn kinh tế.
Kissinger bình luận:
"Lúc đó cả ông Ford lẫn tôi đều không biết rõ được sự sâu đậm và tầm mức của việc chống đối lại Quốc hội sau vụ Watergate. Vì nếu biết được như vậy thì chắc chắn bức thư đó (9/8/74) đã được hạ giọng xuống rồi" (5).
Như vậy, kể cả trong cuốn sách mới nhất, tuyệt nhiên Kissinger vẫn không đả động gì đến đoạn văn quan trọng nhất của bức thư ngày 10 tháng Tám 1974 về việc chính Tổng thống Ford đã tái cam kết "những gì nước tôi đã hứa hẹn với quý quốc trong quá khứ".
Báo động
Vào lúc đêm hôm đình chiến sau Hoà Đàm Paris (27 tháng Giêng 1973), sáu chiếc tàu chở đầy đạn dược đang thuận buồm xuôi gió trên Thái Bình Dương tiến vào hải phận Việt nam bỗng được lệnh quay trở về Hoa kỳ. Số đạn này là từ kho dự trữ cho Việt nam cộng hoà từ trước, nên kể như không bị ảnh hưởng do Hiệp định quy định. Vậy mà nó lại đã không tới nơi. Thế là 55.000 tấn đạn cần thiết cho quân lực Việt nam cộng hoà đã bị mất đi một cách bí mật. Đây là do áp dụng Hiệp định một cách máy móc hay là do một sắp xếp nào khác?(6).
Bí mật này, do tướng John Murray (hiện cư ngụ tại Springfield, Virginia) tiết lộ, cho tới nay cũng ít ai hay. Murray lúc đó là người điều khiển cơ quan Quốc phòng Mỹ DAO ở Sài gòn.
Ngày 19 tháng 12, 1973, tướng Murray lại nhận được công điện từ Bộ Quốc phòng cho hay Quốc hội đã cắt nhiều viện trợ cho Đông Dương, ảnh hưởng đến tiếp liệu sáu tháng còn lại của tài khoá 1973/74. Tài khoá này chấm dứt ngày 30 tháng Sáu 1974. Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu tướng Murray đề nghị những chương trình nào của Việt nam cộng hoà có thể cắt giảm để phù hợp với ngân khoản mới. Đồng thời, bộ Lục quân chẳng đợi Quốc hội hành động đã bắt đầu cắt ngân khoản điều hành và bảo trì cho Việt nam cộng hoà ngay trong tài khoá 1974. Chắc là họ muốn dùng ngân khoản ấy vào những mục tiêu khác. Lúc đó, việc tiếp liệu cho Do Thái đang là ưu tiên. Tài nguyên của Quốc phòng cần phải dồn về Trung Đông!
Khi tướng Munay nhận được tin, ông báo ngay cho Đại sứ Martin và yêu cầu ông chính thức thông báo cho phía Việt nam cộng hoà. Nhưng Martin không bằng lòng, bảo Murray phải giữ kín tin này, vì nó có thể gây ra nhiều xáo động về mặt chính trị" (7).
Tuy nhiên, từ đầu tháng Giêng 1974, tướng Murray tiếp tục báo động cho phía Việt nam phải tiết kiệm đồ tiếp liệu, nhất là đạn dược. Ông họp với Bộ Tổng tham mưu (TTM) về vấn đề này. Dù không đi vào chi tiết, Murray cũng muốn cho phía Việt nam nhận thức được sự cắt giảm đã bắt đầu. Tướng Murray kể lại: "Từ trước đến nay, tôi vẫn nói với Bộ TTM là các ông sẽ được tiếp tế đầy đủ như chúng tôi đã hứa, và sẽ nhận được quân dụng theo linh thần một-đổi-một của Hiệp định Paris. Thật là khó cho ông. Từ trước đến nay, chẳng ai báo cho tôi hoặc Tổng thống Thiệu, hay Đại tướng Viên biết chuyện cắt ngân khoản cả. Tôi đã hứa rồi, bây giờ nói lại, thật là một sự đau lòng".
Ngày 13 tháng Hai 1974, Đại tướng Cao Văn Viên ra lệnh hạn chế việc sử dụng vũ khí các loại. Vì từ lúc gởi đơn đặt hàng cho đến lúc nhận được phải mất khoảng bốn tháng.
Nguồn tiếp liệu thì đã bắt đầu cạn trước tháng Tư. Từ đó "hệ thống tiếp vận này không bao giờ hồi sinh được nữa"(8). Đơn xin tiếp liệu từ các quân khu gởi về Tổng tham mưu càng ngày càng nhiều, gồm những thứ khan hiếm khẩn cấp như đạn dược, tiếp liệu quân y và ngân khoản thực phẩm cho binh sĩ. Người lính bộ binh thường vẫn mang sáu lựu đạn, bây giờ chỉ được phát có hai. Súng cối và trọng pháo bảo vệ tiền đồn chỉ được phát bốn quả đạn mỗi ngày và mọi cuộc pháo kích đều phải ngưng để tiết kiệm đạn dược. Nửa số xe thiết giáp bị nằm ụ, 200 phi cơ không cất cánh được. Trong cuốn The Final Collapse (Sự sụp đổ cuối cùng), Đại tướng Viên đã kết luận: "Trong những năm 1974-1975, người lính Việt nam cộng hoà ra trận mà lòng lo sợ rằng đạn không tiếp tế kịp và nếu bị thương thì việc tải thương cũng sẽ chậm trễ hơn. Thời vàng son tiếp liệu thừa thãi và trực thăng quân vận mau lẹ đã qua rồi... Việc cắt viện trợ quá nhiều và quá đột ngột đã triệt tiêu mọi cơ hội thành công và làm cho dân chúng cũng như quân đội miền Nam hốt hoảng, đồng thời khuyến khích Cộng sản gia tăng nhịp độ thanh toán miền Nam bằng võ lực" (9).
Cái nhục của kẻ đi cầu xin
Đến tháng 4-1974, tức là đúng một năm trước khi sụp đổ, tình hình tiếp liệu trở nên nguy ngập. Dù Đại sứ Martin cố trấn an. Ông Thiệu vô cùng lo lắng. Ông có đầy đủ thông tin từ tướng Murray, Bộ Tổng tham mưu và nhiều nguồn khác chứ đâu chỉ có nghe lời khích lệ từ phía ông Martin. Bề ngoài thì ông tỏ ra bình tĩnh và vẫn cứ tranh thủ vì đâu còn sự lựa chọn nào khác. Không nhẽ biết sắp bị cắt hết viện trợ thì buông xuôi. Bởi vậy, ông nhờ cậy Đại sứ Martin đồng thời yêu cầu các phái đoàn Quốc hội Việt nam cộng hoà sang cầu viện tại Washington. Mặt khác, ông có thái độ cởi mở hơn với báo chí Mỹ và cho phỏng vấn nhiều hơn. Cuối 1974 và đầu 1975, ông tiếp đón một số nghị sĩ, dân biểu Mỹ để yêu cầu họ khuyến cáo cho Quốc hội nương tay. Nhưng ông chỉ luôn luôn biện luận trên căn bản là hai nước đã chiến đấu với nhau trong hai mươi năm và đã có tới năm Tổng thống Mỹ ủng hộ Việt nam cộng hoà. Ông hoàn toàn không đả động tới những cam kết của Tổng thống Nixon để đổi lấy Hiệp định Paris.
Đầu tháng Năm 1974, Tổng thống Thiệu cử Đại tướng Viên đi Mỹ cầu viện. Ông mang theo một danh sách nhu cầu cấp bách về quân dụng cho Việt nam cộng hoà: trọng pháo 105 ly và 155 ly, đạn dược, dụng cụ truyền tin, và ngân khoản để duy trì khả năng chiến đấu. Tới Ngũ Giác Đài, Tướng Viên gặp Tướng Abrams, người thay tướng Westmoreland làm tư lệnh quân đội Mỹ lại Việt nam. Lúc đó ông đã lên chức Tham mưu trưởng Lục quân. Abrams cho biết vấn đề viện trợ khó khăn không do Ngũ Giác Đài mà là do Quốc hội. Sau đó ông vào gặp Tổng trưởng quốc phòng Schlesinger và trình bày nhu cầu của quân lực Cộng hoà trước ba mươi sĩ quan cao cấp, kể cả các tướng lãnh thuộc Bộ tham mưu Liên quân. Tất cả đều hứa hẹn hết sức ủng hộ. Schlesinger hứa sẽ giúp, nhưng giải thích rằng quyết định cuối cùng là do Quốc hội.
Lúc ông Viên còn đang ở Mỹ, Tổng thống Thiệu bảo chúng tôi sang Washington thẩm định tình hình viện trợ kinh tế và cũng để ý theo rõi vấn đề viện trợ quân sự. Trước khi đi, Đại sứ Martin dặn tôi cố xin gặp Nghị sĩ Kennedy, người lãnh đạo phong trào cắt xén viện trợ của Miền Nam. Vừa mới đây, ngày sáu tháng Năm 1974, Thượng Viện đã bỏ phiếu thuận 43-38 để kèm vào Chuẩn chi cho Ngân sách Bộ Quốc phòng một điều kiện gọi là "Tu chính Kennedy" (Kennedy Amendment). Như ta đã hay, khi ký một hợp đồng dài vài chục trang, nhiều khi chỉ vì ba chữ "với điều kiện" (subject to) được nhét vào một câu nào đó ở một trang khúc giữa chẳng hạn, là đã có thể làm vô hiệu hoá chữ ký. Ví dụ như mấy chữ "với điều kiện vợ tôi đồng ý" là có thể đổ cho vợ và huỷ hợp đồng dễ dàng. Tu chính án Kennedy chỉ thêm mấy chữ là cấm sử dụng Ngân sách riêng của Bộ Quốc phòng để chi tiêu tại, cho, hay nhân danh các quốc gia Đông Nam Á. Thế là xong! Đông Nam Á rất rộng: gồm cả Việt nam. Kennedy quan niệm là Nixon đã "thất bại trong việc thay đổi tính chất và mục đích của viện trợ và cả chính sách của Hoa kỳ đối với các nước Đông Dương". Ông ta cho rằng viện trợ đã được dùng để kéo dài cuộc chiến. Theo Kennedy, "nếu không đặt trọng tâm vào việc thi hành những mục tiêu chính trị của thoả ước ngưng chiến... thì mục đích của những món tiền chi tiêu khổng lồ ở VN không phải là để... cứu nạn nhân chiến tranh, hay kiến thiết xứ sở mà chỉ là để mua thời gian cho Chính phủ Thiệu kéo dài chiến tranh"(10).
Tuy có quen biết ông thời cùng là hội viên trong hội Sinh Viên Công giáo Newman lúc còn ở đại học Virginia, tôi miễn cưỡng phái đến năn nỉ ông này. Dù sao, tôi nghĩ vì tình bạn ông sẽ cho tôi chút thời giờ giải thích về nhu cầu viện trợ để xây dựng hoà bình tại Miền Nam, chứ không phải để "kéo dài chiến tranh".
Ngày 15 tháng Năm, tôi tới văn phòng ông ở Thượng Viện. Phụ tá của ông là Jerry Tinker tiếp đón. Tuy có hẹn trước, nói rằng ông ta rất bận rộn. Gặp Kennedy được một chốc lát, tôi tóm tắt tình hình kinh tế, xã hội và quân sự tại Miền Nam, và yêu cầu ông đừng cắt viện trợ nữa. Ông bày tỏ thiện cảm, và nhắc lại vài kỷ niệm ở hội Sinh viên Công giáo lúc còn là sinh viên. Nói được mấy câu thì ông cứ nhìn đồng hồ và tỏ vẻ vội vàng. "Tôi phải đi họp ngay một phiên họp khác". Thấy bí, tôi xin đi theo một quãng để trình bày thêm.
Khi rảo bước qua hành lang Thượng Viện, ông Kennedy lại cố đi nhanh, tôi phải theo cho kịp, vừa đi vừa trình bày. Tôi cảm thấy thân phận mình như một người đi cầu xin, lẽo đẽo đi theo một anh nhà giàu!
Tới gần phòng họp, ông dừng lại, ngồi dựa trên thềm cửa sổ rộng lớn, nói chuyện với tôi được vài phút. Nhưng nói gì thì nói, Kennedy vẫn không thay đổi. Ông bắt tay tạm biệt và bước vào phòng họp. Tôi uể oải xách cặp ra về.
Ngày 11 tháng Bảy, 1974, Kennedy đề nghị cắt viện trợ kinh tế cho Việt nam cộng hoà là 50%!
Khấu trừ trội chi
Sau Kennedy, chúng tôi tới bộ Quốc phòng gặp Eric Von Marbod, lúc đó là Đệ nhất Phó Phụ tá Tổng trưởng quốc phòng về An ninh quốc tế! Ông này có rất nhiều kinh nghiệm về tiếp vận. Vì Tổng thống Thiệu muốn biết rõ về tình hình thực sự của quân viện, tôi yêu cầu ông cho biết những con số thực tế chứ không phải lý thuyết.
Tôi rất buồn phải nói thật với anh rằng mức quân viện đang tiêu cho Việt nam cộng hoà thực sự chỉ có 625 triệu, và có thể chỉ có 500 triệu". Ông giải thích là dù Quốc hội có chấp nhận mức viện trợ hơn một tỷ thì phần còn lại cho Miền Nam cũng quá ít ỏi. Tôi bỡ ngỡ, "Đây này", ông xé một tờ giấy trong cuốn sổ tay, viết vội xuống cho tôi coi. Và tôi ghi:
Quân Viện cho Việt nam, Lào (và Kampuchia): $1.126 triệu;
Phần Lào (và Kampuchia): $110 triệu; sau đó còn phải khấu trừ đã trội chi cho tài khoá trước: $266 triệu;
Mua máy bay F-5E: $125 triệu;
Còn lại $625 triệu.
Ông thêm, "số tiền thực sự dùng được có thể chỉ còn 500 triệu sau khi trừ ngân khoản chi phí cho cơ quan DAO Sài gòn". Ông còn nói "ngân khoản đã được phân phối, chẳng còn làm gì khác được nữa." Vào thời điểm đó, chưa có "chuẩn chi" cho ngân sách viện trợ dứt khoát cho Miền Nam, bộ Quốc phòng phải dựa vào một biện pháp gọi là "nghị quyết tiếp tục" (continuing resolution), một thủ tục vá víu để chi tiêu.
"Vì sao có vụ khấu trừ vào năm trước?" Tôi hỏi.
Ông cắt nghĩa là hiện trong nguồn tiếp liệu cho Việt nam cộng hoà, một số quân nhu đã được mua trong tài khoá 1974, nhưng bây giờ phải thanh toán. Đây là một sự việc quan trọng mà ít ai biết vì nó cắt nghĩa tại sao vấn đề tiếp liệu cho quân đội Việt nam cộng hoà đã trở nên quá khó khăn kể từ hè 1974. Chính Đại sứ Martin đã hết sức bực tức khi biết chuyện khấu trừ này vì cả ông cũng nghĩ là tiền năm nào thì tiêu cho năm đó chứ sao có thể tính vòng lại? Ông cho trục trặc này phần lớn là do kế toán nội bộ của Bộ Quốc phòng, gọi họ là những tay đĩ điếm tài chánh (fiscal whores). Ông nói, chính vì chuyện "kế toán" lôi thôi này mà tới gian đoạn chuẩn chi tại Quốc hội, quân viện cho tài khoá 1975 đã bị cắt giảm.
Thực ra tôi cho rằng lúc đó nhu cầu tiếp viện bên Trung Đông lên quá cao nên tồn kho quân dụng bị ảnh hưởng và đã có những xoay xở bớt số tiếp liệu cho Việt nam cộng hoà để còn dồn sang cho Do Thái.
Còn 125 triệu cho chương trình F-5E, tôi hỏi Marbod xem có thể du di sang những khoản như đạn dược, xăng nhớt không? Ông cho biết là không được vì mọi việc đã kế hoạch xong rồi. Năm 1973, quân viện là 2,2 tỷ, bây giờ trong thực tế còn có 500 triệu! Ấy là nếu Quốc hội chuẩn chi 1,126 tỷ.
Về tới Sài gòn, chúng tôi vội phúc trình lên Tổng thống. Chẳng có tin gì tích cực lại phải trình bày những con số tuyệt vọng do Von Marbod đưa ra! Tôi nói với ông Thiệu: như vậy thì trong thực tế, so sánh với mức trung bình của những năm 1971-1973 (điều chỉnh theo lạm phát), khả năng tác chiến của Việt nam cộng hoà bị giảm khoảng 60%! Nhận xét này cũng trùng hợp với ước tính của Bộ Tổng tham mưu về tình hình cuối năm 1974.
Sau này, trong tập hồi ký "Đại Thắng Mùa Xuân", thượng tướng Văn Tiến Dũng của Hà Nội đã viết về động cơ thúc đẩy Bắc Việt lấy quyết định mở cuộc tổng tấn công Miền Nam: Mỹ đã giảm viện trợ làm cho kế hoạch tác chiến và xây dựng lực lượng quân đội Sài gòn không thể thực hiện theo như ý muốn". Đó là vì "hoả lực đã sút giảm gần 60% vì thiếu bom, đạn; khả năng di động cũng giảm đi 50% vì thiếu máy bay, xe cộ, và nhiên liệu"(11).
Sau khi nghe tôi phúc trình, ông Thiệu lặng thinh, suy tư. Ông mím môi, chắp tay sau lưng bước ra khỏi phòng, lững thững đi về phía căn lầu riêng của gia đình ông. ánh mắt ông đăm chiêu, tư lự.
Bãi cát sa lầy
Ngày 16 tháng Tám, trong buổi họp cuối cùng với các tướng lãnh Việt nam trước khi về nước, tướng Murray lưu ý họ nên suy nghĩ cho kỹ về tình hình tiếp liệu khó khăn trong những tháng cuối năm 1974 và sang năm 1975. Ông khuyên họ nên thu gọn tuyến phòng thủ lại, tập trung quân đội và đạn dược để phòng thủ vùng đông dân cư dọc bờ biển.
Về tới Ngũ Giác Đài, ông nộp tường trình về tình hình Việt nam từ cuối 1972 (tức là trước Hiệp định Paris) tới lúc ông rời Sài gòn. Trong bản "Phúc trình về Việt nam, từ 12 tháng 1- 1972 tới 21 tháng Tám, 1974", dài gần 250 trang, ông phân tích chi tiết tình hình quân nhu, quân cụ, đạn dược của tất cả các quân, binh chủng. Đưa ra đầy đủ số liệu, ông chứng minh tình trạng tiếp vận kiệt quệ thảm thương của Quân lực Việt nam cộng hoà. So sánh nó với khả năng của Quân lực Bắc Việt đang hoạt động tại Miền Nam, thì quả là một trời một vực.
"Tôi chắc chắn rằng điều tốt nhất mà một Tướng lãnh có thể làm được khi về hưu là nộp lại (cho Bộ Quốc phòng) cái đầu lưỡi của mình cùng với bộ quân phục, rồi sau đó thì xếp những ý kiến của mình vào một xó nhà" (12).
Murray trích dẫn lời của vị tướng nổi danh Omar Bradley ( 1959) để bắt đầu bản Phúc trình. Ông hết sức chỉ trích Quốc hội đã cắt viện trợ và thẳng thắn phê bình những rắc rối khó khăn do chính Bộ Quốc phòng Mỹ gây ra. Nó đã gây ra cho Miền Nam và cho chính ông một sự bất ổn, không xác định được mức viện trợ từ tháng này qua tháng khác, cơ cấu viện trợ ràng buộc đi kèm theo viện trợ, đặc biệt là tài khoá 1974 và 1975. Tình trạng này gây bế tắc khó khăn về phương diện tiếp liệu, không biết thế nào mà đặt kế hoạch cho chiến trường, như là người mù chơi trò tháu cáy trên một sân mìn, đó là tình huống của tài khoá 1974. Và còn tiếp tục vào tài khoản 1975", tướng Murray viết trong tập Phúc trình (13). cũng như Đại sứ Martin, Murray nêu ảnh hưởng nặng nề của việc Bộ Quốc phòng khấu trừ trong tài khoá 1975 những số tiền đã tiêu vào tài khoá 1974, làm gián đoạn dòng tiếp liệu, rồi còn bao nhiêu tái thẩm định về giá cả vật liệu, nào tính thêm tiền, rồi trừ vào viện trợ, nào bàn định cắt giảm viện trợ, hết mức này tới mức khác.
Đã vậy khoảng thời gian tiếp vận từ lúc đặt hàng, vận chuyển qua đại dương, tới lúc cập bến phải tối thiểu là 120 ngày. Ấy là nếu Bộ Quốc phòng hợp tác mau lẹ. Nếu không, thì lại phải cộng thêm vào đó thời gian chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu đặt hàng (back order). Vì thiếu sự phản ứng cấp thời của Bộ Quốc phòng Hoa kỳ, hậu quả là cuối năm 1974, Việt nam cộng hoà phải gánh chịu tình trạng "tiền". Trong trường hợp khẩn cấp, dù còn tiền nhưng cũng chỉ là tiền chết. Murray đi tới kết luận:
"Một quân đội không thể đương đầu với đối phương được lâu nếu nó phải đứng trên bãi cát sa lầy (quick sand)" (14).
Một buổi tối sau một ngày dài làm việc vào đầu hè 1974, ông Thiệu biểu lộ tâm tư:
"Thật khó mà tin được. Thoạt tiên ở Midway (họp với Nixon năm 1969), họ nói với tôi là Mỹ sẽ rút vài ngàn quân, nhưng còn duy trì nửa triệu quân chiến đấu ở Việt nam; sau đó, họ rút thêm quân, và nói sẽ trang bị cho quân đội Việt nam cộng hoà để đền bù sự triệt thoái này. Đến năm 1972, khi triệt thoái tiến nhanh hơn, họ nói với tôi "Đừng có lo, chúng tôi sẽ đóng lại một lực lượng nhỏ (residual force) là Mỹ sẽ tăng cường yểm trợ bằng không lực. Đến khi họ rút lui toàn bộ, cả lục quân lẫn không quân, họ hứa sẽ tăng viện trợ và tiếp tục duy trì sự có mặt của Đệ thất hạm đội cùng các căn cứ không quân ở Thái Lan để yểm trợ khi cần. Bây giờ, anh nói với tôi viện trợ Mỹ bị cắt 60 phần trăm. Vậy ta còn gì nữa?"
Tình hình viện trợ thì như vậy, nhưng như đã trình bày ở trên đây, đang lúc Việt nam cộng hoà lo lắng, thì khi vừa lúc đi lên chức Tổng thống thay ông Nixon, ông Gerald Ford lại vội vàng trấn an ông Thiệu (ngày mồng 10 tháng Tám)
"... Tôi biết rằng Ngài đang lo ngại... nhưng tôi muốn nói để Ngài yên tâm rằng, cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả quân sự lẫn kinh tế".
Phản lực cơ F-5E
Khi nghe ông Thiệu kể về những cam kết của Hoa kỳ theo những giai đoạn trong tiến trình rút quân khỏi Miền Nam, chúng tôi thấy ông căng thẳng quá, nhưng cũng không biết nói gì hơn. Tuy nhiên tôi nhớ ra còn 75 chiếc phi cơ F-5E nằm trong ngân khoản cũ như ông Marbod đã cho hay, nhưng chưa biết bao giờ mới giao cho Việt nam cộng hoà. Ông Thiệu ngạc nhiên về sự không chắc chắn này. Tôi đề nghị, và ông chấp thuận xúc tiến ngay việc này.
Trở lại Washington cuối tháng Bảy, 1974 theo dõi tình hình viện trợ và làm việc với cơ quan USAID để xin thêm ngân khoản nhập cảng và tái thiết, chúng tôi tới thủ đô Hoa kỳ giữa lúc chiến dịch buộc tội Nixon đang sôi nổi. Trời Washington nóng đến bốc hơi không kém gì ở Sài gòn. Ở Ngũ Giác Đài không khí làm việc khác hẳn với những lần trước tôi tới.
Dấu hiệu phức tạp hiện ra khá rõ ràng. Vụ Watergate đang chiếm hết thời giờ Quốc hội, còn đâu mà bàn đến viện trợ cho Việt nam cộng hoà. Ngân khoản viện trợ tạm thời phải dựa vào mức độ ngân sách của tài khoá năm trước, theo một thủ tục là "giải pháp tiếp nối" (Continuing Resolution) vì vậy không có gì chắc chắn cả. Trước khi về Sài gòn, tôi đến gặp Von Marbod về vụ 75 phi cơ F-5E. Ông giải thích là tiền còn trong ngân sách, nhưng hãng Northrop (ngày nay là Northrop Grumman) cần có thời gian sản xuất; sau đó các bộ phận sẽ được lắp ráp ở Phillippines rồi mới giao cho Sài gòn. "Cả Đài Loan và Iran đều xin F-5E. Họ có thể được ưu tiên hơn Việt nam cộng hoà".
Ông cho biết ngoài ra lại còn khó khăn vì những giới hạn "một-đổi-một" của Hiệp định Paris. Máy bay F-5E (còn gọi là Tiger 2 được ra mắt tại Hawthorn, California tháng Tám, 1972. Nó tối tân hơn loại F-5 (còn gọi là "Freedom Fighter" hiện có của Việt nam cộng hoà: có khả năng thao diễn cao hơn, tầm bay dài hơn, cất cánh nhanh hơn, tốc độ nhanh hơn và sức chở nhiều hơn. Tôi nhờ Marbod giúp để gặp ông Thomas Jones, Chủ tịch hãng sản xuất máy bay Northrop. Marbod sắp xếp và đưa tôi tới hãng Northrop ở Century City, gần Los Angeles. Sau khi nghe giải thích rằng quân đội Việt nam cộng hoà đã bị tổn thất nặng nề vì thiếu không lực yểm trợ, ông Jones cho biết Northrop sản xuất máy bay đúng hạn kỳ nhưng vì có nhiều khách hàng, chúng tôi đã phải xét lại nhu cầu của các ông". Theo như lời cố vấn của Marbod, tôi cố thuyết phục ông giao cho Việt nam cộng hoà ba phi đoàn (36 chiếc) trước Giáng Sinh 1974.
"Tại sao các ông cần trước Giáng Sinh?" ông Jones thắc mắc. "Chúng tôi ước đoán năm 1975 sẽ là năm gay go nên chúng tôi cần phương tiện chiến đấu". Marbod dặn nên nói với ông ta rằng nếu cần, Tổng thống Thiệu sẽ yêu cầu bộ Quốc phòng Mỹ thanh toán sớm cho Northrop. Ông Jones tỏ vẻ thoải mái và hứa: "Tôi sẽ cố gắng giúp ông và quốc gia của ông". Cuối năm đó, Không Quân Việt nam cộng hoà nhận được một số F-5E thay thế máy bay F-5 cũ.
Ông Jones gởi về biếu Tổng thống Thiệu một chiếc F-5E mẫu bằng plastic. Ông Thiệu rất thích chiếc máy bay mẫu và để nó ngay đằng sau bàn họp trong Phòng Tình Hình, cạnh chiếc điện thoại khẩn cấp đằng sau ghế ông (xem hình họp với phái đoàn Weyand).
Tin sét đánh
Ở mức quân viện như tài khoá 1972-73 là hai tỷ đô la một năm thì tới 1974-75, sau cú sốc dầu lửa, cũng chỉ còn mãi lực khoảng một tỷ hai, khó đủ phương tiện chống đối nếu có một cuộc tổng tấn công. Tới lúc Tổng thống Nixon từ chức, ông bắt buộc phải ký thành luật một mức tối đa ngân sách quân viện cho Việt nam cộng hoà tài khoá 1974-75 là một tỷ. Tính về mãi lực sau lạm phát thì quả là ít ỏi. Từ mức này, quân viện còn phải đi qua giai đoạn "chuẩn chi" tại Quốc hội nữa. Và từ lúc đó, Việt nam cộng hoà mong đợi từng giờ cho qua cái tình trạng bất ổn của chuẩn chi: hết Uỷ ban này tới Uỷ ban khác, hết Hạ Viện tới Thượng Viện, tối ngày đe cắt viện trợ. Mỗi lần mang ra bàn cãi là lại có những luận điệu chỉ trích, bêu xấu Chính phủ Miền Nam.
Cuối cùng thì mọi việc đã trở nên rõ ràng. Chỉ vài ngày sau khi Tống thống Ford viết bức thư ngày 10 tháng Tám 1974 cho ông Thiệu (khuyên ông đừng có lo vì tuy thủ tục tại Quốc hội rườm rà, nhưng "sau cùng sẽ được đầy đủ cả về quân viện lẫn kinh viện") Uỷ ban Chuẩn Chi Thượng Viện đã cắt từ "mức chấp thuận" là một tỷ xuống còn 700 triệu. Đó là "mức chuẩn chi". Thực là tin sét đánh cho Bộ Tổng tham mưu, vì nó thực sự phản ảnh một chiều hướng không thể đảo ngược được nữa về quân viện. Quốc hội hình như đã ly dị với tân lang thống trước khi tuần trăng mật bắt đầu. Niềm hy vọng khi nhận được thư đầu tiên của ông Ford đã tan biến như mây khói.
Ngoài chiến trường thì ở Vùng I, từ cuối hè, hai sư đoàn chính quy của Bắc Việt - Sư đoàn 304 và Sư đoàn 2 - đã hoạt động ở vùng đồi núi hai quận Đức Dục và Thường Đức phía Tây Nam Đà Nẵng. Tháng Chín, sư đoàn 324 lại tăng viện, chiếm trọn quận lỵ Thường Đức, và vùng đồi núi cao phía Nam Thừa Thiên, phi trường Phú Bài khó có thể sử dụng để tiếp liệu cho Huế. Tướng Ngô Quang Trưởng cho Sư Đoàn 1 với sự tăng cường của Biệt động quân, phản công để lấy lại đất đai bị chiếm. Tuy nhiên, bao nhiêu kho đạn dự trữ tại Vùng 1 bắt đầu vơi và số binh sĩ tử thương bỗng nhiên vụt tăng: mùa Hè năm đó đã hiến thành một mùa Hè đỏ lửa thứ hai, trước một mùa Đông- Xuân đầy sôi động.
Tới cuối năm 1974 thì đạn dược và xăng nhớt gần cạn. Theo dự tính của Bộ Tổng tham mưu: dự trữ đạn dược tồn kho chỉ còn cung ứng được từ 30 tới 45 ngày (15). Đại tướng Cao Văn Viên kết luận rằng nếu tình hình chiến sự cứ tiếp tục xảy ra theo cùng một nhịp độ thì: "số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng Sáu 1975, nếu không nhận được thêm viện trợ". Trong thực tế, Miền Nam đã không nhận được thêm viện trợ. Và nội trong tháng 4-1975, Quốc hội đã biểu quyết bác đi hết: một đồng cũng không cho thêm (xem chương 9).
Như vậy, ta có thể đặt câu hỏi quan trọng về phương diện lịch sử, là: nếu như không có biến cố 30-4-1975 thì tới tháng Sáu, cho già lắm là tháng Tám hay tháng Chín, quân lực Việt nam cộng hoà sẽ lấy gì mà chiến đấu?
Đã đến lúc phải giải ngũ?
Mặt quân viện đã nát, mặt kinh viện càng thêm nát.
Nhóm "Indochina Resource Center" (Trung tâm tài nguyên Đông Dương) là một tổ chức phản chiến dẫn đầu chiến dịch cắt viện trợ cho Miền Nam. Họ hoạt động rất hữu hiệu, đi gặp từng phụ tá, từng thơ ký của các nghị sĩ, dân biểu, tham dự và theo dõi cuộc họp của tất cả các Uỷ ban liên hệ, từ Hạ Viện tới Thượng Viện. Và họ đã thành công.
Thoạt tiên Quốc hội bắt thay đổi ngân khoản viện trợ trong chương trình "Thực phẩm phụng sự hoà bình" (Food For Peace hay PL 480) từ "cho không" sang "cho vay". Từ nay, số gạo viện trợ hàng năm sẽ hết là cho không mà phải hoàn lại như những món nợ. Tuy nhiên, vì là nợ dài hạn nên ngay lúc đó trở ngại này có tác động về tinh thần hơn là thực chất.
Tới bước thứ hai mới nguy. Vào đầu năm 1974, có tin dồn dập là Quốc hội Hoa kỳ sẽ đi tới việc cấm cả dùng viện trợ để tài trợ ngân sách Quốc phòng. Vài tháng sau thì tin đồn thành sự thực. Trước kia, 75% sự thiếu hụt ngân sách là do tài trợ bằng tiền của Quỹ đối giá (Counterpart Fund). Quỹ đối giá là một ngân khoản thu được khi tiền Viện Trợ Nhập Cảng (CIP) được đổi ra bạc Việt nam. Thí dụ, một thương gia muốn nhập cảng bông gòn phải đem tiền Việt nam đến ngân hàng xin mua Mỹ kim mở tín dụng thư. Số tiền này được đưa vào Quỹ đối giá. Đến nay, không những viện trợ đã bị giảm, mà Quỹ đối giá lại không còn được dùng để chi tiêu cho quốc phòng nữa.
Khi cơ quan USAID cho biết tin này, khối Kinh tế- Tài chính vô cùng bối rối, nhưng mọi người đồng ý sẽ không phổ biến. Chính phủ phải nhờ đến các viên chức USAID có nhiều thiện cảm để giúp chuẩn bị áp dụng một cách lỏng lẻo và linh động khi luật này có hiệu lực, như một số tiệm buôn có thể phải giữ hai hay ba sổ sách khác nhau (một sổ cho sở thuế, một cho công ty và một cho cá nhân mình). Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi tìm cách đi vòng và kết luận là sẽ làm ba ngân sách: Ngân sách quốc phòng, Ngân sách kinh tế, và Ngân sách nhân đạo:
- Ngân sách quốc phòng sẽ do thuế nội địa tài trợ;
- Ngân sách kinh tế do cả Quỹ đối giá và viện trợ thực phẩm lẫn các nguồn đi vay khác tài trợ;
- Ngân sách nhân đạo, căn bản là giúp đồng bào tỵ nạn (được ông Kennedy ủng hộ) sẽ do viện trợ nhân đạo của Mỹ tài trợ.
Chúng tôi biết mánh lới này cũng không bền vì trung tâm phản chiến kia sẽ phát giác và tìm cách chặn. Vả lại họ cũng dễ thành công vì sẽ nói "tiền trong kho, khó mà phân biệt được nó đến từ đâu".
Tại Washington hồi 3:30 giờ chiều ngày 13 tháng Năm, khi tôi gặp ông Nooter (chứ không phải Nutter), một quan chức cao cấp ở USAID đặc trách về Việt nam, ông lưu ý ngay là:
"Rất nguy hiểm! Nếu theo đúng luật thì từ 31 tháng 12, 1974, Việt nam cộng hoà sẽ không còn được dùng Quỹ đối giá viện trợ nhập cảng để tài trợ bộ Quốc phòng".
Nói trắng ra là không được dùng tiền từ Quỹ đối giá để trả lương cho quân đội nữa. Quân số Cộng hoà lúc đó là một triệu hai. Trong tình cảnh này, kể từ đầu 1975, cơ quan USAID đã nhắm mắt làm ngơ để Sài gòn không thi hành những giới hạn về kinh viện, tức là cứ tiếp tục lấy tiền ở Quỹ đối giá để tài trợ Ngân sách Quốc phòng. Nhưng như thế được bao nhiêu lâu? Chắc cũng chỉ dăm bảy tháng là bị bại lộ!
Ngoài ra ông Nooter còn lưu ý là có thể phải cần tới một luật sư để biện hộ (cũng chỉ là tạm thời) cho Việt nam cộng hoà trong trường hợp bị nhóm phản chiến phát giác và công kích.
Chưa xong, khi chúng tôi về tới Sài gòn, tướng Murray lại cho biết thêm: sau quyết định trên, Quốc hội còn đi thêm bước nữa: Từ ngày 31 tháng 12, 1974, VNCH sẽ không còn được dùng Quỹ đối giá của viện trợ nhập cảng dể trả lương cho cảnh sát nữa. Lực lượng cảnh sát lúc đó là 120.000 người.
Khi về hưu, tướng Murray bình luận về vụ này trong Phúc trình của ông: "Quốc hội thì cấm Cơ quan Viện Trợ USAID tài trợ cho lực lượng cảnh sát, ông Tổng Trướng Quốc phòng thì cấm luôn cả chúng tôi (Cơ quan quốc phòng DAO) tài trợ cho họ". (16).
Phải báo cáo những tin tức bi đát này cho Tổng thống Thiệu là một trong những công việc khó khăn nhất đối với cá nhân chúng tôi trong quá trình làm việc với ông.
Nhìn vào viễn ảnh kinh tế, tài chính và quân sự Miền Nam cuối năm 1974 như nhìn vào chân trời tím. Những đám mây đen đặc đang ùn ùn kéo tới báo hiệu cho một cơn bão tố từ xa xa.
Và như vậy, ta có thể đặt thêm một câu hỏi khác: từ năm 1976 Việt nam cộng hoà sẽ lấy tiền đâu trả lương cho quân đội và cảnh sát? Sau 30 năm, tôi cũng chưa tìm ra được câu trả lời. Khi không còn tiền trả lương, chắc chỉ còn một giải pháp là giải ngũ?
Trên thực tế, năm 1974 đã là năm quyết định số mệnh cho Miền Nam Nam rồi vậy
Chú thích:
(1) Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 27-30.
(2) Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 27-30.
(3) Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 27-30.
(4) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 494; Geald Gerald Ford, Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 137.
(5) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 495.
(6) Phỏng vấn tướng Murray, ngày 10-5-1985, và ngày 12-2-1986.
(7) Phỏng vấn tướng Murray, ngày 12-2-1986.
(8) Legro, Vietnam from cease-fire to capitulation, trang 80.
(9) Cao Văn Viên, The Final Collapse, trang 54-55.
(10) Trích trong "Vietnam at the Balance", Báo cáo đặc biệt của Uỷ ban chỉ đạo đảng Cộng Hoà, Hạ Nghị Viện Hoa kỳ, do James Cowin, trang 1-2.
(11) Văn Tiến Dũng, Our great spring victory, trang 17-18.
(12) John E. Murray, Vietnam Report (Báo cáo cho Bộ Quốc phòng về Việt nam), trang 62-63.
(13) John E. Murray, Vietnam Report, trang 91.
(14) John E. Murray, Vietnam Report, trang 55.
(15) Cao Văn Viên, The Final Collapse, trang 92.
(16) John E. Murray, Vietnam Report, trang 92.
Khi có phán quyết như thế thì nếu không từ chức, việc truất phế Tổng thống Nixon cũng chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Phán quyết của chánh án Sirica đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của Tổng thống Nixon. Một cách trực tiếp, nó đã ảnh hưởng sâu xa đến sự tồn tại của Việt nam cộng hoà.
Ngày Song Bát
Trước 10 giờ sáng ngày thứ năm, mồng 8 tháng Tám 1974,
Phó Tổng thống Ford chủ toạ lễ trao Huân Chương Danh Dự Quốc hội cho gia đình của bảy người lính tử trận ở Việt nam tại Blair House, nhà khách của Tổng thống. Lễ nghi vừa xong, ông liền được tướng Alexander Haig, (sau này là Tổng Tư Lệnh NATO và Tổng trưởng ngoại giao Hoa kỳ). Chánh Văn phòng cho biết Tổng thống Nixon muốn gặp ông ngay. Ông vội bước qua đường Pennsylvania sang toà Bạch Ốc. Ford bước vào văn phòng, Nixon đứng lên bắt tay ông rồi ngồi xuống ngả lưng vào ghế. Hai tay nắm chặt vào nhau để trên đùi, Nixon trông vẫn còn căng thẳng nhưng ông tự kiềm chế. "Tôi đã quyết định từ chức", ông nói với một giọng nghiêm nghị. Quyền lợi đất nước đòi như vậy. Tôi không muốn nói tới chi tiết những lý do nên hay không nên làm như vậy, nhưng tôi đã đi tới quyết định rồi" (1). Ngừng một giây lát, ông thêm: Jerry, tôi biết ông sẽ chấp chính tốt".
"Thưa Tổng thống, Ngài biết là tôi hết sức buồn về tình huống này", ông Ford trả lời, "Tôi ước gì nó đã không xảy ra như vậy nhưng tôi sẵn sàng và nghĩ rằng tôi đầy đủ khả năng gánh vác".
"Tôi cũng đã biết ông như vậy".
Nói qua loa về các vấn đề ngoại giao, rồi Nixon bắt sang chuyện Đông Dương. Ông Ford kể rằng ông Nixon đã trối trăn như sau: Tổng thống Nixon đã khuyên tôi nên tiếp tục một chính sách mạnh mẽ về Việt nam và Campuchia và nhấn mạnh vai trò của Henry Kissinger trong việc này" (2).
Nixon nói thêm: "Henry là một thiên tài, tuy nhiên ông cũng phải chấp nhận tất cả mọi việc ông ta đề nghị. Ông ta có thể hữu ích, và trung thành, nhưng ông không thể để cho ông ta hoàn toàn tự do làm theo ý mình".
Đọc kỹ hồi ký của cả hai cựu Tổng thống Nixon và Ford, tôi đã không thấy ông Nixon dặn dò người kế vị mình điều gì liên hệ tới những cam kết của ông đối với Việt nam cộng hoà.
Sau hôm đó, Tổng thống Nixon lên truyền hình tuyên bố phó Tổng thống Ford lên kế vị. Thế là từ một Dân Biểu ở Hạ Nghị Viện, vừa mới được Nixon đưa lên làm Phó Tổng thống thay ông Spiro Agnew (phải từ chức vì bị tố cáo tham nhũng) vài tháng trước, bây giờ nhảy ngay lên ghế Tổng thống, không có bầu bán gì cả.
Tiếp tục khoán trắng cho Kissinger
Kinh nghiệm ông Ford chỉ là kinh nghiệm vận động trong Đảng Cộng hoà và tại Hạ Viện. Ít hiểu biết, ông đã khoán trắng công việc ngoại giao cho Kissinger. Khi Nixon còn làm Tổng thống, ông đã tạm để cho Kissinger sau khi lên chức bộ trưởng, vẫn giữ chức cũ là Cố vấn an ninh. Vì Toà Bạch Ốc đang bốc lửa sau vụ Watergate, Nixon chưa để ý tới vấn đề nhân sự.
Trở về văn phòng, việc đầu tiên ông Ford làm là gọi điện thoại cho ông Kissinger: "Henry, tôi cần ông, đất nước cần tôi, tôi muốn ông tiếp tục ở lại. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để làm việc với ông".
"Thưa Ngài, sẽ không có vấn đề gì. Bổn phận của tôi là làm việc cùng với Ngài chứ không phải là Ngài cùng với tôi", Kissinger trả lời (3).
Vị tân Tổng thống mời Kissinger tiếp tục kiêm nhiệm cả hai chức cùng một lúc: Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh. Và như vậy, tuy đã có lời trối trăng của ông Nixon, ông Ford đã để ông này "hoàn toàn tự do làm theo ý mình".
Tái xác nhận những cam kết
Ngay buổi chiều ngày làm việc đầu tiên tại toà Bạch Ốc, tân Tổng thống đã gặp riêng Đại sứ Việt nam cộng hoà Trần Kim Phượng. Theo Kissinger thì trong buổi họp, "Tổng thống Ford đã đảm bảo với ông Phượng là ông quyết tâm về sự sống còn của Chính phủ Sài gòn và sẽ cố gắng hết sức để tăng viện trợ (cho Việt nam cộng hoà)" (4).
Tuy đã tiên đoán là Tổng thống Nixon sẽ phải từ chức, nhưng khi nghe tin này, Chính phủ Sài gòn hết sức hoang mang. Gặp Tổng thống Thiệu ngay chiều hôm ông Nixon từ chức, tôi thấy ông không giấu nổi lo lắng. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, nhận được công điện do Đại sứ Phượng báo cáo từ Washington về buổi gặp gỡ Tổng thống Ford, ông Thiệu thấy phần nào yên tâm. Thế rồi, lại một dấu hiệu tích cực: hôm sau, Phó Đại sứ Hoa kỳ, ông W.J. Lehman tới dinh Độc Lập trao tận tay ông Thiệu một lá thư mật của tân Tổng thống. Lúc đó Đại sứ Martin còn ở Washinglon vận động viện trợ. Lá thư như sau:Ngày 10 tháng Tám, 1974
Thưa Tổng thống,
"Khi tôi lên đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Hoa kỳ, ý tưởng đầu tiên của tôi là nghĩ tới những cuộc tấn công tàn bạo mà quân đội quí quốc đã đẩy lui một cách can trường và quả cảm. Có lẽ tôi không cần phải thông báo cho Ngài rõ rằng chính sách ngoại giao của Hoa kỳ luôn luôn được dựa trên căn bản liên tục và sự ủng hộ của lưỡng đảng. Lúc này đây những tính chất đó lại càng rõ ràng hơn nữa và tất cả những cam kết mà nước tôi đã hứa hẹn với quí quốc trong quá khứ vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi.
Những cam kết này của tôi lại đặc biệt thích ứng với Việt nam cộng hoà trong điều kiện hiện tại. Chúng ta đã cùng nhau đi trên con đường dài và đầy chông gai. Tôi đã nghe những tường trình của Đại sứ Martin về những tiến bộ đáng ghi nhận của quý quốc dưới sự lãnh đạo của Ngài. Kể từ lúc ký kết Hiệp định Paris, qua bản báo cáo của ông Đại sứ, tôi rất khích lệ sự quyết tâm của Ngài trong công cuộc cải tổ Chính phủ để sư dụng viện trợ Hoa kỳ và các quốc gia bạn khác một cách hữu hiệu hơn, ngõ hầu đem lại nền kinh tế tự túc cho Việt nam cộng hoà trong vài năm tới đây. Quân lực Việt nam cộng hoà với tinh thần cao và chiến đấu hữu hiệu sẽ là một bằng cớ hiển nhiên cho các nhà lãnh đạo Hà Nội phải nhận ra rằng đã đến lúc phải tham dự vào việc duy trì bản Hiệp định Paris và nghiêm chỉnh cộng tác với Ngài trong việc thi hành Hiệp định như ý muốn của Ngài.
Tôi biết rằng Ngài đang lo ngại về những bước đầu của Quốc hội trong việc chuẩn chi viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt nam cộng hoà. Thủ tục của Quốc hội chúng tôi phức tạp, rườm rà nhưng chưa phải là kết thúc. Tuy còn phải đợi một thời gian nữa, nhưng tôi muốn nói để ngài yên tâm rằng cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả về quân sự lẫn kinh tế.
Trước thử thách quan trọng này, tôi nhờ đến sự giúp đỡ của Tiến sĩ Kissinger tham dự Chính phủ mới với tư cách Tổng trưởng ngoại giao như cũ. Cả Tiến sĩ Kissinger và Đại sứ Martin đều được tôi tín nhiệm hoàn toàn.
Trân trọng
Gerald R. FordÔng Thiệu lên tinh thần đôi chút. Ít nhất, tân Tổng thống đã xác nhận lại những cam kết của Hoa kỳ đối với Việt nam cộng hoà. Lúc đó, tôi chưa biết gì đến những cam kết mật của Tổng thống Nixon. Tổng thống Ford vừa nói với Đại sứ Phượng về quyết tâm của ông, bây giờ chính ông Ford lại tái xác định tính chất liên tục của chính sách Hoa kỳ.
Mấy ngày sau khi nhận được thư của ông Ford, sau một buổi họp Hội đồng Tổng trưởng, ông Thiệu bảo tôi ở lại uống ly rượu nói chuyện thêm. Nhấm nháp ly Chivas Regal pha soda, ông hỏi qua loa về cá nhân ông Ford, vì ông này quá mới mẻ đối với Việt nam. Ông hy vọng ông Ford, người được Nixon tiến cử, sẽ tiếp tục chính sách của vị tiền nhiệm. Tôi nói với ông Thiệu về cái thông lệ của Mỹ là một tân Tổng thống thường được Quốc hội dành cho một "tuần trăng mật" dài khoảng 100 ngày; đôi khi lâu hơn. Trong thời gian này, họ dành mọi sự dễ dàng cho vị tân Tổng thống.
Để bắn tin cho Washington biết, trong cùng ngày, ông Thiệu cho bộ Ngoại giao công bố lập trường chính thức của Việt nam cộng hoà về việc ông Nixon từ chức, bình luận rằng vụ Watergate là "Vấn đề nội bộ của Hoa kỳ... Chính phủ Việt nam cộng hoà hoàn toàn tin tưởng vào Chính phủ và nhân dân Hoa kỳ sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao đã được năm vị Tống thống Hoa kỳ theo đuổi và còn được cả lưỡng Đảng chấp thuận. Bởi vậy Việt nam cộng hoà tin tưởng Hoa kỳ sẽ tiếp tục cộng tác với Chính phủ và nhân dân VN để thực hiện hoà bình trên căn bản Hiệp định Paris".
Lời lẽ rất là hợp lý và chặt chẽ, Tổng trưởng ngoại giao Vương Văn Bắc là một luật sư đã có tiếng.
Và bức thư trên, sau này tôi mới phát hiện ra là khi ông Ford ký để gửi cho ông Thiệu, thực sự chính ông cũng đã không biết tầm quan trọng của nó. Khi ông viết "những cam kết mà nước tôi đã hứa hẹn với quí quốc trong quá khứ nó vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi", ông đâu biết tới thực chất những cam kết đó. Kissinger đã giấu đi hết (xem Chương sau). Ông Ford chắc chỉ nghĩ là mình chỉ nói tới hứa hẹn chung chung như tuyên bố ủng hộ Việt nam cộng hoà của các Tổng thống tiền nhiệm như Eisenhower, Johnson, Kennedy và Nixon.
Tại sao như vậy? Nhìn lại lịch sử để nhận xét những diễn biến hậu trường bang giao Việt-Mỹ từ lúc đó, tôi chỉ có thể kết luận rằng ông Kissinger đã muốn ông Ford trấn an phía Việt nam cộng hoà để khỏi kêu ca oán trách khi bị Quốc hội cắt xén viện trợ. Nếu ông Thiệu khiếu nại trên căn bản những mật ước thì sẽ gây nhiều tranh luận, đưa chính ông Kissinger vào chỗ kẹt. Điều hay nhất cho Chính phủ Ford là làm sao giữ cho Sài gòn cứ yên lặng, làm sao cho mọi chuyện được êm ả cho tới lúc Mỹ tháo chạy.
Sau khi cuốn Hồ sơ mật Dinh Độc Lập do tôi và J. Schecter viết, xuất bản năm 1986, ông Kissinger hết sức bất bình vì đã lộ ra hết. Vì có lẽ vì bức thư của ông Ford cũng đã được tiết lộ nên trong cuốn sách vừa viết năm 2003, "Ending the Vietnam war" Kissinger nói qua loa tới mật thư này, nhưng cũng chỉ nhắc tới đoạn nói về trấn an phía Việt nam cộng hoà về vấn đề quân viện. Ông viết là cùng một ngày, sau khi gặp Đại sứ Phượng, Tổng thống Ford đã gửi một thư cho Tổng thống Thiệu, trong đó có một câu do chính ông Ford viết thêm vào bản thảo như sau:
Thủ tục của Quốc hội chúng tôi phức tạp, rườm rà nhưng chưa phải là kết thúc. Tuy còn phải đợi một thời gian nữa, nhưng tôi muốn nói để ngài yên tâm rằng cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả về quân sự lẫn kinh tế.
Kissinger bình luận:
"Lúc đó cả ông Ford lẫn tôi đều không biết rõ được sự sâu đậm và tầm mức của việc chống đối lại Quốc hội sau vụ Watergate. Vì nếu biết được như vậy thì chắc chắn bức thư đó (9/8/74) đã được hạ giọng xuống rồi" (5).
Như vậy, kể cả trong cuốn sách mới nhất, tuyệt nhiên Kissinger vẫn không đả động gì đến đoạn văn quan trọng nhất của bức thư ngày 10 tháng Tám 1974 về việc chính Tổng thống Ford đã tái cam kết "những gì nước tôi đã hứa hẹn với quý quốc trong quá khứ".
Báo động
Vào lúc đêm hôm đình chiến sau Hoà Đàm Paris (27 tháng Giêng 1973), sáu chiếc tàu chở đầy đạn dược đang thuận buồm xuôi gió trên Thái Bình Dương tiến vào hải phận Việt nam bỗng được lệnh quay trở về Hoa kỳ. Số đạn này là từ kho dự trữ cho Việt nam cộng hoà từ trước, nên kể như không bị ảnh hưởng do Hiệp định quy định. Vậy mà nó lại đã không tới nơi. Thế là 55.000 tấn đạn cần thiết cho quân lực Việt nam cộng hoà đã bị mất đi một cách bí mật. Đây là do áp dụng Hiệp định một cách máy móc hay là do một sắp xếp nào khác?(6).
Bí mật này, do tướng John Murray (hiện cư ngụ tại Springfield, Virginia) tiết lộ, cho tới nay cũng ít ai hay. Murray lúc đó là người điều khiển cơ quan Quốc phòng Mỹ DAO ở Sài gòn.
Ngày 19 tháng 12, 1973, tướng Murray lại nhận được công điện từ Bộ Quốc phòng cho hay Quốc hội đã cắt nhiều viện trợ cho Đông Dương, ảnh hưởng đến tiếp liệu sáu tháng còn lại của tài khoá 1973/74. Tài khoá này chấm dứt ngày 30 tháng Sáu 1974. Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu tướng Murray đề nghị những chương trình nào của Việt nam cộng hoà có thể cắt giảm để phù hợp với ngân khoản mới. Đồng thời, bộ Lục quân chẳng đợi Quốc hội hành động đã bắt đầu cắt ngân khoản điều hành và bảo trì cho Việt nam cộng hoà ngay trong tài khoá 1974. Chắc là họ muốn dùng ngân khoản ấy vào những mục tiêu khác. Lúc đó, việc tiếp liệu cho Do Thái đang là ưu tiên. Tài nguyên của Quốc phòng cần phải dồn về Trung Đông!
Khi tướng Munay nhận được tin, ông báo ngay cho Đại sứ Martin và yêu cầu ông chính thức thông báo cho phía Việt nam cộng hoà. Nhưng Martin không bằng lòng, bảo Murray phải giữ kín tin này, vì nó có thể gây ra nhiều xáo động về mặt chính trị" (7).
Tuy nhiên, từ đầu tháng Giêng 1974, tướng Murray tiếp tục báo động cho phía Việt nam phải tiết kiệm đồ tiếp liệu, nhất là đạn dược. Ông họp với Bộ Tổng tham mưu (TTM) về vấn đề này. Dù không đi vào chi tiết, Murray cũng muốn cho phía Việt nam nhận thức được sự cắt giảm đã bắt đầu. Tướng Murray kể lại: "Từ trước đến nay, tôi vẫn nói với Bộ TTM là các ông sẽ được tiếp tế đầy đủ như chúng tôi đã hứa, và sẽ nhận được quân dụng theo linh thần một-đổi-một của Hiệp định Paris. Thật là khó cho ông. Từ trước đến nay, chẳng ai báo cho tôi hoặc Tổng thống Thiệu, hay Đại tướng Viên biết chuyện cắt ngân khoản cả. Tôi đã hứa rồi, bây giờ nói lại, thật là một sự đau lòng".
Ngày 13 tháng Hai 1974, Đại tướng Cao Văn Viên ra lệnh hạn chế việc sử dụng vũ khí các loại. Vì từ lúc gởi đơn đặt hàng cho đến lúc nhận được phải mất khoảng bốn tháng.
Nguồn tiếp liệu thì đã bắt đầu cạn trước tháng Tư. Từ đó "hệ thống tiếp vận này không bao giờ hồi sinh được nữa"(8). Đơn xin tiếp liệu từ các quân khu gởi về Tổng tham mưu càng ngày càng nhiều, gồm những thứ khan hiếm khẩn cấp như đạn dược, tiếp liệu quân y và ngân khoản thực phẩm cho binh sĩ. Người lính bộ binh thường vẫn mang sáu lựu đạn, bây giờ chỉ được phát có hai. Súng cối và trọng pháo bảo vệ tiền đồn chỉ được phát bốn quả đạn mỗi ngày và mọi cuộc pháo kích đều phải ngưng để tiết kiệm đạn dược. Nửa số xe thiết giáp bị nằm ụ, 200 phi cơ không cất cánh được. Trong cuốn The Final Collapse (Sự sụp đổ cuối cùng), Đại tướng Viên đã kết luận: "Trong những năm 1974-1975, người lính Việt nam cộng hoà ra trận mà lòng lo sợ rằng đạn không tiếp tế kịp và nếu bị thương thì việc tải thương cũng sẽ chậm trễ hơn. Thời vàng son tiếp liệu thừa thãi và trực thăng quân vận mau lẹ đã qua rồi... Việc cắt viện trợ quá nhiều và quá đột ngột đã triệt tiêu mọi cơ hội thành công và làm cho dân chúng cũng như quân đội miền Nam hốt hoảng, đồng thời khuyến khích Cộng sản gia tăng nhịp độ thanh toán miền Nam bằng võ lực" (9).
Cái nhục của kẻ đi cầu xin
Đến tháng 4-1974, tức là đúng một năm trước khi sụp đổ, tình hình tiếp liệu trở nên nguy ngập. Dù Đại sứ Martin cố trấn an. Ông Thiệu vô cùng lo lắng. Ông có đầy đủ thông tin từ tướng Murray, Bộ Tổng tham mưu và nhiều nguồn khác chứ đâu chỉ có nghe lời khích lệ từ phía ông Martin. Bề ngoài thì ông tỏ ra bình tĩnh và vẫn cứ tranh thủ vì đâu còn sự lựa chọn nào khác. Không nhẽ biết sắp bị cắt hết viện trợ thì buông xuôi. Bởi vậy, ông nhờ cậy Đại sứ Martin đồng thời yêu cầu các phái đoàn Quốc hội Việt nam cộng hoà sang cầu viện tại Washington. Mặt khác, ông có thái độ cởi mở hơn với báo chí Mỹ và cho phỏng vấn nhiều hơn. Cuối 1974 và đầu 1975, ông tiếp đón một số nghị sĩ, dân biểu Mỹ để yêu cầu họ khuyến cáo cho Quốc hội nương tay. Nhưng ông chỉ luôn luôn biện luận trên căn bản là hai nước đã chiến đấu với nhau trong hai mươi năm và đã có tới năm Tổng thống Mỹ ủng hộ Việt nam cộng hoà. Ông hoàn toàn không đả động tới những cam kết của Tổng thống Nixon để đổi lấy Hiệp định Paris.
Đầu tháng Năm 1974, Tổng thống Thiệu cử Đại tướng Viên đi Mỹ cầu viện. Ông mang theo một danh sách nhu cầu cấp bách về quân dụng cho Việt nam cộng hoà: trọng pháo 105 ly và 155 ly, đạn dược, dụng cụ truyền tin, và ngân khoản để duy trì khả năng chiến đấu. Tới Ngũ Giác Đài, Tướng Viên gặp Tướng Abrams, người thay tướng Westmoreland làm tư lệnh quân đội Mỹ lại Việt nam. Lúc đó ông đã lên chức Tham mưu trưởng Lục quân. Abrams cho biết vấn đề viện trợ khó khăn không do Ngũ Giác Đài mà là do Quốc hội. Sau đó ông vào gặp Tổng trưởng quốc phòng Schlesinger và trình bày nhu cầu của quân lực Cộng hoà trước ba mươi sĩ quan cao cấp, kể cả các tướng lãnh thuộc Bộ tham mưu Liên quân. Tất cả đều hứa hẹn hết sức ủng hộ. Schlesinger hứa sẽ giúp, nhưng giải thích rằng quyết định cuối cùng là do Quốc hội.
Lúc ông Viên còn đang ở Mỹ, Tổng thống Thiệu bảo chúng tôi sang Washington thẩm định tình hình viện trợ kinh tế và cũng để ý theo rõi vấn đề viện trợ quân sự. Trước khi đi, Đại sứ Martin dặn tôi cố xin gặp Nghị sĩ Kennedy, người lãnh đạo phong trào cắt xén viện trợ của Miền Nam. Vừa mới đây, ngày sáu tháng Năm 1974, Thượng Viện đã bỏ phiếu thuận 43-38 để kèm vào Chuẩn chi cho Ngân sách Bộ Quốc phòng một điều kiện gọi là "Tu chính Kennedy" (Kennedy Amendment). Như ta đã hay, khi ký một hợp đồng dài vài chục trang, nhiều khi chỉ vì ba chữ "với điều kiện" (subject to) được nhét vào một câu nào đó ở một trang khúc giữa chẳng hạn, là đã có thể làm vô hiệu hoá chữ ký. Ví dụ như mấy chữ "với điều kiện vợ tôi đồng ý" là có thể đổ cho vợ và huỷ hợp đồng dễ dàng. Tu chính án Kennedy chỉ thêm mấy chữ là cấm sử dụng Ngân sách riêng của Bộ Quốc phòng để chi tiêu tại, cho, hay nhân danh các quốc gia Đông Nam Á. Thế là xong! Đông Nam Á rất rộng: gồm cả Việt nam. Kennedy quan niệm là Nixon đã "thất bại trong việc thay đổi tính chất và mục đích của viện trợ và cả chính sách của Hoa kỳ đối với các nước Đông Dương". Ông ta cho rằng viện trợ đã được dùng để kéo dài cuộc chiến. Theo Kennedy, "nếu không đặt trọng tâm vào việc thi hành những mục tiêu chính trị của thoả ước ngưng chiến... thì mục đích của những món tiền chi tiêu khổng lồ ở VN không phải là để... cứu nạn nhân chiến tranh, hay kiến thiết xứ sở mà chỉ là để mua thời gian cho Chính phủ Thiệu kéo dài chiến tranh"(10).
Tuy có quen biết ông thời cùng là hội viên trong hội Sinh Viên Công giáo Newman lúc còn ở đại học Virginia, tôi miễn cưỡng phái đến năn nỉ ông này. Dù sao, tôi nghĩ vì tình bạn ông sẽ cho tôi chút thời giờ giải thích về nhu cầu viện trợ để xây dựng hoà bình tại Miền Nam, chứ không phải để "kéo dài chiến tranh".
Ngày 15 tháng Năm, tôi tới văn phòng ông ở Thượng Viện. Phụ tá của ông là Jerry Tinker tiếp đón. Tuy có hẹn trước, nói rằng ông ta rất bận rộn. Gặp Kennedy được một chốc lát, tôi tóm tắt tình hình kinh tế, xã hội và quân sự tại Miền Nam, và yêu cầu ông đừng cắt viện trợ nữa. Ông bày tỏ thiện cảm, và nhắc lại vài kỷ niệm ở hội Sinh viên Công giáo lúc còn là sinh viên. Nói được mấy câu thì ông cứ nhìn đồng hồ và tỏ vẻ vội vàng. "Tôi phải đi họp ngay một phiên họp khác". Thấy bí, tôi xin đi theo một quãng để trình bày thêm.
Khi rảo bước qua hành lang Thượng Viện, ông Kennedy lại cố đi nhanh, tôi phải theo cho kịp, vừa đi vừa trình bày. Tôi cảm thấy thân phận mình như một người đi cầu xin, lẽo đẽo đi theo một anh nhà giàu!
Tới gần phòng họp, ông dừng lại, ngồi dựa trên thềm cửa sổ rộng lớn, nói chuyện với tôi được vài phút. Nhưng nói gì thì nói, Kennedy vẫn không thay đổi. Ông bắt tay tạm biệt và bước vào phòng họp. Tôi uể oải xách cặp ra về.
Ngày 11 tháng Bảy, 1974, Kennedy đề nghị cắt viện trợ kinh tế cho Việt nam cộng hoà là 50%!
Khấu trừ trội chi
Sau Kennedy, chúng tôi tới bộ Quốc phòng gặp Eric Von Marbod, lúc đó là Đệ nhất Phó Phụ tá Tổng trưởng quốc phòng về An ninh quốc tế! Ông này có rất nhiều kinh nghiệm về tiếp vận. Vì Tổng thống Thiệu muốn biết rõ về tình hình thực sự của quân viện, tôi yêu cầu ông cho biết những con số thực tế chứ không phải lý thuyết.
Tôi rất buồn phải nói thật với anh rằng mức quân viện đang tiêu cho Việt nam cộng hoà thực sự chỉ có 625 triệu, và có thể chỉ có 500 triệu". Ông giải thích là dù Quốc hội có chấp nhận mức viện trợ hơn một tỷ thì phần còn lại cho Miền Nam cũng quá ít ỏi. Tôi bỡ ngỡ, "Đây này", ông xé một tờ giấy trong cuốn sổ tay, viết vội xuống cho tôi coi. Và tôi ghi:
Quân Viện cho Việt nam, Lào (và Kampuchia): $1.126 triệu;
Phần Lào (và Kampuchia): $110 triệu; sau đó còn phải khấu trừ đã trội chi cho tài khoá trước: $266 triệu;
Mua máy bay F-5E: $125 triệu;
Còn lại $625 triệu.
Ông thêm, "số tiền thực sự dùng được có thể chỉ còn 500 triệu sau khi trừ ngân khoản chi phí cho cơ quan DAO Sài gòn". Ông còn nói "ngân khoản đã được phân phối, chẳng còn làm gì khác được nữa." Vào thời điểm đó, chưa có "chuẩn chi" cho ngân sách viện trợ dứt khoát cho Miền Nam, bộ Quốc phòng phải dựa vào một biện pháp gọi là "nghị quyết tiếp tục" (continuing resolution), một thủ tục vá víu để chi tiêu.
"Vì sao có vụ khấu trừ vào năm trước?" Tôi hỏi.
Ông cắt nghĩa là hiện trong nguồn tiếp liệu cho Việt nam cộng hoà, một số quân nhu đã được mua trong tài khoá 1974, nhưng bây giờ phải thanh toán. Đây là một sự việc quan trọng mà ít ai biết vì nó cắt nghĩa tại sao vấn đề tiếp liệu cho quân đội Việt nam cộng hoà đã trở nên quá khó khăn kể từ hè 1974. Chính Đại sứ Martin đã hết sức bực tức khi biết chuyện khấu trừ này vì cả ông cũng nghĩ là tiền năm nào thì tiêu cho năm đó chứ sao có thể tính vòng lại? Ông cho trục trặc này phần lớn là do kế toán nội bộ của Bộ Quốc phòng, gọi họ là những tay đĩ điếm tài chánh (fiscal whores). Ông nói, chính vì chuyện "kế toán" lôi thôi này mà tới gian đoạn chuẩn chi tại Quốc hội, quân viện cho tài khoá 1975 đã bị cắt giảm.
Thực ra tôi cho rằng lúc đó nhu cầu tiếp viện bên Trung Đông lên quá cao nên tồn kho quân dụng bị ảnh hưởng và đã có những xoay xở bớt số tiếp liệu cho Việt nam cộng hoà để còn dồn sang cho Do Thái.
Còn 125 triệu cho chương trình F-5E, tôi hỏi Marbod xem có thể du di sang những khoản như đạn dược, xăng nhớt không? Ông cho biết là không được vì mọi việc đã kế hoạch xong rồi. Năm 1973, quân viện là 2,2 tỷ, bây giờ trong thực tế còn có 500 triệu! Ấy là nếu Quốc hội chuẩn chi 1,126 tỷ.
Về tới Sài gòn, chúng tôi vội phúc trình lên Tổng thống. Chẳng có tin gì tích cực lại phải trình bày những con số tuyệt vọng do Von Marbod đưa ra! Tôi nói với ông Thiệu: như vậy thì trong thực tế, so sánh với mức trung bình của những năm 1971-1973 (điều chỉnh theo lạm phát), khả năng tác chiến của Việt nam cộng hoà bị giảm khoảng 60%! Nhận xét này cũng trùng hợp với ước tính của Bộ Tổng tham mưu về tình hình cuối năm 1974.
Sau này, trong tập hồi ký "Đại Thắng Mùa Xuân", thượng tướng Văn Tiến Dũng của Hà Nội đã viết về động cơ thúc đẩy Bắc Việt lấy quyết định mở cuộc tổng tấn công Miền Nam: Mỹ đã giảm viện trợ làm cho kế hoạch tác chiến và xây dựng lực lượng quân đội Sài gòn không thể thực hiện theo như ý muốn". Đó là vì "hoả lực đã sút giảm gần 60% vì thiếu bom, đạn; khả năng di động cũng giảm đi 50% vì thiếu máy bay, xe cộ, và nhiên liệu"(11).
Sau khi nghe tôi phúc trình, ông Thiệu lặng thinh, suy tư. Ông mím môi, chắp tay sau lưng bước ra khỏi phòng, lững thững đi về phía căn lầu riêng của gia đình ông. ánh mắt ông đăm chiêu, tư lự.
Bãi cát sa lầy
Ngày 16 tháng Tám, trong buổi họp cuối cùng với các tướng lãnh Việt nam trước khi về nước, tướng Murray lưu ý họ nên suy nghĩ cho kỹ về tình hình tiếp liệu khó khăn trong những tháng cuối năm 1974 và sang năm 1975. Ông khuyên họ nên thu gọn tuyến phòng thủ lại, tập trung quân đội và đạn dược để phòng thủ vùng đông dân cư dọc bờ biển.
Về tới Ngũ Giác Đài, ông nộp tường trình về tình hình Việt nam từ cuối 1972 (tức là trước Hiệp định Paris) tới lúc ông rời Sài gòn. Trong bản "Phúc trình về Việt nam, từ 12 tháng 1- 1972 tới 21 tháng Tám, 1974", dài gần 250 trang, ông phân tích chi tiết tình hình quân nhu, quân cụ, đạn dược của tất cả các quân, binh chủng. Đưa ra đầy đủ số liệu, ông chứng minh tình trạng tiếp vận kiệt quệ thảm thương của Quân lực Việt nam cộng hoà. So sánh nó với khả năng của Quân lực Bắc Việt đang hoạt động tại Miền Nam, thì quả là một trời một vực.
"Tôi chắc chắn rằng điều tốt nhất mà một Tướng lãnh có thể làm được khi về hưu là nộp lại (cho Bộ Quốc phòng) cái đầu lưỡi của mình cùng với bộ quân phục, rồi sau đó thì xếp những ý kiến của mình vào một xó nhà" (12).
Murray trích dẫn lời của vị tướng nổi danh Omar Bradley ( 1959) để bắt đầu bản Phúc trình. Ông hết sức chỉ trích Quốc hội đã cắt viện trợ và thẳng thắn phê bình những rắc rối khó khăn do chính Bộ Quốc phòng Mỹ gây ra. Nó đã gây ra cho Miền Nam và cho chính ông một sự bất ổn, không xác định được mức viện trợ từ tháng này qua tháng khác, cơ cấu viện trợ ràng buộc đi kèm theo viện trợ, đặc biệt là tài khoá 1974 và 1975. Tình trạng này gây bế tắc khó khăn về phương diện tiếp liệu, không biết thế nào mà đặt kế hoạch cho chiến trường, như là người mù chơi trò tháu cáy trên một sân mìn, đó là tình huống của tài khoá 1974. Và còn tiếp tục vào tài khoản 1975", tướng Murray viết trong tập Phúc trình (13). cũng như Đại sứ Martin, Murray nêu ảnh hưởng nặng nề của việc Bộ Quốc phòng khấu trừ trong tài khoá 1975 những số tiền đã tiêu vào tài khoá 1974, làm gián đoạn dòng tiếp liệu, rồi còn bao nhiêu tái thẩm định về giá cả vật liệu, nào tính thêm tiền, rồi trừ vào viện trợ, nào bàn định cắt giảm viện trợ, hết mức này tới mức khác.
Đã vậy khoảng thời gian tiếp vận từ lúc đặt hàng, vận chuyển qua đại dương, tới lúc cập bến phải tối thiểu là 120 ngày. Ấy là nếu Bộ Quốc phòng hợp tác mau lẹ. Nếu không, thì lại phải cộng thêm vào đó thời gian chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu đặt hàng (back order). Vì thiếu sự phản ứng cấp thời của Bộ Quốc phòng Hoa kỳ, hậu quả là cuối năm 1974, Việt nam cộng hoà phải gánh chịu tình trạng "tiền". Trong trường hợp khẩn cấp, dù còn tiền nhưng cũng chỉ là tiền chết. Murray đi tới kết luận:
"Một quân đội không thể đương đầu với đối phương được lâu nếu nó phải đứng trên bãi cát sa lầy (quick sand)" (14).
Một buổi tối sau một ngày dài làm việc vào đầu hè 1974, ông Thiệu biểu lộ tâm tư:
"Thật khó mà tin được. Thoạt tiên ở Midway (họp với Nixon năm 1969), họ nói với tôi là Mỹ sẽ rút vài ngàn quân, nhưng còn duy trì nửa triệu quân chiến đấu ở Việt nam; sau đó, họ rút thêm quân, và nói sẽ trang bị cho quân đội Việt nam cộng hoà để đền bù sự triệt thoái này. Đến năm 1972, khi triệt thoái tiến nhanh hơn, họ nói với tôi "Đừng có lo, chúng tôi sẽ đóng lại một lực lượng nhỏ (residual force) là Mỹ sẽ tăng cường yểm trợ bằng không lực. Đến khi họ rút lui toàn bộ, cả lục quân lẫn không quân, họ hứa sẽ tăng viện trợ và tiếp tục duy trì sự có mặt của Đệ thất hạm đội cùng các căn cứ không quân ở Thái Lan để yểm trợ khi cần. Bây giờ, anh nói với tôi viện trợ Mỹ bị cắt 60 phần trăm. Vậy ta còn gì nữa?"
Tình hình viện trợ thì như vậy, nhưng như đã trình bày ở trên đây, đang lúc Việt nam cộng hoà lo lắng, thì khi vừa lúc đi lên chức Tổng thống thay ông Nixon, ông Gerald Ford lại vội vàng trấn an ông Thiệu (ngày mồng 10 tháng Tám)
"... Tôi biết rằng Ngài đang lo ngại... nhưng tôi muốn nói để Ngài yên tâm rằng, cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả quân sự lẫn kinh tế".
Phản lực cơ F-5E
Khi nghe ông Thiệu kể về những cam kết của Hoa kỳ theo những giai đoạn trong tiến trình rút quân khỏi Miền Nam, chúng tôi thấy ông căng thẳng quá, nhưng cũng không biết nói gì hơn. Tuy nhiên tôi nhớ ra còn 75 chiếc phi cơ F-5E nằm trong ngân khoản cũ như ông Marbod đã cho hay, nhưng chưa biết bao giờ mới giao cho Việt nam cộng hoà. Ông Thiệu ngạc nhiên về sự không chắc chắn này. Tôi đề nghị, và ông chấp thuận xúc tiến ngay việc này.
Trở lại Washington cuối tháng Bảy, 1974 theo dõi tình hình viện trợ và làm việc với cơ quan USAID để xin thêm ngân khoản nhập cảng và tái thiết, chúng tôi tới thủ đô Hoa kỳ giữa lúc chiến dịch buộc tội Nixon đang sôi nổi. Trời Washington nóng đến bốc hơi không kém gì ở Sài gòn. Ở Ngũ Giác Đài không khí làm việc khác hẳn với những lần trước tôi tới.
Dấu hiệu phức tạp hiện ra khá rõ ràng. Vụ Watergate đang chiếm hết thời giờ Quốc hội, còn đâu mà bàn đến viện trợ cho Việt nam cộng hoà. Ngân khoản viện trợ tạm thời phải dựa vào mức độ ngân sách của tài khoá năm trước, theo một thủ tục là "giải pháp tiếp nối" (Continuing Resolution) vì vậy không có gì chắc chắn cả. Trước khi về Sài gòn, tôi đến gặp Von Marbod về vụ 75 phi cơ F-5E. Ông giải thích là tiền còn trong ngân sách, nhưng hãng Northrop (ngày nay là Northrop Grumman) cần có thời gian sản xuất; sau đó các bộ phận sẽ được lắp ráp ở Phillippines rồi mới giao cho Sài gòn. "Cả Đài Loan và Iran đều xin F-5E. Họ có thể được ưu tiên hơn Việt nam cộng hoà".
Ông cho biết ngoài ra lại còn khó khăn vì những giới hạn "một-đổi-một" của Hiệp định Paris. Máy bay F-5E (còn gọi là Tiger 2 được ra mắt tại Hawthorn, California tháng Tám, 1972. Nó tối tân hơn loại F-5 (còn gọi là "Freedom Fighter" hiện có của Việt nam cộng hoà: có khả năng thao diễn cao hơn, tầm bay dài hơn, cất cánh nhanh hơn, tốc độ nhanh hơn và sức chở nhiều hơn. Tôi nhờ Marbod giúp để gặp ông Thomas Jones, Chủ tịch hãng sản xuất máy bay Northrop. Marbod sắp xếp và đưa tôi tới hãng Northrop ở Century City, gần Los Angeles. Sau khi nghe giải thích rằng quân đội Việt nam cộng hoà đã bị tổn thất nặng nề vì thiếu không lực yểm trợ, ông Jones cho biết Northrop sản xuất máy bay đúng hạn kỳ nhưng vì có nhiều khách hàng, chúng tôi đã phải xét lại nhu cầu của các ông". Theo như lời cố vấn của Marbod, tôi cố thuyết phục ông giao cho Việt nam cộng hoà ba phi đoàn (36 chiếc) trước Giáng Sinh 1974.
"Tại sao các ông cần trước Giáng Sinh?" ông Jones thắc mắc. "Chúng tôi ước đoán năm 1975 sẽ là năm gay go nên chúng tôi cần phương tiện chiến đấu". Marbod dặn nên nói với ông ta rằng nếu cần, Tổng thống Thiệu sẽ yêu cầu bộ Quốc phòng Mỹ thanh toán sớm cho Northrop. Ông Jones tỏ vẻ thoải mái và hứa: "Tôi sẽ cố gắng giúp ông và quốc gia của ông". Cuối năm đó, Không Quân Việt nam cộng hoà nhận được một số F-5E thay thế máy bay F-5 cũ.
Ông Jones gởi về biếu Tổng thống Thiệu một chiếc F-5E mẫu bằng plastic. Ông Thiệu rất thích chiếc máy bay mẫu và để nó ngay đằng sau bàn họp trong Phòng Tình Hình, cạnh chiếc điện thoại khẩn cấp đằng sau ghế ông (xem hình họp với phái đoàn Weyand).
Tin sét đánh
Ở mức quân viện như tài khoá 1972-73 là hai tỷ đô la một năm thì tới 1974-75, sau cú sốc dầu lửa, cũng chỉ còn mãi lực khoảng một tỷ hai, khó đủ phương tiện chống đối nếu có một cuộc tổng tấn công. Tới lúc Tổng thống Nixon từ chức, ông bắt buộc phải ký thành luật một mức tối đa ngân sách quân viện cho Việt nam cộng hoà tài khoá 1974-75 là một tỷ. Tính về mãi lực sau lạm phát thì quả là ít ỏi. Từ mức này, quân viện còn phải đi qua giai đoạn "chuẩn chi" tại Quốc hội nữa. Và từ lúc đó, Việt nam cộng hoà mong đợi từng giờ cho qua cái tình trạng bất ổn của chuẩn chi: hết Uỷ ban này tới Uỷ ban khác, hết Hạ Viện tới Thượng Viện, tối ngày đe cắt viện trợ. Mỗi lần mang ra bàn cãi là lại có những luận điệu chỉ trích, bêu xấu Chính phủ Miền Nam.
Cuối cùng thì mọi việc đã trở nên rõ ràng. Chỉ vài ngày sau khi Tống thống Ford viết bức thư ngày 10 tháng Tám 1974 cho ông Thiệu (khuyên ông đừng có lo vì tuy thủ tục tại Quốc hội rườm rà, nhưng "sau cùng sẽ được đầy đủ cả về quân viện lẫn kinh viện") Uỷ ban Chuẩn Chi Thượng Viện đã cắt từ "mức chấp thuận" là một tỷ xuống còn 700 triệu. Đó là "mức chuẩn chi". Thực là tin sét đánh cho Bộ Tổng tham mưu, vì nó thực sự phản ảnh một chiều hướng không thể đảo ngược được nữa về quân viện. Quốc hội hình như đã ly dị với tân lang thống trước khi tuần trăng mật bắt đầu. Niềm hy vọng khi nhận được thư đầu tiên của ông Ford đã tan biến như mây khói.
Ngoài chiến trường thì ở Vùng I, từ cuối hè, hai sư đoàn chính quy của Bắc Việt - Sư đoàn 304 và Sư đoàn 2 - đã hoạt động ở vùng đồi núi hai quận Đức Dục và Thường Đức phía Tây Nam Đà Nẵng. Tháng Chín, sư đoàn 324 lại tăng viện, chiếm trọn quận lỵ Thường Đức, và vùng đồi núi cao phía Nam Thừa Thiên, phi trường Phú Bài khó có thể sử dụng để tiếp liệu cho Huế. Tướng Ngô Quang Trưởng cho Sư Đoàn 1 với sự tăng cường của Biệt động quân, phản công để lấy lại đất đai bị chiếm. Tuy nhiên, bao nhiêu kho đạn dự trữ tại Vùng 1 bắt đầu vơi và số binh sĩ tử thương bỗng nhiên vụt tăng: mùa Hè năm đó đã hiến thành một mùa Hè đỏ lửa thứ hai, trước một mùa Đông- Xuân đầy sôi động.
Tới cuối năm 1974 thì đạn dược và xăng nhớt gần cạn. Theo dự tính của Bộ Tổng tham mưu: dự trữ đạn dược tồn kho chỉ còn cung ứng được từ 30 tới 45 ngày (15). Đại tướng Cao Văn Viên kết luận rằng nếu tình hình chiến sự cứ tiếp tục xảy ra theo cùng một nhịp độ thì: "số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng Sáu 1975, nếu không nhận được thêm viện trợ". Trong thực tế, Miền Nam đã không nhận được thêm viện trợ. Và nội trong tháng 4-1975, Quốc hội đã biểu quyết bác đi hết: một đồng cũng không cho thêm (xem chương 9).
Như vậy, ta có thể đặt câu hỏi quan trọng về phương diện lịch sử, là: nếu như không có biến cố 30-4-1975 thì tới tháng Sáu, cho già lắm là tháng Tám hay tháng Chín, quân lực Việt nam cộng hoà sẽ lấy gì mà chiến đấu?
Đã đến lúc phải giải ngũ?
Mặt quân viện đã nát, mặt kinh viện càng thêm nát.
Nhóm "Indochina Resource Center" (Trung tâm tài nguyên Đông Dương) là một tổ chức phản chiến dẫn đầu chiến dịch cắt viện trợ cho Miền Nam. Họ hoạt động rất hữu hiệu, đi gặp từng phụ tá, từng thơ ký của các nghị sĩ, dân biểu, tham dự và theo dõi cuộc họp của tất cả các Uỷ ban liên hệ, từ Hạ Viện tới Thượng Viện. Và họ đã thành công.
Thoạt tiên Quốc hội bắt thay đổi ngân khoản viện trợ trong chương trình "Thực phẩm phụng sự hoà bình" (Food For Peace hay PL 480) từ "cho không" sang "cho vay". Từ nay, số gạo viện trợ hàng năm sẽ hết là cho không mà phải hoàn lại như những món nợ. Tuy nhiên, vì là nợ dài hạn nên ngay lúc đó trở ngại này có tác động về tinh thần hơn là thực chất.
Tới bước thứ hai mới nguy. Vào đầu năm 1974, có tin dồn dập là Quốc hội Hoa kỳ sẽ đi tới việc cấm cả dùng viện trợ để tài trợ ngân sách Quốc phòng. Vài tháng sau thì tin đồn thành sự thực. Trước kia, 75% sự thiếu hụt ngân sách là do tài trợ bằng tiền của Quỹ đối giá (Counterpart Fund). Quỹ đối giá là một ngân khoản thu được khi tiền Viện Trợ Nhập Cảng (CIP) được đổi ra bạc Việt nam. Thí dụ, một thương gia muốn nhập cảng bông gòn phải đem tiền Việt nam đến ngân hàng xin mua Mỹ kim mở tín dụng thư. Số tiền này được đưa vào Quỹ đối giá. Đến nay, không những viện trợ đã bị giảm, mà Quỹ đối giá lại không còn được dùng để chi tiêu cho quốc phòng nữa.
Khi cơ quan USAID cho biết tin này, khối Kinh tế- Tài chính vô cùng bối rối, nhưng mọi người đồng ý sẽ không phổ biến. Chính phủ phải nhờ đến các viên chức USAID có nhiều thiện cảm để giúp chuẩn bị áp dụng một cách lỏng lẻo và linh động khi luật này có hiệu lực, như một số tiệm buôn có thể phải giữ hai hay ba sổ sách khác nhau (một sổ cho sở thuế, một cho công ty và một cho cá nhân mình). Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi tìm cách đi vòng và kết luận là sẽ làm ba ngân sách: Ngân sách quốc phòng, Ngân sách kinh tế, và Ngân sách nhân đạo:
- Ngân sách quốc phòng sẽ do thuế nội địa tài trợ;
- Ngân sách kinh tế do cả Quỹ đối giá và viện trợ thực phẩm lẫn các nguồn đi vay khác tài trợ;
- Ngân sách nhân đạo, căn bản là giúp đồng bào tỵ nạn (được ông Kennedy ủng hộ) sẽ do viện trợ nhân đạo của Mỹ tài trợ.
Chúng tôi biết mánh lới này cũng không bền vì trung tâm phản chiến kia sẽ phát giác và tìm cách chặn. Vả lại họ cũng dễ thành công vì sẽ nói "tiền trong kho, khó mà phân biệt được nó đến từ đâu".
Tại Washington hồi 3:30 giờ chiều ngày 13 tháng Năm, khi tôi gặp ông Nooter (chứ không phải Nutter), một quan chức cao cấp ở USAID đặc trách về Việt nam, ông lưu ý ngay là:
"Rất nguy hiểm! Nếu theo đúng luật thì từ 31 tháng 12, 1974, Việt nam cộng hoà sẽ không còn được dùng Quỹ đối giá viện trợ nhập cảng để tài trợ bộ Quốc phòng".
Nói trắng ra là không được dùng tiền từ Quỹ đối giá để trả lương cho quân đội nữa. Quân số Cộng hoà lúc đó là một triệu hai. Trong tình cảnh này, kể từ đầu 1975, cơ quan USAID đã nhắm mắt làm ngơ để Sài gòn không thi hành những giới hạn về kinh viện, tức là cứ tiếp tục lấy tiền ở Quỹ đối giá để tài trợ Ngân sách Quốc phòng. Nhưng như thế được bao nhiêu lâu? Chắc cũng chỉ dăm bảy tháng là bị bại lộ!
Ngoài ra ông Nooter còn lưu ý là có thể phải cần tới một luật sư để biện hộ (cũng chỉ là tạm thời) cho Việt nam cộng hoà trong trường hợp bị nhóm phản chiến phát giác và công kích.
Chưa xong, khi chúng tôi về tới Sài gòn, tướng Murray lại cho biết thêm: sau quyết định trên, Quốc hội còn đi thêm bước nữa: Từ ngày 31 tháng 12, 1974, VNCH sẽ không còn được dùng Quỹ đối giá của viện trợ nhập cảng dể trả lương cho cảnh sát nữa. Lực lượng cảnh sát lúc đó là 120.000 người.
Khi về hưu, tướng Murray bình luận về vụ này trong Phúc trình của ông: "Quốc hội thì cấm Cơ quan Viện Trợ USAID tài trợ cho lực lượng cảnh sát, ông Tổng Trướng Quốc phòng thì cấm luôn cả chúng tôi (Cơ quan quốc phòng DAO) tài trợ cho họ". (16).
Phải báo cáo những tin tức bi đát này cho Tổng thống Thiệu là một trong những công việc khó khăn nhất đối với cá nhân chúng tôi trong quá trình làm việc với ông.
Nhìn vào viễn ảnh kinh tế, tài chính và quân sự Miền Nam cuối năm 1974 như nhìn vào chân trời tím. Những đám mây đen đặc đang ùn ùn kéo tới báo hiệu cho một cơn bão tố từ xa xa.
Và như vậy, ta có thể đặt thêm một câu hỏi khác: từ năm 1976 Việt nam cộng hoà sẽ lấy tiền đâu trả lương cho quân đội và cảnh sát? Sau 30 năm, tôi cũng chưa tìm ra được câu trả lời. Khi không còn tiền trả lương, chắc chỉ còn một giải pháp là giải ngũ?
Trên thực tế, năm 1974 đã là năm quyết định số mệnh cho Miền Nam Nam rồi vậy
Chú thích:
(1) Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 27-30.
(2) Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 27-30.
(3) Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 27-30.
(4) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 494; Geald Gerald Ford, Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 137.
(5) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 495.
(6) Phỏng vấn tướng Murray, ngày 10-5-1985, và ngày 12-2-1986.
(7) Phỏng vấn tướng Murray, ngày 12-2-1986.
(8) Legro, Vietnam from cease-fire to capitulation, trang 80.
(9) Cao Văn Viên, The Final Collapse, trang 54-55.
(10) Trích trong "Vietnam at the Balance", Báo cáo đặc biệt của Uỷ ban chỉ đạo đảng Cộng Hoà, Hạ Nghị Viện Hoa kỳ, do James Cowin, trang 1-2.
(11) Văn Tiến Dũng, Our great spring victory, trang 17-18.
(12) John E. Murray, Vietnam Report (Báo cáo cho Bộ Quốc phòng về Việt nam), trang 62-63.
(13) John E. Murray, Vietnam Report, trang 91.
(14) John E. Murray, Vietnam Report, trang 55.
(15) Cao Văn Viên, The Final Collapse, trang 92.
(16) John E. Murray, Vietnam Report, trang 92.
Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me