LoveTruyen.Me

Kookv Mat Cao

Đất có bốn phương Đông, tây, nam, bắc
Trời có bốn mùa Xuân, hạ, thu, đông.

Mùa xuân, ấy là mùa đẹp nhất.

Hoa thơm đua sắc dưới tán liễu xanh, bên hồ có kẻ ngâm thơ, có người đàn hát, thư phòng lấy việc đối cờ làm thú vui.

Điền Chính Quốc khó khăn xao động mi tâm sau khi tiếp nhận vạt sáng đầu tiên qua ô cửa, đập vào mắt vẫn là khung cảnh rèm long phụng quen thuộc, sắc bào vàng diềm đỏ cứ thế lẫn trong mùi trầm hương đã nguội.

"Thái tử điện hạ, người tỉnh rồi?"

Cung nữ nhỏ tuổi vừa qua cơn ngủ gật mau chóng đưa tay đỡ lấy gáy người kia, mắt híp lại vì vui sướng sau một cái gật đầu. Nàng đưa chén thuốc bốc khói nghi ngút được chưng trong siêu đất, hai tay cầm chừng nhiệt nóng kính cẩn dâng lên.

"Em cứ liệu sự người sẽ ngủ luôn hết hôm nay."

Thế rồi liền nhảy chân sáo liến thoắng báo tin ra ngoài cho cận vệ canh cửa, tức khắc đằng xa đã có một hồi trống dong dài vang dội ra hiệu khắp vùng.

Thái tử đương triều của Cao quốc - Điền Chính Quốc, người con thứ bảy của Tiên đế, tự tôn duy nhất của Hoàng hậu Ý Hiên, là nam nhân văn võ song toàn, vẻ ngoài đặc biệt hơn người, dưới một người trên vạn người, cuối cùng cũng đã tỉnh lại sau nửa tuần trăng hôn mê sâu.

Nếu có trách sự việc này làm xáo động nội cung, tin tức loan ra khỏi cấm thành, Hoàng hậu ăn không ngon ngủ không yên, bỏ quên ngọc thể, suốt mấy đêm thức trắng túc trực bên giường quý nam, thì có lẽ người đáng trách nhất chính là đương kim Thái tử.

Nếu vì hắn không ham mê võ luyện, bày trò rời cung cưỡi ngựa lên núi cao săn bắn, kéo theo một đoàn tùy tùng chỉ vỏn vẹn bốn người không giỏi y thuật, hoặc vì hắn không say sưa đuổi theo nai nhỏ khôn lanh để rồi trượt chân rơi xuống vách, ngựa mất người còn, chỉ duy không tỉnh suốt mười ngày ròng rã, thì có lẽ chính sự đã không được một phen chao đảo, loạn thần soạn đủ thứ viễn cảnh, chia thành bè phái nâng đỡ nhị vị hoàng tử còn lại.

Thật may Điền Chính Quốc mang nòi giống Hoàng tộc, phúc to mạng lớn, thuận lợi hoàn hồn trở về.

Cấm thành cùng nội cung có mười tám viện, chín mươi cung, ba trăm sáu mươi phòng. Tư phòng của Đương kim Thái tử nằm trong Minh Viễn cung. Phòng lớn nằm tách khỏi biệt viện, bao quanh bởi hồ nước xanh trong, có vườn liễu rủ lá, nhìn qua tưởng chừng thật thơ mộng khoái hoạt, thật ra lúc nào cũng có cảnh vệ canh phòng cẩn mật, nếu không thuộc phường thân thuộc tuyệt đối không được phép bén mảng đến.

Người là chân mệnh Thiên tử, kẻ phàm phu có đầu thai chuyển kiếp mười lần cũng chẳng thể sánh bằng.

Năm Cao Lãng thứ chín, Hoàng hậu Ý Hiên hạ sanh tiểu hoàng tử vào một tối mùa thu mát mẻ. Hình hài nhỏ cất tiếng khóc oe oe dưới ánh trăng sáng như gương, xung quanh là triều thần cung nữ kính cẩn quỳ lạy. Quanh Trường An cung, hoa mơ trắng đột nhiên bung cánh giữa đêm, báo hiệu điềm lành ngàn năm có một của Cao quốc.

Ấy là mùng một tháng chín trăng tròn vành vạnh, tử tôn của ái phi được Tiên đế sủng ái nhất, Hoàng hậu Ý Hiên, hiên ngang chào đời trong muôn vàn ưu ái cùng đố kị. Khắp từ nội cung đầy rẫy toan tính rắp tâm đến dân đen ngoại thành chữ được chữ mất, tất cả đều truyền tai nhau rằng, cuối cùng Cao đế cũng đã định được ngôi Thái tử còn bỏ ngỏ suốt chín năm tại vị. Dân chúng được lệnh miễn sưu thuế ba tháng, tổ chức ăn chơi tại các phường múa hát, đèn lồng đỏ rực Nhạc Dương Lâu. Kinh thành ngập hoa thơm cỏ lạ, sản vật tứ phía cùng kim ngân châu báu sứ thần dâng lên không ngớt, tất cả đều hoan hỉ nghênh đón tiệc vui chào mừng Thất Hoàng tử ra đời.

Tự là Chính Quốc, hiệu là Viễn Minh.

Chính trong "chính yếu", Quốc tức "giang sơn xã tắc".

Đại ý, trở thành trụ cột của nước nhà.

Điền Chính Quốc tuổi nhỏ đã lanh lợi hơn huynh đệ cùng trang lứa, sớm thông thạo văn chương võ nghệ. Năm mười ba tuổi tay không quật báo gấm, chân trần tự leo núi. Năm mười lăm tuổi một tay vạch trần mưu tạo phản của loạn thần Ngô gia, bình trị nội sự, được vua cha hết sức tin yêu.

Chưa kể đến, năm Chính Quốc mười hai tuổi, hoàng hậu Ý Hiên vốn là nữ nhân đa mưu túc trí lại dằn lòng gởi hắn lên tu tập ở một ngôi chùa trên núi cao, mong muốn hài tử dưỡng tâm tịnh, nuôi chí lớn sau này ắt phụng mệnh thiên hạ. Trụ trì Cổ Huyền tự là bậc chân tu từng dạy chữ cho tiểu Ý Hiên thuở nhỏ. Sau này tiến cung, từng bước trở thành Hoàng hậu kề cận Thiên tử, thi thoảng nàng vẫn xuất cung lên núi ghé thăm đại sư.

Lão ông khi ấy khoan thai vuốt chùm râu bạc, mỉm cười nhìn tiểu tử đang kính cẩn quỳ gối trước mặt.

"Vào chùa, việc thứ nhất là mở mắt thổi cơm, thứ hai là chân trần quét sân, thứ ba là ngủ không kê gối, ngươi có làm được không?"

Một ngụm trà đắng nhấp ngang môi liền nhíu lại đầy ẩn ý khi đứa trẻ không chút do dự gật đầu, trái với dự đoán của người, ngay lập tức cúi lạy nghiêm nghị: "Được!"

Chân mệnh Thiên tử, gánh vác trọng trách quốc gia đại sự, nhất định nói được làm được.

Điền Chính Quốc được gọi bằng Tương Ưng, sống ba tháng tu tập theo lối hành sự trong chùa. Duy chỉ không có tụng kinh niệm Phật, còn lại ăn chay, giữ giới như các tiểu khác.

Sau đó trở về cung chăm chỉ đọc sách luyện võ, bồi dưỡng thân thể, bỗng chốc đã đến tuổi mười sáu ngạo nghễ tựa hùm ngài giữa rừng lớn không ai dám động.

Xã tắc yên bình, biên ải không có loạn, thế nên dựa vào chiếu thư, Thất hoàng tử Điền Chính Quốc đường đường chính chính được tấn phong làm Thái tử đương triều, bố cáo đến muôn dân trăm họ đều phấn khởi.

Xưng là Viễn Minh Thái tử, từ chối ở tại Đông cung mà điều trữ quân về trú tại nội vụ phía Bắc cách đó một tuần nhang, không xa xôi là mấy, tự gọi chốn ở là Minh Viễn cung.

***

"Đây là "Thuận pháo", nước cờ được tính toán rất kĩ lưỡng, thể hiện người ra chiêu là kẻ không nóng vội, biết cân nhắc kĩ lưỡng, làm chủ được thế trận."

"Thiếu sư, người luận như vậy chứng tỏ ta là kẻ hấp tấp?"

Thái tử lo lắng cắn môi, mày kiếm chau lại nhìn ngón tay người kia thanh thoát đẩy thêm một nước cờ chốt hạ. Điền Chính Quốc đã bại tới ván thứ ba, đối phương quả không hổ danh Đệ nhất kỳ thủ nổi danh Cao quốc.

Thiếu sư Trịnh Nhược Hào, xuất thân từ gia môn họ Trịnh làm chủ đất Quang Châu, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, có họ hàng đằng xa với Ý Hiên Hoàng hậu, được nàng gọi biểu ca, đảm nhiệm việc dạy dỗ văn chương lễ nghĩa cho Thái tử và Tứ vị hoàng tử còn lại.

Gương mặt ngũ tuần chếch lên một nụ cười ẩn ý nhìn nam nhi đang hí hoáy thuật lại nước cờ trong sổ hồ điệp, ngẫm nghĩ một hồi Thiếu sư liền thu lại quân cờ vừa đi.

"Ta lùi một bước, Thái tử lùi một bước. Tính cho thật kĩ, lần sau tiếp tục."

Nói rồi liền thong thả phất tay áo rời đi, mặc kệ đứa trẻ mười lăm tuổi ôm uất ức, hai mắt đỏ au nhìn bàn cờ dở dang mà tính kế. Chính Quốc vò đầu bứt tai cả buổi, lui tới thế nào cũng không thoát được thế chiếu bí bày sẵn. Mãi đến khi trời sập tối, mười hai cung nữ nhất loạt quỳ xuống vời về mới bực tức đá đổ bàn cờ đứng dậy.

Tiên đế băng hà sau ba năm ngôi Thái tử được lập, tổng có mười người con, ngoại trừ Viễn Minh Thái tử, còn bốn vị hoàng tử nữa.

Thứ nhất là Đại hoàng tử Điền Trạch Dương, con của Thiên Phàn quý phi, hữu dũng vô mưu, ưa dùng vũ lực, thích gươm giáo ra oai, hiện đang được giao trấn giữ thành phía tây.

Thứ hai là Nhị Hoàng tử Điền Kính Chu, con của Ái Ngữ quý nhân, sinh ra chưa đủ ngày tháng nên thân thể yếu ớt, hay nhiễm bệnh phong hàn. Một năm bốn mùa chỉ quẩn quanh trong phòng ngâm thơ đọc sách, thi thoảng góp mặt bàn luận việc văn chương triều chính, còn lại không thích xông pha trận mạc.

Thứ ba Ngũ Hoàng tử Điền Khang Dực, vừa sinh ra ái mẫu đã qua đời. Vì nàng chỉ là cung nữ không đáng lưu tâm nên hài tử cũng không được phụ hoàng ưa thích, được phân cho việc cầm một ngàn bộ binh luyện tập việc tuần tra, bảo vệ Hoàng Cung.

Cuối cùng là Thập Hoàng tử Điền Từ Mạc mười tuổi ngây ngô, chỉ thích hái hoa bắt bướm, tranh ăn đồ ngon vật lạ với đám tuỳ tùng. Khi vui khi buồn thì lấy tập ra viết thơ hoạ nhạc, vô tư vô lo vô cùng đúng phận.

Ngoại trừ đại Hoàng từ Trạch Dương khó dò tâm tư, dễ kích động và thập Hoàng tử Từ Mạc có bè cánh bên tả, thúc ruột là Hình bộ thương thư, nhìn chung, kể cả tài cán nội lực hay vai vế chống đỡ, chưa có kẻ nào đủ sức ngang cơ lăm le ngôi vị Thái tử đương triều trong tay Điền Chính Quốc. Hắn tay trái là quần thần theo phép, tay phải là muôn dân ưu ái, phía trên còn có ái mẫu là Hoàng hậu Ý Hiên bậc mẫu nghi thiên hạ nhắm quyền hạn không nhỏ. Viễn Minh Thái tử cứ thế dương dương tự đắc ngày lên triều, chiều luyện võ, tối tối lại nằm dài trên trường kỉ đọc tấu chương tập quen thành thói.

Năm xưa trước khi rời núi, trụ trì Trí Quả đã gởi tặng hắn một cuốn sách quý mà người tự ghi chép lại, đúc kết bởi tám mươi năm sống ở cõi nhân gian của đại sư. Chính Quốc vì việc triều chính chất đống bận bịu sau khi phụ hoàng mất, lại phải bàn tính với ái mẫu Hoàng hậu chuyện bình nội trị ngoại, đại triển hoành đồ cùng quan quân mưu toan kế hoạch chiếm đất phía nam, mở rộng bờ cõi, nên mãi mới có thì giờ động đến.

"Tại Khiết Đàm sơn, diện kiến Bạch Hồ tinh."

Viễn Minh Thái tử khó hiểu cau mày, đọc không ra ý tứ trong câu nói được viết ngay hàng bằng bút lông, hai thái dương hắn chợt nhói lên một đợt đau buốt, liền lệnh cho cung nữ soạn sửa nghỉ ngơi.

Tiểu Uyển Nghi nhẹ nhàng vén rèm, cẩn thận châm lửa đốt trầm hương, đoạn lại phủi sạch bụi bẩn trên chăn gấm, tận tâm phụng sự, tuyệt đối không để chút lưu tâm nào làm ảnh hưởng ngọc thể Thái tử.

"Năm nay Điện hạ mười chín, thời gian thấm thoắt thoi đưa, thật trân quý khoảnh khắc còn được hầu hạ người. Qua bảy tuần trăng nữa tròn hai mươi, người trở thành Cao đế, cung nữ lại phải xa Thái tử rồi."

Điền Chính Quốc thơ thẩn mất một lúc mới hiểu ra, chẳng còn lâu nữa hắn lên ngôi vương. Rốt cuộc thuận lợi nắm trong tay non sông ngàn dặm, mấy chốc mà bình thiên hạ, trở thành bậc đế vương oai phong uy vũ, đứng trên cơ đồ, dưới vầng nhật nguyệt, hiên ngang bành trướng xây dựng giang sơn trong mộng.

Ấy cũng là lúc hắn rời xa chức vị Thái tử mới chỉ gánh năm phần trọng trách quốc gia, từ bỏ Minh Viễn cung cây cỏ tươi tốt, suốt ngày vùi đầu lo việc văn chương giấy mực, toan tính dẹp yên hậu cung lắm mưu nhiều kế, đối phó thù trong giặc ngoài đầy rẫy.

Cung nữ Uyển Nghi năm nay mười bảy tuổi, tiến cung năm lên mười, ngót nghét đã theo chân Thái tử được bảy năm. Thuở ấy hắn còn là mỹ thiếu niên ham chơi thích vác cung tên đi đây đó, ghét kẻ phàm phu nên nghĩ gì nói nấy, chẳng qua vì là Thất hoàng tử được Hoàng đế ưu ái nên không ai dám động tay động chân. Sau này ngang nhiên chỉ điểm dẹp loạn triều thần Ngô gia, khiến cả dòng họ tru di tam tộc, ắt hẳn cũng có ít nhiều bè phái dè chừng lập mưu tạo phản trả thù. Ấy vậy mà Điền Chính Quốc chẳng chút e sợ, cứ thế đầu đội trời chân đạp đất, một cước trở thành kẻ làm chủ Đông cung.

Nhưng rồi hắn nói không thích ở Đông Cung phiền nhiễu, hậu cung giai lệ tam thiên, mưu sâu kế hiểm đấu đá phức tạp, mới đưa cả đoàn phò trợ về thẳng Minh Viễn cung, sai người đào đất làm hồ cá, dựng rào cho liễu quấn quanh.

Uyển Nghi chậm rãi lấy khăn lụa vò vào chậu nước thơm cẩn thận lau chân cho Chính Quốc, sau một hồi thấy hắn yên lặng suy ngẫm thì đánh liều hỏi: "Người bình an trở về thế này, chắc đã trải qua cơn cả kinh không ít."

Hắn chỉ lắc đầu tư lự, phẩy tay ra ý không có gì.

Thật tâm tiểu cung nữ thân cô thế cô vô cùng mến mộ Thái tử. Suốt mấy hôm hắn bất tỉnh nằm lì trong phòng, ruột gan tiểu nữ rối bời không yên. Một phần nàng cảm mến khí khái bậc Thiên tử, tiếc thương cho kẻ vẹn toàn như hắn phải lâm mệnh chết sớm, một phần lo lắng nếu xảy ra chuyện, ngay lâp tức bản thân là kẻ kề cận Viễn Minh dù vô hại cũng đều bị trừ khử không thương tiếc.

Nàng đợi trầm hương tỏa khói nhè nhẹ, vời Thái tử vào an vị mới kính cẩn lùi người trở ra.

***

Chỉ còn chưa đầy hai rằm nữa là đến ngày đăng cơ, một hôm trong buổi hàn huyên, Điền Chính Quốc nói mình muốn lên núi tìm gặp Trí Quả đại sư.

Trịnh Nhược Hào nghe xong liền bất giác mỉm cười: "Thái tử điện hạ, xin đừng nghĩ đến chuyện viển vông, để dành tâm sức cho Cao quốc mới là việc nên làm."

Điền Chính Quốc tay trái chống cằm, tay phải chậm rãi di quân mã trên bàn cờ, lấp lửng đáp.

"Ta biết, chỉ là muốn gặp một người trước khi ta trở thành Hoàng đế. Nếu sự không thành, vĩnh viễn quay đầu sẽ không hối hận."

Viễn Minh Thái tử nhập lễ đăng cơ là việc không sớm thì muộn, nói chính ra càng sớm càng tốt. Bởi hắn lên ngôi, độc tôn thiên hạ, dưới một người trên vạn người, kẻ nào dám hó hé mưu đồ cũng chỉ như trứng chọi với đá. Tân đế vốn đã có hậu thuẫn vững chãi, thuận lợi lên ngôi lại như hổ mọc thêm cánh, càng có thế lực bành trướng nước nhỏ, làm chủ thiên hạ như Tiên đế di nguyện.

Thiếu sư thong thả nhấp trà, chén cúc kỉ tử trong tay đã sớm nhạt vị, mới luyến tiếc đưa quân cờ vào ô chí mạng.

"Người không đi quân hậu, ta liền cướp thời cơ chạy mã của ta."

"Chiếu tướng!"

Một tiếng cạch trong vắt ngân lên, lão sư cười ý vị tiếp lời: "Hoặc là sống, hoặc là chết. Phiền não làm lu mờ mưu lược, chẳng nhanh thì chậm, đều rơi vào bẫy địch. Muôn sự tại người."

Tai nghe không bằng mắt thấy, quả là danh bất hư truyền!

Chính Quốc cả kinh nhìn thế bày binh bố trận trước mặt, tỏ vẻ vò đầu bứt tai xong một lúc liền phẩy tay hiệu cho cung nữ lùi ra ngoài. Đợi mành đỏ hạ xuống, hắn mới ẩn ý xoay chén trà trong tay.

"Chuyến trước người có nhường ta một nước, bỏ ngỏ ván cờ mà rời đi. Thuở ấy phụ hoàng còn tại vị, ta chỉ là thiếu niên nhỏ dại ham vui chưa hiểu chuyện, vốn dĩ chưa hề lời người làm để tâm."

Trà ấm nhấp ngang môi, Điền Chính Quốc thả nhẹ chén ngọc lên bàn, đẩy quân tốt lên một nước.

"Trịnh Thiếu sư, ta lấy tư cách Thái tử đương triều cược với ngươi. Một ván thắng Đệ nhất Kỳ thủ Cao quốc, đổi lấy một lần ngoảnh đầu rời đô, phỏng có được?"

Hài tử Điền Chính Quốc đúng là khí phách hơn người, quả không hổ danh từ trong trứng nước đã được trời đất sắp đặt trở thành kẻ đứng đầu thiên hạ. Trịnh Nhược Hào sớm đã thu lại ý cười, hai khóe môi như có như không xao động, chậm rãi gật gù.

"Tất nhiên là được."

Y nhớ cách đây mười chín năm, vào một rằm trăng sáng như gương, vừa lúc Thất hoàng tử ra đời, vườn hoa mơ trắng quanh Trường An cung cũng đột nhiên rộ giữa đêm muộn. 

Mãi chập tối, dùng dằng đến khi muỗi vo ve quẩn chân, Thái tử cùng Thiếu sư mới rời khỏi bàn cờ. Điền Chính Quốc đem gương mặt đắc thắng vui vẻ sai người thu dọn, mi mắt cong lên như mảnh trăng non đầy thích thú sóng vai bàn chuyện mở mang bờ cõi với họ Trịnh.

Lão sư lấy vạt áo phẩy muỗi đi, y nhìn nam tử bên cạnh sắp sửa trở thành Cao đế đứng đầu thiên hạ, phải đương đầu với trăm ngàn mưu sâu kế hiểm, trước lúc đăng cơ lại càng nên bảo trọng thân thể, chú tâm triều chính, vậy mà vẫn còn có nhã hứng lên chùa tu tập kiếm người.

"Điện hạ, nói cho ta nghe, là điều gì làm người lưu luyến đến thế? Tự viện không phải nơi một kẻ trăm công ngàn việc như người có thì giờ ghé qua."

Mấy bước chân Điền Chính Quốc bỗng chậm lại, hắn quay mặt nhìn ra hồ nước tĩnh lặng đằng xa, đáy mắt dâng lên tâm tư ưu phiền khó hiểu.

"Huống hồ người còn vừa trải qua kiếp nạn, ngọc thể chưa kịp tịnh dưỡng, việc xuất cung ta e Hoàng hậu sẽ không châm chước."

"Cố nhân!"

Điền Chính Quốc bỏ lại hai từ lấp lửng, cứ thế rẽ hướng rời đi, vội đến nỗi đoàn tùy tùng mấy nàng phải tà váy vấp chân mới theo kịp.

Viễn Minh Thái tử năm nay mười chín tuổi, từ lúc sinh ra số mệnh sắp đặt, an bài hắn sớm trở thành bậc Đế vương. Tiên đế ưu ái vốn chẳng cho hắn đi đâu xa khổ cực, số lần rời thành chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều nhặn lắm cũng chỉ là giả dạng phàm nhân ra thành dạo chơi, ghé qua hàng quán, lên núi săn bắt. Rốt cuộc không biết là quý nhân nào đã có lòng đối đãi thật tâm với Thất Hoàng tử, khiến hắn mấy năm qua vẫn coi như tri kỉ, lưu luyến không quên đến thế.

Trịnh Nhược Hào ngẩng đầu nhìn trăng sáng, ngẫm nghĩ một hồi mới bấm đốt tay lẩm nhẩm tính toán.

Y thở dài tiến về phía hồ nước, đáy mắt nhuốm tầng đen kịt ngắm nhìn đàn cá chép đang quẫy đuôi vô tư trong làn nước mát liền vén tay áo ống lên một tấc, tay phải hữu ý vơ được một con cá vi ánh kim ngu ngốc lượn lờ trước mặt.

Một tay bóp chặt mang cá, tay còn lại nhẹ nhàng khua sóng nước, thật nhanh trả lại vẻ tĩnh lặng vốn có của mặt hồ.

"Bạch nguyệt quang đã thấy. Còn chu sa chí ngàn năm có một, rốt cuộc ngươi ở đâu?" (*)

------------------

Lần đầu tiên thử sức với loại hình văn phong cổ trang này, mình đã suy nghĩ và viết đi viết lại rất nhiều, làm sao để diễn tả thật mượt mà không làm mất đi cái cốt và bản chất riêng của fic "Mắt Cáo". Vì vốn từ của mình cũng không quá phong phú, ngữ nghĩa hạn hẹp, một phần Trung văn phải tham khảo Hán ngữ rất nhiều nguồn nên có đôi chỗ sẽ dùng từ chưa chuẩn. Rất mong mọi người nếu thấy mình có sai sót hãy phản hồi để mình kịp thời chỉnh sửa nhé.

Gấu Đông chân thành cảm ơn. (Cúi đầu 13 lần^^)

(*) Bạch Nguyệt quang và Chu sa chí là điển ngữ rất quen thuộc trong bài hát cùng tên.
Lần lượt tượng trưng cho hai người: Bạch Nguyệt Quang chính là niềm khát khao trong lòng nhưng lại không thể khắc lên thân thể. Còn vết chu sa (tức nốt ruồi son), một khi đã ngự trị trên thân thể thì không thể nào quên đi. Bạch Nguyệt Quang là sự tốt đẹp không thể nào chạm vào, còn Vết Chu Sa là nỗi đau không thể nào ôm lấy. Một người là yêu mà không có được, một người luôn hiện hữu trước mắt họ, ngự trị trên cơ thể chẳng thể nào quên đi.

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me