LoveTruyen.Me

Ktct

Câu 4: Phân tích nội dung và tác động của quy luật giá trị. Ý nghĩa của quy luật giá trị đối với nền kinh tế nước ta hiện nay?

a) Phân tích nội dung và tác động của quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hoá

            * Nội dung của quy luật:

             - Vị trí của quy luật giá trị: Sản xuất hàng hoá chịu sự tác động của rất nhiều quy luật kinh tế như quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật lưu thông tiền tệ… Trong đó, quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất và lưu thông hàng hoá, ở đâu có sản xuất và trao đổi hàng hoá thì ở đó có sự hoạt động của quy luật giá trị.

- Nội dung của quy luật giá trị là: sản xuất và trao đổi hàng hoá dựa trên cơ sở giá trị của nó, tức là dựa trên hao phí lao động xã hội cần thiết.

            - Yêu cầu: Quy luật giá trị yêu cầu:

              + Thứ nhất, sản xuất hàng hoá phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.

              + Thứ hai, trong trao đổi phải theo nguyên tắc ngang giá, nghĩa là phải đảm bảo bù đắp được chi phí cho người sản xuất và đảm bảo có lãi để tái sản xuất mở rộng.

            - Biểu hiện sự hoạt động của quy luật giá trị:

            Quy luật giá trị biểu hiện sự hoạt động của nó thông qua sự biến động của giá cả. Giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị. Ngoài giá trị, giá cả phụ thuộc vào các yếu tố như: giá trị, cạnh tranh, cung cầu, sức mua của đồng tiền... Giá cả của hàng hóa trên thị trường lên xuống xoay xung quanh giá trị.

            Vẽ sơ đồ biểu diễn mối quan hệ giữa giá cả và giá trị của hàng hoá:

 

            * Tác động của quy luật giá trị: Có 3 tác động

- Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hoá

            Điều tiết sản xuất thông qua cơ chế cung cầu và giá cả trên thị trường:

+ Cung < cầu -> giá cả > giá trị ->  hàng hóa bán chạy, lãi cao, tư liệu sản xuất  và sức lao động chuyển dịch vào ngành đó tăng lên

+ Cung > cầu -> giá cả < giá trị -> buộc người sản xuất phải thi hẹp quy mô sản xuất lại hoặc chuyển sang ngành có giá cả hàng hóa cao.

            Điều tiết lưu thông:

            Thông qua cơ chế cung cầu và giá cả mà nguồn hàng, luồng hàng, mặt hàng, chủng loại hàng hoá... được điều hoà từ nơi giá thấp đến nơi giá cao, từ nơi thừa hàng đến nơi thiếu hàng, góp phần làm cho hàng hoá giữa các vùng, các quốc gia có sự cân bằng nhất định

- Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, tăng năng suất lao động, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

            NSLĐ  -> khối lượng hàng hoá tăng -> giá trị 1 đơn vị hàng hoá giảm -> giá cả giảm -> cầu tăng -> tổng lợi nhuận thu được nhiều hơn. Do đó để nâng cao năng suất lao động, người sản xuất phải tìm mọi cách để giảm giá trị cá biệt so với giá trị xã hội của hàng hoá, qua đó mà thu lợi nhuận siêu ngạch. Muốn vậy, người lao động phải nâng cao trình độ, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ; doanh nghiệp phải áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất..., tức là làm cho các nhân tố của lực lượng sản xuất phát triển.

- Phân hoá những người sản xuất thành kẻ giàu, người nghèo

            Kinh tế hàng hoá với cơ chế thị trường tự nó bình tuyển, sàng lọc yếu tố con người của nền kinh tế. Dưới tác động của quy luật giá trị, những người đứng vững và chiến thắng trong cạnh tranh sẽ trở thành các ông chủ giàu có; ngược lại, những người không đứng vững trong cạnh tranh sẽ bị phá sản, nghèo đi, trở thành lao động làm thuê. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Như vậy, quy luật giá trị vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực. Do đó, đồng thời với việc thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển, nhà nước cần có những biện pháp để phát huy tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó, đặc biệt trong điều kiện phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

b) Ý nghĩa thực tiễn

* Từ năm 1986 trở về trước:

            Trước năm 1986, nền kinh tế nước là theo cơ chế quan liêu bao cấp. Nhà nước ta không thừa nhận trên thực tế sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ, lấy kinh tế quốc doanh và tập thể là chủ yếu, muốn nhanh chóng xóa sở hữu tư nhân và kinh tế cá thể tư nhân; xây dựng nền kinh tế khép kín.

Vì nền kinh tế không căn cứ vào các quy luật kinh tế nên đã dẫn đến một số hạn chế như: Thủ tiêu cạnh tranh, kìm hãm tiến bộ khoa học – công nghệ, triệt tiêu động lực kinh tế đối với người lao động, không kích thích tính năng động, sáng tạo của các đơn vị sản xuất kinh doanh dẫn đến nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.

*Sau năm 1986 đến nay:

Tiếp tục những tư tưởng của hội nghị trung ương 6, Đảng ta đã chủ trương xây dựng mô hình “Kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nước ta đã có hàng loạt những cuộc cải cách nhằm đưa nền kinh tế phát triển theo một hướng mới.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta tạo điều kiện cho các quy luật kinh tế phát huy được tác dụng. Trong đó quy luật giá trị đóng vai trò là quy luật kinh tế căn bản chi phối sự phát triển của nền kinh tế.

Thứ nhất là kích thích sản xuất phát triển. Mỗi doanh nghiẹp phải cố gắng cải tiến máy móc mẫu mã, nâng cao tay nghề lao động. Nếu không quy luật giá trị ở đây sẽ thực hiện vai trò đào thải của nó : loại bỏ những cái kém hiệu quả, kích thích các cá nhân, nghành, doanh nghiệp phát huy tính hiệu quả. Và cùng với nó, sự xã hội hoá, chuyên môn hoá lực lượng sản xuất cũng được phát triển.

Thứ hai là điều hoà lưu thông hàng tiêu dùng. Nhà nước có thể quy định giá cả cao hay thấp để ảnh hưởng đến khối lượng tiêu thụ một số loại hàng nào đó nhằm làm cho nhu cầu và mức tăng của sản xuất về một số hàng tiêu dùng ăn khớp với  kế hoạch lưu chuyển hàng hoá của Nhà nước.

Thứ ba là phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân thông qua chính sách giá cả, việc quy định hợp lý các tỷ giá, Nhà nước phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân giữa các ngành nhằm phục vụ cho yêu cầu năng cao đời sống của nhân dân lao động.

Cuối cùng, nhận thức và vận dụng quy luật giá trị nói rộng ra là biết sử dụng các đòn bẩy của kinh tế hàng hoá như tiền lương, giá cả, lợi nhuận … dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội  cần thiết để tổ chức và thực hiện chế đọ hạch toán kinh tế.

         Như vậy, trong nền sản xuất hàng hoá quy luật giá trị có tác động cả tích cực và tiêu cực. Do đó cần tôn trọng sự hoạt động khách quan của các quy luật kinh tế, đặc biệt là quy luật giá trị, tạo điều kiện cho quy luật giá trị phát huy các tác động tích cực. Tuy nhiên nếu các quy luật KT tác động mà không có sự quản lý, điều tiết của nhà nước thì sẽ dễ đi theo con đường TBCN. Chính vì vậy cần tăng cường sự quản lý của Nhà nước để  phát huy vai trò tích cực của cơ chế thị trường và hạn chế mặt tiêu cực của nó để thúc đẩy sản xuất phát triển, đảm bảo sự công bằng xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me