LoveTruyen.Me

Nguyen Cong Hoan Tuyen Tap

Đố ai biết anh phu xe đương lững thững dắt cái xe không ở đằng ngã tư đầu phố kia, đi như thế từ bao giờ đấy?
Trông anh ấy có vẻ "đói" khách lắm. Có lẽ thế thật. Vì ai lại tám giờ tối ba mươi tết rồi, còn lang thang phố nọ sang phố kia thế? Mà hàng phố, nhà nào nhà nấy đóng cửa cả rồi, còn mấy ai ra ngoài đường làm gì, mà còn hòng một "cuốc" tất niên?
Ấy thế! Trả xe cho quách, về mà hú hí với vợ con có hơn không, tội gì! Vợ anh, con anh, đương chờ anh ở cửa đó nọ. Năm hết tết đến rồi. Còn mấy giờ đồng hồ nữa thôi, chứ còn lâu la gì?
Ấy, giá trong túi có nặng cái đồng tiền, thì chả phải bảo, anh ta cũng về nhà cho xong quách, việc gì còn phải vơ vẩn vẩn vơ như thế này! Khốn nhưng anh ấy vừa mới ốm dậy, ốm một trận tưởng mười mươi chết, thành ra không những mất một dịp kiếm tiền vào lúc cuối năm, mà bao nhiêu tiền dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả.
Bởi vậy, hôm nay, anh ấy cố vay được cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo để ăn tết.
Quái, không hiểu cái ngày này là ngày gì, mà từ chiều tới bây giờ, anh ấy mới được có hai hào chỉ! Ban chiều, khách áo gấm, áo nhung, đi nhan nhản ở đường, mà mời mỏi miệng, cũng không có một ai lên xe, nữa là bây giờ! Bực nhất là thỉnh thoảng lại lẹt đẹt tràng pháo nổ, làm cho anh ấy nóng cả ruột gan. Nghĩ đến cái cảnh tết nhà giầu mà thèm rỏ dãi. Họ quăng tiền đi về dịp tết, thi nhau tiền trăm bạc nghìn để xa phí vô ích, mà mình thì lo méo mặt mấy hào bạc gạo ngày mai không xong.
Thỉnh thoảng anh ta dỏng tai quay cổ, xem có ai gọi ở đằng xa hay không. Thì chỉ thấy đánh đẹt, lòe một cái ở giữa đường, làm cho anh ta giật mình đánh thót. Giật mình, rồi lại thở dài, ngán cho cái đời bấp bênh, lắm lúc muốn quẳng phăng cái xe đi làm nghề khác. Nhưng bỏ nghề này thì xoay ra nghề gì?
Anh ấy đi lững thững như thế, qua Hàng Trống, quặt ra phố Nhà Thờ, xuyên thẳng ra lối nhà thương Phủ Doãn, thì bỗng đứng dừng, quay cổ lạ nhìn.
- Xe!
- Đây!
Ba chân bốn cẳng, anh ấy chạy vội lại phía người gọi, hạ hai càng xuống.
- Bà về đâu?
Một bà trạc độ ngót ba mươi tuổi, mình mặc xa tanh nâu, đầu quàng khăn bịt trắng, bỏ giọt xuống tận bụng, đứng ở đầu hè:
- Anh có đi giờ không?
- Bà đi mấy giờ?
- Một giờ.
- Xin bà sáu hào.
- Sao anh lấy đắt thế? Hai hào!
- Thưa bà xe ngày tết vẫn thế, vả lại bây giờ còn ai kéo nữa, mà bà trả rẻ thế. Con kéo một chuyến, rồi cũng đi trả xe, về ăn Tết đây.
Bà khách thấy anh xe nói ra ý không thiết kéo, nên quay lưng đi.
- Này, bà trả bao nhiêu?
- Hai hào là đắt rồi, ngày dưng chỉ có hào rưỡi một giờ thôi.
- Thôi, năm hào rưỡi, bà có đi, không thì thôi.
- Thôi.
Bà khách lại quay lưng đi, lần này thì đi thẳng.
Anh xe vắt chân chéo kheo, chỏng càng lên trời mà nhìn theo mãi một lúc. Anh đoán có lẽ người này cũng là khách kiết, nên mới trả rẻ quá như vậy. Thôi, người già thì ta non. Anh chạy theo và gọi:
- Này, mời bà lên xe!... Hai... hào... ! Xin bà hai hào rưỡi!
Bà khách vừa bước chân lên sàn xe, thấy anh xe vòi hai hào rưỡi, vội nhảy tọt ngay xuống đất:
- Không hai hào thì thôi.
- Thôi, đây, mời bà lên.
Bà khách vạch cổ tay áo, xem đồng hồ:
- Chín giờ năm nhé, nhưng kể là chín giờ đúng cũng được.
Amh xe kéo giờ, nên cũng chỉ chạy "dưỡng lão" thôi, đít nhổm mạnh, mà bước ngắn. Vì thì giờ là tiền bạc, chậm phút nào là tiền phút ấy.
Trước anh xe tưởng bà khách đi có việc gì, cho nên còn chạy. Sau thấy bà cứ trỏ vơ vẩn hết phố nọ sang phố kia, mà chả đỗ ở phố nào cả, thì mới đoán có lẽ là cảnh "ăn sương" chi đây. Anh bèn đi bước một. Nhiều lúc muốn hỏi thực, nếu có phải giăng há, thì mình giới thiệu cho một món sộp đáo để.
Nhưng lỡ không phải, thì họ mắng cho và không trả tiền thì khổ.
Qua chợ Đồng Xuân, vòng về Hàng Cót, lại rẽ sang Cửa Đông, bà khách bỗng hỏi:
- Anh xe có bằng lòng kéo tôi giờ nữa không?
- Vâng, nhưng bà có cho cháu hai hào thì cháu kéo hầu bà giờ nữa.
- Được.
- À, anh có hào lẻ không, cho tôi vay mấy hào, chốc nữa tôi trả cả đồng cho tiện.
Anh xe móc bao phục, lấy ra hai hào, đưa cho bà khách. Bà khách vào hiệu, mua gói thuốc lá, bao diêm, còn tiền mua cả hạt dưa để cắn.
Anh xe lại nhấp nhổm chạy rảo cẳng vài bước, rồi lại tiến tước như trước. Một lúc, anh mới đánh bạo hỏi một câu rõ khôn:
- Bà tìm ai, thưa bà?
- Tôi tìm người quen.
- Người quen bà ở phố nào?
- Anh cứ kéo đi.
Anh xe lại cứ kéo như thế, ra ga, vòng về đường Sinh Từ, quặt về Hàng Bông, Hàng Mành, Hàng Vải Thâm, vân vân. Mãi mãi, mà người khách vẫn không tìm thấy ai quen.
- Thưa bà, bây giờ mấy giờ rồi?
- Mười một giờ kém năm.
- Con kéo hết giờ này, xin bà cho con tiền để con đi đón khách ở ga về.
- Anh có bằng lòng kéo tôi giờ nữa không?
- Thưa bà, con đón khách ở ga hay ở nhà chớp bóng một cuốc cũng được hai hào chỉ.
- Anh đã chắc có khách chưa? Hay lại mật ít ruồi nhiều, rồi dắt xe về không. Anh cố kéo tôi giờ nữa, đi thủng thỉnh thế này mà được tiền, chả hơn chạy mửa mật ra ư?
Anh xe nghe bùi tai, lại bằng lòng kéo. Hàng phố càng thấy thưa người đi. Các cửa đóng kín mít. Đi một lúc, qua Ngõ Trạm, vòng sang Hàng Điếu rồi rẽ sang Hàng Bồ. Lúc ấy, bốn bên im lặng như tờ, chỉ thấy tiếng lách tách bà khách cắn hạt dưa thôi, thì bỗng một tràng pháo nổ, đì đẹt báo giao thừa.
- Mấy giờ rồi, thưa bà?
- Phải gió nhà nào bây giờ đã đốt pháo giao thừa! Mới có mười hai giờ kém mười lăm.
Anh xe mới nghĩ: "Mười lăm phút nữa, mình sẽ có sáu hào. Sáu hào với hai hào là tám. Thế nào ta cũng nài thêm bà ấy mở hàng cho một hào nữa là chín. Chín hào! Mở hàng ngay vào lúc năm mới vừa đến. Thật là may! Mới năm mới đã phát tài! Thôi, sang năm tất là làm ăn bằng mười bằng trăm năm nay" .
Rồi anh nghĩ đến vợ con anh, mà phấn chấn trong lòng, như có cái sức gì nó xúi giục anh quên khổ để vui lòng làm việc vậy.
"Sáng mai, kéo chuyến khách qua ga, xong rồi, ta đánh bát phở tái, rồi mua cho con cái bánh ga-tô cho nó mừng. Vợ ta nghe thấy trong túi ta có tiền, thì chắc hớn hở, thấy ta làm lụng vất vả kiếm tiền nuôi cả nhà, tất là thương ta lắm. Nhưng ta sẽ làm ra dáng không mệt nhọc, để vợ chồng con cái ăn tết với nhau cho hể hả".
Anh vừa nghĩ thế, vừa kéo về phía nhà thương Phủ Doãn. Tới chỗ khi nẫy, anh dừng xe lại, nói:
- Bây giờ có lẽ là mười hai giờ, xin bà cho cháu tiền.
Bà khách có ý luống cuống, nói:
- Chết! Anh hỏi tiền tôi bây giờ à? Anh chịu khó kéo tôi một giờ nữa đi.
- Thôi khuya rồi, cháu phải về nhà.
- Này, chả nói giấu gì anh, tôi cũng đi kiếm khách từ tối đến giờ. Có anh biết đấy. Có gặp ai hỏi han gì đâu. Tôi định nếu có khách thì hỏi vay tiền trước để trả anh. Nhưng chẳng may gặp phải cái tối xúi quẩy thế này, thì tôi biết làm thế nào?
- Thế cô đi xe tôi từ chín giờ, cô không trả tiền tôi à?
- Bây giờ thì tôi biết làm thế nào?
- Tôi kéo cô lên Cẩm.
- Lên Cẩm thì tôi đành lên với anh, chứ tôi biết làm thế nào?
- Thế mà cũng vác mặt mặc cả xe giờ, lại còn vay tiền người ta mà mua thuốc lá với hạt dưa!
- Nhà tôi ở ngay đầu ngõ Hàng Bún, khi nào anh qua, thì tôi trả tiền anh chứ gì!
- Chứ gì! Một trăm ngõ Hàng Bún, ai biết ngõ nào mà tìm!
- Tôi không có tiền đâu, chả tin anh khám mà xem.
- Tôi không khám, cô trả tiền cho tôi về!
- Đây, hay là phu-la, áo, đồng hồ đây, anh muốn lấy thức gì thì lấy.
- Tôi lấy để làm ma mẹ tôi à?
- Thôi này, đừng cáu làm gì. Tôi bải, cảnh tôi cũng như cảnh anh, cũng là đi kiếm khách cả. Nhỡ phải một tối thế này, thì chịu vậy, chứ biết làm thế nào?
- Thế sao cô không bảo thực tôi từ trước, để tôi kéo cô qua các nhà săm để hỏi, cô còn sĩ diện mãi.
- Nào ai biết nó ra cơ sự thế này. Thôi, này, tôi nói thế này thì anh nghe. Nếu bây giờ anh bỏ tôi ở đây thì tôi không có tiền trả anh, sự ấy đã đành rồi, nhưng mà anh thiệt. Vậy anh cố kéo tôi nữa, may mà tôi có khách thì tôi có tiền, mà anh cũng không phải phàn nàn nữa.
- Tôi thật là nợ nần cô kiếp trước hay sao, mà nay tôi khổ với cô như thế này. Đầu năm mà đã rấp! Rắc rối!
- Anh đừng nói thế, ai muốn thế này làm gì!
Bất đắc dĩ, con ngựa người lại phải kéo con người ngựa vậy.
Nhưng lần này thì thật là không buồn bước lên nữa. Chán quá!
Rõ số đâu mà số ăn mày thế này!
Anh xe vừa đi, vừa thở dài. Khách cũng vừa đi, vừa thở dài. Càng đi, càng thấy phố vắng tanh, vắng ngắt. Thỉnh thoảng mới gặp một người tùm hum cái áo ba-đờ-xuy, mà có ý đi vội vàng.
Buồn thay! Đàn muỗi vo vo bay, đùa nhau xung quanh ngọn đèn. Lá cây sột soạt rụng, đuổi nhau ở trên đường nhựa.
Anh xe dắt xe đi diễu qua các cửa nhà săm để xin việc cho cô ả. Nhưng lúc ấy đã hai giờ sáng rồi, cho nên ế! May sao, đến đầu phố Hàng Gai thì gặp một người ra dáng ăn chơi, đang tất tả cúi đầu đi. Cô ả dử mồi, đánh liều gọi lại, vờ vĩnh hỏi thăm đường. Nhưng khốn nạn, anh chàng này lắc đầu, và cứ rảo cẳng bước đều:
- Tôi không biết, cô hỏi thăm anh xe này cũng được. Tôi còn vội đi mời đốc tờ cho vợ tôi ốm đây!
Hai cái thở dài thất vọng theo đuôi nhau, rồi không ai nói thêm một lời nài. Anh xe lại từ từ tiến bước.
- Cô làm thế nàu thì tôi chết mất!
- Thôi anh bằng lòng vậy.
- Ấy cũng may cho cô, vơ vẩn mãi ở ngoài phố thế này, mà gặp mật thám hoặc đội con gái thì khốn!
- Mật thám tôi cũng chả sợ, đội con gái tôi cũng chả cần, vì tôi có "ba tăng".
Đi một lúc lâu, chẳng gặp một ai cả, cô ả bảo anh xe:
- Này, anh đỗ xuống tôi bảo. Tôi nói thực với anh nhé. Bây giờ đã về sáng rồi, chắc anh kéo tôi mãi cũng đến thế mà thôi. Tôi thì thực không có tiền trả anh đâu. Tôi gán cho anh khăn, áo, đồng hồ mà anh không lấy, thì tôi chả biết nghĩ thế nào cho phải cả. Thôi thì anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng, anh muốn bắt tôi gì, tôi xin chịu.
- Tôi bắt gì cô mà tôi bắt!
Cô ả nắm lấy tay, vỗ vào vai anh xe, nhăn nhở cười:
- Anh này thực thà quá, nghĩa là chỉ có anh và tôi thôi, thì người tôi đây, anh muốn làm gì, tôi cũng bằng lòng.
- Ối thôi! Tôi lạy cô. Nhỡ cô đổ bệnh cho tôi thì tôi bỏ mẹ tôi.
- Không sợ, tôi mới khám bệnh hôm qua.
- Thôi, tôi chắp tay tôi van cô, cô có thương tôi thì mời cô xuống xe cho tôi về, và xin cô tiền xe!
- Thế thì anh cứ kéo tôi về nhà tôi, xem có đồ đạc gì đáng giá, thì anh cứ việc lấy.
Anh xe bụng bảo dạ, thôi thì cầm bằng như mất cả buổi đêm nay là cùng. Nhưng ta chịu khó kéo nó về, may xem có cái gì ta lấy, còn hơn về không. Thật là đò nát đụng nhau.
- Nhà cô ở đâu?
- Trên Hàng Bún.
Anh xe vừa kéo, vừa lẩm bẩm nói một mình:
- Không có tiền, cũng leo lên xe mà ngồi, chỉ sĩ diện hão thôi, lại còn tí tách hạt dưa, với phì phèo thuốc lá mà không biết ngượng!
Cô ả đành chịu mặt dầy cho anh xe mắng một ít câu cho bõ hờn, cứ ngồi im như phỗng.
Lúc ấy gió bấc thổi căm căm, buốt đến tận xương. Nhà hàng phố đã thấy có người dậy. Nhưng họ dậy có phải để đi tìm gái đâu!
Đến cửa một nhà săm, cô ả bảo:
- Anh hãy ghé vào đây một tí cho tôi hỏi vay tiền người này xem có được không.
Anh xe hơi có hi vọng, đỗ lại để cho cô ả vào. Rồi vì mệt lử, anh ngồi phịch xuống sàn xe, tựa lưng vào thành, vừa chờ, vừa nghĩ vơ nghĩ vẩn.
Một lúc lâu, một tràng pháo nổ vang trời, làm anh giật mình. Anh sực nghĩ đến cô ả, không biết cô ta vào đây làm gì mà lâu thế. Hay có lẽ đã có món khách nào chăng. Nhưng thế nào cũng phải trả tiền cho mình về đã chứ, lại bắt mình chờ đến sáng hay sao? Anh gõ cửa gọi.
Người bồi săm ra.
- Ông ơi, tôi hỏi thăm ông, người con gái quấn khăn quàng trắng vào đây ban nãy, nằm ở buồng nào?
- Chả có buồng nào có khách cả.
- Thế người con gái ấy đâu?
- Ra ngay từ bao giờ rồi, còn đâu mà hỏi?
- Thôi chết tôi rồi, ra cửa nào?
Người bồi lấy ngón tay cái, hất ngang về phía cổng sau.
Anh xe choáng người, như nghe tiếng sét đánh. Anh bàng hoàng như chợt tỉnh giấc chiêm bao. Người bồi săm nói xẵng:
- Đi, cho người ta đóng cửa. Ai bảo anh xông nhà cho tôi? Năm mới đừng bí beng!
- Ông ơi...
Người bồi giúi vai anh xe, đẩy ra, rồi đóng ập cửa lại.
Anh xe nghiến răng, cau mặt, lủi thủi ra hè, cầm cái đệm quật mạnh vào hòm đánh thình một cái! Anh móc túi lấy bao diêm đốt vía, rồi khoèo bàn chân, co cái càng lên, đưa tay ra đỡ, thủng thẳng dắt xe đi.
Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng, toạch toạch...
11-02-1931

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me