LoveTruyen.Me

Nguyen Cong Hoan Tuyen Tap

Xưa nay, người ta chỉ thường được nghe thấy bọn thằng Quýt con đòi kể lể ông Tham nó ác, bà Phán nó nghiệt, chứ đố ai đã nghe thấy các ông chủ bà chủ phàn nàn đứa ở ác nghiệt bao giờ.
Vậy mà đối với chủ, chúa ác nghiệt là cái giống đầy tớ đấy. Điều ấy, ai đã từng nuôi kẻ hầu người hạ, tất cũng biết. Mà có lẽ trời sinh ra cho chúng được thế, chẳng qua là cái quả báo của những câu chửi, những ngọn roi ngày thường chủ đã rộng lượng ban phát thêm vào số lương ít ỏi của chúng chăng.
Thật vậy, nào có phải chúng đã hiến ta cái cẳng tay hoặc cái bạt nhĩ, khi ta hành hạ áp chế chúng, mà tôi mới bảo chúng là ác nghiệt. Chúng nào dám đụng đến lông chân người có tiền? Nhưng, thưa các ngài, không còn hạng người nào ác nghiệt hơn hạng đầy tớ, khi chúng gãi tai xin ta tính tiền công? Bởi vì tiền công của chúng, tháng tháng chúng có thèm lấy ra đâu. Mà một vài đồng bạc ấy, ta chỉ tiêu đánh nhoáy là hết. Thế rồi khi có việc phải cần đến tiền, như dịp Tết chẳng hạn, chúng mới xin ta cho chúng cả một thể. Thực là rầy rà to! Món ấy, có khi là một chục, có khi là hai chục, có khi tích lũy đến hàng ba bốn chục, đến nỗi trả được xong xuôi, nhiều ông chủ ngồi bó giò, thuỗn mặt ra mà tiếc ngơ tiếc ngẩn.
Sở dĩ tôi phải thay mặt các chủ lên tiếng than phiền sự ác nghiệt của bọn đầy tớ, là vì hôm hai mươi tám Tết năm ngoái, tôi được chứng kiến một ông chủ bị đầy tớ đòi tiền công.
*
Ông Dự, chủ nhà trọ tôi, làm việc Nhà nước, lương mỗi tháng được hơn bẩy chục.
Ông không có vợ con, nên trọ nhà ông, tôi rất dễ chịu. Lại được một điều nữa, là hình như ông Dự thuê căn gác ấy, chỉ cốt lấy chỗ ngủ. Vì tôi chẳng thấy ông thức lâu ở nhà bao giờ. Mười hai giờ trưa đi làm về, ông ăn cơm xong, là cứ để nguyên cả quần áo lẫn giày, lăn ra giường, ngủ cho đến gần giờ làm buổi chiều. Buổi chiều cũng vậy, ông vội vàng vài bát cơm, cốt đủ sống, rồi hấp tấp ra đi, có khi đến một hai giờ sáng mới về ngủ.
Tôi biết ông thích đánh bạc, và mới đây, lại có một cô nhân tình non. Bởi ông không thiết đến cửa nhà, nên cái tập bạc lương của ông nó phải mau mau đi gây dựng cơ đồ cho người khác.
Ông nuôi một thằng đầy tớ rất nhanh nhảu, khỏe mạnh. Nó bảo từ thưở bé, nó vẫn tên là thằng Quýt. Cái tên xấu xí ấy, nhiều lần ông Dự muốn đổi, để gọi cho đỡ có vẻ giai cấp. Vì ông khoe rất yêu chủ nghĩa bình dân. Nhưng đến tám tháng nay, có lẽ ông chưa có thì giờ nghĩ, nên tên nó vẫn nguyên văn là thằng Quýt.
Nhà không có đàn bà thì đầy tớ là nội trợ. Thằng Quýt không những phải gánh nước, thổi cơm, dọn dẹp cửa nhà cho tươm tất, nó còn phải vá quần áo rách, đưa thư vay tiền, kỳ lưng và bẻ bão cho chủ nữa.
Làm từng ấy công việc, thằng Quýt mỗi tháng được đồng hai bạc công. Và ngoài mỗi ngày hai bữa no nê, thỉnh thoảng nó lại được thải chiếc áo cánh, mặc gượng nhẹ thì được một bận, và luôn luôn phát tài hàng chục cái móng giò chối xương hông.
Song, thằng Quýt không biết yêu cầu chủ rút giờ làm việc, không biết đòi chủ tăng lương và tăng lòng nhân đạo. Lúc nào nó cũng vui vẻ, thực thà, và, khi rỗi việc, nó chạy ra đứng ngay cạnh bức tường hiên gác, kiễng chân, để ngó cổ sang nhà bên cạnh, nhổ bãi nước bọt rõ to xuống sân, tơ lơ mơ con sen bên ấy.
Thường nó nói với tôi:
- Thưa cậu, con đùa thế cho đỡ buồn đấy thôi, chứ đến ra Giêng này, con cưới vợ.
Một hôm, nó nhắc lại câu ấy, rồi buồn rầu, tiếp:
- Sang năm con không hầu ông Phán và cậu nữa. Con lấy vợ thì thầy u con bắt ở nhà. Đến hai mươi tám Tết này, con xin ông con tiền công, rồi xin phép cho con về.
Nói đến đó, nó nghĩ ngợi, lẩm nhẩm và hỏi:
- Con làm tám tháng mười ngày, tiền công được một chục đấy, cậu nhỉ?
- Phải, vừa một chục.
- Một chục bạc, đem về cưới cô vợ nhà quê xinh xinh, thích quá!
Thằng Quýt muốn pha trò, rặn lên cười rõ to, lắc mạnh hai vai như anh hề phường xiếc.
*
- Bẩm ông, thầy u con đã nhắn ra rằng đến ra Giêng, mồng sáu, thì xin cưới vợ cho con, vậy thế nào sáng mai con cũng xin ông cho con về sớm.
Ông Dự cau mặt, gắt:
- Mày ác nghiệt lắm! Sao mày không nói trước cho tao biết độ mươi hôm, để từ sáng đến giờ, mày nằng nặc, làm tao khó chịu.
- Tại mọi khi con thấy lúc nào ông cũng vội đi chơi.
- Thì một câu nói của mày có làm mất thì giờ là mấy?
Thằng Quýt sợ hãi, đứng yên. Ông Dự chậc chậc, rồi phàn nàn:
- Ác quá, lại tháng thiếu chứ lỵ! Mai đã là ba mươi mất rồi. Tết nhất cái con khỉ! Thế sang năm, mồng mấy mày lại ra? Hôm ấy hãy lấy tiền công có được không? Bây giờ tao làm gì có?
Làm ra vẻ nhớ tiếc, thằng Quýt đáp:
- Bẩm ông sang năm, con xin con nghỉ ở nhà.
Ông Dự cười khì một cách khinh bỉ, rồi chửi đổng:
- Mẹ kiếp, sáu mươi tuổi phải về hưu, người ta còn xin ở lại mãi chưa được, đằng này ba tuổi toẹt, đã vội nghĩ với ngơi.
Rồi ngẩng mặt lên, ông hỏi:
- Thế nội nhật hôm nay, mày lấy tiền công à?
- Bẩm vâng.
Ông Dự nhăn mặt, gãi sườn, phàn nàn một mình:
- Một chục đồng bạc!
Rồi ông gắt:
- Sao hôm tao lĩnh lương, mày không biết há họng ra? Được vay thêm một nửa tháng lương tết, thì nó không nói. Thế mai mày đi vào buổi nào?
- Bẩm, con ở hầu hạ ông...
- Thôi, mai mấy giờ mày đi?
- Bẩm ông, con ra ô tô năm giờ sáng.
- Mai ai thổi cơm cho tao ăn? Mày phải chờ đến trưa, đến chiều, tao thuê được đứa khác cái đã.
- Lạy ông, mai ba mươi mất rồi.
Cau mặt lại, ông Dự mắng:
- Kệ xác mày, lỗi mày thì mày chịu!
Vì biết tính chủ, thằng Quýt sợ phải cái đá đít tiễn, nó không nói nữa. Mà ông Dự cũng khoác áo ra đi, vừa đi vừa chửi thằng đầy tớ khéo vẽ ra cưới vợ làm ông phải rắc rối.
*
Độ mươi phút sau, ông Dự trở về, gật đầu gọi tôi, và hỏi khẽ:
- Tôi nghe như cậu còn tiền, cậu có thể cho tôi giật lửa được không?
Tôi phân vân, đáp:
- Nhưng mai tôi cũng về sớm, mà tiền này, chốc nữa tôi phải dùng mua một vài thứ về nhà.
Ông Dự gật một cách quả quyết, bảo:
- Được, cậu cứ cho tôi vay. Sáng mai tôi trả sớm. Trưa mai, cậu hãy về.
Tôi lo ngại. Ông cam đoan:
- Thế nào tôi cũng trả. Tôi không làm lỡ việc của cậu đâu mà.
Nói đoạn, ông móc túi tôi, lấy chìa khóa, rồi cứ việc mở hòm tôi, lấy một tập giấy bạc một chục đồng.
Trông thấy ông Dự hành động tự do, tôi không nỡ ngăn cản, vì tôi thấy ông hăng hái quá.
Lấy tiền xong, ông gọi thằng Quýt, hỏi:
- Sang năm, mày không làm với tao nữa, phải không?
- Bẩm ông, con ở hầu hạ ông...
- Biết rồi, tao hỏi sang năm, mày có làm với tao nữa hay không?
- Bẩm ông, tại thầy u con bắt con ở nhà.
Ôn tồn, ông nói:
- Được. Mà mai mày đi sớm, chuyến ô tô năm giờ à?
- Vâng. Con xin ông ban cho con tiền công để mai con đi sớm. Thầy u con nhắn ra thế.
Ông Dự thong thả móc túi, đưa thằng Quýt tập giấy bạc:
- Đây, tao chỉ còn thế này, nhưng cũng vừa đủ tiền công của mày. Giá còn, tao cho thêm mày một vài đồng nữa. Mày thực thà, tao có lòng thương, nghe chưa?
Thằng Quýt sung sướng, nhìn chủ, tỏ ý cảm ơn. Trong khi ấy, ông Dự móc túi áo, móc túi quần, móc túi ba-đờ-xuy và móc ví, rồi góp nhặt những xu, hào, trinh và đếm. Đoạn, ông hỏi:
- Ô tô từ đây về Thái bao nhiêu tiền?
- Bẩm tết nhất, có lẽ người ta tăng lên đến ba hào.
Ông nhìn món tiền, mỉm cười, bảo:
- Ừ, may cho mày, tao còn ba hào tư. Đây, cho mày cái vé ô tô và vài xu mà uống nước.
Nhìn thằng Quýt khúm núm giơ tay ra đón lấy số tiền, ông Dự nghiêm sắc mặt, nói:
- Đáng lẽ như người ta, tao không cho mày về ngay sớm ngày mai. Mày phải chờ cho tao thuê được người mới cái đã. Vả lại, mai tao dọn nhà đi ở chỗ khác, thì tao lại càng cần mày. Nhưng thôi, tao thương hại, năm hết tết đến rồi, nghe chưa.
- Lạy ông thương con...
- Được, mai chỉ còn một mình tao ở nhà, tao đi ăn đâu cũng xong, nên tao cho mày về. Còn dọn nhà, tao mượn người trông nom cho cũng được.
- Bẩm, mai ông dọn nhà đi phố nào, ông cho con biết, để sang năm thỉnh thoảng con đến hầu ông.
- Hiện tao chưa tìm nhà. Tao không muốn ở đây, vì những kèn hát điện của các hiệu thuốc họ vặn suốt ngày, làm tao nhức cả óc. Thành phố thiếu gì nhà cho thuê. Lúc nào tìm chẳng được. Mai vừa là ngày hết tháng nhà, nên tao muốn dọn đi, để nhân tiện ăn Tết ở nhà mới.
Thằng Quýt ngậm ngùi. Có lẽ nó mến tiếc chủ tử tế. Bởi vì từ khi ở với ông Dự, mới được hôm nay, nó không phải đòn.
Nó hí hửng khoe với tôi món tiền, rồi vừa xếp quần áo vào khăn gói, vừa pha trò:
- Mời mười đồng vào đây, ép chặt vào đây, về đến nhà hãy ra nhé!
Nó đặt tập bạc vào giữa cái áo lương, gấp cẩn thận lại, và buộc khăn gói thực kỹ. Đoạn, nó lại nói:
- Còn các chú này thì vào đây để tiện cho mỗ mai lấy vé ô tô nhé!
Nó gói ba hào rưỡi vào tờ giấy, bỏ trong túi có gài ghim băng.
Sửa soạn xong, thằng Quýt vui sướng, huýt còi ran lễn, rồi ghé sang sân nhà bên kia, nó đằng hắng một tiếng, và nhổ đánh bẹt để từ giã cô nữ đồng nghiệp.
*
Tối hôm ấy, ông Dự không đi chơi như mọi tối, khiến cho tôi nghĩ ngợi. Thỉnh thoảng, tôi phải nhắc:
- Ông không đi đâu à?
Thấy ông lắc đầu chán nản, tôi phải nói đến nơi:
- Ông đừng làm lỡ tôi nhé.
Ông mỉm cười, gật:
- Được, không cần, trước tám giờ sáng mai cậu sẽ có.
- Nhưng ông phải đi chơi mới được chứ?
- Được rồi, cậu đừng lo, tôi lo hơn cậu đấy.
Tôi xin thú thực rằng tối hôm ấy, tôi nằm không chợp mắt. Vì tôi lo quá. Càng thấy ông Dự ra vào ung dung, tôi càng hối hận rằng đã cho ông vay món tiền cần một cách rất dễ dãi. Tôi đoán có lẽ ông sẽ đâm mặt liều cùng tôi. Ông hẹn trước tám giờ sáng mai, mà từ chập tối, ông không thèm bước ra khỏi nhà, thì tiền đâu nó bò vào túi ông được? Mai, ba mươi Tết, ngày ấy chỉ là ngày để người ta trả nhau nợ, chứ nào phải để người ta cho nhau vay? Mà có người nào cho ông mượn tiền chăng nữa, quyết nhiên người ấy kiêng lúc buổi sáng. Mai tôi không về được thì làm thế nào?
Tôi nằm không yên, thỉnh thoảng cựa và thở dài luôn. Cạnh tôi, ông Dự đã ngủ khì. Và mé góc nhà, thằng Quýt đã ngáy như sấm trong chiếc chiếu khum khum trên chõng.
Thấy mọi người ngủ sung sướng, tôi càng nóng ruột sôi gan. Họ bình yên cả.
Ông Dự đã trả được công đầy tớ mà không phải đi nói khó vay người khác. Thằng Quýt mai về nhà với cha mẹ để sang năm làm chú rể, bọc quần áo trong có cô vợ xinh đặt ngay trên mặt tủ đồ ăn, bên cạnh chõng.
Tôi thì vẫn cựa và thở dài, hết quay ra lại quay vào. Lại mấy con muỗi đã khéo chui vào màn lúc nào, cứ "làm reo" bên cạnh tai để quấy rối cuộc trị an. Tôi càng không ngủ được.
Đồng hồ bỗng chốc điểm mười một tiếng. Rồi mười hai tiếng. Rồi đến một tiếng, hai tiếng, ba tiếng. Thì giờ của người không ngủ được chẳng khác gì thì giờ của anh đứng nói chuyện với người yêu, nghĩa là nó chỉ như thì giờ của anh đánh bạc. Vì nó như thì giờ của cổ nhân: Nó như bóng ngựa hồ qua cửa sổ.
Ngoài nhà, gió vi vút thổi, rít qua khe cửa, đưa tiếng rao não nùng của hàng bánh giò ế, hoặc tiếng nằn nì dọa nạt của anh phu xe vừa kéo một chị ở săm về. Thỉnh thoảng gió thổi thốc lên, cành cây chạm vào nhau lá vàng rơi lả tả, hai cánh cửa chớp đóng chập vào nhau, rồi mở tung ra, đập vào tường, khiến trong nhà đương sáng thì tối, đương tối thì sáng, làm cho tôi trằn trọc không tài nào chợp mắt được.
Mà cái nghề trâu buộc ghét trâu ăn. Mình đã không ngủ được, lại thấy người nằm cạnh yên giấc, thì càng tức. Tức hơn nữa, là ông Dự đã hiếp mất giấc ngủ ấy của tôi. Ông lại làm tôi phải lo nghĩ nữa.
Tôi đã toan trở dậy, vặn đèn lên, đọc một vài tờ báo nhạt. Nhưng tôi sợ lỡ ra số Tết báo ấy viết hay mất, thì toi giấc ngủ quý hóa đi.
Bỗng tôi thấy cạnh tôi, ông Dự cựa. Tôi bực mình, không hỏi han gì cứ lặng yên, mở mắt nhìn. Thì ra không phải ông cựa. Ông khẽ lật chăn ra, rón rén dậy, và đi ra đóng hai cánh cửa chớp.
Sao có người lại ác đến thế nhỉ? Không ngủ được, tôi chỉ còn tiêu khiển lúc đêm khuya bằng chút ánh đèn ngoài phố rọi vào để nhìn những đồ đạc trong nhà, tuy nó đã quen mắt. Vậy mà ông làm cho bốn bên tối om!
Nhưng không hiểu sao, mãi không thấy ông vào nằm. Tôi bèn lắng tai nghe, và cố giương mắt xem ông làm những gì. Song, tôi chẳng trông thấy và nghe thấy ông đâu. Góc nhà, thằng Quýt vẫn ngáy khò khò như tiếng hàng xóm xay lúa.
Độ mười phút sau, tôi thấy hai cánh cửa ra sân bỗng mở toang, rồi lại khép chặt. Lúc ấy, ông Dự mới khe khẽ mở màn, lên giường, và chui vào chăn.
- Gớm, sao mà chân tay ông lạnh thế!
Tôi phát cáu, cựa, quay đi và thở dài.
Tự nhiên, tôi thấy ông Dự lay vai tôi. Tôi quay lại. Ông lấy tay bịt ngay miệng tôi, và giúi vào tay tôi tập giấy mềm mềm.
Tôi toan nhổm dậy, thì ông kéo nằm xuống, ghé tai nói thầm:
- Mười đồng. Trả nợ đấy.
Vụt hiểu cả ý tứ và mưu mô ông Dự, tôi giật mình toan rú lên. Nhưng thình lình, tôi bị cái đấm vào cạnh sườn đau đánh nhói.
Ngót một giờ sau, khi chiếc xe thùng cuối cùng ì ạch trên đôi bánh lỏng lẻo, và ngọn chổi thứ nhất của người quét đường kéo dài từ hè nọ sang hè kia, thì thằng Quýt đã nhổm dậy. Nó lẳng lặng đi súc miệng, rửa mặt, mặc quần áo. Rồi chui đầu qua màn, tìm vai tôi, nó lay tôi dậy. Khốn nạn thân nó, tôi có ngủ được nữa đâu! Nó thì thào:
- Con ra ô tô đây. Cậu dậy, ra đóng cửa cho con.
Rồi đến đường, nó quay lại chào tôi, và hình như có điều gì muốn nói. Nó đứng mãi, nhìn tôi bằng đôi mắt thực thà. Một lát, nó mới nói giọng lo lắng và dặn:
- Cậu ạ, lúc dậy, con thấy cửa ra sân không khóa, con sợ quá. Nhưng con khóa lại rồi. Hễ ông con có hỏi, cậu làm chứng cho con là con chỉ mang có cái khăn gói này về thôi nhé.
Nói đoạn, nó chào tôi lần nữa, rồi thở dài mà đi
Tôi cũng thở dài, vì tôi thấy nó tỉnh táo, vui sướng, nhanh nhẹn. Rồi cái mũ nồi đen, cái áo len xám, cái quần vải thâm, đến cả đôi giày Tây trắng của nó mặc diện về quê, cũng dần dần lẫn vào trong ánh sương.
1-1937

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me