LoveTruyen.Me

Nguyen Cong Hoan Tuyen Tap

Buổi trưa hôm ấy, ăn cơm xong, đi nằm, Sinh trằn trọc mãi không ngủ được. Lúc nào trong óc anh cũng hiện ra một cái miệng đầy những bánh tây nhoét nước dãi, há hốc thật rộng để cãi rằng mình không ăn gì. Anh cựa bên nọ, cựa bên kia, rồi lại nằm ngửa, vắt tay lên trán mà thở dài.
Vợ anh mỗi khi thấy anh có nỗi buồn ngấm ngầm, thì cũng không dám hỏi. Vì biết rằng không những anh không nói, mà còn gắt nữa. Nên cũng như mọi bận, chị đi đứng khẽ khàng, và dặn con chớ đùa nghịch.
Nhưng rồi Sinh cũng ngủ được, mà ngủ một giấc, thiếp đi đến tận hai giờ rưỡi. Lúc đồng hồ điểm một tiếng chuông, anh giật mình vùng dậy, vội vàng mặc quần áo và thuê xe kéo đến sở.
Rành anh đến muộn ít ra là năm phút. Anh lo ngại. Nhưng nỗi tức giận còn chứa chất đầy lòng, làm anh quá chán nản về cái kiếp cạo giấy làm thuê, nên anh đâm ra có tư tưởng liều lĩnh, không cần gì cả.
Bước chân vào buồng giấy, anh ngước mắt nhìn đồng hồ. Cái kim lớn đã trỏ cạnh con số tám.
Nghĩa lườm anh, rồi vẫn cặm cụi vào tờ giấy trên mặt bàn, mách nhỏ:
- Nó vừa mới đến đây tìm anh đấy.
Sinh hơi trống ngực. Nhưng anh lạnh lùng ngay. Anh mỉm cười, ngồi phịch xuống, duỗi thẳng hai cẳng, ưỡn người vào lưng ghế, không làm việc vội. Với một người Sếp dám khinh bỉ, làm nhục người dưới quyền, anh không thể vui lòng mà tận tâm về công việc được. Nay ông ta đã biết anh đến chậm, hẳn ông ta sẽ trách mắng anh. Nhưng nếu ông ta nói nặng lời, quyết anh không chịu. Anh sẽ cứng cỏi mà đối phó lại. Sinh nghĩ vậy. Bao nỗi hờn giận lại làm sôi cả mạch máu. Thì từ đằng xa, lộp cộp tiếng giày ông Sếp đến.
Sinh chờ sẵn để trả lời câu cự trên nét mặt cay nghiệt của ông Sếp. Ông này tới Sinh, tay cầm quyển sổ chi thu mà anh làm tính cộng suốt cả buổi sáng.
Oai vệ, ông Sếp đặt quyển sổ trước mặt Sinh, và nói dằn từng tiếng:
- Mời ông thử lại cái tính này.
Đoạn ông quay lưng đi ra, không đả động gì đến chuyện Sinh đến chậm.
Nghĩa liếc mắt nhìn Sinh, lè lưỡi, lắc đầu, rồi mỉm cười.
Sinh cầm bút chì, trỏ theo từng chữ trên cột con số, miệng lẩm nhẩm tính. Anh thấy quả có cộng sai thực. Chắc rằng buổi sáng, vì óc lúc nào cũng luẩn quẩn bực mình, nên anh đãng tâm mà làm sai.
Chữa xong, Sinh gọi loong toong đưa sổ để đem sang buồng ông Sếp.
Nhưng độ mười phút sau, ông Sếp lại đến, mà lần này thì nét mặt đã hầm hầm.
Ông hất hàm hỏi Sinh:
- Ông có chữa hay không thế?
- Thưa có.
- Ông để ý một lượt nữa xem.
Nói xong, vẻ lạnh lùng, ông Sếp ra. Sinh cau mặt nhìn hàng tính cộng. Mọi khi, anh có làm hỏng việc gì bao giờ đâu. Sao hôm nay có một cái tính không dài lắm, anh làm đến hai lần, vẫn không đúng.
Anh cố đặt hết tâm trí theo ngọn bút chì nhọn hoắt. Anh cộng rất thong thả và nói to để tính cho cẩn thận hơn. Cuối cùng, khi thử xong, anh mỉm cười. Anh mừng vì đã tìm ra mấy chỗ cộng sai.
Lần này thì quyết không sao lầm lẫn được nữa. Anh đưa loong toong quyển sổ mà anh chắc rằng hoàn toàn.
Nhưng cũng chỉ độ năm phút sau thôi, ông Sếp đã đến trước mặt anh. Ông hầm hầm hơn, đặt mạnh bản tính xuống bàn, và không thèm nói, ông quay lưng ra.
Không hiểu ông này muốn gì. Sinh đứng dậy chạy theo, hỏi bằng giọng cũng đầy tức giận:
- Ông muốn bảo tôi làm gì?
- Ông muốn biết thì xin ông cộng lại.
- Cộng lần thứ ba?
- Phải, vì ông làm đúng lắm! Ông muốn nhạo tôi. Ông đến trễ, tôi đã ngơ đi. Vậy mà tôi bảo ông làm lại cái tính, ông không làm.
- Tôi có làm.
- Ông đừng cãi, nếu ông có làm, tôi không phải mất thì giờ về ông như thế này.
- Không phải tôi lười chữa mà tôi nói dối ông. Tôi không cần nói dối ông, bởi vì tôi xét ra là vô ích. Ông xem, mọi khi, tôi có phải để ông trách tôi nửa lời không? Có điều hôm nay tôi làm không chu đáo, vì óc tôi không được bình tĩnh.
Giọng mỉa mai, ông Sếp hỏi:
- Ông ốm, ông ốm nặng?
Gật đầu một cách quả quyết, Sinh đáp:
- Phải, tôi ốm.
Ông Sếp nhún vai:
- Đó là cái cớ mà tôi nghe đã rất quen tai, khi tôi thấy một người đến sở chậm hoặc làm một việc gì hỏng. Nếu thực ông ốm, tôi cho ông đi lấy giấy đốc tờ mà nghỉ. Ông sẽ được yên mà ở nhà.
Nói đoạn, ông Sếp đặt bàn tay đỏ ửng và múp những thịt vào trán Sinh. Sinh biết rằng trán mình cũng mát như trán người khỏe mạnh. Nhưng đã vậy, anh nhất định xin nghỉ, cho ông Sếp biết tay. Anh bèn nói:
- Vâng, tôi xin đi lấy chứng chỉ của thầy thuốc.
Sinh cắp mũ, rầm rộ đến nhà thương. Bởi anh được ông bác sĩ thiện cảm, nên khi anh nói bịa ra một vài bệnh khó khám, thì anh được ông này biên mấy dòng chữ cho anh nghỉ hai hôm.
Thấy mình thắng ông Sếp, Sinh sung sướng hết sức. Anh nắm tờ giấy của thầy thuốc như ngọn khí giới để trả thù.
Đến sở, Sinh định tâm làm bộ rõ khỏe khoắn để đưa ông Sếp tờ giấy chứng thực rằng mình ốm.
Lúc ấy, ông Sếp thấy Sinh về, bèn đứng ở hè, nhìn anh bằng đôi mắt vọ, rồi cười và nhạo:
- Tôi thấy bộ dạng ông ốm yếu, tôi rất phàn nàn. Thế nào? Ông được nghỉ mấy hôm?
Sinh không đáp, mở rộng giấy đốc tờ ra cho ông Sếp coi. Ông này tái mặt. Ngực Sinh dậy lên một hồi trống khải hoàn. Nhưng ông Sếp nói:
- Tôi tưởng ông được nghỉ một tháng?
Bực mình, Sinh đáp:
- Nếu hết hai ngày mà chưa khỏi, thì có lẽ tôi nghỉ một tháng thật.
Trừng mắt nhìn Sinh, ông Sếp nói:
- Ông nghỉ hẳn sáu tháng, tôi cũng không cần. Tôi có mất tiền nuôi ông đâu. Ông làm việc cho công chúng, thì ông phải thật thà với công chúng.
Thấy hai tiếng "thật thà" chứa chất đầy những ý nghĩa mỉa mai, Sinh nói:
- Về việc này, chỉ có ông bác sĩ mới thật thà hay không mà thôi.
- Ông bướng lắm - ông Sếp gắt - ông cứ làm đơn xin nghỉ hẳn sáu tháng, tôi sẽ tư cho ông được vừa lòng.
Cương quyết, Sinh đáp:
- Vâng, tôi xin nghỉ sáu tháng.
Lặng một lát, ông Sếp lại nói:
- Thà ông xin nghỉ hẳn một năm, có phải đỡ phiền cho ông và đỡ phiền cho Nhà nước khỏi phải tốn tiền trả lương ông không.
Chẳng nghĩ ngợi gì, Sinh đáp phắt:
- Vâng, tôi xin nghỉ một năm.
Ông Sếp cười chua chát, đầu gật gù:
- Vậy thì tốt, ông làm đơn ngay đi. Tôi cho ông nghỉ ngay từ bây giờ.
- Vâng!
- Tôi chờ ông ở đây.
Lập tức, Sinh ngồi vào bàn, lấy giấy thảo đơn xin nghỉ. Trong khi ấy, ông Sếp vắt tay ra sau, đi đi lại lại, thỉnh thoảng lướt nhìn anh thư ký bướng bỉnh.
Cả mấy buồng giấy đều im phăng phắc. Một làn không khí nặng trĩu. Ai nấy đều cúi gầm mặt xuống bàn, nhưng cùng lắng tai nghe.
Sinh viết rất chóng. Lúc xong, anh đứng dậy, vênh váo lại gần ông Sếp và nói:
- Đây, nhờ ông làm ơn cho tôi.
Ông Sếp đọc xong lá đơn, rồi bỗng ông khoanh tay trước ngực, nhìn Sinh và hỏi:
- Ông đã cương quyết nghỉ một năm không lương. Nhưng tôi hãy hỏi, liệu sang năm, ông xin ra làm, ông có chắc được bổ một cách dễ dãi hay không? Mà trong khi ông chờ, ông sẽ làm gì để sinh nhai?
Sinh vụt bối rối. Ông Sếp nói tiếp:
- Vậy bây giờ có hai cách, một là ông cứ để tôi cho ông được nghỉ, hai là ông xin lỗi tôi, vì ông đã bướng bỉnh với tôi. Ông chọn ngay lấy một cách. Tôi chờ ông trả lời đây.
Tự nhiên, trên nét mặt Sinh hiện ra một vẻ không ngờ, cái vẻ tai tái. Rồi anh nhíu đôi lông mi, mắt đăm đắm nhìn phía xa, ra chiều nghĩ ngợi. Một lát, thở dài, anh đứng thẳng người lại, chắp tay, tủm tỉm gượng cười, và ấp úng nói khẽ:
- Thưa ông... tôi xin lỗi ông.
*
Lúc ở sở ra về, Nghĩa và Sinh lững thững cùng đi. Hai người đều ngậm ngùi, chán nản.
Rồi đến chỗ vắng, Nghĩa lắc đầu, an ủi bạn:
- Cái kiếp chúng mình như thế. Nô lệ thì còn đâu có nhân cách mà giữ. Chúng mình nên đành chịu, chứ biết làm thế nào.
- Nhưng lắm lúc tức lắm! Mà hiện nay tôi rất hối hận đã không cứ liều mà đưa đơn nghỉ phăng cho nó khỏi khinh mình.
- Ừ, tôi tưởng anh quả quyết lắm, chứ không ngờ lại xin lỗi nó. Vậy lúc ấy anh nghĩ thế nào mà lại làm như thế?
Sinh nhìn nét mặt thật thà của bạn. Anh cảm động, thở dài, đáp bằng một giọng rất tự nhiên, nhưng xiết bao ai oán não nùng:
- Khốn nạn, thật chính bây giờ tôi cũng không hiểu tại làm sao lúc ấy tôi lại có phút đê tiện đến như thế!
9-1937

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me