Để Con Cùng Viết Ký Ức Với Mẹ!
Tôi đang theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Passau ở thành phố Passau, Đức. Tết cổ truyền tại Việt Nam luôn là những ngày Passau ngập trong tuyết trắng. Cái lạnh âm 15 độ C càng khiến những trái tim Việt xa xứ quay quắt hướng về nơi nguồn cội đang ấm áp, rộn ràng hương Tết.Hai cái Tết xa nước là hai lần tôi cùng bà con người Việt gói bánh chưng. Những đứa trẻ tò mò nhìn bố mẹ làm bánh, ríu rít hỏi "Mẹ đang làm gì đấy?", "Con lau lá giúp mẹ nhé!". Ngắm lũ trẻ hớn hở, nhìn những chiếc bánh gói ghém cả nỗi hoài hương, dòng ký ức khi tôi cùng mẹ chuẩn bị Tết trở về bồi hồi...Tôi lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh nghèo khó. Bố đi Cách mạng, đóng quân xa không về, một tay mẹ tảo tần nuôi bốn đứa con. Cái lam lũ bám riết như hình với bóng. Nhiều cái Tết trời rét buốt, từng đàn cá chết giá trên đồng nhưng không mấy ai nhặt. Đó là cơ hội cho những người nghèo khổ. Cài kỹ nút chiếc áo bông cũ, mang theo cái giỏ, nén nỗi tủi thân dâng ngập lòng, mẹ con tôi ra đồng nhặt cá.Trên đường, những đứa bạn xúng xính, ấm áp quần áo mới ném ánh mắt về tôi hỏi những câu khiến tôi đau lòng: "Bạn đi đâu đấy? Sao bạn không mặc quần áo mới?". Tôi chợt nhớ những đêm lén nhìn mẹ khóc vì biết rằng mẹ không đủ tiền lo Tết cho anh chị em tôi. Số cá nhặt được giúp bữa cơm ngày Tết của cả nhà thêm chút mùi vị. Thương mẹ, thương cái Tết nghèo khó của gia đình biết bao...Khi kinh tế gia đình tươi sáng hơn đôi chút, ký ức Tết của tôi là cùng mẹ làm bánh mật và chăm đàn gà. Tôi hết cặm cụi rọc lá chuối lại chạy đi mua ống giang về chẻ lạt. Bánh mật được làm từ bột nếp trộn với mật, nhân bánh làm từ đậu xanh, ngũ vị hương, đường, gừng và đậu phộng, dùng lá chuối gói rồi mang đi luộc.Mẹ vừa thoăn thoắt gói bánh vừa tranh thủ cho gà ăn. Tôi chuẩn bị bếp, củi để luộc bánh. Anh chị em tôi lo dọn nhà. Hối hả, rộn ràng. Niềm vui ngày Tết chớm nở từ những công việc chung ấy."Nhân vật chính" của Tết là đàn gà mà cả nhà chăm suốt nhiều tháng. Đàn gà ấy "đem đến" mâm hoa quả tươi đẹp dâng tổ tiên, là quần áo, là dép mới, là niềm hân hoan trong ánh mắt, nụ cười mỗi thành viên... Vậy mà có những cái Tết phải mang bán vội những con gà sống sót sau trận dịch để kiếm chút tiền sắm Tết. Sau Tết, mẹ lại gầy đàn gà mới với niềm hi vọng rằng Tết năm sau đàn gà sẽ không chết nhiều để các con có cái Tết no đủ hơn.Những ký ức Tết bên mẹ là hành trang giúp tôi đi qua những cái Tết ở nơi xứ xa lạnh lẽo.Hơn 43 năm vất vả, căn nhà nhỏ chộn rộn ngày nào giờ đây chỉ còn bố mẹ ra vô. Niềm vui mỗi ngày của mẹ gói gọn trong đàn gà với ý nghĩa khác xưa đôi chút: để làm bữa cơm ngày Tết khi con cháu tề tựu và làm quà khi chúng quay lại thành phố. Nét mặt con cháu rạng ngời khi tấm tắc khen thịt gà ngon là sự đền bù xứng đáng cho những ngày đêm mẹ gom từng cọng rau, nhặt từng hạt thóc cho gà.Tôi về bên mẹ trong những ngày cuối năm 2013, khi Tết Giáp Ngọ đang đến rất gần. 10 năm nay mẹ bị thoái hóa khớp gối, đi lại rất đau đớn, chữa nhiều nơi mà không khỏi. Mẹ thường còng hẳn lưng xuống khi vãi thóc cho gà, rồi lại nặng nhọc chống gậy đứng lên đếm xem có con nào đi lạc. Không chăm sóc đàn gà thì mẹ mất cả vui. Thương lắm ánh mắt mẹ khi ngắm đàn gà khỏe mạnh, đông đúc; ánh mắt sáng lên chất chứa hi vọng như củ hành hoa trắng xinh đang hé những mầm xanh mới. Đàn gà ấy vốn là một phần Tết của mẹ!Lo đàn gà không đủ sức vượt qua những trận dịch sau mưa, tôi lấy hành hoa giã nhỏ, trộn với thóc, ngâm với ít rượu rồi mang cho chúng. Tết sắp về, tôi sẽ lại được dọn nhà cửa, cắt lá chuối để gói bánh mật cho mẹ, mua hương vàng, hoa quả cúng tổ tiên..., những phần việc mang cả hương sắc truyền thống Việt. Sau Tết, tôi sẽ quay lại Đức tiếp tục nghiên cứu. Vậy nên càng quý trọng mỗi phút giây bên mẹ cha.Giúp mẹ ngày Tết, và cả những ngày không phải Tết, với tôi không chỉ để mẹ bớt vất vả mà còn là cùng mẹ viết nên những ký ức ấm áp, yêu thương. Để khi xa mẹ chúng ta có hình ảnh đẹp về những ký ức ấy.Ai đó từng hỏi: "Ta còn gặp mẹ bao nhiêu lần nữa trong đời này?". Lại nhớ lời của nhân vật Pi Patel trong bộ phim Life of Pi (Cuộc đời của Pi): "Cuối cùng thì cả cuộc đời này chỉ là hành động buông tay. Nhưng điều đau đớn nhất là ta không có được khoảnh khắc để nói lời tạm biệt". Vậy nên, việc còn được bên mẹ, được san sẻ cùng mẹ những khoảnh khắc - cả khi nghỉ ngơi lẫn lúc chăm lo cho tổ ấm - đã là món quà quý giá của cuộc đời!ST.
Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me