LoveTruyen.Me

Tan Man 10

Trong ký ức về Tết của những đứa trẻ nông thôn, có lẽ hình ảnh về những phiên chợ quê luôn in đậm trong trí nhớ. Mỗi khi Tết đến, những ký ức ngọt ngào được níu áo bà, theo chân mẹ đi chợ Tết lại có dịp ùa về.

Chợ phiên đồng bằng

Bên gốc đa làng rợp bóng xanh mát, xưa, quê tôi chỉ có chợ phiên vào những ngày chẵn Âm lịch chứ không có cả tuần, cả tháng như bây giờ. Với người dân quê, phiên chợ vào ngày Ba Mươi Tết là quan trọng và đông vui nhất. Mạ cấy bén rễ, việc đồng áng gác lại, ngày cuối cùng của năm cũ người nông dân quê mới mang những đồng tiền chắt chiu lao động cả năm để đi chợ sắm Tết. Phiên chợ Tết có lẽ vì thế mà đông vui và khác hẳn với chợ phiên trong năm.

Phiên chợ Tết quê ở đồng bằng

Bọn trẻ chúng tôi là háo hức hơn cả. Sáng Ba Mươi Tết, những đứa trẻ dậy thật sớm lăng xăng bám theo bà và mẹ đi chợ. Đứa nào cũng háo hức, cười nói hồn nhiên như những con chim non đang nhảy nhót trên cành.

Phiên chợ Tết đã để lại trong chúng tôi những cảm nhận rất đỗi đằm ngọt và ấm áp. Dưới đôi mắt háo hức của trẻ thơ, phiên chợ Tết rực lên bao màu sắc.

Chợ Tết hàng hóa thật nhiều, toàn những thứ hàng quê mà người dân dành dụm chờ đúng đến Tết mới mang đi bán. Nào là những trái cam sành vàng sẫm, những quả bưởi quê tỏa hương thơm lừng lựng, những nải chuối xanh đang độ hung hung vàng, những hàng lá dong xanh ngắt và cả những gian hàng bánh kẹo đủ các loại... Con gà trống thiến mào đỏ như cục tiết, những chảo mật mía tỏa mùi thơm đậm đà, chùm quất chín đỏ căng mọng, cành đào vừa được chặt đang chúm chím những nụ hồng và mơn mởn lộc non. Tết quê là thế đấy, không cao sang như nơi phố thị mà chỉ có những thứ hàng bình dị, đậm chất quê.

Quê tôi xưa vốn nghèo khó, người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Chợ Tết, rặt những thứ hàng hóa được làm ra bởi chính bàn tay của họ đã mang lại một sự sung túc, đủ đầy cho cái Tết sau một năm mưu sinh vất vả.

Với những đứa trẻ, thích nhất ở phiên chợ Tết là được ngắm những hàng bán bóng bay. Những quả bóng bay vừa to, vừa nhiều màu. Cả năm tích cóp được vài chục đồng từ bán lông gà, lông vịt, dành dụm để đi chợ Tết là để mua những quả bóng ấy.

Năm nào cũng vậy, mẹ cho đi chợ Tết là để mua sắm cho đôi dép và quần áo mới. Thật khó tả được niềm vui dâng trào và niềm hãnh diện khi được ướm thử đôi dép mới, mặc thử bộ quần áo may sẵn. Ngày ấy, với chúng tôi đó là một niềm vui lớn nhất trong dịp Tết.

Phiên chợ Tết, chúng tôi được bà mua quà và ăn ngay tại phiên chợ. Những chiếc kẹo bốt, kẹo dồi là món khoái khẩu với trẻ quê chúng tôi. Trong cả năm, đâu phải lúc nào cũng có kẹo bánh để ăn mà chỉ chờ đến Tết mới được ăn thỏa thích. Đưa chiếc kẹo bột vào miệng, chưa dám nhai và nuốt ngay, phải ngậm một lúc lâu để cảm nhận được vị ngọt của mật, vị thơm của gừng. Rồi những phên bỏng nếp giòn tan, chè lam, những gói kẹo bi xanh đỏ hấp dẫn chúng tôi biết nhường nào. Vui nhất là Tết đến, mẹ mua về những gói kẹo bọc giấy, bánh quy trứng nhện rồi mấy hộp phồng tôm để vui Tết.

Chợ miền Tây Bắc

Tây Bắc những ngày giáp Tết tiết trời như ấm áp hơn bởi sắc Xuân tô điểm ở những phiên chợ. Chợ Tết vùng cao Tây Bắc luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách vì vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ, thuần hậu và biết bao sắc màu rực rỡ của cuộc sống, văn hóa, phong tục vùng miền. Trời còn tờ mờ sáng trên các bản Tày, bản Mông, bản Dáy trên núi cao chon von, tít tắp đã rục rịch rủ nhau xuống chợ.

Trên khắp bầu trời nước Việt, chợ Tết ở đâu cũng đông vui, tấp nập nhưng chợ Tết tại vùng cao Tây Bắc có những đặc trưng riêng. Cái đặc biệt trong những phiên chợ Tây Bắc có lẽ là sắc màu. Chợ là hợp quần của nhiều thành phần dân tộc từ khắp các bản, địa phương xuống họp. Đồng bào dân tộc đi chợ không chỉ với mục đích mua sắm mà đơn giản chỉ là đi chơi, đi chợ để uống rượu say ngoắc cần câu, để gặp bạn bè, để hò hẹn.

Chợ Tết vùng cao Tây Bắc là bức tranh đa sắc nơi miền sơn cước. Chính những mặt hàng chỉ có ở phiên chợ Tết đã làm nên cái sắc màu đậm chất truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa. Vào những ngày giáp Tết, từ trên các bản cao, từng đoàn người Mông cùng những chú ngựa thồ hàng xuống chợ trong không khí vui vẻ và khí thế. Tiếng chân ngựa lộc cộc hòa với tiếng khèn gọi bạn văng vẳng núi rừng tạo ra những thanh âm kỳ diệu của vùng cao.

Quán rượu ở chợ Tết vùng cao thật rộn ràng. Những chàng trai cụng bát chan chát, tiếng hô hào sảng bên cạnh nồi thắng cố bốc khói nghi ngút. Bát rượu ngô uống cạn, can rượu cũng vơi dần, chợ Tết về trưa càng nhộn nhịp, đông vui.

Những đứa trẻ miền núi có lẽ cũng không khác những đứa trẻ nơi đồng bằng đều cảm nhận phiên chợ Tết bằng sự háo hức. Cái áo mới, đôi giày mới rồi những chiếc kẹo ngọt tan chảy giữa phiên chợ Tết đều có thể trở thành những miền ký ức.

Xa thật rồi những ngày thơ bé! Xuân đi rồi Xuân đến, chợ tan rồi lại họp, chỉ có kỷ niệm cứ cũ dần theo thời gian. Và có lẽ, những đứa trẻ sinh ra ở thời đại cách mạng công nghệ 4.0 này sẽ không có được những ký ức như ngày xa xưa nữa.

Tết lại đến. Phố xá người qua người lại tấp nập ngược xuôi. Những thanh âm trong trẻo, dặt dìu của mùa Xuân lại kéo về. Và, nó mang theo cả những ký ức ấm áp và đằm ngọt đã nuôi dưỡng tuổi thơ của bao thế hệ người Việt.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me