Tan Man 10
Tôi sinh ra trên một vùng quê nghèo thuộc dải đất miền Trung khô cằn, đầy nắng gió. Ba mẹ tôi là những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm chỉ biết đến cuốc cày, gieo mồ hôi trên mấy ruộng lúa, nương khoai.Từ nhỏ, tôi sớm được mẹ dạy cho chữ "tình" chắt chiu từ các mối quan hệ, nào bà con cô bác hay đơn thuần là những xóm làng tít nẻo đường xa. Càng thấm nhuần hơn khi cứ độ Tết đến Xuân về, tôi lại có dịp cùng mẹ gói cái chữ ấy trong mỗi đòn bánh tét ở quê hương.Năm nào cũng vậy, hễ đến ngày 23 tháng Chạp, vừa làm mâm cỗ đưa ông Táo về trời xong, mẹ liền bắt tay chọn nếp chuẩn bị gói bánh tét. Ngày bé, mỗi lần thấy mẹ tất tả làm công việc ấy, tôi chặc lưỡi nói mẹ khéo lo xa. Nhưng dần lớn lên, biết suy nghĩ và để ý nhiều hơn, tôi hiểu rằng những đòn bánh tét của mẹ chẳng bao giờ thừa.Những ngày giáp Tết, ba tranh thủ đi bán chậu cây cảnh kiếm tiền. Công việc dọn dẹp nhà, chuẩn bị Tết chỉ tôi và mẹ cáng đáng. Bắt đầu bao giờ cũng là tìm cắt mấy tàu lá chuối xanh rì đằng sau nhà, phơi cho lá dịu lại rồi cắt ra, lau sạch. Tiếp đó là chặt tre, chẻ dây lạt.Với tôi, chuẩn bị lá chuối và dây lạt là việc dễ nhất trong tất cả các công đoạn. Bởi khâu ngâm nếp, làm nhân bánh đòi hỏi người có "tay nghề", như thế thì nếp không bị sượng, bị trân và nhân làm ra sẽ thơm và đượm. Phải mất đến hai ngày chuẩn bị nguyên liệu, tôi và mẹ mới tiến hành công đoạn gói bánh. Kỳ thực, phụ mẹ gói bánh tét từ nhỏ cho đến bây giờ thế nhưng tôi không tài nào học được cách gói. Nhìn thì dễ nhưng đến khi làm thì chẳng đâu vào đâu.Những lúc thấy tôi bức bối vì không làm được, mẹ nhẹ nhàng, vừa làm vừa từ tốn bảo: "Bàn tay cứng cỏi, cộng với bản tính nóng nảy sẽ chẳng bó được đòn bánh đâu con. Nhìn mẹ này, khi gói phải điềm tĩnh, nhẹ nhàng xếp từng mẩu lá cho vuông vắn. Sau đó nghĩ đến chữ "tình" và đặt nó vào trong, gói lại, buộc dây lạt thật chắc. Có thế thì đòn bánh mới không đổ, bánh làm ra lại dẻo và ngon!".Nói rồi mẹ khuyến khích tôi làm khâu hoàn thiện, đó là buộc các dây lạt phụ sau khi mẹ gói, thắt xong ba dây lạt chính ở đầu, giữa và cuối của đòn bánh. Tôi niềm nở làm theo, trong đầu vẫn đinh ninh chữ "tình" của mẹ dặn. Gói bánh xong, hai mẹ con nhìn nhau cười, thở phào nhẹ nhõm. Chỉ chực chờ nhen nhóm bếp lửa, xếp bánh vào nồi. Mẹ bảo nấu bánh tét phải canh lửa hàng giờ, sơ hở một thoáng là bánh chín không đều, vì thế tôi và mẹ túc trực nồi bánh cả ngày lẫn đêm.Với tôi, đây cũng là dịp thủ thỉ tâm sự với mẹ bao điều. Tôi kể với mẹ chuyện học ở thành thị, cả việc nhắc mẹ nhớ rằng qua Tết này tôi đã bước sang tuổi 20, có anh chàng kính cận trồng cây si đã mấy tháng ròng. Và lo xa cho chuỗi thời gian sắp tới, tôi lấy chồng rồi thì mẹ gói bánh tét cùng ai.Mẹ cười chứ không nói gì thêm. Ngay phút ấy, tôi cảm giác có chút gì đó xốn xang. Tôi bắt gặp vài sợi khói bếp quyện lên mái tóc điểm sương của mẹ. Nhìn vào nồi bánh sôi bừng, tôi tự hỏi sang dốc tuổi 50 này, chữ "tình" mẹ gói đã qua mấy mùa Xuân?Rồi bánh chín, cả trăm đòn được mẹ vớt ra, thơm lừng và nóng hổi. Ai ngang nhà cũng tưởng mẹ nấu mang ra chợ bán, có người còn hỏi mua mở hàng. Mẹ trả lời ngắn gọn: "Bánh này tui để biếu chứ không bán!". Thế là mẹ lấy giấy bút ra ghi, đếm bánh, cho vào mỗi bao khoảng bốn đến năm đòn. Tôi như thuộc nằm lòng cái đoạn tính nhẩm của mẹ: "Gửi bác Phương năm đòn, bác Đối bốn đòn, mang lên nhà thờ cố ngoại bây năm đòn, cậu Hai, dì Năm... À, còn gia đình chú Nớt nữa, để mấy đòn to mang ra Đà Nẵng, nhớ ơn chú đã cho bây ở nhờ tiện việc đi học!".Và thế là mẹ đạp xe rong ruổi mang bánh tét biếu khắp xóm làng, còn tôi thì mang ra tận thành phố Đà Nẵng gửi biếu các bác, các dì. Theo đó là những lời chúc mừng năm mới mẹ cần mẫn gói trong đòn bánh tét nghĩa tình đầy những yêu thương!ST.
Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me