LoveTruyen.Me

Tan Man 12

Sau Phần 1 về bánh su, chắc có người đang thầm rủa thằng Pháp: đồ ăn gì mà ngon thế, làm thèm nhỏ dãi.

Nhưng bấy nhiêu đã thấm vào đâu, tiếp tục nhỏ dãi và rủa tiếp nào, vì bánh su không chỉ có mỗi hình dạng đó, khẩu vị đó. Người Pháp sau nhiều năm đã chế ra các loại bánh su với hình dạng, hương vị khác nhau.

Éclair

Éclair là loại bánh su phổ biến, có hình thuôn dài thay vì tròn như bánh su thường. Trên bánh éclair thường có một lớp sô cô la đắng hoặc sô cô la cà phê (không ngọt vì bánh lẫn kem đã ngọt rồi, dùng sô cô la ngọt nữa thì kinh).

Eclaire sô cô la. (Ảnh trong toàn bài là từ nhiều nguồn trên internet)

Eclaire cà phê tại nhà hàng.

Éclair có độ dài ngắn khác nhau, tùy ý thích. Nếu đó là bánh cho bữa tráng miệng thì trông sẽ bề thế, còn nếu để ăn chơi, uống trà, thì éclair sẽ nhỏ (gọi là mini éclair). Nhân bên trong của éclair vẫn là nhân kem trứng (gồm trứng, đường, sữa/kem tươi quậy lên) giống bánh su thường.

Vừa thích sô cô la vừa thích cà phê thì làm cả hai, tuy hơi mất công chút.

Cygnet

Cygnet tiếng Pháp nghĩa là "thiên nga". Và bánh su cygnet có hình con thiên nga rất đẹp, tuy nhiên bánh này không mấy tiệm bán vì làm mất công.

Bánh su thiên nga.

Mất công ở đây là mất công nặn thêm phần đầu/cổ cho thiên nga, rồi nướng cái phần này riêng (do cổ thiên nga dài và mỏng, nên nướng tốn chừng 2-3 phút thôi, không nướng chung với phần thân được). Mà nướng phần này thì phải dùng miếng lót bằng silicon để lót vỉ chứ không lót bằng giấy nến nướng bánh bình thường; cổ thiên nga nhẹ quá, không đủ lực để chặn cho giấy nến nằm thẳng, giấy sẽ cong queo thành một cái ống. Nếu bạn kiếm ra giấy nến thẳng (một cọc như giấy A3 thay vì một cuộn trong hộp) thì bạn xài giấy nến để nướng cổ thiên nga được, với điều kiện cái lò nướng của bạn không có quạt, do quạt sẽ thổi bay cái giấy nhẹ hều.

Đầu thiên nga trên miếng lót silicon.

Không có miếng lót silicon thì phải thoa dầu lên vỉ cho nó không dính (hơi dầu mỡ vì cái cổ nó bé tí mà), hoặc dùng vật nặng chặn bốn đầu giấy nến lại. Chú ý: khi nặn cổ thì nhớ phải nặn cái cổ dài và nhỏ, cổ ngắn và mập thì sẽ không còn là bánh thiên nga nữa, mà thành bánh vịt.

Phần thân thiên nga là một chiếc bánh su hình ovan, cắt đôi, sau đó cắt đôi tiếp phần trên cùng để làm hai cái cánh.

Cách tạo hình bánh su thiên nga.

Để thân thiên nga được trắng, bánh su thiên nga dùng kem tươi đánh lên thay vì kem trứng vàng, nên loại bánh su này nhẹ bụng hơn mấy loại kia.

Tuy hơi nhiêu khê nhưng bánh su thiên nga trông rất đẹp mắt và lãng mạn, nếu các chàng nướng ra cái bánh này tặng bồ (10 cái hư 8 cái cũng được, chỉ cần đủ hai để làm cặp thiên nga), bảo đảm các cô sẽ chết mê dù chàng không có tiền tặng nhẫn kim cương.

Cặp đôi bánh su.

Religious

Religious có nghĩa là... mộ đạo, nhưng bánh này không phải do người mộ đạo làm ra, cũng chẳng dính gì tới đạo. Bánh gồm hai phần hình cầu, một lớn một nhỏ; sau khi phủ sô cô la (hoặc sốt sô cô la pha cà phê) lên trên cả hai, chồng phần nhỏ lên phần lớn, và bắt tí kem trắng vào giữa.

Bánh religious.

Và bánh chết tên religious vì nó trông giống... bà xơ, với váy chùng tối màu và cái cổ áo trắng.

Giờ thì các đầu bếp cũng biến tấu lắm kiểu với bánh su này, không làm mỗi bà xơ nữa. Họ chế ra bánh hình nữ hoàng đội vương miện, công chúa mặc váy hồng, ông quan thời xưa của Tàu...

Bánh religious với cái mão giống quan Tàu.

Bánh religious dùng hai nhân khác nhau, phần to là kem trứng thường, phần nhỏ là kem sô cô la hoặc cà phê. Nhiều người cũng khoái religious do một lúc ăn được hai vị.

Paris-brest

Bánh này gắn liền với môn thể thao ưa thích của nước Pháp: đua xe đạp.

Bánh su Paris-brest.

Bánh hình tròn, có lỗ ở giữa như donut; nhưng nó không phải bắt chước donut, hình dạng này tượng trưng cho lốp xe đạp. Người Pháp chế ra Paris-brest để chào mừng cuộc đua xe đạp cùng tên ở Paris.

Chịu khó bắt kem kiểu cách hơn thì bánh sẽ đẹp hơn.

Phần trên bánh không phủ sốt sô cô la mà rắc hạt praline cắt mỏng, nhân bên trong là kem tươi trộn hạt praline cô đặc (nghiền hạt praline thành bột rồi nấu với đường cho quánh), nên nhân hơi có màu nâu nâu chứ không vàng hay trắng.

Profiterole

Bánh này thì thực chất cũng là bánh su thôi, nhưng khi du nhập sang Mỹ, người Mỹ nhét kem lạnh vô giữa rồi ăn kèm với sốt sô cô la chảy thay vì nhúng sốt đặc. Dân Pháp quyết không chịu gọi nó là bánh su mà đặt cho nó tên profiterole.

Rưới sô cô la nóng lên profiterole nhân kem vani.

Bánh này tuy gây mập nhưng lắm người thích, vì vỏ bánh giòn, ăn với kem lạnh và sốt nóng sẽ tạo ra cảm giác "một lúc cắn được nhiều thể loại". Do đó, profiterole mà làm ăn gian – với vỏ bánh đầy bột, kem dở, và sốt sô cô la dỏm – thì ăn thấy chán vô cùng.

Profiterole nhân kem sô cô la.

Nhiều loại bánh su quá! Lại thèm rồi!

-Soi-

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me