Thanh
Đáng lẽ buổi sáng tôi thường sát giờ học mới bắt đầu đến lớp, nhưng hôm nay đến bàn tôi và bàn dưới trực nhật nên phải đến sớm hơn 15 phút. Tôi đi lau bảng, còn anh đi đổ rác, hai con bé bàn dưới thì quét lớp. Giờ truy bài thường là khoảng thời gian đám học sinh tranh thủ mượn vở nhau chép nốt bài tập về nhà, nhưng hôm nay toàn là môn mới nên bọn học sinh ngồi mất trật tự với nhau. Tôi không thấy anh đọc quyển sách kia nữa, anh bảo rằng anh đã đọc xong quyển sách đó rồi."Sao, thấy thế nào?". Tôi cười hỏi."Hay lắm, manh mối bà rải hết trong truyện rồi nhưng mà không đoán ra được hung thủ".Còn gì vui hơn là truyện mình thích cũng có người thích nữa chứ. Có lẽ tôi nên giới thiệu cho anh vài bộ truyện của Agatha để có người cùng thích bà giống mình."Nếu mà thích đọc của Agatha thì đọc "Ánh mạng đêm Giáng sinh đi", quyển đấy cũng hay mà thấy ít nổi"."Chiều nay mình định đi mua thêm sách, đang không biết nên mua gì nên chắc là sẽ mua quyển này".Tôi nhớ nhà xuất bản vừa phát hành sách mới của Agatha vào tuần trước, nhưng chắc là ở bên mình lúc đó vẫn chưa có luôn được nên đành để dành sang tuần này mua. Cũng may hôm nay anh cũng đi mua sách, nên cũng không phải đi một mình."Ế, thế chiều cho mình đi chung được không? Tuần trước mới có sách mới của Agatha nên bây giờ chắc là có rồi".Ban đầu anh có vẻ hơi bất ngờ một chút, nhưng sau đó anh lại cười bảo: "Cũng được, mà quyển đấy là quyển gì thế?"""Tội ác dưới ánh mặt trời", nghe bảo quyển đấy đọc cũng hay"."Khi nào đọc xong cho mình mượn nhé?". Anh cười hỏi."Ừ, cũng được". Tôi mỉm cười.Dưới sân trường bác bảo vệ đánh trống vào tiết một. Hôm nay tiết đầu tiên là tiết thể dục nên chúng tôi lũ lượt kéo nhau xuống sân trường. Cũng may là học thể dục tiết một nên trời không quá nắng, chứ cái thời tiết oi bức dạo này mà học thể dục tiết 3 hoặc tiết 4 thì không khác gì chui vào lò nướng cả.Tập thể dục được 20 phút thì thầy giáo cho lớp nghỉ, anh nhận lời chơi bóng rổ với bọn con trai trong lớp ở sân sau, đám còn lại thì tìm chỗ nào mát để ngồi đến hết giờ. Tôi ngồi ở ghế đá dưới bóng cây phượng gần phòng hiệu trưởng.Tôi để ý thấy thằng Hùng Gấu cũng chơi cùng, có lẽ giữa hai người này không có mâu thuẫn gì cả, hoặc là vì không muốn mọi người biết chuyện nên giả vờ thân với nhau.Ngồi không cũng chẳng có gì để làm, tôi lại lấy điện thoại ra để chơi game cho qua tiết.Đang ngồi chơi hăng say thì tự nhiên nghe thấy tiếng người đến gần mình, tôi ngẩng mặt lên nhìn thì là anh. Có một ít mồ hôi ở trên trán, có lẽ anh đã ngồi nghỉ một lát rồi mới đến đây, vì anh không thở mạnh lắm."Đi ăn sáng không?". Anh cười hỏiTôi nhìn đồng hồ, còn 5 phút nữa thì tan học, nếu vào căng tin luôn bây giờ thì tí nữa sẽ không phải giành ăn với nhau."Có". Tôi đáp, rồi thắc mắc: "Nhưng sao không nhắn tin luôn mà phải ra tận đây vậy?".Từ sân sau sang sân trước phải đi qua lối thông ở khán đài, chỉ có điều tôi ngồi khá xa lối đó nên đi lại sẽ mất rất nhiều thời gian."Nãy mình mở Mess thì không thấy cậu on, không biết khi nào cậu mới xem tin nhắn nên ra đây luôn cho đỡ phải chờ". Anh giải thích.Thì ra là vậy, tôi quên mất ban nãy tôi tắt mạng để tránh quảng cáo trong game, kể cả anh có gửi tin nhắn thì tôi cũng chả nhận được thông báo. "Ừ nhỉ". Tôi cười trừ, rồi nói tiếp: "Thôi, đi ăn đi".Tôi cất điện thoại vào túi quần rồi cùng anh vào căng tin. Vì chưa tan học nên căng tin khá vắng, cũng chỉ có vài học sinh học thể dục vào ngồi. Tôi với anh đứng trước quầy rồi mỗi người chọn một bát mỳ và một chai nước, sau đó ra chỗ máy ép bánh mỳ để lấy ớt.Có hai lọ ớt, một đặc và một loãng. Mặc dù đây là lần đầu ăn ớt ở căng tin nhưng tôi đoán lọ ớt loãng kia là loại ớt hay dùng để ăn bánh mỳ cay. Tôi chọn lọ ớt loãng rồi đổ rất nhiều vào bát mỳ. Mùi hăng của ớt xộc lên mũi giúp tôi biết đấy chính là lọ ớt mình cần."Sao cậu ăn cay thế?". Anh nhìn tôi ngạc nhiên, sau đó anh lấy lọ ớt đặc đổ vào bát mỳ.Tôi chỉ cười rồi nói: "Ăn cay nhiều cho quen dần với mùi đời". Sau đó tôi đưa lọ ớt loãng cho anh, hỏi: "Dùng không?"."Có". Anh khẽ cười, rồi lấy lọ ớt tôi đang cầm rồi đổ một ít vào đó. Anh không phải người biết ăn cay, vì số ớt loãng anh đổ vào chỉ ít như vài hạt đậu, còn lọ ớt đặc đó thì là loại ớt ngọt.Chúng tôi ngồi ở một cái bàn trống trong căng tin, đằng trước bàn chúng tôi là bàn của một số đứa con trai trong lớp vừa cùng anh chơi bóng rổ. Vừa nhìn đám con trai tôi đã biết sau này mình chẳng thân được với chúng nó. Hầu như từ hồi học tiểu học tôi luôn có cảm giác gì đó khiến tôi chẳng thể, và cũng chẳng muốn thân thiết với một nhóm toàn con trai. Cũng may anh không chọn ngồi gần đám đó, vì tôi không muốn bữa sáng phải ăn trong sự ngượng ngùng. Mỳ ngon quá! Dù nó chỉ là gói mỳ đổ nước sôi ăn kèm với xúc xích và trứng nhưng vị cay của tương ớt khiến nó ngon hơn rất nhiều.Ăn được nửa bát mỳ cũng là ra chơi tiết một, tiếng trống trường vừa dứt được một phút thì đám học sinh đã lũ lượt vây kín cả căng tin của trường.Tuy vừa ăn hết phần của mình, nhưng cảm giác thèm xúc xích vẫn còn ở đó. Nhìn vào bát mỳ của anh vẫn còn một ít xúc xích mà tự nhiên tôi lại thấy thèm, nhưng cũng không thể mặt dày mà xin cả phần của người ta, nên cũng chỉ ngồi ước mấy cô bán hàng trong căng tin lần sau cho thêm nhiều xúc xích một chút.Đang ngồi thơ thẩn nhìn dòng người chen nhau mua đồ ăn ở căng tin, bỗng anh bảo anh ăn xong rồi, sau đó chúng tôi ra khỏi căng tin.Vừa đi, tôi vừa than thở: "Học sinh thì đông mà trường xây cái căng tin bé tí, lớp mình lại ở tít trên tầng ba sân trước, xuống được đấy còn chả đủ chỗ mà ngồi".Anh chỉ trả lời một cách bình thản: "Mua bánh mỳ, xôi, bánh ngọt thì còn mang lên trên lớp được, chứ muốn ăn mỳ mà không muốn chen nhau thì mình chỉ có đến được trước giờ truy bài thôi".Cũng phải, tôi nhớ hôm kia anh bảo là không nhịn được đến hết tiết hai, nên ăn trước giờ truy bài cũng được. Chỉ có điều sẽ phải đến sớm trước khi vào lớp chỉ để ăn một bát mỳ. Mà tôi thì không thể dậy sớm được như thế. Tôi cười nói:"Chỉ sợ không kịp ăn thôi, chứ mình thì chả bao giờ dậy sớm nổi. Sáng 6 giờ 10 dậy đánh răng rửa mặt, thay đồ chán chê xong 6 rưỡi mới ra khỏi nhà, đến trường thì cũng 6 giờ 40 rồi chả kịp ăn cái gì nữa".Anh cũng mỉm cười rồi đáp: "Mình thì 6 giờ 35 đã có mặt ở trường rồi, vẫn đủ mười phút để ăn".Hôm nay ăn sáng khá sớm, lên đến lớp cũng vẫn còn hẳn tám phút để ngồi chuyện phiếm. Chủ đề nói chuyện cũng chỉ liên quan đến mấy môn học với giáo viên dạy trên lớp.Đến đầu tiết hai, cô chủ nhiệm nhắn trên nhóm chủ nhật tuần này họp phụ huynh. Kèm thông báo cuối giờ mọi người ở lại đăng ký mua đồng phục, đồng phục sẽ có trước ngày khai giảng. Ngoài ra thì tiết thể dục sáng thứ 6 mọi người sẽ không cần phải học để chụp ảnh thẻ làm thẻ học sinh.Vì là học sinh mới vào trường nên chúng tôi chưa có đồng phục cấp ba ngay được, tuy một số đứa trong lớp đã có đồng phục của trường rồi nhưng chủ yếu là loại áo mượn của anh chị hoặc đi mua ở ngoài. Những ai chưa có đồng phục thì có thể mặc tạm áo đồng phục của cấp hai hoặc áo sơ mi trắng có cổ. Đây cũng là dấu hiệu nhận biết học sinh lớp mười.Cũng vì chuyện đăng ký áo đồng phục mà trưa nay phải về muộn hơn một chút, lại gặp phải cái nắng oi bức của mùa hè nên về đến nhà bà người tôi đã mệt rã rời. Ăn cơm xong, tôi nhận được tin nhắn của anh, anh hỏi chiều nay muốn ra nhà sách nào. Tôi trả lời: "Ra Fahasa đi, hơi xa tí nhưng ở đấy nhiều sách hơn".Anh nhắn lại: "Vậy 4 giờ chiều đi nhé, tầm đấy trời đỡ nắng".Tôi chốt: "Ok nha".Như mọi hôm, tôi vẫn lên phòng hai con Lan, Bình để chơi. Ngồi chán chê đến 1 giờ thì chúng nó buồn ngủ. Tôi cũng về phòng mình ngủ trưa.2 rưỡi chiều. Tiếng bước chân lên cầu thang của bà làm tôi tỉnh ngủ, thấy đến hai rưỡi chiều rồi mà tôi vẫn chưa về, bà liền mở cửa phòng tôi hỏi: "Chiều nay đi đâu thế?"."Con đi ra BigC với bạn ạ". Tôi đáp.Bình thường tôi sẽ ăn cơm và ngủ trưa trong nhà bà đến hai giờ chiều rồi đi về, chỉ khi nào có hẹn đi chơi với ai đó mới ở lại. Nhà bà tôi ở trong một con ngõ nhỏ ngay trung tâm thành phố, nên ở trong nhà bà đi lại sẽ thuận tiện hơn, tôi cũng không quá tốn công để đạp xe đạp.Bà tôi lại hỏi tiếp: "Mấy giờ thì đi? Nếu mà không vội thì đi phơi quần áo hộ bà với. Hai con kia đang ngủ rồi". "Dạ vâng ạ". Tôi nằm dậy rồi uể oải lên trên tầng ba đi phơi đồ.Thời tiết dạo này nóng nực một cách khó chịu, cái nóng oi ả của mùa hè khiến tôi làm gì cũng thấy mất sức. Cũng may là quần áo không có nhiều.Nhà bà tôi ở hướng bắc, nếu nhìn về phía đông sẽ thấy một khu chung cư đứng sừng sững ngay phía trước chắn hết tầm nhìn. Tòa chung cư đó cách nhà bà tôi khoảng 400m, nhưng đứng từ trên sân thượng nhìn sang thì cảm giác như chỉ cách có 200m vậy. Tôi nhớ tòa chung cư đó được khánh thành khoảng hai năm trước khi tôi còn đang học lớp 8, vậy mà chớp mắt đã qua được hai năm rồi.Nếu nhìn thẳng về phía bắc thì khung cảnh bị chắn ngang bởi nhà hàng xóm, nhưng nhìn về phía tây sẽ trông thấy một dãy phòng học tầng năm của trường cấp ba Hùng Vương.Nhà bà tôi cách trường cấp ba Hùng Vương không xa lắm, chỉ khoảng gần 200m đi bộ. Hồi còn bé tôi thường cùng bọn trẻ con trong xóm nhà bà chơi đùa trong sân trường Hùng Vương. Thỉnh thoảng ở trong sân tôi vô tình nhìn thấy các anh chị đang học ở trong phòng mà cảm thấy lo lắng về con người mình sau này. Tôi từng tự hỏi liệu sau này bằng tuổi các anh chị tôi có còn quá ngây thơ và non nớt như hiện tại không, liệu với khả năng tiếp thu chậm chạp thì tôi sẽ học môn Toán cấp ba kiểu gì. So với đám bạn đồng trang lứa lúc ấy, tôi vẫn luôn là đứa tiếp thu chậm chạp và kém lanh lợi nhất đám.Những hình ảnh hồi còn bé chơi đùa trong sân trường Hùng Vương vẫn còn hiện hữu một cách rõ ràng trong trí nhớ, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là đã qua bảy, tám năm rồi mà những hình ảnh đó vẫn còn rõ nét như vậy. Bảy, tám năm đó trôi qua nhanh như thể tôi chỉ vừa mới ngủ dậy được một giấc, vẫn còn cảm nhận được chính bản thân mình tuổi ấu thơ lờ mờ trong giấc ngủ.Lúc phơi xong hết chỗ quần áo, tôi chợt nhớ ra quên không dặn anh chờ mình ở cổng trường Hùng Vương, tôi xuống phòng lấy điện thoại rồi chạy xuống tầng một để gửi tin nhắn. Nhà bà tôi không lắp mạng, nên mỗi lần muốn dùng điện thoại thì phải xuống tầng một để bắt wifi nhà hàng xóm.Ông đang nằm xem ti vi ở ghế trường kỷ, từ ngày xây nhà mới như bây giờ cái ghế đó luôn là chỗ nằm yêu thích của ông, còn bà thì đang ngồi dưới sàn nhà may vá. Cái giường ngay cạnh ghế ông đang nằm không có ai cả nên tôi nằm ở chỗ đó.Hai con vịt giời kia chắc vẫn đang ngủ trương thây trên giường."Ê, chiều nay chờ mình ở cấp ba Hùng Vương nhé. Khi nào đến thì gọi cho mình để mình ra, nhà mình ở ngay đấy.".Có vẻ như anh cũng đang dùng Facebook, nên tin nhắn vừa gửi anh đã đọc, anh cũng chỉ trả lời ngắn gọn là: "Ok nhé".Cũng chẳng còn gì để làm nên tôi cũng nằm ườn trên giường chơi điện thoại. Nhà ba người mỗi người làm một việc. Được chừng 15 phút thì tôi nghe thấy tiếng gọi của cô hàng xóm."Bà ơi, bà có trứng không? Cho con vay một quả"."Ừ, Thanh ơi vào lấy hộ bà với". Bà gọi với sang phía tôi.Tôi "dạ" một tiếng rồi nhanh nhảu vào bếp lấy trứng. Lúc ở trong bếp lấy trứng tôi có nghe thấy tiếng cô than thở: "Chán quá bà ạ, chủ nhật tuần này đi họp phụ huynh cho thằng Thành lại chết cả khối tiền". Tôi ra khỏi bếp thì thấy bà bảo: "Học phí đầu năm bao giờ cũng đóng nhiều"."Hết tiền học thằng anh rồi lại đến tiền con em. Nhức hết cả đầu!". Cô cầm lấy quả trứng tôi đưa rồi hỏi xã giao: "Cô xin nhé. Hôm nay Thanh không về à?""Tí nữa cháu ra ngoài chơi ạ". Tôi đáp, cô hàng xóm chỉ ừ rồi lại quay về, còn tôi thì lại nằm ườn trên giường.Cô hàng xóm vừa đi, ông đã thắc mắc: "Tưởng hồi trước thằng Thành đòi đi làm cơ mà, giờ bị mẹ bắt cho đi học à?".Bà đáp: "Trước nghe cô Hằng bảo là cho nó đi học một năm xem thế nào, học không được thì mới cho nó nghỉ. Chứ chưa gì đã bỏ học thì sau này lại tiếc".Đúng là hồi nhận số báo danh lúc thi cấp ba thằng Thành cũng bảo với tôi là nó biết nó không đủ đỗ vào Nguyễn Trãi nên nó chỉ thi cho có mặt, đợi khi nào có kết quả thi thì bắt đầu đi làm kiếm tiền. Hồi hè tôi cũng thấy nó đi làm nên tưởng nó bỏ học thật, đến lúc nhập học mới biết nó nộp hồ sơ nhập học bên Nguyễn Thị Lưu.Trường tư thục đó tồn tại được khá lâu trong thành phố rồi, nhưng tôi không biết là nó có từ bao giờ. Chỉ có điều vì là trường tư nên học phí rất là đắt, mà những đứa không học hành hẳn hoi tử tế trong trường này rất là nhiều khiến cho danh tiếng trường bao năm nay cũng không được tốt đẹp lắm.Ông lại nói: "Cái lúc ôn thi nó đã không muốn học rồi thì cho nó vào đấy chắc gì nó đã thèm học. Thà cho cho nó đi làm từ bây giờ có phải là đỡ tốn tiền hơn không. Mà tính thằng đấy có khi vào trường còn toàn chơi phải mấy đứa không ra gì"."Chả biết thế nào! Ngày xưa thằng đấy học cũng được chứ có phải không đâu, chẳng qua không chịu học nên đi thi được có hơn 25 điểm, cố gắng thêm tí nữa thì đã vào Nguyễn Trãi rồi. Thế có tiếc không!". Rồi bà kể: "Ngày xưa học cấp một suốt ngày thấy nó được điểm chín điểm mười còn tưởng sau này nó học hành hẳn hoi tử tế. Thế mà bây giờ thi cấp ba lại trượt".Ông chê: "Học cấp một thì nói làm gì. Thằng Thanh ngày xưa có hôm xem vở còn toàn không với một điểm, lên lớp năm bố đi họp phụ huynh còn bị cô giáo bắt đi học thêm lớp cá biệt buổi sáng trên trường thây. Được cái thằng Thanh nó còn lành, ít chơi bời chứ thằng Thành ngày xưa lại chả ranh như ma, lên cấp hai còn suốt ngày chơi với mấy đứa vớ vẩn thì còn học hành gì nữa". Bà cười: "Hồi thằng Thanh thi cấp ba cũng lo sốt vó lên sợ nó thi không đậu, đến lúc có kết quả thừa hẳn mấy điểm thì cũng yên tâm. Giờ đỗ được cấp ba rồi thì cố thi đỗ Đại học thôi".Hồi đấy đúng là tôi học dốt thật, bây giờ vẫn vậy nhưng đỡ hơn. Tôi nhớ năm lớp năm trường mở lớp dạy thêm một kỳ cho mấy đứa học sinh yếu khối năm, trong đó tôi bị bốc vào học cùng ba đứa nữa trong lớp. Buổi sáng chỉ ngồi học Toán với Tiếng Việt rồi chiều lại về lớp học bình thường. Cuối cùng thì dốt vẫn hoàn dốt, kết quả học tập của tôi cũng chả tiến bộ được bao nhiêu, nhưng tôi nhận ra kết quả học tập hồi cấp một cũng chả quan trọng lắm, bị không với một cũng chả ảnh hưởng gì sau này cả. Biết thế hồi đó chơi bời chán chê rồi lên cấp hai học sau cũng được.Trong số những đứa chơi với nhau trong xóm hồi bé, có lẽ tôi của ngày đó sẽ không bao giờ ngờ tới chuyện sau này thằng Thành từng có ý định bỏ học. Mặc dù hồi bé đứa nào cũng rất khác so với bây giờ, nhưng sự thay đổi đó diễn ra một cách chậm rãi đến mức khi nhìn lại thì lại không thể tin nổi mình đã thay đổi quá nhiều. Từ lúc lên cấp hai, tôi đã dần được nhìn thấy hình ảnh nó dần dần sa sút. Ban đầu là bắt đầu chơi với những đứa cũng hay ăn chơi như nó, sau đó lại dần học hành chểnh mảng, cho đến tận lúc thi cấp ba thì nó muốn từ bỏ việc học. Tất cả mọi việc cứ từ từ diễn ra, thậm chí ngay cả khi nó nói với tôi nó định bỏ học thì tôi cũng chẳng bất ngờ lắm. Bản thân tôi cũng thay đổi, nhưng có lẽ là không nhiều lắm, có lẽ tôi chỉ bớt tự ti hơn ngày đó thôi.Nói vài câu về tôi với thằng Thành được một lúc, ông bà lại chẳng nói gì nữa, tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài dán mắt vào cái điện thoại cho tới 4 giờ chiều.Thông thường khi hẹn nhau với đám bạn, chúng nó sẽ tới muộn 10 hoặc 15 phút so với giờ hẹn, nhưng có vẻ anh không muốn làm mất lòng bạn mới lắm, nên đến gần 4 giờ anh đã có mặt ở cổng trường.Tôi cũng nhanh nhẹn lấy xe đạp đến chỗ hẹn, chưa đến 5 phút tôi đã thấy anh đứng chờ ở trước cổng trường cùng chiếc xe mà anh hay đi. Anh mặc chiếc áo thun, đi giày bata trắng phối với quần short đen trông rực rỡ vô cùng. Thấy tôi vừa dừng xe, anh đã ngạc nhiên hỏi: "Nhà cậu ở đây à?"."Ừ". Tôi đáp. "Nhưng đây là nhà bà thôi, tối mình lại về".Anh ngó sang phía tòa chung cư kia rồi nói: "Nhà mình ở trong cái chung cư kia kìa".Gần vậy sao? Nhưng có lẽ lúc đi học về tôi không nhìn thấy anh đạp xe phía trước hay bắt gặp anh gần trường Hùng Vương là do anh đi đường khác, vì tôi thường thấy anh đạp xe chung với một đứa nữa, mà nếu đạp xe chung lại đi cùng đường với tôi thì kiểu gì tôi cũng bắt kịp vì đi chung với nhau bao giờ cũng đạp chậm hơn đi một mình. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Thế à? Lúc về cậu đi đường trường cấp một đúng không? Mình thấy đoạn đó tan học đông lắm nên toàn đi đường quảng trường thôi"."Ừ". Anh giải thích: "Đáng ra mình cũng định đi đường đấy, nhưng trưa về phải nấu cơm nữa nên đi đường đấy vào chợ luôn".Ra vậy, bảo sao anh luôn đi đường kia. Tôi bảo: "Đi thôi"."Ừ".Chúng tôi đạp xe song song nhau với nhau vừa đi vừa nói chuyện. Bốn giờ chiều trời đã không còn nắng như trước, thời tiết trong xanh vô cùng mát mẻ."Mấy giờ cậu phải về thế?". Tôi hỏi."Tầm 6 giờ thì mình phải về, mua sách xong nếu mà thích thì đi một vòng BigC xem có gì hay không, mà trưa cậu hay về nhà bà à?"."Ừ, hồi trước bố mình bận nên hay nhờ bà trông, đến tối lại đón về. Nhiều hôm bố mình đi làm mấy ngày liền không về nên mình ngủ lại trong bà. Nói chung là hồi bé đa phần mình ở trong bà nhiều tại bố không có nhà. Mấy nay bố mình lên chức làm ở văn phòng, ít phải đi xa hơn nên về nhà cũng nhiều hơn. Nhưng mà bố bảo có mỗi ông bà ở nhà nên trưa vào bà ăn cơm cho ông bà đỡ buồn".Anh nhận ra tôi không nhắc gì đến mẹ, nên có lẽ anh hỏi cũng dè chừng hơn: "Cậu không sống với mẹ à?"Tôi chỉ cười nói: "Không, mình làm gì có mẹ. Mình là con nuôi".Có một thoáng sửng sốt hiện trên khuôn mặt anh, nhưng rất nhanh sau đó anh đã lấy lại vẻ điềm đạm như trước, sau đó tôi lại nghe thấy anh nói một cách nhẹ nhàng: "Trùng hợp nhỉ? Mình cũng là con nuôi".Tôi ngừng cười, thay vào đó là sự kinh ngạc chiếm trọn lấy cảm xúc bên trong. Tôi cố hỏi lại một cách bình tĩnh: "Thật à?".Anh lại cười nhẹ rồi nói: "Bố mình bảo ngày xưa mình bị bỏ ở chỗ gần trại trẻ mồ côi mùng 5 Tết, đi bệnh viện kiểm tra thì lúc đó người ta tính mình mới được 2 hay 3 tháng tuổi. Lúc đấy nửa đêm bố mình nghe thấy tiếng trẻ con khóc nên ra xem thử thì thấy mình bị bỏ lại ở đấy. Báo lên công an được 1 tháng vẫn không tìm được người thân nên bố mình nhận nuôi luôn vì không muốn để mình ở trại trẻ mồ côi".Sau đó anh lại nói thêm: "Bố mình cũng không kết hôn".
Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me