LoveTruyen.Me

Thuc Toan Thuc My

Biên tập bởi Bà Còm
Convert và đăng ở Wiki dịch bởi "Đang bận đu #ATVNCG"

19. DƯA CHUA XÀO MIẾN, TÀU HỦ KY

Sư Nhạn Hành chưa từng đánh trận mà không chuẩn bị.

Mấy ngày trước khi lên huyện thành, nàng và Giang Hồi đột nhiên bận rộn lu bù, cùng nhau lo toan rất nhiều việc.

Giang Hồi đi tiệm vải mua hai cuộn vải bông màu tím và màu tro, rất mịn màng mềm mại.

Vải bông màu trắng rẻ nhất nhưng dễ bám bẩn, không thích hợp mặc bên ngoài. Hai màu này vừa sang trọng vừa nhã nhặn, phù hợp với mọi lứa tuổi, mặc trong trường hợp nào cũng được.

Bởi vì thuốc nhuộm màu tím đắt tiền nên giá cả vải tím cũng cao hơn, một cuộn mất chín mươi văn, trong khi vải màu tro chỉ bảy mươi lăm văn.

Giang Hồi ướm thử hai cuộn vải mới mua lên người mấy mẹ con: "Đủ để may đồ cho ba chúng ta. Nếu cắt khéo, không chừng còn có thể dư vải vụn để làm yếm, dây cột tóc, túi tiền."

"Túi tiền!" Ngư Trận giơ túi tiền nhỏ đang đeo trên cổ mình để minh họa.

Giang Hồi vuốt má bé: "Đúng rồi, thay cho Ngư Trận túi tiền mới nhé!"

Con nít thường vứt đồ lung tung, Giang Hồi may cho Ngư Trận một túi tiền nhỏ, bây giờ quả cầu lông gà được đặt bên trong mang theo kè kè mỗi ngày như bảo bối.

Sư Nhạn Hành cầm tay Ngư Trận mân mê, cười nói: "Tôi chẳng biết chút gì về vụ may vá này, toàn bộ nhờ người."

Giang Hồi mỉm cười: "Vải vóc có ít nên tốt nhất là phải cắt ghép sao cho đủ. Chi bằng may cho mi bộ đồ thửa ruộng, thứ nhất để tiết kiệm vải, thứ hai trông thanh lịch tao nhã, có đi gặp quý nhân cũng không ngại."

Áo thửa ruộng là cắt những miếng vải hình tam giác hoặc hình vuông từ những cuộn vải màu sắc khác nhau, sau đó may xen kẽ thành một miếng vải lớn rồi mới cắt đồ. Bởi vì miếng vải có từng ô trông như thửa ruộng nên mới gọi như vậy.

Kiểu may này cực kỳ tốn thời gian tốn sức lực, mà còn khảo nghiệm trình độ kim chỉ. Phàm là người may vá không tốt, mảnh vải sẽ trông xộc xệch lồi lõm, rất khó coi.

Sư Nhạn Hành không ngờ trình độ may vá của Giang Hồi lại giỏi cỡ này, trong lòng vui mừng khôn xiết.

"Nếu vậy tôi thật có phúc, mong chờ được hưởng đây."

Nói xong nàng vỗ tay một cái, vội vàng nhảy xuống giường xỏ giày: "Quên mất, dưa chua!"

Mấy hôm trước nàng phát hiện những cây cải bẹ xanh trong vườn đã lớn bèn bứng cả bẹ, bỏ gốc rễ và lá úa bên ngoài rồi treo ngược dưới mái hiên.

Khí hậu phương Bắc khô mát, gió thu xào xạc, chỉ qua một ngày mà mấy bẹ cải xanh mướt đã héo rũ.

Giang Hồi và Ngư Trận cũng theo ra: "Hôm kia ta đã định hỏi, dưa chua là gì?"

Lúc muối cải cô cũng đứng nhìn, thấy Sư Nhạn Hành nhúng cả cây cải ỉu xìu vào nước sôi nóng bỏng một lần, xếp cải vào bình sành khô ráo không dính dầu mỡ, sau đó đổ vào bình phần nước nóng lúc nãy xăm xắp mặt cải, bịt miệng bình thật kín rồi đặt chỗ thoáng mát.

Nếu gọi là muối cải, sao không dùng muối nhỉ?

Giang Hồi từng thấy người ta muối rau, tuy nhiên giá muối quá cao nên nhà bình dân hầu như không làm, chỉ phơi khô rau củ rồi cất vào hầm để ăn dần.

Sư Nhạn Hành giải thích: "Phương pháp này không cần một hạt muối, ngược lại cho ra vị chua rất thanh và ngon miệng."

Chỉ cần không để nước hoặc dầu mỡ dính vào, bảo quản một năm không thành vấn đề.

Sư Nhạn Hành vừa mở nắp bình, mùi chua nồng nặc bùng nổ khiến Giang Hồi và Ngư Trận đang vây xem trào nước miếng, cứ như dải Ngân Hà hạ xuống ba ngàn dặm, điên cuồng nuốt nước bọt ừng ực.

"Tốt lắm, thật sảng khoái, thật sảng khoái!"

Dưa chua vừa tới chuyển thành màu vàng xanh, trông non mềm vô cùng.

Sư Nhạn Hành dùng đũa gắp ra một cây, rửa đi cho bớt nước chua, thái nhỏ. Sau đó nàng xào khô thịt ba chỉ cho thật thơm rồi cho dưa vào xào chung, cuối cùng thả miến vào rồi nấu thêm một lát là được.

"Nếm thử nào!"

Ưu điểm lớn nhất của việc trở thành đầu bếp là mình có thể nếm thử bất kỳ món ngon nào đầu tiên, bao sướng!

Trước hết Giang Hồi múc cho Ngư Trận một muỗng, cô nhóc dựa vào sự tín nhiệm vô hạn định với chị mình lập tức há miệng ăn ngay, sau đó gương mặt nháy mắt nhăn nhúm như hạt óc chó, mắt híp thành hai đường chỉ, nước bọt ứa ra khóe miệng.

Ôi chu choa, chua quá!

Thật ra trải qua quá trình nấu nướng, độ chua đã giảm đi rất nhiều, song Ngư Trận còn nhỏ, nào đã từng nếm qua thứ gì chua như vậy? Cô nhóc rất giống đang bước đi mà va đầu vào người khác, bị cụng cho choáng váng.

Dù vậy, bé vẫn híp mắt, hút nước bọt, nhai rau ráu vô cùng vui vẻ, giống con sóc nhỏ.

Khi nhai đến lát thịt ba chỉ, vị beo béo và mùi thơm của thịt heo xào xém cạnh lập tức cân bằng vị chua, mang lại cảm giác đậm đà khoan khoái đến lạ.

Cô bé nuốt ực xuống, chép miệng rồi lại há rõ to: "Ngon lắm, ăn nữa!"

Giang Hồi thấy bộ dạng nhểu nước bọt tùm lum của bé phải phì cười: "Không phải con sợ chua à, còn muốn nữa?"

Nghe kìa, cô nhóc bị chua đến mức không thể nói chuyện rõ ràng.

Ngư Trận vịn mép bệ bếp kiễng chân lên, cực kỳ hớn hở: "Ngon lắm!"

Chua chua, nước bọt chảy ào ào, thật thú vị!

Làm xong dưa chua, hôm sau Sư Nhạn Hành bắt đầu xay đậu nành.

Mấy ngày trước nàng mua một hơi năm cân đậu, ngâm xong mới sực nhớ ra thời này chưa có máy xay làm sữa đậu nành. Nhìn một thau lớn đầy đậu, nàng cảm thấy nổi da gà.

Xay đậu nành lấy sữa là một việc tốn sức, phải nghiền đậu, thêm nước, chỉ dựa vào sức người thì có thể mệt chết.

Cũng may hiện tại có con la!

Mua con la này tuổi không lớn nên tính cách rất hiền lành ngoan ngoãn, Giang Hồi nhớ lại cách thôn dân dụ con lừa kéo cối xay, bèn bịt mắt con la, chụp càng vào, dùng roi nhỏ nhẹ nhàng đánh lên lưng nó một cái, con la ngoan ngoãn đi vòng vòng đẩy cối xay.

Đá mài kẽo kẹt chuyển động, Sư Nhạn Hành rót nước vào hố nhỏ, sữa đậu nành vàng nhạt từ từ tuôn ra giữa khe hở cối xay.

Mùi đậu nành đặc trưng từ từ lan tỏa trong sân nhà nông vào buổi sáng sớm mù sương, rồi lan ra xa cùng với tiếng cối xay "Kẽo kẹt kẽo kẹt".

Ngư Trận đi theo con la vài vòng, quay sang hỏi Sư Nhạn Hành: "Ỷ ỷ, sao la la cứ xoay vòng vòng?"

Sư Nhạn Hành bật cười, cũng không biết phải giải thích thế nào, đành trêu cô nhóc: "Nếu tròng dây thừng lên người muội rồi bịt mắt lại, muội cũng sẽ xoay vòng vòng."

Ngư Trận nửa hiểu nửa không ồ lên một tiếng, quay người bỏ đi.

Sư Nhạn Hành vội hỏi: "Đi đâu thế?"

"Tìm dây thừng!" Ngư Trận giòn giã đáp.

Sư Nhạn Hành và Giang Hồi cười ngả nghiêng, lập tức ngăn trở hành vi tự ngược bản thân biến thành con la đẩy cối xay của nhóc, phải dụ dỗ một hồi nhóc mới chịu tạm thời bỏ đi ý định này.

Giang Hồi cầm bàn chải nhỏ, thỉnh thoảng quét xuống bã đậu và nước đậu đọng lại trong máng.

Chẳng mấy chốc thùng gỗ đầu tiên đã đầy.

Ngư Trận hiếu kì, nhón chân lên, giơ ngón tay chấm vô sữa đậu nành cho vào miệng, vừa thè lưỡi nếm một miếng là mặt lập tức nhăn tít.

"Không ngon!"

Mùi vị kỳ quái!

Giang Hồi cười khanh khách, thay một thùng khác hứng tiếp: "Con bé ngốc, còn phải nấu nữa  chứ!"

Nước đậu sống mùi tanh, dĩ nhiên không thể uống.

Sữa đậu nành xay xong được lọc bỏ bã, cho vào nồi đun, không bao lâu, trên mặt nổi lên một lớp váng mỏng.

Sư Nhạn Hành vớt váng đậu ra, treo lên sợi dây vải đã được căng sẵn.

Vớt xong lớp váng đậu đầu tiên, tiếp tục nấu, chờ một lúc lại kết thành lớp váng đậu thứ hai.

Cứ lặp lại như thế để vớt được lớp thứ ba, thứ tư. . .

Sữa đậu nành nấu chín tỏa mùi thơm kinh người, Ngư Trận vốn đã nhượng bộ lui binh lại sà tới, nháy mắt chảy nước miếng.

Thơm quá ~

Muốn uống. . .

Sư Nhạn Hành bật cười, múc ra ba chén, cho đường vào.

Uống lúc còn nóng, mùi đậu đậm đặc lộ ra vị ngọt, tươi mát đến nỗi lông mày muốn bay ra ngoài.

Sữa đậu nành ấm áp chảy xuống cổ họng, hơi nóng vui sướng lan tràn khắp tứ chi, dần dần ép ra một tầng mồ hôi mỏng trên da.

Sư Nhạn Hành hài lòng thở hắt ra, dựa vào khung cửa nheo mắt ngắm cây hồng lớn trong sân:

Lá cây dần dần rụng hết, tia nắng ban mai ít ỏi xuyên qua gần như không bị vướng víu, hiện ra mấy phần tiêu điều. Ngược lại, từng chùm quả hồng sai trĩu trịt được dịp khoe sắc, trông giống những chiếc đèn lồng đỏ tươi trên nền sương mù lãng đãng vào buổi sớm mai.

Chắc hẳn mấy ngày nữa quả hồng sẽ chín mọng.

Ăn giòn cũng ngọt rồi, nhưng hái xuống hong khô còn vừa ngọt vừa dẻo.

Ngon không thể tả, Sư Nhạn Hành chép miệng. Sau khi nàng xuyên qua gia cảnh thiếu thốn, hơn nữa còn đang tuổi lớn, thật sự càng ngày càng thèm ăn.

Chỉ nghĩ vậy thôi mà nước miếng đã tràn đầy khoang miệng.

Sức chứa của cái nồi có hạn, Sư Nhạn Hành phải chia ra ba lần mới nấu xong, lớp váng đậu vớt được cũng treo kín hơn nửa sân.

Gió nhẹ thổi qua, những lớp mành vàng bay phất phơ trông rất ngoạn mục.

Bã đậu lọc ra cũng không bỏ phí, nén lại thành từng bánh rồi phơi khô, sẽ thành phần lương thực giàu chất dinh dưỡng cho gia súc.

Giang Hồi nhìn những mảnh váng đậu đang phơi, cảm thấy vẫn chưa hình dung được.

"Thứ này phơi khô rồi làm món gì?"

Dân chúng cũng thường ăn sản phẩm từ đậu nành như đậu hũ, tào phớ, thậm chí còn có đậu hũ thúi, chao, song cô chưa từng thấy ai làm ra thứ này.

Bởi vì hầu như không ai uống sữa đậu nành!

Đậu nành thuộc loại lương thực quý giá, thay vì lôi ra uống mấy ngụm là hết, mọi người nghiêng về khuynh hướng làm thành khối lớn đậu hũ có thể thấy được.

Ít nhất nó cũng lấp đầy bụng.

"Thứ này ngon đấy," Sư Nhạn Hành vặn vẹo vai, cổ và cánh tay mỏi nhừ, "Làm món kho, rau trộn, hoặc hầm với thịt đều ngon."

"Ỷ ỷ!" Ngư Trận cố duỗi dài cánh tay túm lấy góc áo nàng, "Đấm bóp nhé!"

Sư Nhạn Hành hớn hở ngồi xuống, sau đó cảm giác được nắm tay nhỏ đấm ngổn ngang khắp sau lưng.

Ngư Trận mím môi, đập vô cùng nghiêm túc, thỉnh thoảng chu miệng thổi, "Phù ~ phù ~ "

Thời tiết dần dần trở lạnh, Sư Nhạn Hành bị nhóc thổi đến rụt cổ rùng mình. Khổ nỗi cô bạn nhỏ đang đấm bóp quá nhiệt tình nên nàng không tiện cắt ngang.

Rốt cuộc Giang Hồi nín cười lôi cô nhóc sang một bên: "Giỏi quá, Ngư Trận nghỉ ngơi một chút, đến phiên mẹ!"

Sư Nhạn Hành từ chối một phen, nhưng cơ thể thực sự quá mỏi mệt, đành chấp nhận lê người lên giường nằm sấp xuống hưởng thụ.

"Thứ đó đương nhiên là ngon rồi," Giang Hồi bóp vai của nàng như nhào bột, "Làm ra từ đậu nành thượng đẳng, sao có thể không ngon được?!"

Sư Nhạn Hành cười khúc khích.

Bởi vì người đang lay động theo nhịp xoa bóp, tiếng cười của nàng cũng run theo, tựa sóng biếc trên sông bị gió thổi dập dờn.

"Mi định dùng thứ này để làm cỗ ở Trịnh gia?" Giang Hồi hỏi.

Đậu nành vốn không rẻ, đã vậy còn mất công ngâm, xay, nấu, phơi. . .  Nếu gộp chung tất cả thời gian và công sức rồi quy ra thành tiền, coi bộ không rẻ hơn thịt kho bao nhiêu.

Sư Nhạn Hành ừ một tiếng.

"Hiển nhiên Trịnh gia muốn chiêu đãi một hoặc nhiều vị khách rất quan trọng, nhưng coi bộ vị khách đó khá kén chọn. . ."

"Khoan đã," Giang Hồi ngắt lời, ngơ ngác hỏi, "Làm sao mi biết?"

Sư Nhạn Hành cười: "Đoán thôi."

Trịnh gia giàu như vậy, đương nhiên có đầu bếp riêng, nếu chỉ làm tiệc gia đình bình thường thì không đáng tìm người bên ngoài về nấu cỗ.

Nếu chỉ muốn ăn món lạ, vậy thì cứ như thường ngày phái người đến mua là được, hà tất phải trả tiền doanh thu mấy ngày cho các nàng? Sao không mời người tới làm giống những lần mở tiệc trước?

Nàng đã hỏi tin tức từ Hoàng Binh, tiệc mừng thọ cho Trịnh lão gia đã làm hôm tháng tám, lúc ấy mở tiệc chiêu đãi trong huyện thành, vô cùng linh đình.

Còn sinh nhật bà Trịnh thì vào tháng ba, cũng không khớp.

Cho nên Sư Nhạn Hành mạnh dạn suy đoán: Trịnh Nghĩa mở tiệc lần này rất có thể vì bàn chuyện làm ăn trên bàn rượu, trước khi hợp đồng được ký kết thì không tiện công khai.

Đối tượng hoặc có thân phận không tầm thường, hoặc vô cùng bắt bẻ, đến mức người có kiến thức rộng rãi như Trịnh Nghĩa cũng cảm thấy khó giải quyết. Ông ta cho rằng đầu bếp của nhà mình và ngay cả những đầu bếp mà ông ta từng mời trước đây đều không bảo đảm, vì vậy không ngần ngại thuê một người chưa ai biết đến như nàng.

Đương nhiên, Trịnh Nghĩa tuyệt đối không thể ký thác toàn bộ hy vọng trên người nàng, cùng lắm là tăng độ bảo hiểm mà thôi.

Thương gia xưa nay luôn thích đàm phán trên bàn rượu, một đầu bếp tốt nhiều khi có thể đưa đến hiệu quả như ý không thể ngờ được.

Chỉ cần Trịnh Nghĩa không có ý định "rửa tay chậu vàng", Sư Nhạn Hành vẫn hữu dụng.

Cực kỳ hữu dụng.

Vì vậy, lần này Trịnh Nghĩa muốn sử dụng khả năng của nàng để đạt được một mục đích nhất định, theo đó, Sư Nhạn Hành nhất định sẽ nhận được nhiều phần thưởng lớn hơn từ ông ta ngoài tiền tài.

Tỉ như nàng có thể chứng minh giá trị bản thân, hoặc có thể hấp dẫn một số khách hàng cao cấp.

Khách hàng cao cấp sở dĩ rất có giá trị, vì họ không chỉ mang lại tiền tài mà cả những mối quan hệ ẩn giấu.

Nghe Sư Nhạn Hành bình tĩnh phân tích xong, trong đầu Giang Hồi như có cả chục trái pháo hoa đang nổ tung, ầm ầm chấn động.

Giang Hồi sững sờ ngồi ngây người một lát: "Mi. . . mi thật quá gan dạ!"

Vốn cô cảm thấy người nhà họ Trịnh mời các nàng đi nấu cỗ đã hiếm có lắm rồi, thật không thể tưởng tượng nổi, ai ngờ. . .

Cái này đâu chỉ là toan tính quá lớn, quả thực phải gọi là dã tâm ngập trời!

Giang Hồi cúi đầu nhìn Sư Nhạn Hành, giọng điệu phức tạp: "Đời trước mi sống thế nào vậy?"

Sư Nhạn Hành bật cười, xoay người ngồi dậy vuốt tóc: "Cũng không thể sống uổng phí cả một đời."

Giang Hồi lắc đầu: "Cho dù mi sống thêm một đời, đầu óc mi chẳng phải vẫn là đầu óc cũ hay sao?"

Người ngu ngốc thì có sống ba đời cũng vẫn ngu ngốc.

Sư Nhạn Hành cười cười, không nói tiếp.

Chọn dưa chua và tàu hủ ky làm nguyên liệu nấu cỗ là kết quả do nàng cẩn thận suy nghĩ suốt mấy ngày, mục đích là lấy nhỏ thắng lớn.

Trịnh gia có tiền, lại coi trọng khách khứa lần này đến vậy, trong phòng bếp tất nhiên đầy rẫy sơn hào hải vị, không cần cố gắng so sánh độ quý giá với người ta.

Ngược lại là những thứ dân dã này, rất có thể sẽ khiến mọi người bất ngờ. . .

~~~~~^^~~~~~

20. THÀNH Ý ĐỦ CHƯA?

Hôm mùng tám tháng mười, trời chưa sáng là ba mẹ con đã mò mẫm rời giường, hâm nóng thịt kho tàu hủ ky nấu từ tối hôm qua, rán bánh trứng dưa chua, quả nhiên thơm ngon thuần khiết.

Đặc biệt là tàu hủ ky hút no nước kho và vị thịt, thật sự ăn còn ngon hơn thịt.

Thỏa mãn dùng xong điểm tâm, mặc vào y phục mới mà mấy ngày qua Giang Hồi nhờ chị em họ Quách cùng nhau may gấp gáp cho kịp, trông ba mẹ con lập tức rạng rỡ hẳn lên.

Giang Hồi đeo tay nải, bên trong là y phục cũ mặc trong nhà để thay ra khi làm việc.

Ngoài ra còn một túi tiền nhỏ đeo sát trong người đựng vài thỏi bạc vụn, để phòng ngừa cho bất kỳ tình huống nào.

Ngư Trận vẫn chưa tỉnh ngủ, đầu cứ gục lên gục xuống, lúc ăn cơm còn nhiều lần ôm chén ngủ gật, ăn uống no đủ xong lại mắt nhắm mắt mở đứng lên.

Cô bé đeo một bình nước bọc vỏ bông, bên trong đựng trà gừng táo đỏ cho thêm đường thẻ, thơm ngọt còn hơi nóng, sáng sớm trời lạnh uống vào rất dễ chịu.

Bàn tay nhỏ nhắn của bé nắm thật chặt mấy ngón tay Giang Hồi, vừa đi vừa ngủ gật suýt va thẳng vào tường, miệng vẫn lẩm bẩm: "Ỷ ỷ ~ thịt. . ."

Cũng không biết là nghĩ đến tỷ tỷ hay nghĩ đến thịt.

Sư Nhạn Hành mang theo tàu hủ ky đã gói gọn gàng từ hôm qua, một túi sợi bột khoai tây phơi khô, ngoài ra còn hai cái bình, một cái đựng sốt kho, cái kia là dưa chua.

Chuyến này không chỉ kiếm tiền, còn muốn mượn cơ hội chào hàng bản thân. . .

Kiểm tra hoàn tất xong, đi ra ngoài thì trời đã tảng sáng.

Mùng tám tháng mười âm lịch, chuyển sang dương lịch mà hậu thế sử dụng chính là giữa tháng mười một, sáng sớm và tối khuya đã rất lạnh.

Mặt đất cóng đến cứng ngắc, cây cỏ ven đường đều phủ một lớp sương trắng.

Giang Hồi giấu chìa khóa dưới tảng đá lớn ở chân tường, quay người kiểm tra lại một lần rồi mới đi về hướng cổng thôn.

Hôm qua cô đã nói chuyện với chị em Quế Hương, mấy ngày rời nhà nhờ các nàng giúp đỡ chăm sóc con la, cỏ và thức ăn gia súc đều chuẩn bị đầy đủ.

Gà gáy ba lần, các thôn dân cần cù lục tục thức dậy, có thể thấy ánh đèn lờ mờ hắt ra từ khe cửa sổ tạo nên vệt sáng mông lung trong màn sương mù, giống như đám ma trơi ở đường giao giới giữa bình minh và hoàng hôn.

Còn chưa tới cổng thôn, thật xa đã thấy một người cầm đèn lồng soi về hướng này: "Là nương tử Sư gia phải không?"

Người tới chính là quản sự thường cưỡi ngựa đến mua thịt kho tên Tiểu Hồ.

Giang Hồi nắm tay Ngư Trận đi tới: "Cực khổ cho cậu phải đến sớm như vậy, không được an giấc, thực sự băn khoăn."

Huyện thành bao xa, y đâu thể đi đường suốt đêm?

Quản sự Tiểu Hồ cười: "Hôm qua ở lại thị trấn một đêm, hai khắc trước tôi mới xuất phát, vừa đến không bao lâu đã thấy các vị, vừa kịp."

Hai bên gặp nhau suôn sẻ, chào hỏi vui vẻ xong thì không cần dài dòng, lên xe ổn định chỗ ngồi. Xe ngựa xuyên qua ánh bình minh lao về phía huyện thành, bỏ lại phía sau tiếng chó sủa loáng thoáng.

Đường đến huyện Ngũ Công phải đi ngang qua trấn Thanh Sơn, phía trước là con đường mỗi ngày mấy mẹ con đều đi vào thành buôn bán, đã sớm nhìn phát chán.

Ấy mà hôm nay ngồi trên xe ngựa, nhìn cây khô cỏ hoang hai bên đường bị lướt qua như bay, bỗng dưng lại có cảm giác khá đặc biệt.

Ngư Trận vừa lên xe là ngủ ngay, Giang Hồi cũng không chịu được mí mắt đánh nhau: Đêm hôm qua cô vừa hưng phấn vừa căng thẳng, mãi đến sau nửa đêm mới miễn cưỡng chợp mắt.

Sư Nhạn Hành ngủ rất ngon nên lúc này vẫn tỉnh táo, cách màn xe nói chuyện với quản sự Tiểu Hồ.

"Không biết quý phủ định mời bao nhiêu vị khách, ẩm thực có cấm kỵ gì không? Có thể ăn chua hoặc dùng cay?"

Vài ngày trước nàng có hỏi vấn đề này, thế nhưng cả Trịnh Bình An lẫn quản sự Tiểu Hồ chỉ cười không đáp, hiển nhiên sợ tiết lộ tiếng gió.

Song hiện giờ đang trên đường về phủ, dĩ nhiên không cần giấu diếm nữa.

"Tổng cộng có bốn vị khách quý, lão gia mở tiệc chiêu đãi, đại thiếu gia tiếp khách. Chưa từng nghe thông báo cấm kỵ gì, còn phần món ăn chua cay ước chừng cũng dùng được. Quan trọng là các quý khách không thích xa hoa phô trương, cho nên lão gia phân phó phải thật tinh tế và khéo léo, tốt nhất là cho ra những món mới chưa từng thấy qua."

Không thích xa hoa, thích tinh tế và khéo léo. . .

Khách khứa có lai lịch thế nào nhỉ?

Sư Nhạn Hành thầm lật đi lật lại những manh mối này trong đầu: "Tôi có chuẩn bị vài món thú vị, nhưng không biết đã định ra thực đơn bao nhiêu món ăn chưa? Nếu tôi được biết trước thì dễ lên kế hoạch hơn."

Quản sự Tiểu Hồ nghe ra trọng điểm trong từng câu hỏi của nàng, càng không dám khinh thường, cẩn thận trả lời: "Đại thiếu gia có ý định làm tám món, nhưng lão gia nói nên làm đơn giản hơn. . ."

Người ta dặn không muốn xa hoa, có thể là khách sáo, nhưng cũng có thể là thật lòng!

Hai cha con bàn bạc mấy lần, cảm thấy thêm hai món ăn cũng chấp nhận được, nhưng nhất định không thể vượt qua mười món, bằng không sẽ vi phạm ý nguyện "Không nên phô trương" và "Bữa ăn đơn giản" của khách.

Phục vụ khách hàng chính là như vậy, lời nói của đối phương phải lắng nghe, nhưng lại không thể nghe theo hoàn toàn.

Phải làm thế nào khiến người khách bảo toàn thanh danh, nhưng đối phương vẫn có thể hưởng thụ, đấy mới là bản lĩnh thật sự.

Sư Nhạn Hành vừa nghe vừa nghĩ thầm, vị khách này xác thực khó chiều.

Với tài lực của nhà họ Trịnh, bao nhiêu khách mà chả mời được? Nếu thật sự muốn phô trương thì quá dễ dàng với Trịnh gia.

Ngặt một nỗi người ta không thích "Phô trương", vậy khác gì vẽ một vòng tròn dưới đất, ngươi chỉ được phép đứng trong vòng tròn đó mà làm việc.

Tất cả những thủ đoạn từng dùng đều bị giới hạn, trong nháy mắt Trịnh Nghĩa như bị đeo vào đầu vòng kim cô, làm sao có thể triển khai mười phần mười bản lĩnh?

Trước giờ Trịnh gia luôn thiên về khẩu vị nặng, đầu bếp trong nhà cũng chủ yếu phục vụ các món thịt và cá, hương vị dù không tệ nhưng màu sắc và độ hấp dẫn có thể kém một chút.

Về phần mấy đầu bếp được coi là nổi danh của huyện Ngũ Công, họ chỉ chiếu theo thực đơn cũ từ mấy chục năm mà phát huy chứ không sáng tạo ra món mới nổi bật.

Sư Nhạn Hành ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: "Xin phép tôi hơi mạo muội, nhưng khi tới nơi, mong người trong phủ nhất định phải đưa tới thực đơn đã chuẩn bị sẵn cho tôi xem qua, để tôi có thể hình dung rõ ràng thì mới bắn tên trúng đích."

Trước tiên phải biết rõ Trịnh Nghĩa muốn chuẩn bị đồ ăn thế nào, từ đó nàng mới có thể tra thiếu bổ lậu, nâng mạnh tránh yếu.

Quản sự Tiểu Hồ gật đầu: "Đây là chuyện đương nhiên, trước khi đến lão gia đã dặn dò rồi."

Đoàn người xuất phát từ rạng sáng, mãi đến buổi trưa mới tới nơi. Không riêng gì quản sự Tiểu Hồ ở bên ngoài bị gió thổi rét cóng, ngay cả mấy mẹ con Sư Nhạn Hành ngồi trong xe cũng bị xóc nảy điên cuồng, lúc xuống xe nửa người dưới gần như không còn cảm giác.

Sư Nhạn Hành vốn định vào thành xong sẽ ngắm nhìn quang cảnh hai bên đường, cuối cùng thực sự không còn chút sức lực nào, đành phải bỏ qua.

Là một nhân vật có máu mặt ở huyện, sự giàu có và sở thích của Trịnh Nghĩa được thể hiện rõ ràng nhất ở lĩnh vực nhà cửa, dùng một chữ để miêu tả: Lớn!

Đoàn người Sư Nhạn Hành chỉ ở tạm ba ngày hai đêm mà Trịnh Nghĩa vẫn phân cho một căn phòng riêng, sàn lót gạch, khe gạch thẳng tắp, quả thực một phòng mà còn to hơn cả ngôi nhà của các nàng ở thôn Quách Trương.

Quản sự Tiểu Hồ dẫn vào tận nơi, có một bà tử to lớn chờ sẵn bên trong để hầu hạ.

"Lão gia đặc biệt giao phó, mấy ngày nay tôi sẽ nghe theo sự sai khiến của các vị. Nếu có gì bất tiện không thể nói với tôi thì nói với thím này cũng giống nhau."

Ổn định chỗ ở xong xuôi, ba mẹ con đi ngủ một giấc, tỉnh lại đã có một bàn cơm khách nóng hổi chờ sẵn.

Ba người, năm món ăn, đều có thịt, chứng tỏ Trịnh gia quả thật thành tâm đối đãi.

Thế nhưng chỉ ăn vài miếng, Ngư Trận nhỏ giọng phê bình: "Không ngon. . ."

Giang Hồi vội vàng ngoái đầu quan sát, thấy bà tử kia vẫn ở bên ngoài không vào phòng, lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.

Cô khẽ cốc nhóc một cái: "Này báo con, sao kén chọn thế, có thịt mà còn chê?"

Trước khi Sư Nhạn Hành xuyên đến, mấy mẹ con không biết bao nhiêu lâu còn chưa thấy được váng mỡ đấy!

Ngư Trận mếu máo, bịt trán nhìn Sư Nhạn Hành: "Ỷ ỷ nấu ngon hơn."

Nhóc con đã bị nuôi thành kén ăn rồi.

Lại còn ấm ức nữa chứ!

Buổi sáng vẫn còn gà gật, thịt kho hầm tàu hủ ky gì đó, không kịp nếm mùi đã nuốt xuống, quả thực giống như Trư Bát Giới ăn nhân sâm.

Quá đáng tiếc!

Sư Nhạn Hành cười nhéo nhéo gương mặt nhỏ nhắn của nhóc: "Ráng nhịn một chút, chờ về nhà ta lại cho muội ăn ngon."

Nguyên liệu nấu ăn không tệ, nhưng tay nghề xác thực hơi kém, thịt nạc khô khốc, thịt mỡ quá ngấy, rau xanh cũng không xào nhanh tay mà lại mềm nhũn, nhai không có độ giòn mà cũng chẳng có mùi vị gì.

Không chỉ Ngư Trận, nàng cũng cảm thấy món ăn nhạt như nước ốc, còn tiếc rẻ nguyên liệu tốt.

Đây là cơm cho khách, có lẽ không phải đầu bếp đích thân nấu. . .

Giang Hồi không biết nên khóc hay cười trách: "Đều tại mi làm hư."

Rồi chỉ vào mấy cọng rau chân vịt nhũn nhừ bị Ngư Trận chừa lại trong chén: "Ăn hết thịt, rau cũng phải ăn hết."

Gương mặt bánh bao của Ngư Trận xị ra, vẻ chê bai lộ rõ: "Đồ ăn thừa!"

Thứ này trông y như đúc với đồ ăn thừa!

Sư Nhạn Hành phì cười.

Sinh trai sinh gái đều là nợ!

Giang Hồi bất đắc dĩ, đành phải ăn hết đồ thừa trong chén con gái.

Bất luận tình hình thực tế thế nào, không nên đến nhà người ta làm việc còn chê tới chê lui, truyền ra sẽ không gánh nổi.

Ăn cơm xong, bà tử cầm tới tờ thực đơn bữa tiệc: "Đây là quản sự Tiểu Hồ mới gởi đến."

Trước đó đã hỏi qua biết Sư Nhạn Hành đọc được, không cần có người bên cạnh giải thích.

Sư Nhạn Hành mở ra xem, thấy món đầu tiên quả nhiên là bào ngư om, sau đó là chân giò phá lấu, cá kho, gà béo vịt non đầy đủ, còn có hải sâm, vi cá, vỏn vẹn chỉ có hai loại rau theo mùa trông rất tội nghiệp.

Hải sâm và vi cá được để cách hàng, sau đó phía dưới còn liệt kê thêm mấy món nữa để lựa chọn, ước chừng vì không xác định liệu bày lên hết thì có phải bị coi là "Quá mức phô trương".

Sư Nhạn Hành nhìn, á khẩu.

Phải nói thế nào đây?

Thật. . . thật là năm bè bảy mảng!

Nếu không biết đây là một bữa tiệc đãi khách, người ta còn tưởng thực đơn này là của tửu lầu nhà ai nữa đấy!

Những món ăn nằm chen chúc nhau trong tờ thực đơn cho một bữa tiệc, nhưng thực chất chúng hoàn toàn không có bất kỳ mối liên hệ nào với nhau!

Loạn, thật sự rất loạn.

Có thể nhìn ra chủ nhân đã rất cố gắng, chân thành tha thiết mang ra những thứ tốt nhất để đãi khách, nhưng khổ nỗi tốt quá hóa lốp.

Sư Nhạn Hành suy nghĩ một chút, dò hỏi bà tử kia: "Đầu bếp trong phủ chuyên về những món om phải không?"

Bà tử cười xác nhận: "Tiểu nương tử quả nhiên là người trong nghề, đúng là vậy."

Sư Nhạn Hành thầm nghĩ, thật sự không cần là người trong nghề mới biết, mà trong thực đơn tất cả món liên quan đến thịt đều được om đấy thôi!

Người Trung Quốc thích ăn, trải qua hàng nghìn năm, nền văn hóa “Ẩm thực” đã phát triển một cách tự nhiên. Tỷ như năm xưa khi Chu Thiên tử lên ngôi, câu tung hô đầu tiên chính là: Thiên Tử Cửu Đỉnh!

Đỉnh chính là cái nồi nấu thức ăn chứ còn gì, chỉ có Thiên Tử mới được dùng chín cái đỉnh, không ai được nhiều đỉnh như Thiên Tử.

Đối đãi trịnh trọng với cái nồi đến như vậy, có thể thấy được thái độ của người Trung Quốc với ẩm thực.

Đặc biệt khi mở tiệc chiêu đãi khách khứa, tưởng chừng như đơn giản nhưng thực chất lại rất phức tạp!

Ngay như chỗ ngồi cũng được phân chủ thứ, món ăn cũng có có thứ tự ưu tiên. Món nào được dọn trước, món nào được dọn sau, món nào xen kẽ ở giữa, 'khởi, thừa, chuyển, hợp'. . . đều là môn học vấn.

Nếu không có người hiểu biết lo liệu, chẳng những không thể đạt tới mục đích, mà còn xúc phạm đến khách khứa vẫn không hay biết.

Trước khi đến đây Sư Nhạn Hành đã lén tìm hiểu thông tin từ Hoàng Binh, biết Trịnh Nghĩa được thanh danh khá tốt, có tính cách hào sảng của người phương Bắc, cũng đủ trượng nghĩa. Quý nhất là sau khi trở nên giàu sang, ông ta không hề ỷ thế hiếp người hoặc gây tai họa cho hàng xóm láng giềng.

Nhìn vào thực đơn đãi tiệc của Trịnh gia, nói dễ nghe thì Trịnh Nghĩa là người đơn thuần chất phác;

Nói khó nghe, ông ta chỉ là một phú thương ở huyện thành, nhà giàu mới nổi, phẩm vị xác thực hơn kém.

Nếu Trịnh Nghĩa chuẩn bị thực đơn như vậy để chiêu đãi khách nhân bình thường -- Đủ thịnh soạn!

Bào ngư, hải sâm, vi cá, còn có các loại gà vịt thịt cá, ai nhìn mà không trầm trồ quá phong phú?

Thành ý đủ chưa?

Vậy là quá đủ rồi.

Nhưng thực đơn này tuyệt đối không thể đáp ứng yêu cầu "Tinh tế và khéo léo"!

Sư Nhạn Hành ngẫm nghĩ một lát rồi đi tìm quản sự Tiểu Hồ.

"Nếu thuận tiện, tôi có thể gặp Trịnh lão gia một chút được không?"

"Gặp ta?"

Khi quản sự Tiểu Hồ đến truyền lời, Trịnh Nghĩa đang ở noãn các nói chuyện với vợ, cháu trai cháu gái ngồi trên sạp bên cạnh chơi rối bóng.

Quản sự Tiểu Hồ khoanh tay đứng thẳng: "Vâng ạ, sau khi Sư cô nương xen thực đơn, hình như có ý tưởng gì đó."

Trịnh Nghĩa trầm ngâm một lát: "Thôi, gọi cô nàng đến đi, để xem cô nàng có ý tưởng gì."

Được hay không, nghe trước rồi nói.

"Khoan đã," Bà Trịnh bỗng gọi lại Tiểu Hồ, "Thật sự nhỏ vậy sao?"

Quản sự Tiểu Hồ sửng sốt một chút, mới hiểu ra bà chủ muốn hỏi tuổi tác Sư Nhạn Hành.

"Đúng vậy ạ, hình như qua năm sau mới mười ba tuổi."

Bà Trịnh ồ một tiếng, quay sang nói với Trịnh Nghĩa: "Nghe vậy khiến tôi nghĩ tới lúc ông còn trẻ."

Trước kia Trịnh Nghĩa là đứa con trong gia đình nông dân, từ nhỏ theo người nhà làm ruộng, được mấy năm thì cảm thấy không thích hợp:

Cả nhà đều làm việc quần quật mệt gần chết, tại sao mỗi ngày họ lại càng nghèo?

Ông nghĩ mãi mà không hiểu được, hỏi người nhà thì nghe câu trả lời: Càng ngày càng nghèo thì tính là gì, đời đời kiếp kiếp đều nghèo như thế mà thôi.

Nếu ngươi không muốn làm ruộng thì hãy đi học, đi làm ăn, dù sao cũng phải tìm con đường sống.

Trịnh Nghĩa cảm thấy mình không có đầu óc học hành, trong nhà cũng không đủ tiền chu cấp cho ăn học, thế là quay sang làm ăn.

Đôi vợ chồng già gặp nhau là khi Trịnh Nghĩa đang đi bán vải từ nhà này sang nhà khác.

Trịnh Nghĩa khịt mũi: "Tôi đâu hoang dã như thế."

Khi người trong nhà đồng ý để ông ra ngoài buôn bán thì ông cũng đã mười bốn mười lăm tuổi, huống hồ lại là con trai đâu cần sợ gì.

Nhìn lại xem, một cô bé gái mới mười hai tuổi đã muốn lên trời!

Thế nhưng cũng vì trải nghiệm tương tự nên Trịnh Nghĩa mới dám sử dụng một đầu bếp mười hai tuổi.

Nếu là người khác, e rằng vừa nghe xong số tuổi là đã đầu hàng chạy mất rồi.

Cháu trai cháu gái nghe vậy bèn xen vào hỏi là chuyện gì. Bà Trịnh kể cho cháu nghe thời ông còn trẻ, đứa cháu trai ngơ ngác: "Sao cháu không biết ạ?"

Hai vợ chồng già đều phì cười.

"Lúc ấy cha cháu còn chưa sinh ra, cháu ở đâu mà biết được?"

Cậu nhóc à một tiếng, gãi đầu, liếc sang em gái rồi cùng ngây ngô cười khúc khích.

Bà Trịnh cười ngặt nghẽo, bảo quản sự Tiểu Hồ: "Hiếm thấy một đứa nhỏ nào ít tuổi mà có chủ ý lớn như vậy, dẫn cả nhà đi kiếm cơm thật không dễ dàng. Hãy để cô nàng nói chuyện với lão gia ở phòng khách, mời vị nương tử và tiểu cô nương kia tới noãn các ăn bánh uống trà trò chuyện với chúng ta, để nàng khỏi lo lắng."

Quản sự Tiểu Hồ thưa vâng, rời phòng.

Cháu trai ôm đầu gối bà nội hỏi: "Tiểu cô nương là ai hả bà?"

Bà Trịnh bật cười: "Chờ một lát tới đây cháu sẽ biết."

Con nít trong nhà còn ít quá, chỉ có hai anh em khó tránh khỏi buồn chán.

Trịnh Nghĩa ra ngoài không bao lâu, quả nhiên có người đưa vào một đôi mẹ con.

Cửu Đỉnh: là chín cái đỉnh (cái vạc) tượng trưng cho quyền lực phong kiến của các nước Á Đông. Truyền thuyết này được bắt đầu từ Hạ Vũ, vua nhà Hạ được coi là triều đại đầu tiên của Trung Quốc. Hạ Vũ chia Trung Nguyên thành chín châu, cho đúc chín cái đỉnh khắc tên mỗi châu và được cất giữ ở kinh đô nhà Hạ. Vì thế, Cửu Đỉnh trở thành biểu trưng cho quyền uy của vua chúa phong kiến và sự thống nhất quốc gia. Sau nhà Hạ thì đến nhà Thương, sau nhà Thương đến nhà Chu, vẫn đặt Cửu Đỉnh ở kinh đô tượng trưng cho quyền lực, do đó mới có câu "Có được Cửu Đỉnh là có được thiên hạ".

Chu Thiên tử: là Chu Vũ Vương có công lật đổ hôn quân tàn bạo Trụ Vương của nhà Thương để lập nên nhà Chu. Chu Vũ Vương dùng danh xưng Thiên tử để tuyên bố sự chính danh của mình khi lật đổ nhà Thương, cho rằng thiên mệnh đã bị hủy do nhà Thương hết vận và chuyển sang triều đại nhà Chu.

Cái đỉnh: là chiếc vạc ba chân có hai tay cầm, xuất hiện từ gần 6000 năm trước công nguyên. Cái đỉnh được dùng để nấu thực phẩm chủ yếu là thịt thú rừng và rượu, ngoài ra cũng dùng để đựng nước mưa.

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me