LoveTruyen.Me

Thuong Da Songfic Co Phong Tinh Cam

Chương 3. Tưởng cố nhân

“Nếu tôi chết trước, mình có đi tìm không?”

“Tìm chứ! Tìm cùng trời cuối đất…”

***

Tiếng trống cầm canh thình lình đánh "thùng” kéo Chuy bật khỏi cơn mơ, tiếp sau đó lại dội thêm những hồi dài, từng hồi từng hồi như đang lôi tuột hồn nàng về lại một miền cũ kỹ. 

“Nếu tôi chết trước, mình có đi tìm không?”

Câu hỏi trong mơ còn vẳng lại, hình như là một ngày nào đó ở quá khứ nàng và chồng từng bông đùa cùng nhau như thế. Khi đó Chuy nhớ mình có hỏi, nếu nàng thương kẻ khác thì sao. Nhân bảo, thì sống chết tranh về. Nhưng rồi chàng lại trêu: “Nói thế, chứ nhân gian rộng lớn, biết đi đâu mà tìm. Tôi cứ chết luôn theo mình cho đỡ nhọc.”

Chuy bĩu môi: “Chết hết là quên nhau hết ráo, ở đấy mà tính khôn.”

Nhân lại cười ngất: “Thế thì lo tu cho thành tiên thành thánh, thọ ngang đất trời, khỏi chết, khỏi quên, khỏi tìm.”

Sau đó nữa, Chuy không còn nhớ rõ. Chỉ nhớ rằng vợ chồng nàng thường bâng quơ những câu chuyện viển vông như thế mỗi khi ăn no nhàn rỗi, rúc mình trong đám lau sậy, thơ thẩn ngó trời. Thuở ấy không có chí lớn, mơ cao, chỉ biết ngày ngày hết bay rồi bơi, hết ăn rồi ngủ. Sinh con ra, dạy chúng trưởng thành tự tìm vùng trời riêng, rồi hai vợ chồng lại dắt nhau lang thang khắp cùng mây nước. Thuở ấy sóng gợn miên man, hương cỏ thơm quyện vào thênh thang gió, tưởng như sẽ lan tận đến trăm ngàn đời sau. Vậy mà một khi đã quên là quên hết. Ý nghĩ này làm dạ nàng chợt dâng lên nỗi bất an mơ hồ. Chuy không muốn nghĩ nữa, bèn trở dậy thắp đèn, khoác áo hồ cừu [1], mang theo lồng ấp [2] bước ra hiên. 

Bên ngoài trời vẫn tối mịt, sương dày chưa tan, trăng bạc hãy còn lửng lơ treo mảnh khuyết. Không cần trống canh Chuy vẫn tự đoán được hiện tại đang là đầu giờ Mão [3], bởi từ ngày đến học ở Giảng Võ đường nàng luôn thức dậy vào đúng giờ này, cốt chỉ để có thêm khắc dư ra mà ngắm soi, chải chuốt thật kỹ trước khi gặp mặt người thương. Thị Ly đã quen với lề thói sinh hoạt của chủ nên luôn dậy sớm hơn để chuẩn bị trà nước hầu nàng sửa soạn, lúc này hẳn là đang lục đục dưới nhà bếp sáng đèn kia. Chuy dợm bước định xuống đó xem thử thì đã thấy thị bưng thau đồng đi tới, thế là bèn quay trở vào mở rương chọn váy áo. Trong vô thức, nàng vớ ngay lấy bộ võ phục sờn màu, lúc sau mới sực nhớ gần một năm nay đã thôi không đến đó nữa rồi. 

Hắn bận theo cha mình đi đánh đông dẹp bắc lập công danh, không có thì giờ để dây dưa cùng nàng. Nhà vua có ý thay thầy khác cho con, nhưng nàng từ chối. Không phải hắn thì không cần học nữa. Vả lại, Chuy cũng đã tiếp thu lễ giáo nhân gian đủ nhiều để hiểu được ý tứ "vua cha”. Con gái đến tuổi cập kê phải kiêng kị đủ điều, bao gồm cả việc gặp gỡ đàn ông. Hạng dân đen vốn phóng khoáng đã thế, huống hồ là lá ngọc cành vàng. Năm xưa tính tới tính lui, rốt cuộc nàng lại tính sót thói câu nệ này của lũ người trần gian. 

Bỏ tay khỏi rương váy áo, Chuy chẳng buồn chọn nữa, nàng quay sang uống cạn tách trà thị nữ để sẵn trên bàn, rồi ra ngồi ngoài bậu cửa.  Ngước nhìn thiên không, thấy gió mây phiêu lãng giữa bao la bát ngát, nàng nhớ thuở còn làm chim nhạn mình cũng từng bay cao như thế, tự do như thế. Nào giống bây giờ, đi tâu về trình, mong ngóng tình lang cũng chỉ được trộm nhìn mỗi bận hắn vào điện chầu vua. So với việc làm một con vật ngày ngày kề cận hắn, hình như làm người cao quý thế này càng vô nghĩa. Bỗng dưng nàng có ý nghĩ muốn trả lại thân xác. Nhưng trả cho ai đây? Trả cách nào? Nàng đã ngụ trong lớp vỏ này quá lâu, hồn và xác sớm đã hợp làm một. Phóng lao đành phải theo lao. 

Vào một ngày đông tuyết phủ, Chuy sực nhớ lời của nhà vua khi trước, bèn đến gặp ngài để nhắc chuyện xưa. 

– Lúc đó cha nói đợi con lớn. Giờ con đã lớn rồi, và con vẫn thích chàng. Thế… cha ban hôn được chưa? 

– Không vội. Đợi hắn nên công trạng đã.

Nhà vua chỉ điềm nhiên đáp lời như thế rồi tìm cớ đuổi khéo nàng về. Nàng biết, có đôi co thêm cũng vô ích. Nàng đã lớn, cách vua cha thương nàng cũng đã khác thuở còn thơ. 

Ngõ tắt không xong, nàng đành đi lối vòng. Tối đó Chuy chong đèn ngồi viết thư cho Trọng, bức đầu tiên. Lời lẽ trong thư giản dị, không có từ nào là thiết tha mong nhớ, nàng chỉ hỏi thăm đôi ba câu, kể lại vài chuyện vặt trong cung, và bảo hắn sớm ngày nên công trạng. Lá thư ấy mãi không thấy hồi âm.  

Tháng sau nàng lại viết một lá khác, lần này vẫn những vặt vãnh thường ngày. Hôm nay ăn món gì, nhạt miệng ra sao, nàng học thuộc thêm mấy bài thơ, vẽ thêm bao nhiêu bức họa. 

Tháng sau nữa, nội dung thư đại để vẫn vậy. Nàng kể hắn nghe về thú nhặt cuội làm kẹo Hương Lan của vua cha, nói rằng hôm nào đó đã suýt bỏng tay vì đường nóng. 

Và nhiều tháng sau nữa, tháng nào cũng đều đặn thư đi, còn thư về thì bặt. Hỏi kẻ thân tín đưa thư, được y xác nhận đã gửi chính tay Nhan Trọng, nàng bèn yên tâm gửi mãi. Thị Ly theo hầu dù tiếp tay cho chủ cũng chẳng hiểu nổi nàng lấy đâu ra một niềm tin vững chắc rằng hắn sẽ luôn mở đọc. 

Rồi thì nước chảy đá mòn, nỗi tương tư dai dẳng của chủ thị cuối cùng cũng khiến người kia lay động. Sau bao đợt thư đi, đã có một đợt thư về. Thị Ly thấy công chúa cười thật tươi, hình như từ ngày gặp nạn về chưa bao giờ nàng rõ vui đến thế. Nhưng rồi nụ cười ấy nhanh chóng tắt phụp, tay nàng buông lơi. 

Trên tờ giấy mịn màu ngà chao nghiêng đáp đất, thị Ly chỉ thấy vỏn vẹn một dòng chữ: "Xin công chúa ngưng thư!”

– Có phải chữ của ấm Trọng không ạ? – Thị ái ngại hỏi.

– Phải. – Chuy đáp, giọng nhẹ tênh – Ta từng thấy chữ của chàng rồi. Nét cứng cỏi đặc biệt, không thể lẫn. 

Thị Ly nghe vậy chỉ biết mím môi im lặng, thầm nén tiếng thở dài. 

Sau hôm đó, công chúa không viết thư nữa, cũng không có vẻ gì là quá ủ dột. Nàng chỉ yên lặng hơn, ít cười hơn, dù bình thường vốn đã ít cười ít nói. Nàng quay sang vẽ tranh ngày một nhiều, nhưng các bức vẽ đều dang dở. Giấy bị vo lại vứt đầy sàn, bên trong toàn những gương mặt thiếu ngũ quan. 

Như đêm nay nàng lại vẽ, nhưng bút cứ nhấc lên rồi hạ xuống mỗi trên nghiên mực, qua nửa canh giờ giấy vẫn trống trơn. Nàng phân vân không biết nên vẽ gương mặt nào. Mặt của Nhân thì sớm đã nhạt nhòa, mặt của Trọng thì lại xa lạ quá. Cuối cùng nàng vẽ xuống đôi chim nhạn, lúc này mày liễu mới chịu giãn ra đôi chút. Vẽ xong, nàng theo thói quen ngồi ngâm nga khúc Thượng Da, bao năm qua nàng vẫn hát đều. Song từ lâu người nghe chỉ còn mỗi nàng cùng thị nữ. Bài ca này khi xưa nàng học lỏm được từ con người, tuy hát chẳng hay nhưng chồng vẫn luôn khen. Thế là nàng được nước hát mãi, bay cũng hát, đáp cũng hát, đến những buổi rong ruổi đầm hồ mò cua bắt ốc cũng không ngừng nghêu ngao.

Thượng Da!

Ngã dục dữ quân tương tri

Trường mệnh vô tuyệt suy

Sơn vô lăng

Giang thủy vi kiệt

Đông lôi chấn chấn

Hạ vũ tuyết

Thiên địa hợp

Nãi cảm dữ quân tuyệt.

– Chị thấy giọng ta thế nào? – Chuy chợt hỏi người cung tì  sau khi đã hát đi hát lại dăm bảy lượt.

– Dạ bẩm, hay hơn xưa nhiều lắm. 

Chuy khẽ nhếch môi:

– Xưa và nay của chị là một con bé còn hôi sữa và một cô ả đã tròn trăng?  

– Thưa, ý tôi không phải thế. Ý tôi là…

– Ta đùa thôi. – Chuy ngắt lời, thôi làm khó thị thêm. 

Nàng tự biết mình hát không hay, không đủ khiến người xao xuyến. Thân xác này vốn chẳng có thiên bẩm, dày công luyện tập cách mấy cũng nghe ra tầm thường. 

Song, thị Ly cũng không hẳn là nói mát. Ý thị muốn bảo giọng ca của nàng buồn đi nhiều, có lẽ vì thế mà thành ra hay hơn. Dù gì cũng không đến mức làm người nghe đinh tai nhức óc. Nhưng thị biết, dẫu thị có nói thể nào công chúa vẫn chỉ cho đó là lời an ủi. Cơ hồ chẳng điều gì của nàng khiến nàng tự thấy hài lòng. Trong khi đó, biết bao kẻ ngoài kia ước ao có lấy dung nhan lẫn phong tư này mà chẳng được. Nghĩ ngợi lung tung, thị lại quành về thắc mắc, nàng cứ thế mà buông bỏ thật à? 

Đáp lại thị là một lời nhắn viết vội đặt trên bàn vào một buổi sớm tinh mơ. Còn công chúa thì mất bóng. 

"Ta đi chốc rồi về, chị cứ vờ như ta đang ốm, đóng cửa không tiếp ai.”

***

**

*

Thượng Da!

Ngã dục dữ quân tương tri

Trường mệnh vô tuyệt suy

Sơn vô lăng

Giang thủy vi kiệt

Đông lôi chấn chấn

Hạ vũ tuyết

Thiên địa hợp

Nãi cảm dữ quân tuyệt.

Giọng ca êm dịu tựa gió thu, những khoảng ngân rung nghe như ru hồn người vào mê trận. Đúng là không tệ chút nào. Chuy đứng ở cửa, thầm đánh giá tiếng hát của người con gái áo hồng đang ngồi gảy chiếc đàn thập lục [4] bên trong. Nàng đã đứng đó từ giữa buổi đàn hát, ngắm nghía thật kỹ mỹ nhân nức tiếng kinh kỳ kia, cùng ánh mắt chăm chú của hai gã trai bên cạnh. Ẩn mình trong bộ áo màu chàm đã cũ, tóc búi cao, còn mặt mày cố làm cho nhem nhuốc. Không ai để ý đây là phượng là công. Người ta chỉ nghĩ nàng là một đứa hầu canh cửa. 

– Cô Thanh thử hát lại bằng quốc âm được không? 

Gã trai đi cùng Trọng lên tiếng hỏi khi cung đàn đã ngơi. 

Chuy thấy cô gái kia ngẩng mặt nghĩ ngợi đôi chút rồi gật đầu, cất giọng:

Hỡi cao xanh!

Ta đây muốn cùng chàng duyên sánh

Ái ân đời đời khôn gãy gánh

Chừng khi kia bể cạn, núi trành

Sấm đông, tuyệt hạ, đất trời không ranh

Phân ly dạ mới đành.

Tiếng vỗ tay tán thưởng. Nàng thấy Trọng cứ gật đầu mỉm cười không thôi, lòng ngày càng se lại. Toàn thân như kim châm, nắm tay đã siết chặt từ bao giờ, nàng không nén nổi nữa, liền bước thẳng vào trong.

– Trăm nghe quả không bằng một thấy. Đúng là đẹp lắm! Tài hoa lắm! 

Nói đoạn nàng chợt quay sang người nọ, cười: – Trọng nhỉ? 

Hắn cau mày nhìn xoáy vào nàng, rồi bỗng giật mình đứng phắt dậy khi nhận ra người trước mặt.

– Công… sao cô ở đây? 

Nàng vẫn nhìn thẳng vào mắt hắn, nụ cười càng đậm:

– Vì anh ở đây. 

Không để nàng nói thêm, hắn thình lình bước tới nắm lấy cổ tay nàng lôi thẳng ra sau hè. 

– Bao năm rồi, sao công chúa vẫn làm càn thế này? 

– Bao năm rồi, sao anh vẫn khước từ ta như thế?  – Nàng ngước mặt hỏi ngược, giọng đã thoáng run. 

Hắn buông nàng ra, ngoảnh đi không đáp. Nhưng chỉ chốc lát sau hắn đã rũ bỏ vẻ quyết liệt, quay lại nói với Chuy, giọng mệt mỏi:

– Trọng tôi có tài cán đức độ gì mà lại khiến công chúa phải lao tâm khổ tứ dường này? 

– Tôi thương anh không phải vì tài cán, đức độ. 

– Thế thì vì gì?

– Tại sao nhất thiết phải vì điều gì?

Hắn chớp mắt, thở dài, ánh nhìn lúc này đã đầy những van lơn:

– Nếu công chúa thật thương tôi, xin đừng tìm gặp tôi thế này nữa. Tự hại mình mà cũng hại tôi. Chúng ta… không thể đâu?

– Tại sao?

– Công chúa không hiểu hay cố tình không hiểu? – Hắn bất giác cao giọng. 

– Không hiểu. Trả lời ta đi, tại sao? 

– Tôi thương người khác rồi. Còn hứa để nàng làm chính thất. Nếu người thật sự hiểu ái tình, chắc cũng sẽ không nỡ chia loan rẽ thúy, đúng không? 

– Là cô ta à? – Chuy chỉ tay về phía gian nhà, hỏi. 

Hắn gật đầu.

Nàng cũng gật đầu. 

***

Chiều hôm đó nàng tìm gặp ông Hoàng, chất vấn:

– Sao Phụ hoàng không giữ lời? 

– Lời gì? – Nhà vua nhướng mày hỏi. 

– Cho con lấy Trọng.

– Trẫm có từng nói thế à?

– Ông…

Biết mình lỡ thất thố, nàng cắn răng nuốt nửa lời còn lại vào trong, cúi gằm mặt. Song cũng không thoát khỏi một ánh nhìn sắc lẹm phóng ra trong chớp nhoáng. 

– Làm sao? Vì một gã thần tử cỏn con mà định hỗn láo với Phụ hoàng đấy à?

– Con gái không dám.

– Dám chứ! Có gì mà ngươi không dám. 

Chuy chột dạ ngẩng phắt đầu, thấy nhà vua vẫn điềm nhiên ngồi giở sách. Chợt, giọng ngài dịu lại như để xua tan bầu không khí căng thẳng vừa chớm hiện. 

– Ta cũng không nói sẽ không gả. 

– Vậy ý Phụ hoàng thế nào?

Nhà vua liếc mắt, tỏ ra hơi phật ý:

– Đến bây giờ vẫn còn hỏi những câu ngô nghê như thế. Nghĩ mình còn bé lắm à? Bao nhiêu chữ nghĩa ta cho con học đều trả thầy hết phỏng? 

Nói đoạn, ngài chợt hít sâu một hơi rồi buông sách bước ra sân, không quên ngoảnh đầu ngầm bảo nàng đi theo. Bên ngoài trời chiều khô khốc, lác đác vài cánh chim vụt bay khỏi bốn bức tường quanh năm im ắng, lá vàng khe khẽ rơi. Nhà vua chắp tay ra sau, ngẩng đầu nhìn vòm trời cao vợi, giọng điệu đã trở về ôn hòa như mọi khi:

– Con có biết, ngoài kia có rất nhiều người muốn trở thành con không? 

Nàng lại hoang mang trước lời vua, nhưng rồi cũng gật đầu. 

– Thế, con có đắc ý? 

Nàng lắc đầu. 

– Vậy con có biết người đời nói gì về đế vương không?

– Cửu ngũ chí tôn, thiên hạ trong lòng bàn tay. 

Lúc này nhà vua chợt ngoảnh đầu lại:

– Con có thấy thế không?

Chuy cau mày nhìn vua, không đáp. Vẫn muốn hỏi ý ông là gì. 

– Ta chưa kể con nghe nhỉ? Ta cũng vừa mắt một chàng trai, rất xứng làm rể ta. Ta còn từng có một người bạn, cả hai cùng lớn lên trong Hoàng thành, từng cọ lưng tắm táp cho nhau, từng kéo nhau trèo tường lẻn chơi đêm ngoài cung cấm, từng nâng chén hát vang trong giáo phường, cũng từng kề vai xông pha trên yên ngựa… Chàng trai kia vừa hay là con của vị nọ. Con gái ta, vừa hay cũng để ý chàng trai. 

Nói đoạn, ngài chợt xòe ngửa bàn tay ra trước mặt Chuy:

– Hiện tại, con thấy ta có được những gì rồi? Đừng nói với ta hằng ngày con thật sự chỉ nghe lá rụng, chim kêu. 

“Công chúa không hiểu hay cố tình không hiểu?”

Câu hỏi ban sáng của Nhan Trọng chợt vẳng lại bên tai, chồng chập với lời nói của nhà vua lúc này. 

Chuy nhìn chằm chằm bàn tay ngài, lòng bức bối không nói thành lời. Ra là thế, quả đúng là thế. Bảo sao trong mắt hắn, nàng nhìn thấy gì đó ngập ngừng và lưỡng lự, gì đó tựa mù sương. 

Nàng biết, những kẻ có mắt trong triều đều trông ra uy vọng đáng dè của Đô đốc họ Hồ kia, nếu không sớm ngăn chặn sẽ có ngày lão quyền cao vượt chủ. Bây giờ để con lão làm phò mã chẳng khác nào nối giáo trước cho giặc. Dù hôm nay lão có trung thành tuyệt đối, nhưng ngày sau không ai nói trước được điều gì. Chuy rất muốn góp lời thay cho Trọng và cha hắn, song chính nàng cũng chẳng dám chắc. Người đời thường bảo, gần vua như gần hổ, nhưng được mấy ai nhìn lại, vua gần công thần cũng như hổ kế cận rìu thợ săn. Trách quân vương “chim hết cất cung” [5] thì cũng phải xét kẻ bề tôi “lòng chim dạ cá” [6]. Lý lẽ này Chuy thừa hiểu. Vì hiểu nên càng thêm bức bối. Lũ người luôn phiền hà như thế, đáng ghét như thế, kiếp nào cũng giết chết chồng nàng. 

– Đã vậy, năm xưa Phụ hoàng còn để chàng gần con làm gì? 

– Trẫm bảo rồi, ta không nói là sẽ không gả. Con nhìn đi, ta có từng ngăn cấm hai đứa chưa? 

Nói đoạn, ngài chợt thở hắt, đặt vào tay nàng một tấm kim bài [7]. Ánh nhìn sắc lẹm thoáng chớp lên ban nãy cơ hồ chưa từng xuất hiện, giờ đây chỉ có đôi mắt của cha.

– Về sau muốn đi gặp hắn thì cứ việc. Không phải lén lút cải trang. Nhưng nhớ, mở mắt to ra. Nhìn. 

.

.

.

_____

CHÚ THÍCH: 

1. Áo hồ cừu: Áo choàng lông cáo dùng để giữ ấm.

2. Lồng ấp: Vật dụng chứa than để sưởi ấm thời xưa, được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc, đồng, đất nung, gốm… Những chiếc lồng ấp làm bằng kim loại thường dành cho vua quan, tầng lớp khá giả trong xã hội, còn thường dân chỉ dùng lồng ấp bằng gốm, đất nung.

3. Giờ Mão: Khoảng thời gian từ 5 - 7h sáng 

4. Đàn thập lục: Đàn tranh 16 dây

5. Chim hết cất cung: Nguyên gốc là câu "Điểu tận cung tàng”. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Sử ký - Việt thế gia", chuyện Việt Vương Câu Tiễn đối xử tệ với công thần là Phạm Lãi và Văn Chủng sau khi thành đại nghiệp. Nguyên câu Hán văn: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàng; địch quốc phá, mưu thần vong". Nghĩa là: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vứt bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết".

6. Lòng chim dạ cá: Có tâm địa xấu xa, phản trắc, tráo trở, không trung thành. 

7. Kim bài: Tấm thẻ bằng vàng dùng như tín vật hoặc giấy thông hành được vua ban (ở đây chỉ chú thích trong phạm vị nội dung truyện, trên thực tế "bài” có nhiều loại và nhiều công dụng khác nhau, "kim bài” chỉ là một trong số các loại "bài”).

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me