LoveTruyen.Me

Xuyen Khong Cam Hung Lich Su Le So Chi Mong Sap Phat Hanh

1.

An Sinh cất hộp gấm đựng thư tình của Lê Nhật Lệ xuống gầm trường kỷ, bần thần nhìn mình trong tấm gương đồng đối diện.

Cha ruột của Lê Nhật Lệ, Lê Ngân, vốn là quan Nhập nội Tư khấu trong triều, trên cô còn một anh trai và một chị gái đã gả chồng. Hai tháng trước, triều đình xảy ra chính biến. Đại tư đồ Lê Sát dựa vào danh thế công thần phò tá Thái Tổ năm xưa, ngày càng chuyên quyền, hãm hại nhiều trung thần hiền tài, bị vua định tội chết. Cha của Lê Nhật Lệ được nhà vua cất nhắc thay thế Lê Sát cai quản việc quân, phong chức Đại đô đốc Phiêu kỵ Thượng tướng quân cao quý, đồng thời nhà vua còn ra chiếu chỉ sắc phong con gái thứ hai của Đại đô đốc Lê Ngân là Lê Nhật Lệ làm Chiêu nghi, ba tháng sau nhập cung diện thánh.

Chẳng may cô hai nhà họ Lê lại sảy chân ngã xuống giếng, lúc gia nô phát hiện thì nàng đã tắt thở. Nửa ngày sau, An Sinh mở mắt trong cơ thể Lê Nhật Lệ, ngơ ngác nhìn mọi người xung quanh đang gào khóc thảm thiết. Gia nô trong ngoài nhà đều sợ hãi, rỉ tai nhau rằng tiểu thư từ cõi chết trở về. Bấy giờ, An Sinh mới nhận ra đây không phải một giấc mơ. Cô gái Lê Nhật Lệ kia đã thực sự rời khỏi thế gian này rồi. 

 Từ ngày An Sinh sống trong thân xác Nhật Lệ, chẳng mấy ai dám đến gần cô, có chăng cũng chỉ vội hầu hạ qua loa rồi dè dặt bỏ đi. Càng kì lạ hơn, cha của Nhật Lệ mỗi ngày đều phái người đến giám sát, không cho cô bước chân ra khỏi tiểu viện dù chỉ một bước. An Sinh bị kìm kẹp đủ đường, trong lòng thở dài xót thương. Thì ra, Lê Nhật Lệ trước khi nghĩ quẩn cũng chẳng đặng sung sướng gì. Cứ vậy, thời thế loạn lạc, An Sinh chưa thể xác định thời gian mình lạc đến là thế kỷ bao nhiêu?

***

Mấy ngày ở nhà họ Lê, An Sinh đều tìm cách lại gần cái giếng mà thị nữ bảo rằng cô từng ngã xuống nhưng cái giếng ấy đã bị cha Nhật Lệ sai người lấp lại.

Ngày nhập cung gần kề, gia nô tấp nập mang đến phòng An Sinh bao nhiêu là trang phục và trang sức mới, kẻ thì thay cô chải tóc, người thì giúp cô sửa soạn váy áo. An Sinh vì không đọc được chữ của Đại Việt nên cả ngày chỉ ngồi vẽ linh tinh, suy nghĩ về thế kỷ 21, trong lòng vô cùng sốt ruột. Lỡ cho đến ngày tiến cung, cô không về nhà được, tự dưng lại biến thành vợ hoàng đế, như vậy thì lịch sử sẽ nhiễu loạn mất.

Nhân lúc giờ nghỉ trưa, An Sinh lén rời khỏi phòng, theo dấu tên gia nô đến nơi chứa củi, tìm thấy một cái thang gỗ đã cũ.

Cơ thể Lê Nhật Lệ vốn yếu ớt, tuổi còn nhỏ hơn An Sinh đến nửa giáp nhưng khi mang trong mình sức mạnh của An Sinh, chuyện sức cô kéo thang ra đến cửa sau chẳng thấm vào đâu.

Hồng hạnh vượt tường thì An Sinh không biết nhưng kỹ năng đu dây và vượt rào của cô hồi còn đi học là đứng số một. Leo lên bức tường cao chừng ba mét, An Sinh quan sát bề mặt đất dưới chân rồi cẩn thận nhảy xuống, cũng không có gì quá khó khăn.

Nếu qua giờ nghỉ trưa nhà họ Lê phát hiện tiểu thư của bọn họ đã biến mất, thế nào cũng cử người đi tìm.

An Sinh sợ bị chú ý, tự bôi than lên mặt, mang theo túi tiền mua một bộ trang phục của đàn ông, thuê một xe ngựa rồi rời khỏi kinh thành. Những ngày tháng lang thang khắp đất nước của cô nhưng lại không phải của cô cứ vậy bắt đầu. An Sinh ngồi trên xe ngựa gập ghềnh, lòng nửa lo lắng nửa nhớ bố mẹ ở nhà. Đại Việt của hơn 650 năm sau, làm sao cô trở về được đây?

***

An Sinh rời khỏi phủ Đại đô đốc được ba ngày, rong ruổi từ khắp thôn này đến làng ấp nọ.

Theo lời kể của một chủ quán ăn ven đường, An Sinh biết được vài thứ căn bản về bối cảnh đất nước đương thời. Tiên đế là Lê Thái Tổ Lê Lợi, tân đế đăng cơ chưa lâu, tuổi vẫn còn nhỏ, gần đây khai quốc công thần Lê Sát chuyên quyền, bị vua ghét bỏ nên ban tội chết. Vì lẽ đó mà cha Lê Nhật Lệ được thay thế phò vua phụ chính. Chiếu chỉ sách phong Lê Nhật Lệ làm vợ vua được ví như món quà tân đế chuẩn bị ngầm chúc mừng Đại đô đốc Lê Ngân nhậm chức, cũng là sự ưu ái và tin tưởng của tân đế đối với gia tộc họ Lê.

Về lý mà nói, Lê Nhật Lệ từ đầu đã có hôn ước với ý trung nhân trong lòng, hai người thư từ qua lại được vài ba năm, Lê Ngân cũng hứa gả nàng cho chàng thiếu niên ấy. Chỉ tiếc thời thế thay đổi khôn lường, tân đế vì muốn lôi kéo quyền lực từ tay Lê Ngân mà không từ mưu kế, ép nàng thành thê thiếp. Lê Nhật Lệ trung trinh thà chết chứ không làm vợ vua.

Rõ ràng gia nô trong phủ đều nói dối rằng nàng sơ ý ngã xuống giếng, quên hết chuyện cũ nhưng sự thật thì chỉ có mình An Sinh tỏ rõ. Giấc mơ mà An Sinh mơ thấy trước khi tỉnh lại ở thế giới này cũng là lời nhờ vả từ nàng tiểu thư đáng thương Lê Nhật Lệ gửi đến cô.

"Xin hãy gửi tấm chân tình của ta đến chàng. Kiếp này ta chưa từng phụ chàng, chỉ hẹn có thể cùng chàng tiếp tục đoạn nhân duyên ở kiếp sau."

Có thể chìa khoá để trở về nhà nằm ở chàng trai trong lời nói của Lê Nhật Lệ tiểu thư. Nếu An Sinh tìm ra người đó và giao toàn bộ phong thư Lê Nhật Lệ viết cho anh ta, cô sẽ tìm ra đáp án.

"Nhưng anh ta tên gì nhỉ?" An Sinh ngẫm một hồi trong bụng, nghĩ mãi vẫn không nhớ ra cái tên ở dòng cuối của mỗi bức thư, hình như cũng mang họ Lê. Lê Tề? Lê Tư Tề "Đúng rồi. Là Lê Tư Tề."

***

Thiệu Bình năm thứ ba, người dân đất Thiên Lộc gặp phải nạn hạn hán, suốt mười hai tháng liền trời không có lấy một hạt mưa, ruộng đồng nứt nẻ, trâu bò chết khát, người dân lâm vào cảnh túng quẫn, trên dưới nửa thôn bỏ xứ đi xa.

Triều đình nghe tin liền lệnh cho quan viên Thiên Lộc lập tức mở kho lương cứu tế. Ấy nhưng suốt sáu tháng trời, tiếng than khóc của người dân Thiên Lộc vẫn vọng tới mảnh đất kinh kỳ Đông Kinh.

...

Lê Toàn bỏ những viên đá nhặt được dọc đường lúc nghỉ chân cho vào túi gấm, dắt sang hai bên hông, bên cạnh là đoản kiếm bọc trong mảnh lụa để ngay ngắn trên ghế ngồi của xe ngựa.

Gã phu xe đánh tiếng phía trước có vật cản, xe ngựa không thể tiếp tục đi. Lê Toàn vén một bên rèm phủ, ra hiệu cho gã thị vệ dò hỏi tình hình.

Gã thị vệ cho ngựa của hắn đi chậm lại, cung kính đáp: "Bẩm quan, phía trước đang có đánh nhau."

Viên quan trên xe ngựa hơi cau mày phất tay áo. Gã thị vệ cúi đầu tuân mệnh rồi phi ngựa về đám đông hỗn loạn.

Đám lính mặc áo vải lố nhố cầm gậy gộc vây quanh một chàng thiếu niên mặt mày đen nhẻm, quần áo chắp vá. Cứ hễ vài tên xông vào liền bị đánh bật ra ngã sõng xoài, những tên khác sợ hãi chỉ dám hù dọa, không dám làm liều lao tới. Thiếu niên mặt đen ấy không ai khác ngoài An Sinh.

Kể từ ngày đặt chân lên mảnh đất nắng hạn này, mỗi ngày An Sinh luôn chứng kiến cảnh lính tri huyện hà hiếp người dân, đánh đập người già, cướp bóc của cải. Đất không có mưa đến con gà còn chẳng đủ nước uống, quân lính không những không cứu giúp còn ỷ thế cậy quan, bắt nạt kẻ yếu thế.

Đáng lẽ hôm nay là ngày An Sinh rời khỏi huyện Thiên Lộc, nào ngờ vừa đạp chân trái ra khỏi quán trọ đã thấy cảnh không nên thấy.

Con trai tri huyện cậy quyền ép dân nữ làm vợ.

Cô gái nhỏ bị đám lính gông cổ, nước mắt giàn giụa gọi cha gọi mẹ, chốc chốc phía sau vọng lên tiếng khóc thảm thiết của hai người trung niên. Cảnh tượng lộn xộn cùng tiếng xì xào của người dân đứng xung quanh chứng kiến khiến An Sinh càng thêm bất bình.

Bọn lính vừa kéo cô gái ra đến ngoài chợ, An Sinh đã đẩy chiếc xe kéo lao về phía chúng. Đám lính hoảng loạn tản ra, cô gái nhỏ bị xô ngã xuống đường.

Trước khi kịp để bọn lính quan bắt lấy, An Sinh đỡ cô gái dậy, một bên dùng cơ thể nhỏ bé của mình chắn cho cô gái, bên còn lại nhanh như chớp đánh ngã vài tên lính.

Đám lính đánh không lại đành sai người báo tin cho quan phủ. Một lúc sau thì người của tri huyện xuất hiện, còn dẫn thêm vài toán lính trợ giúp. Tình thế giờ đây không có lợi cho An Sinh, cô cố thủ bên trong vòng vây của chục tên lính, hễ kẻ nào dám xông lên thì lại bị cô đánh cho sợ tái mặt.

Thế rồi Ngô Bằng xuất hiện, cậu chính là gã thị vệ đi chung với viên quan tên Lê Toàn.

Ngô Bằng ngồi trên lưng ngựa, dõng dạc nói: "Ta là mệnh quan triều đình, nhận lệnh của hoàng đế, cứu trợ người dân Thiên Lộc gặp phải hạn hán, có ngự kiếm của bệ hạ trong tay, các người mau gọi tri huyện ra nghênh đón."

An Sinh dù bị đánh tơi tả nhưng vẫn còn đủ ý thức để nhìn rõ khuôn mặt chàng trai tuấn tú vừa ra tay cứu mình. Đó là một thiếu niên chưa trưởng thành, trán cao mày rộng, mặc xiêm y xanh lam, tóc búi cao sau gáy.

Đám lính vừa nghe cậu nói xong đã ba chân bốn cẳng bỏ chạy.

Ngô Bằng xuống ngựa, đỡ cả hai người đứng lên. Cậu nhìn An Sinh một lượt từ đầu đến chân, như đoán được đầu đuôi câu chuyện, ánh mắt có phần xem trọng cô.

"Cậu tên gì?"

An Sinh đáp ngay: "An Sinh."

"Nhà cậu ở đây sao?"

"Không. Tôi ở..." Nói đến đây, An Sinh chợt nhớ ra mình vốn không thuộc về nơi này.

Nếu cô nói đại một địa danh nào đó trên bản đồ Việt Nam, chưa chắc địa điểm ấy đã xuất hiện ở Đại Việt hàng trăm năm sau. Nhưng có một chuyện cô biết rõ, kinh đô hiện tại của đất nước chính là Thăng Long.

"Tôi ở Thăng Long."

"Thăng Long? Nơi cậu nói đến là đất Đông Kinh?" Ngô Bằng nhìn An Sinh nghi hoặc.

An Sinh gật đầu tắp lự. Đông Kinh Tây Kinh gì cũng được, miễn là nó có thật. Ngô Bằng ngoác miệng cười, để lộ hàm răng đều tăm tắp, vỗ vai An Sinh đánh bốp.

"Vậy thì chúng ta là đồng hương rồi. Ta là Bằng, bên kia là ngài Thị ngự sử Lê Toàn. Chúng ta phụng mệnh hoàng đế đến huyện Thiên Lộc cứu trợ thiên tai."

An Sinh ngạc nhiên, thì ra là người của triều đình đến cứu trợ. Thảo nào phía sau còn có nhiều xe ngựa khác.

Ngô Bằng thấy An Sinh hành hiệp cứu người, không sợ quyền thế nhà quan nên nảy sinh thiện cảm. Cậu đưa cho cô ít tiền rồi bảo cô tìm thầy lang xem qua vết thương. An Sinh chẳng khách sáo, bắt tay cậu cảm ơn rồi bỏ đi. Ngô Bằng ngơ ra một lúc, chợt thấy bàn tay thiếu niên kia thật mềm.

Lê Toàn ngồi trong xe ngựa quan sát tình hình, sức nặng của túi đá bên hông như ghì chặt y xuống, tương tự khoảnh khắc y chỉ có thể lặng nhìn quan binh bắt nạt bách tính vô tội, rồi y lại thấy An Sinh bỏ đi qua cửa sổ, ngón tay vô thức mân mê hòn đá trong túi vải mới nhặt về lúc sớm nay.

Hiền tài đất nước xa tận chân trời, gần ngay trước mắt.

***

Từ ngày ngài Thị ngự sử đến Thiên Lộc, các khu trại cứu đói dần được dựng lên ở khắp nơi, lính canh thay vì bắt bớ người dân như trước thì nay đã người nào người nấy vác gạo nấu cháo, phân phát lương nhu.

Triều đình nhà Lê mà An Sinh từng đọc qua trước đây vốn là nơi hội tụ vô số danh nhân hào kiệt, nhà vua có tài trị nước thương dân, tiêu biểu phải nói đến Lê Thánh Tông. Nhưng hiện tại mới là những năm đầu của thời kỳ Lê Sơ, Tiên đế Thái Tổ vừa băng hà ít năm trước, vậy thì tân đế hiện tại chắc hẳn vẫn còn rất trẻ.

Mặc dù An Sinh có tiền nhưng vì nạn hạn hán mà mấy ngày nay cô không thể dùng tiền mua lương thực. Thầm nghĩ, nếu không no bụng trước thì không thể rời khỏi đây.

Theo dòng người xếp hàng chờ phát cháo, An Sinh phát hiện Ngô Bằng và ngài Thị ngự sử từ đằng xa. Ngô Bằng nhìn thấy An Sinh thì khoái chí lắm, liên tục vẫy tay chào.

Húp xong bát cháo mà bụng An Sinh còn kêu to. Nếu thời tiết cứ thế này thì người dân huyện chỉ có nước chết đói. Thiên nhiên đã khó tính thì con người đành chịu. Nhặt cành cây khều khều lũ kiến đang hành quân hàng dài, trước mặt An Sinh bỗng xuất hiện một bàn tay đen nhẻm cầm bát cháo còn nóng hổi, bên cạnh là Ngô Bằng đang nhìn cô thân thiện.

"Này cậu bạn, mau ăn đi. Thiếu niên tuổi cậu chỗ cháo này chắc chẳng thấm vào đâu."

An Sinh lắc đầu, đẩy bát cháo về phía Ngô Bằng: "Ngài mang cho mấy đứa nhóc ăn thêm, tôi là thanh niên trưởng thành, đói một tí thì cũng không chết được đâu."

Ngô Bằng thầm cười rồi lén nhìn viên quan Lê Toàn đầu bên kia tỏ rõ thái độ hài lòng. Chưa kịp trở lại câu chuyện với An Sinh, toàn bộ khu vực cứu trợ đã bị bao vây. Hàng chục tên áo vải bịt kín mặt di chuyển nhanh như gió, chĩa kiếm về quan Thị ngự sử.

Ngô Bằng cũng không kém cạnh, cậu đẩy ngã An Sinh, giúp cô đỡ nhát kiếm đang chém tới, tay cầm bát cháo phi thẳng về lưỡi gươm hướng đến Lê Toàn. Ngay tắp lự, Lê Toàn đảo người dùng tay không đánh ngất vài tên giáp lá cà. Ngô Bằng uy dũng rút kiếm chém chết những kẻ điên cuồng sấn tới. Bọn họ tuy hai nhưng dư sức đánh chục kẻ.

An Sinh nấp dưới gầm bàn nhìn gươm đao chạm nhau phát ra tiếng chói tai. Trốn một hồi cũng bị phát giác, cô đành dùng gậy gộc phản công. Những quyền đánh chứa đầy uy lực hất ngã từng kẻ cuồng loạn khiến Lê Toàn và Ngô Bằng đang phản công phía xa cũng phải quay lại nhìn cô bằng ánh mắt khác thường. Cô tự cảm thán chính mình vì đã kiên trì rèn luyện thể chất suốt một tháng qua.

Quan quân kéo đến, đám người áo vải tháo chạy. Ngô Bằng quan sát quanh một lượt, ra lệnh quân lính không cần đuổi theo. Lê Toàn phủi bụi trên tay áo, ung dung tiến về hướng An Sinh.

An Sinh có phần rụt rè, bàn tay vô thức thả thanh gỗ xuống đất, cúi đầu vụng về chào Lê Toàn: " Th... Tham kiến... ngài Thi ngự sử ạ."

Lê Toàn nghiêng đầu nhìn An Sinh. Một thiếu niên mỏng manh yếu đuối thế này mà có thể địch lại những tên to gấp đôi. Đúng là nhân tài mà Lê Toàn vất vả tìm kiếm bấy lâu nay.

Lê Toàn lệnh cho An Sinh ngẩng đầu. Cô mở to mắt nhìn y, lần đầu tiên trong đời cô chứng kiến dung mạo của mệnh quan triều đình Đại Việt. Y có dáng người hiên ngang, da trắng, mũi cao mày thẳng, ánh mắt tựa mặt hồ mùa thu, không quá nóng cũng không quá lạnh.

Lê Toàn nói với cô bằng tông giọng trầm khàn: "Ta là Lê Toàn."

An Sinh ngẩn người, cảm thấy vị quan Thị ngự sử này có vài điểm kỳ lạ.

"Ta nghe Bằng nói ngươi là người đất Đông Kinh."

An Sinh gãi đầu gãi tai, không biết nên dạ thưa xưng hô với quan thế nào, bèn cúi người đáp: "Thưa ngài, đúng rồi ạ."

"Ta thấy ngươi có tư chất quan nhà võ, lại không ngại quyền thần mà ra tay tương trợ dân lành, thực rất đáng bậc nam nhi."

An Sinh chẳng hiểu Lê Toàn đang nói gì đành cúi đầu dạ vâng.

Lê Toàn tiếp lời: "Bên cạnh ta đang hay thiếu mất một thị vệ, nếu ngươi không chê thì hãy trở thành cánh tay đắc lực của ta."

Đến đây, An Sinh như kẻ được khai thông ngôn ngữ, dần dần hiểu ra vấn đề. Lê Toàn muốn cô trở thành thị vệ bên cạnh y, giống như Ngô Bằng. Nhưng y là mệnh quan triều đình, phò tá hoàng đế. Sau này làm xong việc, y sẽ trở lại kinh thành. An Sinh khó khăn lắm mới thoát khỏi cái lồng son đó, giờ lại bảo cô quay về, có điên khùng cô mới đồng ý.

"Xin thứ lỗi, nhưng... tôi không thể đồng ý lời đề nghị của quan được. Tôi... còn nhiều việc cần làm lắm."

"Việc của ngươi là việc của ta. Nếu ngươi cần gì, ta đều có thể giúp ngươi hoàn thành. Chỉ cần ngươi đến làm việc cho ta thôi."

"Việc gì cũng hoàn thành sao?" An Sinh đột nhiên sốt sắng như mở cờ trong bụng. Cô vất vả suốt cả tháng qua để đi tìm người tên Lê Tư Tề nhưng đến giờ vẫn không biết nên tìm ở đâu.

Lê Nhật Lệ là con nhà quan, nhất định người Đại đô đốc họ Lê đồng ý gả con gái khi xưa cũng phải là hàng quan lại có máu mặt. Lê Toàn là Thị ngự sử theo phò hoàng đế, có khi y có thể giúp cô tìm ra anh trai Tư Tề này.

Suy nghĩ một lúc lâu, An Sinh chợt nhớ đến câu nói "Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất". Nếu An Sinh trở lại kinh thành và sống bên cạnh Lê Toàn, có lẽ cô có thể trốn khỏi sự truy bắt của Lê Ngân.

"Được. Tôi đồng ý." Thay vì cúi đầu như lúc trước, lần này An Sinh ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào Lê Toàn trả lời dứt khoát.

Lê Toàn nở một nụ cười trên môi. Thế nhưng còn chưa kịp vui mừng, một tên thích khách giả chết gần Lê Toàn đã chớp lấy thời cơ, nhanh tay phóng về phía Lê Toàn một mũi dao nhọn hoắt.

Mũi dao bay vun vút cắm vào lưng An Sinh, tựa như lúc cô giúp cấp trên đỡ viên đạn lạc ngày đó. Dù là ở Đại Việt hơn 600 năm trước hay Việt Nam hàng trăm năm sau, cô vẫn là một người chiến sĩ áo xanh.

***

Trở về nhiều tháng trước...

Lê Toàn cuộn bức tranh trong đống tấu sớ được dâng sau buổi thượng triều xếp xuống cuối hòm gỗ đã phê duyệt.

Bức tranh vẽ một thiếu nữ mười sáu, mặc xiêm y gấm ngọc màu hồng, tóc xõa dài ngang lưng, mắt phượng mày liễu, môi mím chặt, tư thế đang nhón chân với lấy cành hoa đào. Dưới cuối bức tranh đề dòng chữ bay bổng uốn lượn: "Nữ quyến Nhập nội Đại đô đốc Phiêu kỵ thượng tướng quân Lê thị, Lê Nhật Lệ"

***

Phạm Từ Sơn vốn là thầy thuốc nổi tiếng trong cung đình nhà Lê. Từ nhỏ, anh đã theo cha ẩn cư trong núi, nghiên cứu các loại thảo dược cầm máu trị thương, đóng thành lang y tập, gửi ra chiến trường ở Lam Sơn.

Khi đất nước bình định, cha của Phạm Từ Sơn được Tiên đế ngự bút ban thưởng, phong Ngự y Tổng quản, đứng đầu Thái y viện lúc bấy giờ. Sau khi cha qua đời, Phạm Từ Sơn tiếp quản vị trí của cha, phò trợ tân hoàng đế.

Qua hơn nửa ngày cầm máu trị thương, cuối cùng An Sinh cũng qua cơn nguy kịch. Con dao chỉ cách tim cô chưa tới vài phân. Dù thoát chết trong gang tấc nhưng An Sinh mất máu rất nhiều. Phạm Từ Sơn giúp cô băng bó, còn kê ra vài phương thuốc bổ huyết.

Từ trước đến giờ, anh chưa từng thấy người con gái nào đánh quyền giỏi như An Sinh. Cô mặc trang phục của nam giới, cư xử như nam nhi, dũng cảm hành hiệp cứu giúp nạn nhân khỏi người quan phủ, lại dùng thân đỡ thay ngài Thị ngự sử một nhát dao. Suy nghĩ một lúc, Phạm Từ Sơn quyết định sẽ giúp cô giữ bí mật thân thế mặc cho anh không rõ mục đích của An Sinh là gì.

An Sinh tỉnh lại khi trời vừa sập tối, cô mơ hồ nhìn người thanh niên đang ghi chép gì đó bên cạnh mình, môi mấp máy.

Phạm Từ Sơn như nghe thấy liền quay lại, lấy cho cô một ít nước: "Ngươi tỉnh lại rồi. May thật đó."

An Sinh gật đầu cảm tạ. Phạm Từ Sơn trao lại cho cô một dây vải cũ màu. An Sinh như hiểu ra mọi thứ, trong lòng bỗng nhiên tràn đầy lo sợ.

"Ta biết cô là nữ nhi. Ta sẽ không nói với ai nhưng cô nên cẩn thận, tránh xa quan Thị ngự sử. Nếu họ phát hiện ra thân phận thật của cô, nhất định sẽ bắt tội nặng." Phạm Từ Sơn nói xong rồi đi thẳng ra cửa, như tỏ ý muốn để An Sinh suy ngẫm một mình.

An Sinh thấy lời anh nói không sai. Ở thời đại này, phụ nữ thường không được xem trọng như đàn ông, nếu để người khác biết được cô hành xử không đúng mực của một khuê nữ, còn giả nam đi khắp nơi gây chuyện, thế nào cô cũng bị xử tội nặng, mà lời An Sinh đã hứa với Lê Toàn cũng không thể rút lại, huống hồ người cô cần tìm có khi Lê Toàn lại biết.

An Sinh khó xử, đầu vừa đau vừa rối. Cô ho khan vài cái, vết thương đau tê dại.

Lê Toàn mở cửa bước vào, theo sau là Ngô Bằng và Phạm Từ Sơn. Phạm Từ Sơn lén nhìn An Sinh đánh tiếng. An Sinh hiểu ý, đành nằm bất động giả vờ thiếp đi.

Lê Toàn suốt ruột quay sang thầy lang trẻ chất vấn: "Sao hắn còn chưa chịu tỉnh?"

"Bẩm ngài, hắn ta vì mất máu nhiều cộng thêm cơ thể yếu ớt nên ý thức vẫn còn mơ hồ."

"An Sinh có công liều mạng cứu ta, ngươi nhất định phải chữa khỏi cho hắn."

"Từ Sơn tuân mệnh."

Nói rồi Lê Toàn trầm ngâm nhìn cậu thiếu niên đang nằm trên giường. So với lần đầu tiên gặp, Lê Toàn phát hiện ra cậu ta không hề đen đúa, xấu xí. Nhìn kỹ thì lại hơi giống nữ nhân, da trắng, miệng nhỏ, môi hồng.

Lê Toàn ghé thăm An Sinh một chốc thì phải đi giải quyết chuyện ám sát.

Ngô Bằng nhốt tên tội phạm xuống thuỷ lao, liên tục dùng cực hình lên người hắn. Đợi đến khi Lê Toàn tới, Ngô Bằng liền đưa ra vài giấy tờ lục được trên người phạm nhân.

"Bẩm, là ngân lượng và khế ước."

Lê Toàn xem kỹ bút tích và màu giấy. Loại giấy thơm thượng hạng này chỉ có người quyền quý dùng, mà tri huyện chỉ là một chức quan nhỏ, không thể dễ dàng có được. Suy luận một lúc, y tiếp tục nhìn ấn đỏ dưới cuối khế ước.

"Thường Tín An phủ sứ Tô Văn Trung."

Ngay từ đầu Lê Toàn đã thấy nơi này có gì đó kỳ lạ. Tri huyện bẩm lương thực trong kho đã mở phân phát hết cho người dân gặp nạn nhưng theo lời Ngô Bằng thì chưa người dân nào thấy lương thực được giao ra.

Tri huyện cho rằng người dân đòi hỏi, có lại vòi thêm, bịa chuyện vu khống quan. Trong kho giờ tới một hạt gạo cũng không còn, tri huyện không thể tiếp tục phát lương, chỉ có thể nói lên các quan lớn phía trên hỗ trợ.

Tờ văn khế bị Lê Toàn vò nát trong tay, y tức giận tới nỗi gân trên mặt hiện rõ.

Đám quan lại ở đây rõ ràng đã câu kết với nhau để ăn bớt của cải, lấy trộm lương nhu, ức hiếp dân lành, bịa chuyện gian dối với hoàng đế Đại Việt, đến cả quan lớn triều đình mà cũng dám ra tay.

...

Nửa tháng sau, cơ thể An Sinh dần hồi phục, cô rời khỏi giường và bắt đầu tập những động tác giúp cơ thể linh hoạt hơn. Nhớ hồi An Sinh còn làm việc trong quân đội, có vài lần vật nhau với tội phạm, gãy tay trật chân, trầy da rách thịt là chuyện thường tình như cơm bữa.

Phạm Từ Sơn bước tới, anh đưa cho cô giỏ lá cây.

"Đây là thảo dược cho mấy ngày sắp tới. Ta không thể giúp cô trị vết thương nữa."

An Sinh dừng động tác, đón lấy giỏ thuốc, tò mò nhìn Phạm Từ Sơn: "Anh định đi đâu à?"

"Ta phải trở về Đông Kinh có việc gấp. Lần này không biết bao giờ mới quay lại. Cô phải cẩn thận, vết thương không có gì nghiêm trọng thì đừng đến y quán, đề phòng người khác phát hiện."

An sinh gật đầu cảm ơn Phạm Từ Sơn vì những gì anh đã làm suốt thời gian qua cho cô.

Xe ngựa đỗ sẵn ở ngoài cổng, Phạm Từ Sơn có chút lưu luyến. Lần này về kinh không biết bao giờ mới gặp lại, anh hy vọng sẽ có duyên hội ngộ với cô. Nếu An Sinh nhất mực chọn theo Lê Toàn, anh cũng chỉ cầu cho cô được bình an.

***

Phạm Từ Sơn vừa rời đi vài hôm thì người trong kinh thành đã gửi tin đến, cấp báo rằng Trịnh Thái phi bỗng dưng phát bệnh.

Lê Toàn một bên lo chính sự, một bên đau đầu nghĩ về chuyện hồi kinh. Y ở trong tư phòng, cả ngày giam mình giữa đống thư án.

An Sinh ngồi một bên uống trà ăn bánh, vẽ nguệch ngoạc linh tinh. Cho đến nửa đêm, Ngô Bằng gõ cửa đem vào một ít thức ăn và trà mới, khuyên Lê Toàn nghỉ ngơi. Lê Toàn không để lời cậu vào tai, cứ miệt mài lật dở rồi lại ghi chép.

An Sinh để ý thái độ buồn bã của Ngô Bằng. Nhân cơ hội Lê Toàn mải làm việc, trốn khỏi phòng đuổi theo gã thị vệ mặc y phục màu xanh kia, vừa chạy đến cuối gian nhà thì bắt kịp cậu.

"Ngô Bằng!"An Sinh nói lớn.

Ngô Bằng quay lại nhìn thiếu niên da trắng đứng dưới trăng gọi mình, không hiểu vì sao lại mơ hồ nhìn thành một thiếu nữ.

"Anh đứng ngây ra đó làm gì thế?" An Sinh từ lúc nào đã lại gần Ngô Bằng hơn, cô khẽ đẩy nhẹ cậu một cái, cười khoái chí.

Ngô Bằng bừng tỉnh, đánh mắt qua An Sinh, tới cả cậu cũng chẳng rõ lý do mình lại đứng hình.

"Tôi hỏi cái này, ngài Lê Toàn từ khi nhận được tin Thái phi bị bệnh cứ như người mất hồn. Tôi ở cạnh ngài ấy gọi đến hai, ba lần ngài ấy mới nghe. Rốt cuộc là Thị ngự sử đang lo lắng cho bệnh tình Thái phi hay lo cho bệ hạ vậy?"

Câu hỏi của An Sinh khiến Ngô Bằng giật mình.

Vốn dĩ định về đến kinh thành rồi mới nói cho An Sinh biết một số tin tức về ngài Thị ngự sử, không ngờ chuyện ở đây chưa xong thì Trịnh Thái phi đột ngột ngã bệnh, mà bệnh tình lần này tự nhiên trở nặng. Phạm Từ Sơn tức tốc về kinh. Lê Toàn vì chuyện quan viên lộng hành đành chỉ có thể ở nơi phương xa cầu bình an.

Ngô Bằng suy đi nghĩ lại, lần này ra ngoài không ai hay biết, nếu cậu để lộ thân thế quan lớn, nhất định sẽ bị tội. Huống hồ người nên nói với An Sinh phải là Lê Toàn mới đúng.

"Bệ hạ ba tuổi đã mất mẹ, Trịnh Thái phi là người duy nhất chăm sóc bệ hạ không khác gì con ruột. Ngài Thị ngự sử thân là thần tử thân cận của bệ hạ, lo lắng là lẽ phải. Sao ngươi lại hỏi ta chuyện đó?"

"Nhưng mà, anh không thấy quan tới cả ăn cũng không nuốt trôi sao?"

"Ta... Quan đang lo sự vụ. Ngươi không quay về giúp còn đứng đây nói nhảm. Mau quay về đi." Vừa nói, Ngô Bằng vừa đẩy An Sinh về hướng ngược lại.

An Sinh vùng vẫy bị ép đi tới, tỏ rõ ý không muốn về nơi chán ngắt yên tĩnh đó: "Nhưng ngài cũng là thị vệ của quan, sao chỉ có mình ta phải theo hầu? Này này, Ngô thị vệ..."

***

Mấy ngày Lê Toàn đi vắng, phủ tri huyện bỗng yên ắng lạ thường. An Sinh ở trong phòng buồn bực, muốn nhân lúc rảnh rỗi kiếm Lê Toàn tìm người nhưng y cả ngày bận sự vụ, không ghi ghi chép chép thì cũng cắm mặt vào giấy tờ. Lúc Lê Toàn làm việc, da mặt vừa lạnh vừa căng, chẳng bận tâm đến người ngoài.

Nhiều lần An Sinh hỏi Ngô Bằng rốt cuộc ở đây xảy ra chuyện gì mà đã qua hai tháng, ngài Thị ngự sử vẫn chưa hồi kinh. Ngô Bằng chỉ cười khì, cố ý né tránh trả lời cô.

Sang tháng thứ ba, cô được lệnh đi theo Lê Toàn rời phủ. Y trao cô một bảo kiếm, căn dặn cẩn thận: "Chỉ cần là nguy hiểm hãy lập tức rút kiếm."

Xe ngựa chở An Sinh và Lê Toàn đi một đoạn đường dài. Tới khuya, người đã thấm mệt, An Sinh ăn vội cái bánh bao, tò mò nhìn chủ nhân hỏi: "Thưa quan, chúng ta đang đi đâu vậy?"

"Bắt tặc thần."

"Bắt tặc thần?" An Sinh tí thì mắc ngang miếng bánh bao cắn dở trong miệng, trợn tròn mắt định mắng Lê Toàn.

Y coi cô là cỗ máy chiến đấu hay gì mà muốn lôi đi đánh nhau lúc nào thì lôi. Vả lại, đang đêm hôm khuya khoắt, có tặc thần nào nhàn rỗi tới mức mở cửa đợi bọn họ đến?

"Dạ, khuya thế này rồi, ngài còn kéo ta đi bắt cái gì tặc thần? Ta... mệt lắm. Ngài... cho ta xuống đây đi." An Sinh vừa nói vừa ngô nghê cười, trán toát mồ hôi vì thời tiết nóng nực trong xe ngựa.

Lê Toàn không trả lời, mặc cho khuôn mặt An Sinh méo xệch, đổi hết từ trạng thái này qua trạng thái khác.

Tới khoảng canh ba, xe ngựa của hai người dừng bánh. Trong bóng đêm, Ngô Bằng bất thình lình xuất hiện từ đằng sau, cậu nhìn An Sinh cười toe toét, lại nhìn Lê Toàn gật đầu một cái.

Phía sau Ngô Bằng lố nhố một toán người mặc áo giáp, cầm giáo dài. An Sinh thở dài biết mình không tránh nổi tai hoạ, đành theo ý Lê Toàn dắt bảo kiếm bên hông.

Toàn quân và ba người đi bộ thêm một đoạn, ngựa và xe gửi lại cho phu xe. Ít phút sau, phía trước mặt An Sinh đã là một cánh cửa gỗ khổng lồ, bên trên có bức hoành phi ghi chữ Hán.

An Sinh huých tay Ngô Bằng hỏi nhỏ: "Chữ trên đó đọc là gì vậy?"

Ngô Bằng không giấu nổi kinh ngạc. Cậu ở cạnh An Sinh lâu như vậy vẫn chưa hề hay biết cô không biết chữ, đúng là khiến cậu bất ngờ.

Ngô Bằng không muốn An Sinh nghĩ cậu coi thường cô, nhanh như cắt đã thu về ánh nhìn sỗ sàng, sau đó thì thầm bên tai cô: "Là Sơn Nam An phủ xứ."

"An phủ xứ? Đó là gì?"

Phải nói người Đại Việt dùng quá nhiều ngôn ngữ kỳ lạ, thỉnh thoảng nói chuyện lại khiến An Sinh tù mù chẳng hiểu gì.

"Là phủ của vị quan đứng đầu một trấn."

"Đứng đầu một trấn?"

Là một tỉnh sao? An Sinh lắc đầu bỏ qua khái niệm phức tạp, hơi nghiêng người sát Ngô Bằng hỏi: "Giờ thì chúng ta làm gì tiếp?"

"Bắt trộm."

Dứt lời, Ngô Bằng chia quân lính ra làm hai đạo, một nửa theo cậu xông vào từ cửa chính, hai cửa phụ sẽ do Lê Toàn và An Sinh trấn giữ hòng không để tặc thần tìm đường thoát thân.

An Sinh tò mò: "Lỡ hắn ta có lối đi bí mật khác thì sao?"

Ngô Bằng cười toe toét vỗ vai cô: "Ta đã thăm dò trước, lối đi bí mật ấy sẽ thông ra vị trí của Lê Toàn và ngươi."

"Thế còn cửa phụ? Không phải ta và ngài Thị ngự sử sẽ trấn giữ à?"

Ngô Bằng gõ nhẹ lên trán An Sinh. Đúng là dù có giỏi võ nghệ nhưng An Sinh vẫn chỉ là một thiếu niên chưa lớn.

"Cửa phụ chỉ là kế gian binh. Nếu ta bịt lối đi chính thì bọn chúng sẽ nghĩ có người phục sẵn ở cổng phụ, kế đó chúng sẽ dùng đến lối đi bí mật. Như vậy ta có thể một mẻ tóm gọn bọn chúng."

An Sinh như được mở mang tầm mắt, cô làm sĩ quan suốt năm năm trời nhưng mỗi lần học tiết tâm lý học quân sự thì lại lăn ra ngủ. Thứ sách vở ấy không hợp với người ưa vận động như cô. Ở thời này đã là nam nhi thì phải đọc nhiều binh pháp, gia nhập quân ngũ, tiến ra sa trường giết giặc lập công.

Ngô Bằng cho An Sinh xem qua bản đồ an phủ xứ một lượt, chỉ cho cô con đường tiến quân gặp Lê Toàn. An Sinh học rất nhanh, nắm bắt tình hình trong chốc lát. Bàn bạc xong xuôi, cô kéo quân của mình men theo hướng Bắc di chuyển, bước chân của cô nhẹ nhàng nhưng không chậm chạp, chỉ một lúc sau đã đến được vị trí mai phục.

Thời gian vừa điểm canh tư, phủ quan lớn bắt đầu có tiếng người la hét, tiếng gươm đao chạm cạnh, tiếng chó sủa gà bay. Không lâu sau đó, một đám người áo đen trùm kín mặt xuất hiện từ cái hang ở hướng Bắc mà An Sinh phục sẵn, đi cuối cùng là khoảng sáu, bảy tên mặc giao lĩnh bằng gấm, tóc búi khăn thêu. Chúng vội vã ôm theo mấy cái túi vải, lật đật tháo chạy như ma đuổi.

Vừa hay lúc ấy, An Sinh phất tay ra hiệu cho quân lính xông ra giao tranh với đám người áo đen, cô cũng uy dũng dùng bảo kiếm đánh ngã không ít người.

Đánh tới thấm mệt, An Sinh đảo mắt tìm viện trợ của Lê Toàn nhưng không thấy y đâu. Đến khi quân An Sinh bị đẩy lùi, người bị thương nằm la liệt dưới chân, Lê Toàn mới từ đằng xa bước tới, binh lính đi theo hắn đông nghẹt bao vây toàn bộ đám người mới chui ra từ hang động.

Lê Toàn giơ cao bảo kiếm rút ra từ khăn lụa kim sa, dõng dạc nói: "Nhìn thấy ngự kiếm Thiệu Bình như thấy bệ hạ. Kẻ nào dám kháng lệnh giết không tha."

Ngay lập tức, toàn bộ binh lính quan quân tặc thần đều đồng loạt quỳ gối. An Sinh bấy giờ chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, cứ thế chống kiếm ngồi bệt xuống đất thở hổn hển. Lê Toàn chau mày liếc qua cô. Sau đó, y lại lạnh lùng nhìn xuống đoàn người quỳ gối dưới kia.

...

Toàn bộ người bị bắt bao gồm an phủ xứ trấn Sơn Nam, tuyên phủ sứ các lộ và tri huyện các châu, xã lân cận huyện Thiên Lộc.

Ngô Bằng bảo suốt ba tháng qua, cậu và Lê Toàn đã không ngừng thu thập chứng cứ, sổ sách chứng minh số liệu lương thực trong kho bị chia đi là sai lệch, đồng thời Ngô Bằng cũng là người thăm dò được việc các viên quan bí mật họp mặt định kỳ ba tháng một lần. Cậu giả làm gia nô trong phủ quan Hành khiển, lấy được giấy tờ và nhiều văn khế, tìm ra đường hầm bí mật.

Lê Toàn ngồi cả ngày trong phòng mục đích để đánh lạc hướng các quan lại rằng y không làm gì, mặt khác tránh việc quan viên nóng vội ra tay giết người như hôm nọ. Y cũng đã viết xong sớ thư gửi về kinh thành. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và đúng kế hoạch, chỉ riêng An Sinh là không biết gì, đang yên đang lành lại bị kéo vào nguy hiểm.

Về tới phủ, An Sinh lập tức thở phào uống cạn bình trà trên bàn.

Lê Toàn từ xa bước tới, đưa cho cô một cái bánh bao đã nguội. Đây là cái bánh bao cô và y được phát lúc ngồi trên xe ngựa. An Sinh bỗng ngơ ngác, trân trân nhìn chàng trai đứng trước mình. Ấy thế nào y lại dịu dàng nhìn cô đáp lại, biểu cảm khác hoàn toàn với một Lê Toàn lạnh nhạt, hung hãn khi làm công vụ.

An Sinh đón lấy bánh bao, lí nhí câu cảm tạ trong cổ họng. Lê Toàn mỉm cười lần nữa. Trái tim An Sinh một khắc lệch nhịp.

Từ xa, Ngô Bằng thẫn thờ chứng kiến toàn bộ hành động của Lê Toàn dành cho An Sinh, trên tay còn cầm một giỏ bánh bao nóng hổi. Cậu bỗng cảm thấy ghen tị với Lê Toàn. Một người quy tắc như chủ nhân của cậu sẽ không bao giờ đối xử với bề tôi của mình như thế. Nhưng lần này thì khác, ngay từ lần gặp đầu tiên, Lê Toàn đã sai Ngô Bằng để ý cậu thiếu niên nhỏ nhắn ấy, cái tên ốm tong teo rách rưới đã đánh ngã hàng chục lính quan phủ.

"An Sinh, rốt cuộc ngươi là người thế nào?" Ngô Bằng nhủ thầm trong lòng, buồn bã ôm giỏ bánh quay gót rời đi.

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me