LoveTruyen.Me

Văn Tham Khảo 📚

Văn 9: PT NV Lục Vân Tiên

hannahk2103

Đề:   
    Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
    Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”
    Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây?
    Trước gây việc dữ tại mầy.
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”
...
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong. (trích Lục Vân Tiên)
    Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác cũng viết về người anh hùng hoặc thực tế cuộc sống hôm nay để thấy được những người anh hùng quả cảm, tấm lòng vị nghĩa luôn là hình ảnh đẹp có sức lan tỏa, làm ta thêm tự hào về đất nước và thêm tin yêu vào cuộc sống.

Bài làm

    “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.”
    Đây là quan niệm sống đẹp của một vì sao sáng của bầu trời văn học dân tộc- Nguyễn Đình Chiểu. Truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên” của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu ấy không biết tự bao giờ đã đi sâu vào trái tim của người con Nam Bộ và để lại nhiều cảm xúc. Hình ảnh chàng trai họ Lục dũng cảm, khôi ngô, nghĩa hiệp, từ tâm, nhân hậu, giữ gìn lễ giáo phong khiến, trọng nghĩa khinh tài đã khiến tác phẩm gần gũi hơn với mọi người. Đến với đoạn trích thơ trích trong “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, ta càng nhận ra vẻ đẹp của chàng trai họ Lục tương tự với vẻ đẹp những anh hùng trong cuộc sống hôm nay:
    Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
     Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”
    Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây?
    Trước gây việc dữ tại mầy.
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”
...
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong. (trích Lục Vân Tiên)

    Truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên” được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác khoảng đầu những năm năm mươi của thế kỉ XIX. Truyện bao gồm 2082 câu thơ lục bát kể về cuộc đời của chàng trai tên Lục Vân Tiên quê ở huyện Đông Thành trải qua biết bao nhiêu sóng gió đã đến được bến bờ hạnh phúc. Lục Vân Tiên là một nhân vật được cụ Đồ Chiểu xây dựng rất hoàn hảo với mục đích muốn dạy đạo lí cho con người. Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” nằm ở đầu truyện, nói về Lục Vân Tiên trên đường về nhà thăm cha mẹ trước khi ứng thí, thấy chuyện bất bình ra tay cứu giúp, một mình đánh bọn cướp Phong Lai cứu Kiều Nguyệt Nga- con nhà tri phủ mà chẳng cần nàng hay ai khác trả ơn.

    Dù đã được dân làng ra sức cảnh báo nhưng Vân Tiên vẫn không ngoảnh mặt làm ngơ trước bọn cướp Phong Lai:
    “Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.”
    Hành động đánh bọn cướp Phong Lai của Lục Vân Tiên cho ta thấy bản lĩnh anh hùng, tài năng và dũng cảm của chàng. Không chút do dự, chàng trai họ Lục “vị nghĩa vong thân”, mặc cho bọn cướp được trang bị vũ khí, chàng chỉ bẻ cây làm gậy xông vô chốn nguy hiểm cứu giúp kẻ yếu. Hình ảnh chàng trai dũng cảm, văn võ song toàn, chẳng màng hiểm nguy, quên mình cứu người cũng chính là ước mơ của nhân dân về một anh hùng giữa đời thường bản lĩnh, dũng cảm, coi thường khó khăn gian khổ, thương yêu con người,... Chàng đánh cướp rất công khai, quan minh, chính đại qua lời vạch tội đanh thép:
    Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

Lời vạch tội đanh thép của Lục Vân Tiên thể hiện bản lĩnh anh hùng của chàng. Chỉ rõ tội của bọn cướp Phong Lai: hại dân, giở thói hung hăng,... Câu nói làm cho tên cướp Phong Lai điên lên:
    Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây?
    Trước gây việc dữ tại mầy.
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”

   Bốn câu thơ cho thấy sự tức giận của tên cướp Phong Lai và tình thể nguy cấp của Lục Vân Tiên khi bị lũ cướp dưới trướng Phong Lai “phủ vây bịt bùng”. Đồng thời cũng thấy được giọng điệu hống hách, hung tàn, không coi ai ra gì của tên cầm đầu băng cướp. Trước tình thế ấy, chàng trai họ Lục đã không chùn bước mà đã “tả đột hữu xông”, thể hiện tài năng võ nghệ của bản thân, đánh tan lũ cướp như một dũng tướng trong Tam quốc diễn nghĩa: Triệu Tử Long.
    “Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Giang
        Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
    Phong Lai trở chẳng kịp tay
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.”

   Hình ảnh Lục Vân Tiên đánh cướp oai phong như vị anh hùng nổi tiếng thời Tam Quốc: Triệu Tử Long. Ngoài ra, hình ảnh “Triệu Tử phá vòng Đương Giang” chứng tỏ cụ Đồ Chiểu rất hiểu người dân Nam Bộ. Lục Vân Tiên chiếm thế chủ động tung hoành khi lâm trận khiến “lâu la bốn phía vỡ tan” đều phải quăng hết vũ khí trốn chạy. Đến Phong Lai- một tên cướp giỏi võ nghệ, hung ác và có vũ khí còn “trở chẳng kịp tay” và đã bị bỏ mạng trước khi chàng trai họ Lục khiến ta nể phục và trân trọng tác phẩm hơn bởi chữ “dũng” tỏa sáng nơi Lục Vân Tiên. Và càng nâng niu hơn giấc mơ về người anh hùng giữa đời thường.

    Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” đã khép lại, để lại bao ấn tượng khó phai về một nhân vật có bản lĩnh anh hùng, khôi ngô, văn võ song toàn, từ tâm, nhân hậu, quên mình, bênh vực kẻ yếu. Chẳng cần bất kì thủ pháp mĩ lệ hóa, cũng chẳng dùng bút pháp tả cảnh ngụ tình, ước lệ, ngôn ngữ trau chuốt, giàu sức gợi như Nguyễn Du, cụ Đồ Chiểu vẫn làm cho truyện thơ Nôm đến gần với trái tim người đọc hơn nhờ ngôn ngữ có phần thiếu trau chuốt, giản dị nhưng lại rất tự nhiên, dễ di vào quần chúng, hình ảnh gần gũi, thân thuộc thể hiện sự bộc trực, mộc mạc của con người đất Nam Kì Lục Tỉnh. Không chỉ thế, điều làm tất thảy mọi người bị cuốn hút chính là vì nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc của Nguyễn Đình Chiểu, motip “anh hùng cứu mĩ nhân” quen thuộcc, hai tuyến nhân vật đại diện cho chính nghĩa và nhân vật gieo rắc đau khổ cho kẻ yếu khiến ta thấm thía hơn ước vọng về một anh hùng quả cảm, có tấm lòng vị nghĩa ở cuộc sống hôm nay. Lục Vân Tiên là nhân vật chính, được xây dựng một cách hoàn hảo nhằm dạy đạo lí cho con người. Tuy chàng giống như bao anh hùng khác, luôn phải đối mặt với khó khăn nhưng rồi chàng cũng sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc cho riêng mình.

    Người hạnh phúc nhất chính là người đem lại hạnh phúc cho người khác. Quả đúng là như vậy. Vì sao lại có những người sẵn sàng đứng ra bệnh vực, bảo vệ cho kẻ yếu, “vị nghĩa vong thân” như Lục Vân Tiên. Có lẽ vì chàng thấy việc, “ra sức anh hào” là chuyện hiển nhiên, là điều khiển chàng cảm thấy hạnh phúc vì đẫ mang lại hạnh phúc cho những người mình cứu giúp. Nhìn người anh hùng Lục Vân Tiên, nhìn thấy những hành động nghĩa hiệp mà chàng đã làm ta bất ngờ nhận ra xung quanh ta vẫn luôn có những chàng Vân Tiên như thế. Hằng ngày họ vẫn luôn bảo vệ thầm lặng cho người dân, sẵn sàng xông pha đối mặt với hiểm nguy để giúp đỡ người gặp nạn, ngăn chặn cái ác, đứng về phía lẽ phải. Chúng ta còn nhớ tới cái tên Nguyễn Văn Minh Tiến, hiệp sĩ đường phố ở TPHCM dã hơn năm mươi lần bắt cướp. Và đây nữa, anh Hồ Hiếu Tâm, người tài xế với đôi tay chai sần ở quận 12 đã dũng cảm quật ngã, bắt gọn hai tên cướp giật túi xách người đi đường. Hay gần đây nhất là người anh hùng khiến ta cảm phục Nguyễn Ngọc Mạnh, đã nhanh trí, dũng cảm cứu sống cháu bé ba tuổi rơi từ tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ta cũng không quên Thiếu tá Nguyễn Đức Nghĩa bơm xe miễn phí ở Khu CN Sóng Thần (Bình Dương). Dù ai có đòi trả cho ông, ông cũng từ chối và nghĩ việc bơm xe miễn phí là một hành động giúp đỡ người gặp khó khăn, không cần được đền đáp... Tất cả những con người ấy tuy khác biệt nhưng lại đồng điệu trong hành động, khiến người người phải nể phục và trân trọng. Họ như những bông hoa tỏa hương góp phần làm đẹp cho cuộc sống ngày nay. Họ đã tiếp nối đạo lí làm người cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu, góp phần khiến cuộc sống ngày càng tươi đẹp, đời sống nhân dân ngày càng hoàn thiện hơn, Giống như những chàng Lục Vân Tiên giữa đời thường.

    Nhân vật trong truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên” được xây dựng theo thủ pháp quen thuộc của truyện cổ dân gian để nhân vật trực tiếp bộc lộ bản chất, tính cách bằng hành động. Đặc biệt trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, ta càng nhận thấy rõ vẻ đẹp của chàng trai họ Lục: lòng dũng cảm, nghĩa hiệp, lại rất từ tâm, trọng nghĩa khinh tài, bản lĩnh,... Qua đó, Nguyễn Đình Chiểu muốn ca ngợi những con người “vị nghĩa vong thân”, hào hiệp, quả cảm, nhân hậu và dạy ta đạo lí làm người. Cảm ơn cụ Đồ Chiểu khi xưa đã sáng tác ra một tác phẩm thật hay, gợi nhắc cho mỗi chúng ta về một lối sống đẹp và đồng thời cũng giúp ta nhận ra vẻ đẹp của những con người Việt Nam hôm nay dám quên mình giúp đỡ kẻ yếu, bản lĩnh, đứng về phía lẽ phải.

Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: LoveTruyen.Me